Tin tức

Chủ tịch Hồ Chí Minh và nỗi trăn trở “làm sao cho nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng”

Hà Anh 19/05/2025 10:00

(NB&CL) “Làm sao cho Nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động được thì nghỉ… Xã hội ngày càng tiến bộ, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt…”- đó là những niềm trăn trở khôn nguôi của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

“Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”

Đó là câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong “Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng”, ký tên Hồ Chí Minh; đăng trên Báo Cứu quốc, số ra ngày 17/10/1945. Bác nói rõ: “Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Bác mong muốn: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”. Người còn căn dặn cán bộ ta: “Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc đến các làng đều là đầy tớ của nhân dân…” hay “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân, ta phải hết sức tránh…”.

Trước đó, tại văn bản đầu tiên trong hệ thống văn bản hành chính của Việt Nam, ký ngày 13/9/1945, 11 ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, có dòng chữ: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc - ba mục tiêu cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mục tiêu phấn đấu của toàn thể dân tộc Việt Nam.

Mấy tháng sau đó, tháng 1/1946, trả lời các nhà báo nước ngoài về chức vụ Chủ tịch nước, Bác đã trả lời ngắn gọn: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Và để cho “đồng bào trong nước và các nhân sĩ nước ngoài đều biết”, Người đã cho công bố nội dung những câu trả lời ấy trên báo Cứu Quốc ngày 21/1/1946.

anh1.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hợp tác xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên gặt mùa (năm 1954). Nguồn: hochiminh.vn

Trước kỳ bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, trên Báo Cứu quốc, số 134, ngày 5/1/1946, Người viết: “Những người trúng cử, sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu sự hạnh phúc cho đồng bào. Phải luôn luôn nhớ và thực hành câu: Vì lợi nước, quên lợi nhà; vì lợi chung, quên lợi riêng. Phải làm cho xứng đáng với đồng bào, cho xứng đáng với Tổ quốc”.

Nói chuyện trong cuộc mít tinh của Nhân dân Hà Nội ngày 30/5/1946, tiễn Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm Pháp, Người nói: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó. Đến lúc nhờ quốc dân đoàn kết, tranh được chính quyền, ủy thác cho tôi gánh việc Chính phủ, tôi lo lắng đêm ngày, nhẫn nhục cố gắng - cũng vì mục đích đó. Ngày nay, vâng lệnh Chính phủ, theo ý quốc dân, tôi phải xa xôi ngàn dặm, tạm biệt đồng bào, cùng với đoàn đại biểu qua Pháp - cũng vì mục đích đó. Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ theo đuổi một mục đích, làm cho ích quốc, lợi dân”.

Tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa I nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (9/11/1946), Người phát biểu: “Chính phủ cố gắng làm theo đúng ba chính sách: Dân sinh, Dân quyền và Dân tộc. Chúng ta không mong gì hơn nhưng chúng ta không chịu gì kém”. Ngày 24/1/1947, trong thư chúc Tết đồng bào và chiến sĩ Nam Bộ, Người viết: “Chương trình nội chính của Chính phủ chỉ có 3 điều mà thôi. Tăng gia sản xuất để làm cho dân ai cũng đủ mặc, đủ ăn. Mở mang giáo dục để cho ai nấy cũng biết đọc, biết viết. Thực hành dân chủ để làm cho dân ai cũng được hưởng quyền dân chủ, tự do”.

Cũng bởi niềm đau đáu ấy, ngay sau khi nước nhà độc lập, trong 6 nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, 3 nhiệm vụ cấp bách hàng đầu là lo giải quyết nạn đói, giải quyết nạn dốt và bỏ ngay ba thứ thuế: thuế thân, thuế chợ, thuế đò, đồng thời ngay lập tức ban hành Sắc lệnh về việc thành lập Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến quốc chịu trách nhiệm lên kế hoạch kiến thiết nước nhà.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra yêu cầu đối với Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến quốc là: “Tôi mong rằng, các ngài cũng đem hết tài năng và tri thức giúp cho Chính phủ về mặt kiến thiết. Các ngài sẽ là những cố vấn có kinh nghiệm, có tài năng của Chính phủ. Chúng ta cố gắng thực hiện khẩu hiệu kháng chiến, kiến quốc để thực hiện: Có sức giúp sức, có tài năng giúp tài năng”.

“Chúng ta đã tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ” - Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở các thành viên Uỷ ban ngay trong cuộc họp đầu tiên của Ủy ban ngày 10/1/1946. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Chúng ta phải thực hiện ngay: 1. Làm cho dân có ăn/2. Làm cho dân có mặc/3. Làm cho dân có chỗ ở/4. Làm cho dân có học hành”. “Cái mục đích chúng ta đi đến là bốn điều đó. Đi đến để dân nước ta xứng đáng với tự do, độc lập và giúp sức được cho tự do độc lập”- Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

“Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân”

Làm sao để dân hưởng hạnh phúc đã luôn là niềm trăn trở ấy luôn đau đáu trong tâm can Người. Như nhìn nhận của nhà báo lão thành Hà Đăng: “Ham muốn tột bậc” của Bác không chỉ là câu nói xuất phát từ đáy lòng mà còn là mục tiêu hành động nhất quán của Người, một người suốt đời vì nước, vì dân, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Với Người, không có hạnh phúc nào lớn hơn là hạnh phúc được phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc và nhân dân”. Trong những năm tháng lãnh đạo đất nước, Bác Hồ luôn yêu cầu thực hiện phương châm: “Làm cho dân có ăn, làm cho dân có mặc, làm cho dân có chỗ ở, làm cho dân được học hành”.

Trong bài nói chuyện tại Lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Ðảng (ngày 5/1/1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Hễ còn một người Việt Nam bị bóc lột, bị nghèo nàn, thì Đảng vẫn đau thương, cho đó là vì mình chưa làm tròn nhiệm vụ. Cho nên Đảng vừa phải lo tính công việc lớn như đổi mới nền kinh tế và văn hóa lạc hậu của nước ta thành nền văn hóa tiên tiến, đồng thời luôn luôn quan tâm đến những công việc nhỏ như tương, cà mắm, muối cần thiết cho đời sống hàng ngày của nhân dân”.

Bởi vậy, theo Người, chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân; nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm, Đảng và Chính phủ có lỗi. Người cũng khẳng định, muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh...

Và, điều mong muốn cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh được viết trong Di chúc là: “Toàn Đảng toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Cũng trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

Tại Lễ kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2024) ngày 17/8/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: “Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm sáng tỏ những vấn đề cốt yếu về xây dựng Đảng, quan hệ giữa Đảng với Nhân dân và định hướng toàn diện cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, xây dựng đất nước sau chiến tranh”.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Chủ tịch Hồ Chí Minh và nỗi trăn trở “làm sao cho nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng”
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO