Chông chênh hai bờ thật - ảo

Chủ nhật, 31/12/2017 05:16 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Năm 2017, trong đời sống văn hóa giải trí Việt, có thể nói, không có nhiều những thành tựu văn hóa nổi bật, mang tính tích cực. Thay vào đó, chiếm phần đa là những câu chuyện mang màu sắc ồn ào, tranh cãi. Chúng khiến dư luận mệt mỏi mà rằng giờ đây dường như quỹ thời gian dành cho những cống hiến sáng tạo thực sự nghiêm túc đang ít dần đi, thay vào đó là những ồn ào không đáng có.

Điện ảnh Việt từ Cánh diều đến Bông sen vàng: Chung một nỗi buồn

Năm 2017, phương án cổ phần hóa và chuyển Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam thành công ty cổ phần vốn được phê duyệt từ cách đó 2 năm, bỗng trở nên ồn ào trên báo chí. Các nghệ sĩ của Hãng phim truyện Việt Nam cho rằng quá trình cổ phần hóa “không minh bạch”, “định giá Hãng phim truyện Việt Nam quá rẻ mạt, hoàn toàn không tính đến giá trị thương hiệu của hãng phim hơn 60 năm tuổi”, “Vivaso không có kinh nghiệm sản xuất phim”, “có độ vênh rất lớn về tư duy của doanh nghiệp và tư duy của nghệ sĩ”... Họ đã ký một lá đơn gửi lên Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng đã phải vào cuộc…

Trong khi những tranh cãi, những tâm tư vẫn ồn ã, thì cũng trong năm 2017, điện ảnh Việt lần đầu tiên chứng kiến một điểm chung khá lạ từ hai sự kiện điện ảnh vốn được coi là quy mô lớn nhất trong năm của ngành: giải Cánh Diều và LHP VN lần thứ XX. Đó là sự vắng mặt hoàn toàn của dòng phim Nhà nước, dòng phim cho dù vẫn bị “phê” là mang nặng tính tuyên truyền, nhưng lại là “chủ nhân” của hàng loạt tác phẩm, cho đến giờ này, vẫn là những niềm tự hào - rất ít ỏi - của cả nền điện ảnh Việt Nam. 

Báo Công luận
Bộ phim Em chưa 18 
Một cây bút văn hóa của báo Tuổi trẻ TP.HCM đã phải thốt lên trong bài viết của mình: giờ bàn tiệc điện ảnh chỉ còn “một món”. Trong kỳ LHP gần đây nhất (2015), hai “món” phim Nhà nước và điện ảnh, vẫn còn, dù lác đác, thì giờ đây, tuyệt nhiên biến mất. Lý giải về sự vắng bóng này, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát (Phó Chủ tịch Thường trực Hội điện ảnh Việt Nam) -  thẳng thắn thừa nhận: “Hãng phim truyện Việt Nam rất ngổn ngang, con người hiện nay đang dư thừa rất nhiều. Những người có chuyên môn thì không được sử dụng, cho rằng cũ rồi”

Rõ ràng, sự thắng thế của dòng phim tư nhân là lẽ đương nhiên, khi họ đã nỗ lực hết sức, và rằng sự đổi ngôi của phim tư nhân và phim nhà nước là “hợp quy luật thị trường”. Tuy nhiên, sự thực là giữa rất nhiều những bộ phim vẫn đều đặn ra rạp trong năm qua, việc các nhà phê bình, các nhà báo mỏi mắt để tìm ra một bộ phim giàu chất lượng nghệ thuật, theo tiêu chí của những đầu phim sẽ tranh tài tại một LHP quốc gia như LHP VN, chưa nói tới những “đỉnh cao” như Cannes, Oscars… cho thấy rõ ràng điện ảnh Việt đang có sự bất ổn. 

 Không mới, nhưng cũng khá ồn ào của đời sống văn hóa giải trí năm 2017, là vô số lùm xùm từ các cuộc thi hoa hậu: thi chui, bỏ tiền mua giải, phẫu thuật thẩm mỹ vẫn được thi hoa hậu thậm chí đăng quang, trả lại vương miện… Nhất là chuyện quy định hiện hành, mỗi năm sẽ chỉ có 2 cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia được cấp phép tổ chức nhưng trong năm 2017 vừa qua đã có tới hơn hai chục người đẹp/ siêu mẫu đoạt các thể loại danh hiệu tại các cuộc thi trong và ngoài nước, dẫn tới cái gọi là “loạn danh hiệu ao làng”. Điều đáng buồn là số lượng danh hiệu nghịch chiều với chất lượng nhan sắc. Một câu hỏi nhức nhối đã được đặt ra: Hoa hậu làm được gì cho đất nước mà tổ chức thi lắm thế? Nên chăng  cần phải tăng cường hơn nữa công tác quản lý để các cuộc thi hoa hậu/ người đẹp được tổ chức quy củ, tránh gây bát nháo, lộn xộn?
Báo Công luận
Hoa hậu đại dương gây ồn ào 

Không thể và không nên đổ lỗi cho tư nhân, khi bản thân họ cũng chính là người đang giúp cho công chúng Việt “có cái để xem”. Bởi bắt tay vào làm phim, nhiều người trong số họ phải bán xe, bán nhà, để trở thành “nhà đầu tư”, điều đó đồng nghĩa với việc, họ cũng rất khao khát phim mình làm ra đạt chất lượng nghệ thuật cao, nhưng họ không thể phiêu lưu mạo hiểm theo những sáng tạo mà không ai dám chắc có được các “thượng đế phòng vé” ủng hộ hay không. Thế nên, để có cái mà chúng ta hay hô hào: một nền điện ảnh đa dạng, phát triển, nâng tầm với châu lục và thế giới, nói như đạo diễn Nhuệ Giang: “Nhà nước nên đóng vai trò nhà sản xuất đầu tư cho những dự án phim nghệ thuật, nơi sự sáng tạo nghệ thuật luôn được đề cao…”. Vì thế, điện ảnh Việt 2017, dù rộn rã phòng vé bởi nhiều bộ phim “hot” như "Em chưa 18", "Cô Ba Sài Gòn"… vẫn đọng lại nỗi buồn, khi “cuộc chơi” điện ảnh, giờ là “cuộc chơi riêng” của tư nhân. 

 

Livestream  “Cô Ba Sài Gòn” -  nhức nhối câu chuyện ý thức bản quyền

Ngày 13/11, chỉ ít ngày sau khi  được công chiếu, bộ phim “Cô Ba Sài Gòn” như được tiếp thêm “liều PR” khi chuyện cậu sinh viên 19 tuổi tên T dùng điện thoại livestream phim trên facebook ồn ào trên các phương tiện truyền thông. Ngô Thanh Vân, nhà sản xuất kiêm diễn viên của phim, liên tục đăng đàn bày tỏ sự bức xúc tột độ: “Em làm vậy là đang giết chết phim Việt”, rằng có thể cô không sản xuất phim nữa, thậm chí đề nghị công an vào cuộc và “mở bình chọn” để tìm ra hình thức xử phạt hợp tình hợp lý “thủ phạm” vụ livestream. 

Trước những động thái mạnh mẽ, quyết liệt này của Ngô Thanh Vân, nhiều ý kiến băn khoăn cho rằng có lẽ cô không đến mức phải “đề nghị công an vào cuộc”, chưa đến mức phải “mở bình chọn”, rằng một khi đã nhận được lời xin lỗi từ phía người có hành vi xâm phạm thì có lẽ chỉ nên xử lý theo hướng cảnh cáo có tính răn đe chứ chưa cần phải là “xử lý theo pháp luật” và rằng, thực sự, chưa chắc mức tổn hại vật chất mà vụ livestream gây ra cho “Cô Ba Sài Gòn” chưa nghiêm trọng tới mức như ê kíp làm phim công bố.

Báo Công luận
 
Nhưng, cũng phải thừa nhận qua sự việc quay lén phim trong rạp - không phải tới giờ mới xảy ra với phim “Cô Ba Sài Gòn” - thấy rõ ý thức về bản quyền của người Việt thực sự vẫn ở đang ở mức quá… sơ khai và hồn nhiên. Hồn nhiên tới mức chẳng mấy ai xem đó là chuyện “tuyệt đối không nên phạm phải”, thậm chí có người còn coi đó là chuyện bình thường “có gì mà phải ầm ĩ thế”. Một tư tưởng hết sức nguy hiểm trong kỷ nguyên kỹ thuật số, khi mọi sự nhiều khi chỉ nằm trong một cú nhấp chuột. Vì thế, lại cũng phải thừa nhận rằng, sự ồn ã của nhà sản xuất “Cô Ba Sài Gòn” cũng là sự cần thiết để công chúng ý thức sâu hơn về câu chuyện bản quyền và để có sự ý thức ấy, rất cần sự chung tay mạnh mẽ, từ cả các cơ quan chức năng lẫn chính những người làm nghệ thuật và cả các cơ quan truyền thông.

“Sao đại chiến” Miu Lê - Dương Cầm… tiếng chuông báo động về “ văn hóa ứng xử” của nghệ sĩ Việt

Gameshow ca nhạc “Sao đại chiến” - “sân chơi” lần đầu tiên cho các  nhà sản xuất - producer - ngay lần đầu tiên lên sóng (từ tháng 11/2017) đã “nóng” bởi cuộc “đại chiến về ngôn từ” xảy ra trên khắp các phương tiện truyền thông giữa nhạc sĩ Dương Cầm và diễn viên, ca sĩ Miu Lê. Lời qua tiếng lại bắt đầu khi trên sóng truyền hình, nhạc sĩ Dương Cầm cho rằng giọng hát của Miu Lê yếu, hời hợt. Sau đó, nam nhạc sĩ còn lên báo trả lời phỏng vấn, nhận xét Miu Lê không đủ trình làm ca sĩ. Sau nhận xét thẳng thừng của Dương Cầm, Miu Lê đã đáp trả bằng một bài phỏng vấn và ngụ ý về “độ nổi tiếng” của nhạc sĩ Dương Cầm: “Tôi còn phải tra Google từ khóa “Dương Cầm” để biết người vừa “tạt nước lạnh vào mặt” mình là ai. Kết quả ra toàn... piano”. 

Trả lời phỏng vấn, Dương Cầm khẳng định anh chỉ đánh giá cao Miu Lê ở góc độ diễn viên, còn với danh xưng ca sĩ thì không. Cuộc khẩu chiến của Dương Cầm và Miu Lê không dừng lại ở đó, câu chuyện trở nên phức tạp hơn khi có sự “tham gia” của mẹ Miu Lê. Bà liên tục đăng đàn trên facebook với nhiều status cạnh khoé, mắng nhạc sĩ Dương Cầm. 

Báo Công luận
 
Không chỉ thế, bà còn lôi cả thành viên trong đội Dương Cầm là ca sĩ Dương Hoàng Yến ra để trút giận thay con khi khẳng định Dương Hoàng Yến từ trước đến nay luôn hát lót cho Miu Lê. Dương Hoàng Yến không giấu nổi bức xúc và lập tức phản pháo trên trang cá nhân, mong những người trong cuộc hãy cư xử một cách văn minh, mọi chuyện chỉ nên dừng trong khuôn khổ cuộc thi hay đúng hơn là một cuộc chơi không hơn, tránh gây ảnh hưởng tới danh dự nghề nghiệp của nữ ca sĩ. Khoan hãy nói tới chuyện ai đúng ai sai trong cuộc “đại chiến ngôn từ” này, chỉ có điều, sự phản cảm là có và sự vụ “đại chiến” này, sau hàng loạt những cuộc đối đáp sặc mùi chợ búa vẫn diễn ra bấy lâu trong showbiz Việt, thấy rõ đã đến lúc cần gióng lên hồi chuông báo động về văn hóa ứng xử của nghệ sĩ Việt.

 

Phát ngôn gây “bão” của Thanh Lam  và ước vọng về một nền âm nhạc Việt không… ảo

Cá tính, thẳng thắn và đầy bản năng… nên việc “người đàn bà hát” Thanh Lam thỉnh thoảng lại “khai sinh” ra những phát ngôn thẳng thắn và không ít đụng chạm về nghề, từ lâu đã không còn khiến dư luận ngạc nhiên. Tuy vậy, phát ngôn mà nữ ca sĩ được vinh danh là “nữ hoàng nhạc nhẹ” đưa ra: “Không có ngành nghề nào không cần phải học cả. Vì khi không có trình độ thực sự thì không khai thác chiều sâu được, nó chỉ hớt váng được lúc đầu thôi. Nhưng trong miền Nam lại nổi lên nhiều ca sĩ chẳng học hành gì cả mà vẫn nổi tiếng nhờ truyền thông. Tôi đặt dấu hỏi về điều này. Nhưng đó chỉ là dấu hỏi thôi, chứ theo tôi, không nên phân biệt vùng miền”, rơi trúng vào thời điểm “người người hát bolero, nhà nhà hát bolero”, “ai cũng có thể trở thành ca sĩ”, một cô nàng hot girl có giọng hát bị cho là “thảm họa” cũng tuyên bố “mỗi tháng một MV” nên trở nên vô cùng “nhạy cảm” và khiến không ít người trong giới ca sĩ “nóng mặt”

Báo Công luận
Chi Pu 
Nhiều giọng ca vội vàng lên tiếng phản pháo gay gắt, mà dường như quên mất rằng chính trong phát ngôn trên, Thanh Lam đã không quên nhấn mạnh đó chỉ là “dấu hỏi”, “không nên phân biệt vùng miền”. Dường như họ cũng cố tình quên điều “người đàn bà hát” chủ đích muốn nhấn mạnh: “Không có ngành nghề nào không cần phải học cả. Vì khi không có trình độ thực sự thì không khai thác chiều sâu được, nó chỉ hớt váng được lúc đầu thôi”. Cố tình quên, bởi phát ngôn của Thanh Lam, có thể chứa thực sự chuẩn xác ở một khía cạnh nào đó, nhưng chứa đựng sự thật không thể chối bỏ của âm nhạc Việt hiện nay: thiếu chiều sâu, chạy theo một bộ phận thị hiếu giải trí mang tính trào lưu nhất thời, ca sĩ, diễn viên, người mẫu, không cần qua đào tạo chính quy, lơ mơ về nhạc lý, giọng hát thậm chí là “thảm họa” nhưng nhờ “có điều kiện”, nhờ hỗ trợ từ những ông bầu giỏi vận dụng các chiêu trò truyền thông  mà “một bước thành sao”, liên tục tung ra những thứ gọi là “sản phẩm âm nhạc” bất chấp chuyên môn, kỹ thuật. 

Báo Công luận
Ca sĩ Thanh Lam 
Chừng nào chính bản thân những người làm nghệ thuật còn không dám thừa nhận sự thật ấy, không dám đối diện để rồi cùng chung tay loại bỏ ấy, chừng ấy ước vọng về một nền âm nhạc Việt phát triển thực chất, không nằm trong vòng “ảo diệu” của những “nước sơn nhóng nhánh của những chiêu trò”, mới có thể trở thành sự thực. Còn một chiếc thẻ hành nghề để thanh lọc những giọng ca thảm họa - e rằng chỉ là một giải pháp tình thế.

“Giáo sư âm nhạc” hayhệ lụy nguy hiểm từ một “trò lố”

Tạo nên nhiều sự ồn ào nhất làng văn hóa giải trí trong năm 2017 vừa qua chắc chắn là địa hạt âm nhạc. “Phát súng” mở đầu ồn ã nhất có lẽ là vụ ca sĩ Ngọc Sơn trưng tấm bằng ghi rõ người nhận là “Giáo sư âm nhạc, ca sĩ Phạm Ngọc Sơn” trong đêm nhạc tối 15/8 với niềm hãnh diện: là nam ca sĩ Việt duy nhất hiện nay được ghi nhận danh hiệu giáo sư (GS). Xét đến cùng, niềm hãnh diện ấy của ca sĩ Ngọc Sơn cũng chỉ là niềm hãnh diện ngây thơ của một nghệ sĩ không hề có tri thức gì về nội hàm giáo sư.

Nhưng điều đáng quan ngại nhất sau cái quyết định không hơn một “trò lố” này là nguy cơ sẽ tạo tiền lệ cho sự ra đời của những quyết định vô trách nhiệm và tùy tiện. Mọi danh hiệu, danh xưng là phần thưởng, là sự ghi nhận dành cho những nghệ sĩ lao động chân chính và có cống hiến thực sự nhưng nếu như danh hiệu không được trao tặng một cách thỏa đáng, đúng thời điểm, đúng thực lực thì nó không những không còn là động lực để nghệ sĩ phấn đấu mà còn khiến nghệ sĩ chạnh lòng, nhụt chí và cũng sẽ không “tâm phục, khẩu phục” danh hiệu đó nữa. Như thế, sẽ là điều hết sức nguy hiểm.❏

Năm 2017 tiếp tục là năm “thịnh vượng” của phim truyền hình phía Bắc (hầu hết là của VTV). Những bộ phim như "Người phán xử", "Sống chung với mẹ chồng"… thậm chí đã tạo nên “hiện tượng” truyền thông, mật độ người theo dõi các bộ phim này trên truyền hình, trên internet và lượt view các bài viết về phim trên báo mạng đạt số lượng kỷ lục. Trái lại năm 2017 lại chứng kiến cảnh đìu hiu, èo uột, ngày càng đuối cả về số lượng và chất lượng của phim truyền hình phía Nam.  Nên nhớ, thời vàng son hơn 15 năm trước, HTV là đơn vị đầu tiên mở màn trào lưu “Giờ vàng phim Việt” và phim Việt mới luôn chiếm thời lượng, số lượng áp đảo, các công ty, nhà sản xuất (NSX) phim chen chân, đấu thầu để giành quyền làm phim cho HTV. Lý do cho sự thoái trào nào, chung quy vẫn chỉ là câu chuyện chất lượng làm phim.

 

Hà Anh

Tin khác

Mỹ nhân Bolero Tô Ngọc Hà tự tình về mùa xuân trong MV mới

Mỹ nhân Bolero Tô Ngọc Hà tự tình về mùa xuân trong MV mới

(CLO) Á quân Thần tượng Bolero – ca sĩ Tô Ngọc Hà vừa tung MV ca nhạc “Anh không yêu mùa xuân” ngày 18/4. Đây là tác phẩm mới của nhạc sĩ Nguyễn Thành Trung viết riêng cho giọng hát của ca sĩ Tô Ngọc Hà.

Giải trí
Phim 'Bên trong vỏ kén vàng' giành giải cao nhất tại Liên hoan phim châu Á

Phim 'Bên trong vỏ kén vàng' giành giải cao nhất tại Liên hoan phim châu Á

(CLO) Tại lễ bế mạc Liên hoan phim châu Á (Asian Festival Film) lần thứ 21, bộ phim Việt Nam “Bên trong vỏ kén vàng” của đạo diễn Phạm Thiên Ân đã được trao giải phim hay nhất.

Giải trí
Mỹ Tâm bức xúc vụ sập hệ thống bán vé concert My soul 1981

Mỹ Tâm bức xúc vụ sập hệ thống bán vé concert My soul 1981

(CLO) Ca sĩ Mỹ Tâm tỏ thái độ không hài lòng khi kênh ván vé concert My soul 1981 mùa 3 xảy ra sự cố. Nữ ca sĩ sinh năm 1981 gửi lời xin lỗi tới khán giả vì những trải nghiệm không tốt.

Giải trí
Nghệ sĩ Ngô Hồng Quang mang tính đương đại vào âm nhạc qua liveshow “Về Kinh Bắc”

Nghệ sĩ Ngô Hồng Quang mang tính đương đại vào âm nhạc qua liveshow “Về Kinh Bắc”

(CLO) Buổi diễn “Về Kinh Bắc” được nghệ sĩ, đạo diễn Ngô Hồng Quang biểu diễn bởi nhóm nhạc Thiên Thanh, trong đó chất liệu dân gian sẽ được biến tấu không chỉ về mặt hoà âm mà còn khai thác các thể loại nhịp điệu khác nhau, tạo nên không gian âm nhạc tươi mới, trẻ trung, đa sắc, phù hợp với thẩm mỹ âm nhạc đương đại.

Giải trí
Chu Bin giản dị đi từ thiện, nghẹn ngào trước những mảnh đời khó khăn

Chu Bin giản dị đi từ thiện, nghẹn ngào trước những mảnh đời khó khăn

(CLO) Dù bận rộn với công việc nghệ thuật, nam ca sĩ Chu Bin vẫn hướng sự quan tâm đến các hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh trong cuộc sống.

Giải trí