(CLO) Để hiện thực hóa mục tiêu đưa tỉnh Cà Mau trờ thành tỉnh khá ở khu vực ĐBSCL, bắt đầu từ năm 2016, tỉnh sẽ bố trí, sắp xếp cán bộ có năng lực, trách nhiệm xử lý các thủ tục hành chính. Đồng thời, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức có hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho nhà đầu tư và sự phát triển của địa phương. Báo Điện tử congluan.vn đã có cuộc trò chuyện đầu năm với Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải.
PV: Trải qua một năm đầy thách thức, xin ông cho biết những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 của tỉnh Cà Mau?
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - Nguyễn Tiến Hải: Trong năm 2015, mặc dù gặp không ít khó khăn, thách thức nhưng với truyền thống đoàn kết, đồng thuận cao, Đảng bộ, quân và nhân dân tỉnh Cà Mau đã nỗ lực đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Cụ thể, có 10/14 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch, nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng khá, GRDP tăng 7,46%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng giảm dần tỷ trọng của khu vực ngư nông lâm nghiệp, tăng dần tỷ trọng của khu vực công nghiệp – xây dựng và dịch vụ trong GRDP, tổng vốn đầu tư toàn xã hội, thu ngân sách tăng khá, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đã được cải thiện rõ nét với nhiều dự án, công trình quan trọng được đầu tư như: tuyến đường Hành lang ven biển phía Nam, Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi, cầu Hòa Trung... góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Trong năm 2015, có 14 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa thành thị và nông thôn.
Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là các chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Trong năm 2015 đã giải quyết việc làm cho 38.500 lao động, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,4%... Cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được đẩy mạnh. Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
PV: Năm 2016 được xem là năm bản lề của nhiệm kỳ mới, cải cách hành chính sẽ là khâu đột phá để thu hút đầu tư và phát triển toàn diện. Theo ông, tỉnh Cà Mau cầnn phải gì để tăng tốc.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - Nguyễn Tiến Hải: Năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XV và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cà Mau 5 năm 2016 – 2020 với mục tiêu khai thác có hiệu quả tiềm năng, nguồn lực, thế mạnh, phấn đấu đến năm 2020 trở thành tỉnh phát triển khá của vùng.
Trong năm 2016, tỉnh xác định cải cách hành chính là một trong các khâu đột phá để tạo, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR-index).
Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh sẽ bố trí, sắp xếp cán bộ có năng lực, trách nhiệm xử lý các thủ tục hành chính. Đồng thời, tăng cường phối hợp, thanh kiểm tra các dự án đầu tư tại các địa phương. Xử lý nghiêm những cán bộ, công chức có hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho nhà đầu tư.
Đồng thời, đơn giản hóa, giảm thủ tục hành chính. Rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính. Tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư tiếp cận các thông tin liên quan đến quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách hỗ trợ...
Xây dựng và thực hiện tốt cơ chế đối thoại, tham vấn ý kiến của doanh nhân trong quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển ngành, lĩnh vực quan trọng của tỉnh.
PV: Bước sang năm mới, ông kỳ vọng gì để đưa Cà Mau trở thành tỉnh phát triển của vùng ĐBSCL như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XV đề ra?
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - Nguyễn Tiến Hải: Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng bằng các hình thức như: Hợp tác công – tư (PPP), xã hội hóa… Tập trung đầu tư hạ tầng Khu kinh tế Năm Căn, KCN Khánh An; xúc tiến nhanh các thủ tục để sớm triển khai đầu tư cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, dự án nhà máy điện gió tại Khai Long...
Đẩy mạnh hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL ở những lĩnh vực, ngành nghề các địa phương có cùng thế mạnh.
Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Cải cách hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp tham nhũng, lãng phí.
PV: Kết quả thực hiện công tác an sinh xã hội, chính sách đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người có công thời gian qua như thế nào?
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - Nguyễn Tiến Hải: Cùng với việc thực hiện các chính sách của Trung ương, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách đặc thù để thực hiện tốt công tác này. Các chế độ, chính sách cho đối tượng được tổ chức thực hiện kịp thời, đúng quy định. Tỉnh đã chú trọng thực hiện toàn diện mặt công tác từ các chính sách đối với người có công, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng bảo trợ xã hội, quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trong bảo đảm an sinh xã hội đến giải quyết các vấn đề xã hội để phát triển bền vững.
Chính sách người có công luôn được tỉnh quan tâm hàng đầu, trong 03 năm (2013-2015) đã thực hiện chính sách với số lượng đối tượng tăng thêm 79.612 người với mức thụ hưởng ngày càng được nâng lên. Đến nay, tổng số đối tượng đã được công nhận trên toàn tỉnh là 177.028 người, trong đó đang hưởng trợ cấp hàng tháng là 20.236 người với tổng kinh chi trả là 28,1 tỷ đồng/năm; xây dựng và sửa chữa 6.579 căn nhà; điều dưỡng chỉnh hình, phục hồi chức năng có 2.195 đối tượng điều dưỡng tập trung và 26.242 lượt đối tượng được hỗ trợ điều dưỡng tại gia đình. Các phong trào phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng, đỡ đầu con thương binh, liệt sĩ nghèo, ưu tiên giao đất giao rừng, cho vay vốn và ưu đãi học tập… được đông đảo nhân dân hưởng ứng và tham gia. Kết quả, đã góp phần đảm bảo gần 99% gia đình chính sách có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn so với mức sống trung bình của dân cư ở địa phương.
Nhằm giảm thiểu khó khăn, nâng cao mức sống cho hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp, đối tượng bảo trợ xã hội, tỉnh đã tập trung thực hiện chính sách an sinh xã hội ở nhiều lĩnh vực, từ giảm nghèo, dạy nghề, giải quyết việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, phát triển sản xuất, văn hóa - xã hội, thông tin - truyền thông và các chính sách đặc thù cho người dân tộc thiểu số, đến chú trọng xây dựng các công trình dân sinh.
Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện tốt chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về dạy nghề, giải quyết việc làm, bảo trợ xã hội, giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội. Thực hiện tốt chính sách đối với người có công, bảo đảm người có công có mức sống từ trung bình trở lên. Chăm lo và phát huy vai trò người cao tuổi. Tăng cường phòng chống các tệ nạn xã hội, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động. Giải quyết kịp thời có hiệu quả các vấn đề xã hội bức xúc. Chăm lo đầu tư phát triển kinh tế - xã hội đối với những vùng còn gặp nhiều khó khăn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số.
Minh Toàn – Lan Hương (thực hiện)