Chữ "tâm" vác nặng một đời

Thứ sáu, 03/04/2015 13:17 PM - 0 Trả lời

Chữ "tâm" vác nặng một đời

Congluan.vn

“Hạt giống” Việt “mọc rễ” nơi xứ lạ

Trước đây, Tâm là công nhân trong một nhà máy chế tạo máy của Đông Đức, khi bức tường Berlin sụp đổ, Tâm và hàng chục vạn công nhân VN khác bị mất việc làm. Về nước thì biết làm gì? Không chịu bó tay, anh tham gia vào đội quân “đánh” hàng quần áo, giày dép từ Tây Đức sang Đông Đức, từ các nước trong vùng sang, rồi làm kinh doanh – dịch vụ điện thoại, bán card điện thoại di động… Đội quân ấy dù khá đông nhưng nhờ đi trước một bước, lại chịu khó tích cóp nên anh nhanh chóng dành dụm được một món tiền kha khá: gần 1 triệu USD. “Một con số trong mơ?”. Tôi bảo anh. “Vâng! Đúng là trong mơ. Thế nên tôi mới có vốn mở nhà hàng. Không phải một mà là tới bốn nhà hàng cùng lúc. Ngày ấy, ở ERFURT (thủ phủ của bang THUERINGEN, thành phố có 300.000 dân, trong đó có 6.000 người Việt), việc mở restauran rất thuận lợi. 4 nhà hàng của tôi lúc nào cũng nườm nượp khách vào, ra. “Tôi đã quan sát các nhà hàng ở khu vực này. Nếu đông khách, chủ hàng đếm tiền mỏi tay đấy?”. Tôi hồi hộp hỏi. “Vâng! Tôi đã từng là ông chủ thực sự. Người Đức cũng phải nể vì tôi đóng thuế rất đầy đủ cho chính quyền sở tại. Dân Đức sòng phẳng lắm, nếu làm ăn tốt, không vi phạm pháp luật, có nhiều tiền và đóng thuế nghiêm chỉnh sẽ rất được kính trọng. Hạnh phúc lớn nhất của vợ chồng tôi là hai đứa con ra đời và lớn lên trong sự kính trọng đó”. “Nhưng rồi sao?”. “Cuộc đời vốn có những biến động khó lường. Tiền bạc vốn mong manh, nó thích nhà mình thì nó vào, nó không thích thì nó lại ra đi. Vợ chồng tôi luôn bảo nhau, dù có thể mất tiền bạc nhưng đều quan trọng còn lại phải là sự ấm áp, bình yên, nền tảng văn hóa được tạo dựng trong mỗi gia đình và giữ được tình cảm trong mắt người dân sở tại. Rất may là chúng tôi đã làm được điều đó”.

Nước mắt người “cầm chảo”

Năm 2001, anh trở về nước. Sau những giờ phút mừng vui, buồn tủi lẫn lộn, anh cùng người thân đến thắp hương bàn thờ họ. Trong khói hương nghi ngút, Tâm thề sẽ cố gắng làm được những điều tốt đẹp nhất cho quê hương. “Mong ước thì tốt đẹp như vậy, tiếc là tôi lại bị “gãy cánh” ngay từ những hợp đồng làm ăn đầu tiên”. Tâm chua chát nói.

Qua tìm hiểu, nắm bắt và sàng lọc các cơ hội làm ăn, Tâm lao vào lĩnh vực xuất khẩu thủy sản. Đối tác là một Cty thực phẩm. Bao năm bôn ba làm ăn ở nước ngoài, dù đã tích lũy không ít tiền bạc và kinh nghiệm nhưng khi lao vào thị trường trong nước – mới được mở và cũng chưa kịp định hình, cả về luật pháp và ý thức, anh đã phải trả một cái giá đắt: trong 5 năm chuyển hàng từ Đức và châu Âu về VN và ngược lại, anh bị mất sạch vốn liếng. Anh bộc bạch: “Một trong những bài học đau đớn nhất của tôi trong dịp này là: Tôi chuyển từ Việt Nam 2 contener cá thu sang Đức, giá 180.000 USD/container. Cơ quan kiểm định của Đức đánh giá: không đủ tiêu chuẩn nhập khẩu do dư thừa CO2, phải hủy tại chỗ. Tôi tiếp tục mất thêm chi phí tiêu hủy là 25.000 USD/2 container. Sau lần đó, tôi phải vay mượn để trả nợ. Vợ chồng tôi lại tính chuyện chuyển hướng làm ăn để cả gia đình có tiền sinh sống”.

Được ông bạn thân người Đức giúp đỡ, Tâm thuê được một cửa hàng ăn nhanh nhỏ, diện tích chỉ có 10 m2, giá cũng rất mềm: 150 EUR/tháng. Ngày đầu mở cửa hàng, doanh thu có 48 EUR thì tiền xe đi lại hết 20 EUR. Vậy mà hai vợ chồng vẫn nhìn nhau cười: Thế là có đất sống.

Những người Đức, Việt thân thiết, biết anh gặp khó khăn đã tự nguyện trở thành những khách hàng đầu tiên và chung thủy trong suốt hơn 1 năm qua. “Từ một ông chủ của 4 nhà hàng, tôi trở thành người đầu bếp cần mẫn, “cầm chảo” liên tục 12 tiếng trong ngày”. Tâm kể và giải thích: “Đầu bếp ở đây được gọi đơn giản là nghề cầm chảo bởi lẽ, món mỳ xào là món được người dân Đức ưa thích nhất. Tất cả các nhà hàng Tàu, Việt ở khu vực này đều không thể thiếu món đó. Cửa hàng ăn nhanh của chúng tôi cũng chỉ bán duy nhất món ăn này”.

Từng thất thoát lớn trong làm ăn, cảm giác đau đớn nhất của anh là gì?” – Tôi hỏi. “Tôi đưa thằng nhỏ ra phố mua ít đồ ăn. Thấy người ta bán xúc xích ngon quá, nó níu tay tôi: “Ba ơi, ba mua cho con xúc xích đi. Lâu quá con chưa được ăn”. Trong túi tôi không còn đồng nào. Tôi vừa quát vừa lôi con đi. Đêm đó về, vợ chồng tôi ôm nhau khóc. Nghĩ tủi cực và thương con quá. Không biết trách ai, trách đời hay trách mình nữa”.

Chữ “tâm” vác nặng một đời

Thời gian gần đây, khi cửa hàng ăn nhanh đã cho thu nhập ổn định, Tâm thuê một đầu bếp người Việt, thay anh “cầm chảo” để tiếp tục công việc đưa hàng thủy sản từ Việt Nam sang thị trường Đức và châu Âu. “Làm việc với đồng bào trong nước, anh sợ nhất điều gì?”. Như chạm phải bỏng, Tâm giãy lên: “Có hai cái sợ: một là cơ quan chức năng. Nếu cơ quan chức năng không OK, họ chỉ cần găm lại hàng thật lâu, nói là để kiểm tra. Như thế cũng đủ yếu tố để hàng bị quá đát và bị tiêu hủy; cái sợ thứ hai là ý thức làm ăn gian dối của người dân”.

Tâm không giấu giếm một ý định làm ăn bài bản và mang lại lợi ích dài lâu hơn cho đất nước: lập và triển khai các dự án sử dụng năng lượng sạch (điện phong và năng lượng mặt trời) tại một số vùng miền của Việt Nam. “Dự án đầu tiên mà chúng tôi muốn triển khai là dự án xây dựng một số trạm điện phong tại huyện đảo Lý Sơn thuộc vùng biển Quảng Ngãi. Hiện đã có những tín hiệu tích cực từ phía các cơ quan chức năng”.

Nếu không phải lái xe tới các vùng khác của Đức hay tới Ba Lan, Hà Lan và các nước châu Âu, một ngày của anh thường được bắt đầu như sau: 5 giờ sáng dậy để lướt internet, điều hành qua mạng hoạt động của 2 công ty ở Việt Nam chuyên về khai thác năng lượng sạch mà anh là Chủ tịch HĐQT; 7 giờ đưa con đi học rồi quay về đưa vợ đến cửa hàng ăn nhanh, cách nơi ở chừng 50 km. Những cuộc gặp gỡ với bạn hàng được diễn ra trong ngày. Cuối giờ chiều lại làm nhiệm vụ đón vợ, con từ trường học và cửa hàng về nhà. Bữa cơm tối của gia đình luôn được coi là bữa tiệc…

Nhờ chữ “tâm” mang nặng một đời, Tâm đã đi qua những chặng đường gian khó và tạo dựng được một gia đình hạnh phúc, ấm áp, mặn mòi giữa miền tuyết lạnh, cách quê hương gần nửa vòng trái đất.

Nguyễn Kim Khánh



Tin khác

PVOIL cam kết nỗ lực hết sức, tận dụng mọi cơ hội để tăng trưởng trong năm 2024

PVOIL cam kết nỗ lực hết sức, tận dụng mọi cơ hội để tăng trưởng trong năm 2024

(CLO) Ngày 22/4, tại TP HCM, Tổng công ty Dầu Việt Nam – CTCP (PVOIL, mã cổ phiếu: OIL) đã tổ chức gặp mặt các cổ đông lớn và nhà đầu tư trước thềm Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024.

Thị trường - Doanh nghiệp
IMF kêu gọi Italy, Pháp giảm chi tiêu, Đức nới lỏng hầu bao

IMF kêu gọi Italy, Pháp giảm chi tiêu, Đức nới lỏng hầu bao

(CLO) Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khuyên Italy và Pháp nên cắt giảm chi tiêu nhanh hơn kế hoạch hiện tại để kiểm soát nợ trong khi Đức nên nới lỏng hầu bao của mình để vực dậy tăng trưởng kinh tế.

Thị trường - Doanh nghiệp
EU sắp trừng phạt LNG của Nga

EU sắp trừng phạt LNG của Nga

(CLO) Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom tuyên bố hôm thứ Hai (22//4), EU có kế hoạch nhắm trừng phạt vào nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga trong gói trừng phạt thứ 14 chống lại Moscow.

Thị trường - Doanh nghiệp
Quý 1/2024: Techcombank báo lãi 7.802 tỷ đồng, quán quân tỷ lệ CASA ở mức 40,5%

Quý 1/2024: Techcombank báo lãi 7.802 tỷ đồng, quán quân tỷ lệ CASA ở mức 40,5%

(CLO) Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý 1/2024 với lợi nhuận trước thuế đạt 7.802 tỷ đồng, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi thế về vốn giá rẻ (tiền gửi không kỳ hạn - CASA) quý 1 tiếp tục tăng lên 40,5%, vượt xa các đối thủ cạnh tranh trong ngành.

Thị trường - Doanh nghiệp
Thanh Hoá sắp có nhà máy sản xuất ván tre hơn 3 nghìn tỷ đồng

Thanh Hoá sắp có nhà máy sản xuất ván tre hơn 3 nghìn tỷ đồng

(CLO) Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hoá có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất ván tre OSB staBOO Thanh Hóa tại xã Thiết Ống, huyện Bá Thước.

Thị trường - Doanh nghiệp

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có văn bản chấp thuận

Bản quyền thuộc về: Báo điện tử Nhà báo & Công luận