Nhà báo Phan Liên – Đài PTTH Hà Nội:

Vạn Vỹ với tôi như một câu chuyện cổ tích

Thứ năm, 14/02/2019 14:58 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Báo Nhà báo và Công luận vừa có cuộc trò chuyện với Nhà báo Phan Liên xung quanh tác phẩm phóng sự “Người thực hiện khát vọng Vạn Vỹ” đạt Giải A Giải báo chí về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của TP. Hà Nội, Giải Khuyến khích Búa Liềm Vàng.

Đối với nhà báo Phan Liên, Vạn Vỹ giống như một câu chuyện cổ tích. Nơi mà những đứa trẻ từ khi còn chưa biết đi đã phải buộc dây vào chân để giữ mạng sống, vậy mà không thể tránh khỏi nhiều cảnh chết đuối thương tâm. Nơi mà khát vọng lên bờ của hàng trăm người nghèo đi qua thời ấu thơ khắc nghiệt xuyên qua nhiều thập kỷ, được truyền từ đời này qua đời khác… và cuối cùng được trở thành hiện thực.

Đưa các hộ dân Vạn Vỹ lên bờ - “khó như đi lên trời”

+ Từ đâu chị và ê-kíp đã tiến hành thực hiện phóng sự “Người thực hiện Khát vọng Vạn Vỹ”?

- Xin được chia sẻ rằng, tôi là phóng viên chuyên trách mảng công tác Mặt trận của Ban Biên tập Thời sự, Đài PT-TH Hà Nội. Trong quá trình tác nghiệp tại huyện Đan Phượng, tôi rất tình cờ được biết về thôn chài Vạn Vỹ ở xã Trung Châu. Đây là nơi có 55 hộ dân chài với 246 nhân khẩu nhiều thập kỷ qua đang phải sống trong hoàn cảnh hết sức khó khăn: Không nhà ở, không đất sản xuất, không điện và không nước sạch, phải đối mặt với Tử thần mỗi mùa mưa bão. Các thế hệ người dân Vạn Vỹ cùng sống trong những chiếc thuyền cũ kỹ và tạm bợ. Công việc hằng ngày của họ là đánh bắt cá trên sông Hồng với địa bàn mưu sinh trải dài suốt 7 xã thuộc 4 huyện của Hà Nội và Vĩnh Phúc. Đáng chú ý, nhiều trẻ em ở đây phải bỏ học giữa chừng, có cả những người không biết chữ, người già thì thiếu sự chăm sóc. Thế nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra trong năm 2018 khi cấp ủy, chính quyền địa phương chính thức đưa được 32 hộ khó khăn nhất với 133 nhân khẩu lên bờ để ổn định cuộc sống. Thật sự ấn tượng về điều này, vào khoảng tháng 5/2018, tôi quyết định thực hiện tác phẩm, bám sát quá trình đưa người dân lên bờ từ khi chưa có nhà, đến khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây dựng những ngôi nhà đầu tiên để định cư.

Nhà báo Phan Liên – Đài PTTH Hà Nội

Nhà báo Phan Liên – Đài PTTH Hà Nội

+ Câu chuyện diễn ra ở một xã nhỏ, nhưng tôi nghĩ đây cũng là một câu chuyện lớn của Thủ đô, của đất nước?

- Đúng vậy. Nhất là khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 08-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương. Câu chuyện ấy cần được nhân rộng mạnh mẽ trong mỗi cơ quan, đơn vị, trong từng quận huyện, thôn xóm, bản làng để trở thành một tinh thần lớn, một phong trào rộng khắp, góp phần xây dựng quê hương đất nước phát triển bền vững, xây dựng và chỉnh đốn Đảng ngày càng trong sạch vững mạnh. Vạn Vỹ là câu chuyện về những người dân nghèo, về quyền con người, quyền có những điều kiện sống cơ bản, quyền có nhà ở đã được Hiến định. Điều chúng tôi muốn nói hơn cả: Đây là câu chuyện về công tác xây dựng Đảng, lấy được lòng tin của nhân dân với Đảng. Người ta vẫn thường chọn việc dễ làm trước, việc khó làm sau, thậm chí khó quá thì bỏ. Đồng chí Đỗ Văn Đang - Bí thư xã Trung Châu đã chia sẻ với chúng tôi: Khi bàn việc đưa các hộ dân Vạn Vỹ lên bờ thấy “khó như đi lên trời” vì liên quan tới rất nhiều vấn đề như các thủ tục của Nhà nước, giải phóng mặt bằng, tạo công ăn việc làm v.v… Nhưng đồng chí ấy đã chọn việc khó nhất để làm trước và càng khó thì càng nỗ lực để thực hiện thành công. Điều này đã thể hiện tinh thần vì dân, trọng dân, dám nghĩ, dám làm của người đứng đầu cấp ủy.

Viên ngọc trai âm thầm dưới đáy đại dương

+ Với cuộc sống lênh đênh, sông nước là đất mà con thuyền là nhà ở, chị và ê-kíp đã tìm gặp những người dân Vạn Vỹ như nào vậy? Đó hẳn không phải là một công việc dễ dàng?

- Những người dân chài sống lênh đênh trên thuyền với địa bàn mưu sinh trải rộng. Vì họ không có chỗ ở ổn định nên tìm gặp họ là một điều không dễ dàng. Ê-kíp truyền hình của chúng tôi đã phải rong ruổi trên sông Hồng hằng giờ đồng hồ mới tìm được họ. Điều kiện tác nghiệp trên sông khó khăn hơn nhiều so với trên bờ. Không chỉ khó khăn về phương tiện đi lại, mà còn phải đảm bảo an toàn tính mạng cho cả ê-kíp và đảm bảo an toàn cho máy móc, thiết bị truyền hình. Một kỷ niệm mà chắc chắn chúng tôi sẽ không thể quên được là 2 lần, chúng tôi về làng chài vào đêm mưa. Khi đi gần khu vực bãi sông, không có điện, xe ôtô của chúng tôi bị sa lầy. Cả ê-kíp phải nhảy xuống đẩy xe. Về đến Đài, quần áo, giày dép dính đầy bùn đất. Đó là một trải nghiệm rất đáng nhớ của chúng tôi! Tuy có khó khăn, song điều thuận lợi góp phần quan trọng làm nên thành công cho tác phẩm là chúng tôi nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ nhiệt tình của cấp ủy, chính quyền địa phương và bà con làng chài Vạn Vỹ.

Những đứa trẻ buộc dây vào chân để bảo vệ sự sống.

Những đứa trẻ buộc dây vào chân để bảo vệ sự sống.

+ Người làm báo đã “chạm” tới một đề tài mà xã hội quan tâm nhưng hẳn vẫn còn đó ít nhiều trăn trở chứ, thưa chị?

- Tôi nghĩ rằng việc đưa người dân chài Vạn Vỹ lên bờ đã khó, ổn định cuộc sống của họ sau khi lên bờ, giúp họ sớm thoát nghèo còn khó hơn rất nhiều. Hơn nữa, hiện nay, vẫn còn hơn 20 hộ dân Vạn Vỹ chưa được lên bờ. Hành trình cấp đất ở, giúp cư dân Vạn Vỹ xây nhà, tạo điều kiện về công ăn việc làm, đảm bảo an sinh xã hội vẫn còn là một chặng đường dài ở phía trước. Đây không chỉ là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, mà còn cần sự vào cuộc, chung tay của cả cộng đồng và toàn xã hội.

+ Cuộc sống và con người Vạn Vỹ đã để lại những ấn tượng đặc biệt gì đối với nhóm tác giả?

- Trong quá trình thực hiện tác phẩm, tôi có 4 lần về Vạn Vỹ, được nói chuyện cùng người dân làng chài, ăn cơm cùng người dân làng chài. Mỗi lần về là một kỷ niệm, một dấu ấn khó quên trong tôi. Tôi thấy cuộc sống của họ rất vất vả nhưng những con người ở đây thật tình cảm, hiền lành, chất phác, thật thà. Họ đoàn kết và cần cù. Điều làm tôi nhớ nhất là có ông lão làng chài đã hỏi tôi một câu: “Bác có thể gọi con là con gái được không?”. Thật sự, lúc đó tôi đã bị bất ngờ và xúc động vì câu hỏi ấy. Đó sẽ là một trong những câu hỏi mà tôi nhớ nhất trong sự nghiệp làm báo của mình.

Tôi cũng rất ấn tượng với những công việc đồng chí Bí thư xã Trung Châu Đỗ Văn Đang – nhân vật chính trong tác phẩm “Người thực hiện Khát vọng Vạn Vỹ”. Ông không chỉ giúp đỡ hàng trăm người dân làng chài Vạn Vỹ lên bờ để thoát nghèo, mà chính ông còn tiếp thêm niềm tin và động lực cho chúng tôi vững bước trên con đường mình đã lựa chọn, nỗ lực góp phần vào công cuộc “Nhân cái đẹp, dẹp cái xấu”. Tôi nhận thấy có những tấm gương như bông hoa đẹp, ai cũng có thể nhìn thấy. Nhưng cũng có những tấm gương giống như viên ngọc trai âm thầm dưới đáy đại dương. Tôi chỉ mong mình và các đồng nghiệp có thể tìm được nhiều viên ngọc trai như thế, sâu thành những chuỗi ngọc sáng, góp phần tô thắm cuộc đời này!

Đầu xuân năm mới, nhà báo Phan Liên và ê-kíp đã có dịp quay lại Vạn Vỹ. Năm nay, người dân chài nơi đây đã có một cái Tết đầy hân hoan, phấn khởi. Một phần quà nho nhỏ là 15 triệu đồng được nhóm tác giả trích từ Giải Nhất Giải báo chí về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của thành phố Hà Nội và 05 triệu đồng được trích từ Giải Khuyến khích Giải báo chí toàn quốc Búa liềm vàng của Ban Tổ chức Trung ương đã được nhà báo Kim Liên cùng ê-kíp trao tặng cho Vạn Vỹ để xây dựng nhà văn hóa với lời chúc cho một thôn nghèo suốt hơn 200 năm qua của thành phố sẽ sớm thoát nghèo.

Trọng Diễn

Tin khác

Phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X

Phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X

(CLO) Ngày 28/3, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại, Ban Tuyên giáo Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Lễ phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X.

Nghề báo
Trao giải cho 174 tác phẩm tại Giải báo chí “Hải Dương khát vọng, phát triển”

Trao giải cho 174 tác phẩm tại Giải báo chí “Hải Dương khát vọng, phát triển”

(CLO) Nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng (2/4/1904 - 2/4/2024), chiều 27/3, tại TP Hải Dương, UBND tỉnh tổ chức gặp mặt, trao Giải báo chí "Hải Dương khát vọng, phát triển".

Nghề báo
Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư tại tỉnh Tuyên Quang

Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư tại tỉnh Tuyên Quang

(CLO) Ngày 26/3, nhân kỷ niệm 93 Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2024), Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tổ chức trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư cho Trường Trung học Cơ sở Trung Yên, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Nghề báo
Phát động cuộc thi báo chí về công tác sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng “Đô thị di sản thiên niên kỷ” tỉnh Ninh Bình năm 2024

Phát động cuộc thi báo chí về công tác sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng “Đô thị di sản thiên niên kỷ” tỉnh Ninh Bình năm 2024

(CLO) Thông qua cuộc thi nhằm góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh về tầm quan trọng, mục tiêu của công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và xây dựng “Đô thị di sản thiên niên kỷ”.

Nghề báo
Người làm báo trẻ kiên định với nghề, nêu cao tinh thần trách nhiệm trước mọi tình huống

Người làm báo trẻ kiên định với nghề, nêu cao tinh thần trách nhiệm trước mọi tình huống

(CLO) Theo đồng chí Lê Quốc Minh: "Ngoài tâm huyết, người làm báo còn cần sở hữu nhiều yếu tố đặc biệt khác. Nhà báo cũng như người gác hải đăng mà cụ thể là tinh thần sẵn sàng đối mặt thử thách, khó khăn, kiên định với nghề, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước mọi tình huống".

Nghề báo