Chuyển đổi số cho giáo dục: Không phải “tương lai” mà là “hôm nay”!

Thứ sáu, 14/05/2021 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Dịch Covid-19 đã tạo áp lực nhưng cũng vô tình tạo cơ hội và động lực để ngành giáo dục – đào tạo thích ứng, áp dụng phương thức dạy học trực tuyến và thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ hơn.

Vài năm trở lại đây, người ta nhắc ngày càng nhiều đến “chuyển đổi số” (digitaltransformation), nhất là ở các ngành kinh tế, kinh doanh, dịch vụ. Còn trong giáo dục, phải đến khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu làm đình trệ mọi hoạt động kinh tế - xã hội, học sinh, sinh viên không thể đến trường, chuyển đổi số mới thực sự trở thành một quá trình mà kết quả của nó có thể là một diện mạo giáo dục hoàn toàn mới, với phương thức, cách thức, phương pháp, kỹ thuật, công cụ và phương tiện mới. Có thể thấy, dịch Covid-19 đã tạo áp lực nhưng cũng vô tình tạo cơ hội và động lực để ngành giáo dục – đào tạo thích ứng, áp dụng phương thức dạy học trực tuyến và thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ hơn.

Biến thách thức thành cơ hội

Ấn tượng với những nỗ lực và phản ứng nhanh của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19, bà Rana Flowers - Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam nhấn mạnh: Những giải pháp đưa ra rất nhanh và hiệu quả, hành động hết sức khẩn trương, tạo điều kiện cho dạy – học trực tuyến nhằm duy trì hoạt động học tập của học sinh.

60e933395aef48f2a3e77d7962aa7ec4

Theo bà Rana Flowers, chính những khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19, vấn đề học trực tuyến lại là khởi đầu của đổi mới và chúng ta cần tìm ra những giải pháp để thúc đẩy hơn nữa học tập trực tuyến, chuyển đổi số trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang đổi mới giáo dục – đào tạo, cũng như cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi ngành giáo dục – đào tạo phải đổi mới toàn diện hơn nữa.

Giáo sư Fernando Reimers - Trường Đại học Havard cũng đánh giá cao những nỗ lực của ngành giáo dục Việt Nam trong giai đoạn dịch Covid-19.

Trong thời điểm khó khăn, những giải pháp của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đưa ra rất quan trọng khi trường học không thể hoạt động bình thường.

Giáo sư Fernando Reimers đã cộng tác với nhiều cộng sự ở các nước trên thế giới để thực hiện một nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) về những bài học thực tiễn mà nền giáo dục các nước đã làm tốt trong đại dịch Covid-19. Việt Nam là một trong các quốc gia được lấy làm ví dụ để các nước khác có thể học hỏi kinh nghiệm.

Theo Giáo sư Reimers, Việt Nam không chỉ thể hiện cam kết đảm bảo mọi trẻ em được tiếp tục việc học (ngay cả khi không đến trường) mà còn nỗ lực trong các sáng kiến và hành động hướng tới mọi đối tượng học sinh, không chỉ những em dễ tiếp cận mà còn các em khó có thể tiếp cận nhất.

Trong thời gian đại dịch Covid-19, Việt Nam đã xem thách thức này là cơ hội để thay đổi ưu tiên trong chương trình học, cùng nhận định các kỹ năng cần thiết; từ đó cân bằng lại chương trình, giáo trình học một cách toàn diện hơn.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Chu Cẩm Thơ - Phó Trưởng ban phụ trách, Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cho rằng: Ngành giáo dục – đào tạo đã có thành tựu khá cơ bản, đó là hầu hết giáo viên có kỹ năng giảng dạy với sự trợ giúp của công nghệ. Các nhà trường đã có internet và máy tính. Bài giảng số hóa đã xuất hiện ở hầu hết nhà trường.

Người dạy, người học bước đầu quen với dạy học trực tuyến. Trên internet, có nhiều nhà cung cấp dịch vụ, nội dung, chương trình dạy học. Điều đó cho thấy, chuyển đổi số đã thâm nhập và khẳng định tính cần thiết trong toàn ngành.

Đây thực sự là những nền tảng quan trọng cho một quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ mà chúng ta đang chuẩn bị triển khai.

Thực tế đã chứng minh, chuyển đổi số trong giáo dục không chỉ giúp thay đổi phương pháp dạy và học mà nó tạo ra sự thích ứng nhanh chóng trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đặc biệt, giúp cho thầy và trò phát huy được tối đa khả năng tư duy, sáng tạo, chủ động.

Tuy nhiên, dù đã có khởi đầu khá thuận lợi nhưng để thực hiện chuyển đổi số, ngành giáo dục và đào tạo cần có những bước đi bài bản, đồng bộ mới có thể đạt mục tiêu trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về chuyển đổi số trong giáo dục - đào tạo.

106860020-1616764715595-gettyimages-1223604450-drl_4084

Chuyển đổi số trong giáo dục - cần gì để thành công?

Trước hết là cần nhiều chính sách hỗ trợ. Với quy mô hơn 53.000 cơ sở GDĐT, 24 triệu học sinh sinh viên và 1,4 triệu giáo viên, ngành Giáo dục xác định thực hiện tốt chuyển đổi số sẽ góp phần triển khai thành công chương trình Chuyển đổi số quốc gia, đóng góp cho nền kinh tế số, xã hội số và hình thành quốc gia số. Mục tiêu của ngành Giáo dục là cố gắng phấn đấu để Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo. Từ đó, góp phần đắc lực thực hiện thành công mục tiêu chuyển đổi số Quốc gia, tạo ra nguồn nhân lực cao, có khả năng hội nhập quốc tế và đáp ứng tốt với những yêu cầu của thời đại mới.

Chuyển đổi số trong giáo dục mang lại nhiều lợi ích trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, song quá trình này sẽ gặp không ít khó khăn. Vì vậy, muốn thay đổi phải có chính sách hỗ trợ từ các bộ, ngành liên quan. Ủng hộ định hướng và quyết tâm của ngành Giáo dục trong việc phấn đấu đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về chuyển đổi số trong GDĐT, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, mục tiêu này hoàn toàn phù hợp, có căn cứ và khả thi. “Chúng ta hãy cùng suy nghĩ thấu đáo và chọn cho mình một niềm tin đúng, đi đến tận cùng, để xây dựng nên các đại học xuất sắc thông qua chuyển đổi số. Đại học xuất sắc, giáo dục và đào tạo xuất sắc là nền tảng quan trọng để Việt Nam bứt phá vươn lên và hùng cường, thịnh vượng. Bộ TTTT cam kết đồng hành cùng Bộ GDĐT trên hành trình đầy thách thức và vinh quang này” - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Có thể thấy rằng việc chuyển đổi số tác động tới nhiều bên liên quan khác nhau trong đó trực tiếp và chịu tác động lớn nhất là người học và giảng viên, kế tiếp là đội ngũ hành chính văn phòng, đội ngũ quản lý, những người phải trực tiếp thao tác, vận hành hệ thống. Các nhà lãnh đạo và ra quyết sách cấp cao trong ngành giáo dục cũng cần phải thay đổi tư duy quản lý.

Để vận hành một hệ thống như vậy đương nhiên đòi hỏi tư duy và năng lực quản lý của lãnh đạo ngành giáo dục cũng như lãnh đạo nhà trường phải thay đổi. Họ phải tìm ra cách thức nắm bắt những gì có thể trên không gian ảo, khai thác hiệu quả công nghệ cho mục đích này. Họ cần trang bị hiểu biết và tư duy số để có thể làm chủ công nghệ và hiểu rõ giới hạn của công nghệ.

Chuyển đổi số cũng không thể thành công nếu những người trực tiếp thực hiện việc đào tạo không có đủ kỹ năng sử dụng công nghệ. Giáo viên cần phải hình dung được họ sẽ “nhìn thấy” học sinh của mình học tập như thế nào nếu không trực tiếp gặp mặt và họ có thể nắm bắt và đánh giá được những gì từ phía người học. Tất nhiên trong quá trình này họ luôn phải có sự hỗ trợ đồng hành của các nhân viên kỹ thuật và các chuyên gia công nghệ để đảm bảo việc giảng dạy diễn ra suôn sẻ, trôi chảy. Họ cũng cần có những kỹ năng mới để tổ chức hoạt động giảng dạy, “giữ” được học sinh trong “lớp học”, duy trì sự chú tâm của học sinh vào các nhiệm vụ và hoạt động học tập. Họ là yếu tố hàng đầu và quan trọng nhất quyết định sự thành công của đào tạo trực tuyến và quá trình chuyển đổi số.

chuyendoisogiaoduc2_ccgi

Nhà trường truyền thống hầu như không có “định biên” cho nhân viên IT. Nhưng khi triển khai đào tạo trực tuyến diện rộng, một số vị trí hành chính không còn, thay vào đó là nhu cầu lớn đội ngũ kỹ thuật viên. Tất nhiên các nhà trường luôn có giải pháp thuê ngoài dịch vụ này nhưng phân bổ chi thường xuyên thay đổi, dẫn tới việc thực hành quản trị và quản lý tài chính nhà trường cũng thay đổi theo.

Trong giáo dục, chuyển đổi số là chuyển đổi toàn bộ những gì cần để có thể triển khai giáo dục trực tuyến. Không có một công thức dành riêng cho quá trình này, nhưng hoàn toàn có thể vận dụng các khung đánh giá hiệu quả giáo dục cũng như các khung đảm bảo chất lượng giáo dục để định hướng quá trình chuyển đổi. Vai trò lãnh đạo, tổ chức, điều phối, huy động nguồn lực cấp hệ thống sẽ là then chốt quyết định hình hài của giáo dục mới. Bên cạnh việc hướng đến đảm bảo hiệu quả giáo dục, cơ hội tiếp cận giáo dục bình đẳng cho mọi đối tượng người học, kể cả học sinh nghèo và khuyết tật, để không ai bị bỏ lại phía sau là một mục tiêu quan trọng mà chuyển đổi số phải đạt được.

Khánh An

Tin khác

Kỳ 1: Vì sao Điện Biên Phủ hay “Đường tới điểm hẹn lịch sử”

Kỳ 1: Vì sao Điện Biên Phủ hay “Đường tới điểm hẹn lịch sử”

(NB&CL) Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), bắt đầu từ số báo này, chuyên trang Tư liệu Báo Nhà báo và Công luận có chuyên đề mang tên: “Điện Biên Phủ - Khúc tráng ca vang mãi”, cùng nhìn lại những dấu ấn không thể quên của chiến thắng vĩ đại này.

Góc nhìn
Giải pháp căn cơ cho thị trường vàng

Giải pháp căn cơ cho thị trường vàng

(NB&CL) Có thể nói, chưa bao giờ, NHNN lại chịu nhiều sức ép trong quản lý thị trường vàng như hiện nay. Đó là sức ép từ nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, sức ép từ người dân và sức ép từ nhóm lợi ích doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Góc nhìn
Vẫn còn những “khoảng trống” nhất định trong ngoại giao văn hóa

Vẫn còn những “khoảng trống” nhất định trong ngoại giao văn hóa

(NB&CL) Tuần qua, nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Phiên họp tháng 3/2024) đã được dư luận quan tâm, đánh giá cao sự công khai, dân chủ, trách nhiệm trong hoạt động của Quốc hội và ngày càng gần dân hơn.

Góc nhìn
Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt: Muộn còn hơn không!

Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt: Muộn còn hơn không!

(NB&CL) Trước những tổn thất tiềm ẩn đối với tổng giá trị xuất khẩu nông sản, chuyên gia cho rằng, việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt Nam là việc làm cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt lúc này là muộn, nhưng vẫn còn hơn không.

Góc nhìn
Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

(NB&CL) Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang ở vị trí thuận lợi để hưởng lợi từ những làn sóng đầu tư mới của các công ty chip đang nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng mạnh hơn, tốt hơn trên toàn thế giới.

Góc nhìn