Chuyến tác nghiệp vùng biên - thêm yêu Tổ quốc mình

Thứ hai, 08/10/2018 11:35 AM - 0 Trả lời

(CLO) Với người làm báo, một trong những may mắn lớn nhất đó là được đi, được gặp gỡ, được cảm nhận về cuộc sống, để rồi những “đứa con tinh thần” ra đời trên mỗi chặng đường đi, mỗi cuộc hành trình nghề nghiệp. Chuyến tác nghiệp tại Mường Khương, Lào Cai trong một chiều đầu tháng 5 năm 2018 sẽ mãi là một kỉ niệm khó quên với người làm báo chúng tôi.

Từ hình ảnh cột mốc chủ quyền, những người lính quân hàm xanh canh giữ biên cương, những người dân mộc mạc, giản dị cả ánh nắng vàng ngọt trên rẻo cao... đều gợi lên trong tôi một tình yêu Tổ quốc da diết.

Nhặt chút vấn vương trên nẻo đường rừng

Con đường đến với địa danh này quả thực không dễ dàng khi xe chúng tôi liên tục gặp phải những cung đường đèo dốc, hiểm trở mà nếu không có một tay lái cừ khôi và chuyên nghiệp thì khó có thể vượt qua được. Do quen biết từ trước nên tôi được nhà thơ Pờ Sảo Mìn- người con ưu tú của dân tộc Pa Dí đón tiếp trọng thị. Với tư cách chủ nhà, ông ngỏ ý muốn được đưa chúng tôi đến thăm cột mốc biên giới 144 để ngắm mây trời núi non biên cương, để thấy những người chiến sĩ đang cần mẫn “kê cao quê hương” như thế nào?

Chỉ ít phút sau, tôi đã thấy ông ngồi trên chiếc xe tắc xi và ra hiệu cho chúng tôi lên xe. Qua khung cửa ô tô, cái nắng vàng ngọt của miền rẻo cao phả vào mặt ran rát. Con đường nhỏ ngoằn ngoèo của thị trấn vắng người qua lại. Quãng đường từ thị trấn Mường Khương lên cột mốc biên giới 144 chừng 10km.

Những năm gần đây nhờ sự quan tâm và hỗ trợ kịp thời của Đảng, Nhà nước mà con đường đất gồ ghề sỏi đá xưa kia đã được đầu tư trải nhựa khang trang. Nhưng do địa hình đồi núi hiểm trở nên xe thường xuyên gặp phải những khúc đường cua quặt liên tục khiến chúng tôi cũng nghiêng ngả theo. Một nữ đồng nghiệp đi cùng tôi liên tục giật mình và chị cũng đã chuẩn bị những chiếc túi ni lông phòng có thể bị say xe bất cứ lúc nào. Hai bên đường là đồi núi và nương rẫy mướt cây xanh với ngô, quýt, keo, thông...

Báo Công luận
 Người chiến sĩ Biên phòng với nhà thơ Pờ Sảo Mìn tại cột mốc 144 (Ảnh: Đoàn Mai)
Nhìn những cây ngô non nớt cố bám trụ vào vách đá núi cằn cỗi, mới thấy chúng thật kiên cường. Với đồng bào dân tộc nơi đây, ngô là loài cây quan trọng, bởi nó không chỉ cung cấp lương thực cho người và vật nuôi, mà còn là nguyên liệu để cho ra đời những mẻ rượu thơm ngon mang đặc trưng văn hóa của người dân tộc miền núi Tây Bắc để mỗi người miền xuôi đến với mảnh đất này lại lưu luyến khôn nguôi. Đáng mừng là gần đây tuy mới được đưa vào canh tác, nhưng cây quýt đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên rẻo đất biên cương này. Hiện nay, quýt Mường Khương đã có thương hiệu và khẳng định được chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Khi tôi đang mải suy nghĩ vẩn vơ thì chiếc radio trong xe cất lên tiếng hát trong trẻo, da diết: “Chiều biên giới em ơi!/ Có nơi nào xanh hơn/ Như chồi non cỏ biếc/ Như rừng cây của lá/ Như tình yêu đôi ta/ Chiều biên giới em ơi!/ Có nơi nào cao hơn/ Như đầu sông đầu suối/ Như đầu mây đầu gió/ Như trời quê biên cương...” (“Chiều biên giới”- thơ Lò Ngân Sủn, nhạc Trần Chung). Giữa khung cảnh núi non hùng vĩ, trập trùng, dường như tiếng hát ấy có một sức mạnh vô hình, không ai bảo ai, tất cả chúng tôi đều im lặng. Đây cũng là lần đầu tiên tôi được nghe ca khúc này tại chính mảnh đất biên cương Lào Cai - quê hương của “cha đẻ’ ra những vần thơ ấy để nhạc sĩ Trần Chung “thổi hồn” âm nhạc, nhà thơ dân tộc Giáy Lò Ngân Sủn.

“Đúng là biên cương của chúng ta rồi! Biên cương của chúng ta thật đẹp!”, nữ đồng nghiệp ngồi cạnh tôi vui mừng reo lên. Thế rồi chúng tôi lại bị cuốn theo câu chuyện của nhà thơ Pờ Sảo Mìn về những kỷ niệm với người bạn quá cố của ông- nhà thơ Lò Ngân Sủn- người sau này đã về Hà Nội giữ chức Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Chưa hết, nhà thơ Pờ Sảo Mìn còn kể cho tôi nghe về chiến thắng vang dội 11/11/1950 - ngày mà vùng đất Mường Khương đã hoàn toàn được giải phóng, trong đó có đóng góp không nhỏ của người dân tộc Pa Dí.

Thấm thía hai tiếng thiêng liêng: Tổ quốc

Ngày đi học, tôi được biết câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Tố Hữu: “Đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi!”. Nhưng Tổ quốc ta đâu chỉ đẹp ở những tòa nhà cao tầng nguy nga, lộng lẫy, đẹp ở những con đường rộng rãi, khang trang, đẹp ở những công trình mang tầm vóc thế kỷ, mà Tổ quốc ta còn đẹp ở những điều giản dị, đời thường và gần gũi nhất. Đó chính là khung cảnh biên giới lúc chiều tà. Đó là nơi chan chứa, ấm áp tình quân dân, đồng đội.

Xe lên đến cửa khẩu Sín Tẻn, một chiến sĩ Biên phòng bước ra thấy người đàn ông tuổi thất thập dáng mảnh khảnh, gầy gò, ăn mặc giản dị bèn chặn lại hỏi với giọng nghi ngờ: “Bác đi đâu? Hình như bác không là người dân địa phương?” Nhà thơ Pờ Sảo Mìn vội đáp: “Không, tôi là người ở đây mà!”. Nói rồi ông rút trong ví ra cái thẻ hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Người chiến sĩ ấy tỏ vẻ nghiêm trọng, liếc nhìn thẻ, lại liếc nhìn nhà thơ và... cười như nắc nẻ. Anh lấy hơi rồi đọc bằng giọng truyền cảm: “Dân tộc tôi có hai ngàn người/ Như cái cây có hai ngàn chiếc lá”. Tất cả chúng tôi đều bật cười. Thì ra anh ấy đã nhận ra nhà thơ Pờ Sảo Mìn, nhưng cố tình trêu chứ người dân và chiến sĩ nơi đây không ai là không biết nhà thơ “Hai ngàn lá” Pờ Sảo Mìn.

Lúc này, anh lính nắm tay tôi và nói với bằng chất giọng rõ ràng, xúc động: “Anh em chúng tôi ở đây được người dưới xuôi lên thăm là quý hóa lắm!”. Câu nói ấy của anh cứ ám ảnh tôi mãi về tình cảm giữa những con người xa lạ nhưng trên mảnh đất biên cương lại thân thiết như những người thân lâu ngày không gặp. Bàn tay ấm và nụ cười hồn hậu ấy của anh khiến tôi vẫn còn nhớ mãi. Anh kể, ngoài công việc tuần tra, bảo vệ cột mốc biên cương thì các anh còn có một nhiệm vụ không kém phần quan trọng, đó là dạy bà con cách trồng cây, nuôi lợn, nuôi gà; đó là đem cái chữ dạy cho dân bản; đó là tuyên truyền vận động người dân một lòng đi theo Đảng…

Nói rồi, anh dẫn chúng tôi lên thăm cột mốc biên giới. Nhưng đó cũng là lúc ánh mặt trời chiếu vào gay gắt khiến cột mốc nóng ran. Người lính ấy cho biết cột mốc bằng đá hoa cương nguyên khối nặng khoảng 500kg, được cắm vào ngày 26/12/2007. Từ đây đưa mắt nhìn xuống Mường Khương, tôi mới thực sự choáng ngợp trước sự hùng vĩ của phong cảnh nơi này.

Cái nắng vàng ngọt của vùng đất biên giới cũng thật lạ thường. Mặc dù vậy cũng không thể nào xóa tan được cảm giác mát mẻ, trong lành trong từng ngọn gió mang hơi thở của đại ngàn Tây Bắc. Phía xa xa, những dải sương trắng vắt ngang sườn đồi hòa quyện cùng khói bếp lam chiều bay lên từ bản làng nào đó càng khiến khung cảnh thiên nhiên chiều biên giới thêm mờ ảo, nên thơ. Nhưng, xúc động nhất là hình ảnh lá cờ đỏ năm cánh sao vàng tượng trưng cho “dáng hình” Tổ quốc tung bay phấp phới đầy kiêu hãnh. Và tự trong trái tim mình, tôi mới thấy thấm thía hai tiếng thiêng liêng: Tổ quốc.

Báo Công luận
 Khung cảnh Mường Khương (baolaocai)
Biên giới hôm nay đã bình yên nhưng vẫn còn ở đó những mối lo lắng đòi hỏi mỗi người chiến sĩ Biên phòng phải luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu. Tôi chợt nhớ đến câu thơ của cố Thiếu tướng, nhạc sĩ Vũ Hiệp Bình- nguyên Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng như lời khẳng định mối quan hệ khăng khít, máu thịt giữa những người chiến sĩ mang quân hàm xanh với cột mốc biên giới: “Với Tổ quốc, chúng tôi là cột mốc/ Với chúng tôi, Tổ quốc là điểm tựa ngàn đời”.

Bên cạnh lực lượng Bộ đội Biên phòng thì không thể không nhắc đến những nhà báo nhiệt huyết, tận tâm trên vùng non cao còn vô vàn khó khăn này. Họ cũng đang ngày đêm “chiến đấu” như một “chiến sĩ” thực thụ trên “mặt trận” thông tin, tuyên truyền. Và đương nhiên họ luôn phải đối mặt với những khó khăn vất vả, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng rình rập đến từ những trận lũ quét, sạt lở đất, những cơn nổi giận của Mẹ thiên nhiên, những tay buôn ma túy hung hãn, những tay lâm tặc liều lĩnh… Nhưng tôi tin rằng với tình yêu nghề nghiệp họ đã, đang và sẽ chung tay cùng các lực lượng để xây dựng lên vùng biên giới ngày càng giàu mạnh, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế, dân sinh với thành thị. 

Trở về từ chuyến tác nghiệp ấy, càng cho tôi lòng quyết tâm, động lực để tiếp tục hoàn thành những tuyến bài hay hơn để phục vụ công chúng tốt hơn. Và hơn thế, tôi càng hiểu rằng, đất nước ta có hàng ngàn cột mốc biên giới, mỗi cột mốc đều được đánh đổi bằng biết bao máu xương của thế hệ cha anh. Chính vì vậy, việc bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi người con đất Việt hôm nay và mai sau.

An Kim

Tin khác

Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Lan toả văn hóa lịch sử Thăng Long - Hà Nội

Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Lan toả văn hóa lịch sử Thăng Long - Hà Nội

(CLO) Chiều 28/3, tại Hà Nội, Báo Hànộimới phát động Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào” nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), 67 năm ngày Báo Hànộimới mới xuất bản số hàng ngày đầu tiên (24/10/1957-24/10/2024) và Kỷ niệm 35 năm xuất bản ấn phẩm Hànộimới Cuối tuần (2/4/1989-2/4/2024).

Nghề báo
Bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công thương

Bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công thương

(CLO) Ngày 28/3, Bộ Công thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương về việc bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh, Phó Tổng biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công thương.

Nghề báo
Phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X

Phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X

(CLO) Ngày 28/3, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại, Ban Tuyên giáo Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Lễ phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X.

Nghề báo
Trao giải cho 174 tác phẩm tại Giải báo chí “Hải Dương khát vọng, phát triển”

Trao giải cho 174 tác phẩm tại Giải báo chí “Hải Dương khát vọng, phát triển”

(CLO) Nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng (2/4/1904 - 2/4/2024), chiều 27/3, tại TP Hải Dương, UBND tỉnh tổ chức gặp mặt, trao Giải báo chí "Hải Dương khát vọng, phát triển".

Nghề báo
Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư tại tỉnh Tuyên Quang

Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư tại tỉnh Tuyên Quang

(CLO) Ngày 26/3, nhân kỷ niệm 93 Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2024), Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tổ chức trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư cho Trường Trung học Cơ sở Trung Yên, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Nghề báo