Chi phí thương mại: Rào cản của năng lực cạnh tranh

Thứ bảy, 16/06/2018 19:15 PM - 0 Trả lời

(CLO) Nghiên cứu của Ngân hàng thế giới cho thấy, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đang bị mất lợi thế cạnh tranh trên thế giới do chịu gánh nặng chi phí thương mại trong nước. Chi phí thương mại, gồm chi phí hậu cần, dịch vụ giao thông, được xem là rào cản thương mại tương đương như thuế quan.

Cụ thể, tổng chi phí hậu cần và tạo thuận lợi thương mại có thể tương đương 25% GDP, cao gấp đôi so với các nước thành viên của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OEDC). Ngoài ra, xét về khía cạnh thời gian trong chi phí thương mại (những thiệt hại do chậm trễ) cũng gây trở ngại cho doanh nghiệp xuất khẩu. Cụ thể, mỗi ngày chậm trễ ở biên giới tương đương với chi phí tăng thêm 0,8% giá trị hàng hoá chuyên trở. 

Giảm được một ngày làm thủ tục thông quan là chi phí giảm được khoảng 1% tổng kim ngạch thương mại, tức giảm chi phí được 1,7 tỷ USD. Phần lớn ý kiến biện minh rằng hạ tầng kém là một trở ngại cho việc thông quan, nhưng thực tế sự chậm trễ trong thông quan của Việt Nam hiện nay thì 75% do thủ tục hành chính, chỉ 25% là do hạ tầng mà thôi. Đã có hải quan điện tử và lẽ ra sau khi khai xong sẽ ra thông quan hàng hoá, nhưng thực tế doanh nghiệp vẫn phải in ra lại và thực hiện các quy trình như các thủ tục giấy tờ bình thường. Kiểm soát được chi phí hậu cần là yếu tố quyết định đến lãi, lỗ của doanh nghiệp điện tử, vì lợi nhuận gia công rất nhỏ, trong khi chi phí sản xuất trên mỗi sản phẩm khá ổn định do công nghệ có thời gian thay đổi chậm. 

Báo Công luận
Việt Nam cần tăng cường tạo thuận lợi thương mại thông qua đơn giản hóa thủ tục hải quan và các quy định quản lý chuyên ngành nhằm tăng cường hiệu quả của chuỗi cung ứng, giảm các chi phí, gánh nặng thủ tục, và các điểm tắc nghẽn đối với doanh nghiệp. Ảnh minh hoạ - nguồn internet 

Thành công trước đây của Việt Nam chủ yếu dựa vào giảm chi phí thương mại thông qua việc cắt giảm thuế quan, tuy nhiên đến nay quá trình này đã đạt giới hạn. Để tiếp tục duy trì thành công, Việt Nam cần tập trung vào giảm chi phí thuế quan, gồm chi phí tuân thủ hành chính trước và tại cửa khẩu và chi phí logistics. Doanh nghiệp logistics Việt Nam nên nghĩ tới việc liên kết liên doanh, phối hợp với chủ hàng để tạo quy mô lớn hơn. WB nhận định, triển vọng kinh tế Việt Nam tiếp tục cải thiện với dự báo GDP trong năm 2018 sẽ tăng 6,8%. Mức tăng trưởng gần đây đã cao hơn do điều kiện thuận lợi trong nước và quốc tế, nhưng cũng có thể tốc độ tăng sẽ giảm dần. 

Do đó, trong ngày 14/6, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã tổ chức công bố báo cáo cập nhật tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm của Việt Nam với nhiều khuyến nghị tập trung vào các ưu tiên cải cách, nhằm giảm chi phí thương mại và tăng cường năng lực cạnh tranh. Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khuyến nghị trước hết Việt Nam cần tăng cường kết nối để giảm chi phí thương mại và tăng sự ổn định cho các doanh nghiệp trong nước về thực hiện đơn hàng trên cơ sở tối ưu hóa đầu tư vào vận tải đa phương thức và các trung tâm logistics, thu hút đầu tư tư nhân. 

Điều kế tiếp, Việt Nam cần tăng cường tạo thuận lợi thương mại thông qua đơn giản hóa thủ tục hải quan và các quy định quản lý chuyên ngành nhằm tăng cường hiệu quả của chuỗi cung ứng, giảm các chi phí, gánh nặng thủ tục, và các điểm tắc nghẽn đối với doanh nghiệp. Cùng với cải cách của ngành hải quan thì việc cải thiện khung khổ pháp lý để tạo thuận lợi thương mại, gồm các quy trình cấp phép, thủ tục hành chính áp dụng trước và tại cửa khẩu cần phải hoàn thiện, tránh sự chồng chéo. 

Một điểm nữa là phải phối hợp, cộng tác liên ngành với doanh nghiệp để thực hiện Chương trình hành động trên cơ sở cam kết của tất cả các cơ quan và một cơ chế phối hợp liên ngành có sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ. Việt Nam cần phải tăng cường phối hợp liên ngành và cơ chế thực hiện để giảm chi phí thương mại và nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong đó, ưu tiên cải cách tạo thuận lợi thương mại phải dựa trên những trụ cột chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành (KTCN) – hiện vẫn chiếm 55% tổng thời gian nhập khẩu. Cần phải áp dụng chuẩn quốc tế trong phân loại các biện pháp KTCN trên cơ sở thực hiện phân tích chi phí – lợi ích của từng biện pháp; tăng cường KTCN hiệu quả bằng cách áp dụng quản lý tuân thủ dựa trên rủi ro, ứng dụng công nghệ thông tin thông qua cơ chế một cửa quốc gia và cho phép kiểm tra sau thông quan. 

Cùng với đó, cần phải ưu tiên cải cách hạ tầng kết nối và cải thiện chất lượng dịch vụ logistics, bởi theo đánh giá của WB, hiện nay vận chuyển hàng hóa tại Việt Nam đã tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng GDP. Trong khi đó, hệ thống hạ tầng đường bộ cao tốc chất lượng cao còn ít dẫn đến tốc độ và mức độ tin cậy về dịch vụ vận tải thấp và có sự chênh lệch lớn giữa cung – cầu về khả năng xếp dỡ hàng hóa do quy hoạch không hiệu quả và không dự báo được nhu cầu vận tải chuỗi giá trị hàng hóa. WB nhấn mạnh, Việt Nam cần ưu tiên xây dựng và phát triển một hệ thống thống kê logistics đáng tin cậy để hỗ trợ các cơ quan chính phủ xây dựng chính sách, giám sát tiến độ cải cách logistics để tạo thuận lợi cho DN có điều kiện phát triển chiến lược kinh doanh hợp lý, giảm chi phí logictics một cách hiệu quả hơn. 

Giai đoạn kinh tế hiện đang vận hành vững chắc sẽ là cơ hội lớn để đầu tư cho nguồn nhân lực, qua đó giúp giải quyết những thách thức nhằm duy trì đà tăng trưởng. WB luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu tăng trưởng bền vững hơn trong dài hạn./.

Cẩm Tú

Tin khác

Lãi suất vẫn đang giảm

Lãi suất vẫn đang giảm

(CLO) Trong buổi họp báo quý I/2024, Ngân hàng Nhà nước cho biết, lãi suất tiền gửi và cho vay mới của các ngân hàng thương mại giảm so với cuối năm 2023.

Tài chính - Bảo hiểm
Saigontel (SGT) lợi nhuận kém khả quan, giảm lượng cổ phiếu chào bán xuống 75 triệu

Saigontel (SGT) lợi nhuận kém khả quan, giảm lượng cổ phiếu chào bán xuống 75 triệu

(CLO) CTCP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn - Saigontel (SGT) dự kiến giảm lượng chào bán cổ phiếu riêng lẻ xuống còn 75 triệu cổ phiếu.

Tài chính - Bảo hiểm
SeABank đặt mục tiêu tăng trưởng 28%, tăng vốn điều lệ lên 30.000 tỷ đồng

SeABank đặt mục tiêu tăng trưởng 28%, tăng vốn điều lệ lên 30.000 tỷ đồng

(CLO) Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, SeABank công bố kế hoạch kinh doanh năm 2024 với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 5.888 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2023 và tăng vốn điều lệ lên 30.000 tỷ đồng.

Tài chính - Bảo hiểm
MB dự kiến đạt 30 triệu khách hàng, tổng tài sản vượt 1 triệu tỷ đồng năm 2024

MB dự kiến đạt 30 triệu khách hàng, tổng tài sản vượt 1 triệu tỷ đồng năm 2024

(CLO) Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, ban lãnh đạo MB dự kiến tổng tài sản tăng vượt 1 triệu tỷ đồng, tăng số lượng khách hàng lên 30 triệu người.

Tài chính - Bảo hiểm
Vì sao Long Châu chỉ mở 2.500-3000 cửa hàng là dừng, trong khi dung lượng thị trường tới 60.000 cửa hàng?

Vì sao Long Châu chỉ mở 2.500-3000 cửa hàng là dừng, trong khi dung lượng thị trường tới 60.000 cửa hàng?

(CLO) Câu hỏi được cổ đông của FPT Retail (FRT) đưa ra về kế hoạch mở rộng đến 2.500 - 3.000 nhà thuốc là dừng lại trong khi dung lượng thị trường tới gần 60.000 cửa hàng. Như vậy liệu thị phần của Long Châu có quá ít ỏi?

Tài chính - Bảo hiểm