Còn “nhầm lẫn” về FDI thế hệ mới Tính đến 20/7/2018, Việt Nam đã thu hút được thêm 13,2 tỷ USD vốn đăng ký mới cùng với 4,95 tỷ USD vốn đăng ký tăng thêm. Đó là chưa kể 4,79 tỷ USD vốn góp và mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (tăng 53,3% so với cùng kỳ 2017). Những con số này đã cho thấy sức hấp dẫn của thị trường và môi trường đầu tư của Việt Nam đang không ngừng tăng lên. Chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh qua nhiều phân tích, đã kết luận: Dòng vốn FDI vào Việt Nam đang có sự dịch chuyển theo cả chiều rộng và chiều sâu song chưa ổn định và vững chắc. Nắm bắt được xu thế dịch chuyển này, hướng sự dịch chuyển luồng vốn FDI vào lĩnh vực công nghệ cao đồng thời khai thác tốt những ưu điểm của FDI phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước là rất quan trọng và cấp thiết.
Thực tế, thời gian qua đã có rất nhiều ý kiến cho rằng, dù FDI tại Việt Nam có đóng góp quan trọng vào xuất khẩu, đóng góp vào ngân sách, dịch chuyển cơ cấu kinh tế, nâng cao trình độ công nghệ,… Song, tác động lan tỏa từ khu vực FDI đến khu vực doanh nghiệp trong nước còn hạn chế do phần lớn đầu tư chỉ tập trung vào các ngành có giá trị gia tăng tương đối thấp. Do đó, cần có sự bứt phá, tập trung thu hút vốn vào các ngành công nghệ cao, thân thiện với môi trường, ít tiêu hao năng lượng…
Về
“chiến lược”, TS Phan Hữu Thắng, nguyên Cục Trưởng Cục ĐTNN - Bộ KH&ĐT cho rằng: FDI thế hệ mới cần thu hút trong thời gian tới không có nghĩa là hoàn toàn mới, không có nghĩa là chỉ liên quan đến các thành tựu mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) mà bỏ qua các lĩnh vực, ngành nghề truyền thống đã và đang thu hút hiện tại.
TS Thắng cho rằng, nhận thức chung của chúng ta hiện nay còn rất hạn chế về nội dung, đặc thù của cuộc CMCN 4.0, mới dừng lại ở việc xác định CMCN 4.0 là giai đoạn tiếp theo trong việc số hóa khu vực sản xuất; CMCN 4.0 đang làm thay đổi cách thức tổ chức và sản xuất, kinh doanh,… trong đó việc thay thế lao động con người bằng công nghệ mới và người máy là một xu thế tăng trưởng khó có thể đảo ngược.
Tuy vậy, mọi thành quả của CMCN 4.0 không thể áp dụng ngay vào Việt Nam trong một số năm trước mắt, mà phải áp dụng dần từng bước tương ứng với năng lực phát triển (nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn vốn tương ứng, cơ sở hạ tầng nói chung và năng lực quản lý,…). Bởi trong thu hút FDI giai đoạn tới, Việt Nam vẫn đang phải cùng lúc giải bài toán đồng bộ, bền vững, hiệu quả cả kinh tế - xã hội, bao gồm tất cả các lĩnh vực, địa bàn, không để một bộ phận nào, một ai “bị bỏ lại phía sau”, như việc người lao động phải có việc làm và thu nhập tối thiểu…
Nguyên nhân ở nội tại phải loại bỏ Theo ông Wim Douw, Chuyên gia trưởng lĩnh vực tư nhân, Tổ chức Tài chính quốc tế IFC cho rằng, phần lớn đầu tư FDI vào Việt Nam chỉ tập trung vào các ngành thuộc nhóm khai thác thị trường như bất động sản, chế tạo, chế biến giá trị gia tăng tương đối thấp.
Thực tế, theo khảo sát của IFC, hầu như không doanh nghiệp nào thấy tỷ lệ lao động có trình độ kỹ thuật cao hay chuỗi cung ứng địa phương có năng lực cạnh tranh là thế mạnh của Việt Nam. Trong khi đó, những công ty nước ngoài hoạt động ở Trung Quốc, Thái Lan hay Philippines đều cho biết những quốc gia này lao động có tay nghề cao hơn và chuỗi cung ứng tốt hơn hẳn.
Có nghĩa, nếu không cải thiện về chất lượng nguồn nhân lực, chuỗi cung ứng, khi chi phí nhân công tăng lên và miễn, giảm thuế hết hiệu lực thì Việt Nam còn gặp khó trong thu hút những lĩnh vực ngành nghề truyền thống đang bị đánh giá là hiệu ứng lan tỏa và giá trị gia tăng hạn chế.
IFC đã khuyến cáo Việt Nam cần có một chiến lược thu hút FDI thế hệ mới, trong đó tập trung vào ngành công nghệ cao, thân thiện với môi trường và tiêu hao ít năng lượng; chủ động ưu tiên xúc tiến đầu tư FDI mang lại nhiều giá trị gia tăng nhất trong thời gian tới (chế tạo chế biến, dịch vụ - Logistics, nông nghiệp, du lịch, giáo dục - y tế…). Dù vậy, những ngành then chốt khác như dệt may, da giầy, quần áo, dịch vụ gia công thuê ngoài, chế biến sơ cấp kim loại, khoáng chất vẫn sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng.
Theo IFC, các nhà đầu tư vào Việt Nam đang hoạt động cấp độ 4.0 nhưng thể chế và môi trường kinh doanh chủ yếu vẫn ở cấp 2.0. Lấp đầy sự chênh lệch này chính là mục tiêu chính của lộ trình thu hút FDI thế hệ mới.
Hiện tại, chưa có tổ chức nào ở Việt Nam có đủ năng lực, kỹ năng nhân sự và thẩm quyền đầu mối để thực hiện xúc tiến đầu tư phù hợp với FDI thế hệ mới. Bên cạnh đó, cần sửa đổi toàn diện khung chính sách ưu đãi hiện hành. Và nhất là, cả cấp trung ương và địa phương cần đổi mới tư duy từ quan điểm hào phóng, lãng phí, đua nhau ưu đãi bằng cách giảm chi phí sang quan điểm cạnh tranh dựa trên những lợi thế riêng, các tài sản chiến lược, thế mạnh đặc thù.
Hướng đi nào cho chúng ta?
Cụ thể hơn, theo TS Phan Hữu Thắng, trong giai đoạn tới, bên cạnh việc đẩy nhanh các dự án nghiên cứu và phát triển (R&D) các sản phẩm mới của cuộc CMCN 4.0, chúng ta cũng cần ưu tiên, thúc đẩy các dự án đưa ngay các sản phẩm của CMCN 4.0 vào áp dụng tại các lĩnh vực, ngành nghề mà ta đang thu hút, đặc biệt ưu tiên cho các lĩnh vực ngành nghề mà chúng ta cần phát triển thành các mũi nhọn của nền kinh tế trong giai đoạn tới, như nông lâm ngư nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ, du lịch, CNTT…
Về chiến lược thu hút FDI thế hệ mới vào Việt Nam, theo TS Phan Hữu Thắng, Việt Nam trước hết phải có 1 chiến lược chung về thu hút, sử dụng FDI trong giai đoạn tới. Xử lý được các nội dung sau đây (trong đó chiến lược thu hút FDI thế hệ mới chỉ là 1 phần trong chiến lược chung này): Phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội đất nước trong giai đoạn tới; Nắm bắt được xu thế, ảnh hưởng của các yếu tố quốc tế đến dòng vốn FDI toàn cầu, trong khu vực đến Việt Nam trong giai đoạn tới; Dựa trên thực tiễn kết quả thu hút FDI 30 năm qua để khắc phục được các tồn tại trong quá trình phát triển vừa qua; Xây dựng được nền kinh tế tự cường, không để FDI ảnh hưởng đến việc gìn giữ được bản sắc văn hóa và an ninh quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ.
Đối với chiến lược thu hút FDI thế hệ mới: Xác định rõ ngành, lĩnh vực, địa bàn ưu tiên (dành ưu tiên tối đa cho các dự án R&D các thành quả, sản phẩm của CMCN 4.0; các dự án đào tạo nguồn nhân lực 4.0… để áp dụng và cung cấp ngay cho các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp Việt Nam; các dự án áp dụng ngay các sản phẩm công nghệ cao của CMCN 4.0 hiện đang được sử dụng trên thế giới vào các doanh nghiệp liên doanh (không phải doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài) trong các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, nông - lâm - ngư nghiệp công nghệ cao, du lịch - dịch vụ (đã được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn trong giai đoạn tới), nhằm nâng cao giá trị sản xuất của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu, cũng như giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận nhanh được với các thành tựu, kiến thức của CMCN 4.0…
Cũng theo TS Thắng, các lĩnh vực về giáo dục - đào tạo, y tế,… cần được tập trung thu hút đầu tư, hướng tới xây dựng các lĩnh vực ưu tiên này thành các ngành kinh tế mũi nhọn với sự phát triển của nền sản xuất thông minh.
Ông Phan Văn Quý – GĐ Công ty Đầu tư Dịch vụ và Tư vấn Tiến Dũng: “Chỉ chấp nhận những doanh nghiệp có công nghệ sản xuất hiện đại” Việt Nam trước đây có chủ trương trải thảm đỏ thu hút vốn đầu tư, nên rất nhiều công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường được cấp phép hoạt động. Nay thì đã khác, nhiều địa phương như Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng,… chỉ chấp nhận những doanh nghiệp có tiểu sử tốt về bảo vệ môi trường, công nghệ sản xuất hiện đại.
Hiện nay, những thành tựu của CMCN 4.0 đã phủ khắp trong mọi lĩnh vực, ngành nghề. Việt Nam với thế mạnh về công nghiệp nhẹ, nông nghiệp, dịch vụ, du lịch, lao động trẻ…, cần tập trung thu hút đầu tư vào những ngành nghề, lĩnh vực ấy để tái cơ cấu ngành kinh tế, phát triển đất nước nhanh, mạnh và bền vững.
Ông Đinh Việt Thanh, Phó Trưởng phòng Tổ chức – Hành chính Tổng Công ty May 10: “Doanh nghiệp FDI ngành dệt may có quá nhiều thế mạnh” Vai trò quan trọng của khối doanh nghiệp FDI ngành dệt may thể hiện trong đóng góp kim ngạch xuất khẩu là điều không thể phủ nhận. Các doanh nghiệp FDI chỉ chiếm hơn 20% trong tổng số 6.000 doanh nghiệp dệt may, nhưng đang đóng góp gần 70% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.
Khối doanh nghiệp FDI đã và đang tiếp tục thể hiện lợi thế trong cuộc đua kim ngạch xuất khẩu so với khối doanh nghiệp trong nước.
Tuy nhiên, trong số 20% doanh nghiệp FDI ngành dệt may, ngoài điểm chung là công suất lớn, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng thiết lập và đầu tư chuỗi sản xuất khép kín. Có thể thấy rõ điều này khi nhìn vào sự gia tăng nhanh chóng của kim ngạch nhập khẩu bông, xơ sợi, vải và các nguyên liệu phụ trợ cho ngành (năm 2015, nhập khẩu nguyên phụ liệu hơn 16 tỷ USD). Đặc biệt, sự hỗ trợ lớn về thị trường từ công ty mẹ đang giúp các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam có nhiều lợi thế hơn hẳn các doanh nghiệp nội.
Để tiếp tục ổn định, phát triển, ngành Dệt may Việt Nam trước hết phải tăng năng suất lao động bằng công nghệ, tạo ra lợi thế cạnh tranh. Cụ thể là phải đầu tư tiếp cận công nghệ hàng đầu của thế giới, giảm lượng lao động trên một sản phẩm. Làm được điều đó, các doanh nghiệp dệt may có thể tăng năng suất, rút ngắn thời gian giao hàng, cùng với đó là tăng lương cho người lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm và hạ giá thành,…
Ts Phan Hữu Thắng, nguyên Cục Trưởng Cục ĐTNN - Bộ KH&ĐT: “Cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách về FDI” Có thể nói, chính sách về FDI của Việt Nam thời gian vừa qua là phù hợp với quá trình phát triển của từng giai đoạn, và đã luôn được điều chỉnh bổ sung để đáp ứng các yêu cầu của sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp. Tuy vậy, trong quá trình thực hiện vẫn còn các tồn tại làm ảnh hưởng đến kết quả chung của FDI , tạo ra các “mặt trái” của FDI trong thời gian qua.
Sắp tới, với chiến lược thu hút FDI thế hệ mới, việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách là cần thiết, nhắm tới các mục tiêu sau: Xây dựng được mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn FDI; Nâng cấp chất lượng FDI và gia tăng giá trị sản xuất trong nước của Việt Nam trong hàng hóa xuất khẩu…
Doanh nhân Nguyễn Văn Hiển - Chủ tịch Công ty Chanh Việt – CHAVI: “Doanh nghiệp nông nghiệp cần được hỗ trợ, kết nối với các đối tác” Ngành nông nghiệp nói chung, hay nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn hiện nay đang ghi nhiều dấu ấn, có đóng góp quan trọng trong nền kinh tế. Xin chỉ nói về thu hút đầu tư FDI trong nông nghiệp. Theo tôi, quan trọng nhất là các Bộ, ngành, các cơ quan nhà nước có chức năng nhiệm vụ cần tăng cường các chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư, để giới thiệu, kết nối các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài. Từ đó, các doanh nghiệp Việt sẽ có nhiều kênh giao lưu, hợp tác đầu tư với các đối tác quốc tế.
Ngoài ra, chúng tôi còn mong các nhà khoa học Việt Nam có học tập, công tác tại nước ngoài sẽ kết nối doanh nghiệp Việt với các nhà khoa học, các cơ quan, doanh nghiệp nước ngoài. Các doanh nghiệp quốc tế vốn có sẵn chiến lược, công nghệ, kênh phân phối…, sẽ mở ra cho doanh nghiệp Việt thêm nhiều cơ hội hợp tác, tiếp nhận đầu tư…, phát triển sản xuất, bán hàng.
Như vậy, để thu hút hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, cần phải có sự tham gia của rất nhiều nhà: nhà nước, nhà khoa học.
Ths Nguyễn Việt Khoa, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh: “Nói nguồn nhân lực Việt Nam yếu kém là chưa đúng!” Lâu nay, vốn FDI thường đổ vào các ngành, lĩnh vực dễ thu hồi vốn, thu hồi vốn nhanh hoặc tận dụng lợi thế lao động nhiều, giá rẻ…, như năng lượng, dệt may, da giầy, bất động sản… Giai đoạn hiện nay, chúng ta cần phải hướng nhà đầu tư tới những ngành, lĩnh vực liên quan tới nông nghiệp công nghệ cao, CNTT, cơ khí chính xác… Các ngành nghề, lĩnh vực này lâu nay ít được chú ý, bởi mất thời gian, chậm thu hồi vốn…
Hiện tại, có nhà đầu tư cho rằng nguồn nhân lực của Việt Nam còn “yếu” so với các nước. Nói như vậy không hẳn đã chính xác, thậm chí chưa đúng. Hiện nay, trong nông nghiệp, đội ngũ kỹ sư của chúng ta có trình độ, người nông dân có thể huấn luyện, đào tạo, đã và đang làm tốt trong các cánh đồng lớn, tự động hóa…
Ở các ngành CNTT, đội ngũ kỹ sư, lập trình viên… của chúng ta dư sức. Chúng ta còn xuất khẩu nhân lực qua các nước, thậm chí qua Singapore, Nhật Bản… Nhưng thực tế hiện nay, không ít doanh nghiệp đặt trụ sở ở nước ngoài, làm việc một phần hoặc toàn bộ tại Việt Nam, đội ngũ nhân sự là người Việt Nam?
Vấn đề này, các cơ quan chức năng cần phải xem xét lý do, có thể về môi trường đầu tư, các chính sách hỗ trợ, ưu đãi…, hoặc những bất cập về chính sách thuế.
Ông Lê Nguyên Hòa, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty NutiFood: "Thu hút FDI thế hệ mới có thể giúp thay đổi bộ mặt nông thôn" Những năm qua, Việt Nam đã thu hút dòng vốn FDI rất lớn vào nhiều lĩnh vực, ngành nghề, từ công nghiệp chế tạo, năng lượng, tới dịch vụ, sản xuất hàng tiêu dùng... Chúng ta nói nhiều về chiến lược thu hút FDI thế hệ mới, hướng vào các ngành công nghệ cao, ít tiêu hao năng lượng, thân thiện với môi trường, như CNTT, du lịch, dịch vụ,… Tuy nhiên, có vẻ như các ngành nghề ở lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp chưa được quan tâm đúng mức, ít được nhà đầu tư chú ý dù Việt Nam có rất nhiều nguồn lực, về đất đai, nguồn lao động dồi dào, thị trường rộng mở, nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ…
Do vậy, Nhà nước cần tiếp tục có những chủ trương chính sách thiết thực, hấp dẫn để thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào những ngành thế mạnh nói trên, vào công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch,… để giúp nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp, cải thiện thu nhập của người nông dân. Và nhất là, chính sách kêu gọi FDI thế hệ mới tập trung vào lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp cũng sẽ giúp phát huy hơn nữa các thế mạnh tự nhiên, xã hội tại các địa phương, giúp thay đổi bộ mặt nông thôn, tái cơ cấu nền kinh tế.
Ngọc Thành - Kiên Giang