Báo động thực phẩm bẩn vào trường học từ vụ trẻ em nhiễm sán lợn ở Bắc Ninh:

Đừng để lợi ích che mờ lương tri!

Thứ năm, 21/03/2019 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Vụ việc hàng trăm trẻ em ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh được phát hiện nhiễm sán lợn khiến dư luận đặt ra rất nhiều câu hỏi cần được trả lời minh bạch từ các cơ quan chức năng.

“Đưa thức ăn bẩn vào trường học là một tội ác”, “Một cuộc xét nghiệm sán lớn nhất từ trước đến nay”, “Tôi mất niềm tin vì đến thức ăn bẩn hại các cháu, họ còn dám làm”, “Học sinh nhiễm sán lợn ở Bắc Ninh: Phụ huynh bức xúc yêu cầu khởi tố”… Đó là những hàng tít đăng trên trang nhất của nhiều tờ báo trong suốt tuần qua sau khi hàng trăm trẻ em ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh được phát hiện nhiễm sán lợn. An toàn thực phẩm (ATTP) trong nhà trường đang nóng hơn bao giờ hết khi hàng loạt trẻ em từ một đến 10 tuổi sinh sống trên địa bàn xã Thanh Khương (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) được gia đình đưa xuống Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư khám và xét nghiệm sán lợn. Có hay không sự thông đồng giữa nhà thầu cung cấp thực phẩm với người có liên quan dẫn đến xà xẻo chất lượng bữa ăn của trẻ? Có hay không việc chạy theo lợi nhuận để mua thực phẩm bệnh, ôi thiu đưa vào bữa ăn cho các cháu? Cơ chế giám sát thế nào?... vẫn là những câu hỏi mà xã hội cần được nghe câu trả lời minh bạch nhất từ các cơ quan chức năng.

Chuyện cũ mà không cũ

Tính đến sáng 17/3, kết quả xét nghiệm Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Viện Sốt rét, Ký sinh trùng, Côn trùng Trung ương cho thấy: Đã có 124 trẻ đến từ Bắc Ninh bị nhiễm sán lợn. Con số này chưa dừng lại bởi hàng nghìn phụ huynh có con học tại gần 20 trường trên địa bàn huyện Thuận Thành vẫn đang chờ kết quả từ phía bệnh viện.

Đây không phải là lần đầu tiên các vụ việc đau lòng tương tự bị phát hiện, khi thực phẩm bẩn được tuồn vào các nhà trường, “đầu độc” hàng trăm, hàng nghìn học sinh mỗi ngày.

Trước đó, chỉ tính riêng năm 2018, đã có hàng loạt trường học ở nhiều tỉnh thành trên cả nước bị phát hiện đã đưa thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vào bữa trưa học đường, hàng trăm học sinh phải nhập viện vì ngộ độc thực phẩm.

Tiêu biểu có thể kể đến như tại Hà Nội, hơn 200 học sinh trường Mầm non Xuân Nộn (xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh, Hà Nội) bị ngộ độc thực phẩm, phải nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Anh. Kết quả xét nghiệm 13 mẫu thức ăn ở trường cho thấy, có một mẫu bánh ngọt dương tính với vi khuẩn salmonella gây nhiễm trùng đường ruột.

Tại Ninh Bình, 352 học sinh trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, phải nhập viện cấp cứu với các biểu hiện đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy… Kết quả điều tra cho thấy, món ruốc gà trong bữa ăn tại trường của học sinh nhiễm khuẩn tụ cầu vàng. Tại Hà Giang, 150 học sinh của trường Tiểu học bán trú Xín Cái, huyện Mèo Vạc, có biểu hiện buồn nôn, đi ngoài sau khi ăn trưa tại trường v.v...

Để thực phẩm bẩn tuồn vào trường học là một tội ác. (Ảnh minh họa)

Để thực phẩm bẩn tuồn vào trường học là một tội ác. (Ảnh minh họa)

Điều đáng nói, việc xử lý các công ty tuồn thực phẩm bẩn vào nhà trường hiện nay được xem là quá nhẹ. Thời gian qua không ít vụ việc tuồn thực phẩm bẩn vào bữa ăn học đường được phát hiện nhưng đều có điểm chung là không có ai đứng ra nhận trách nhiệm hay bị xử lý một cách nghiêm khắc.

Theo ông Lê Hồng Tịnh - Phó Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội thì mỗi năm tai nạn giao thông gây thiệt hại cho nền kinh tế Việt Nam khoảng gần 1 tỷ USD, tức là 1,64% GDP. Nhưng số người chết vì ung thư gây thiệt hại về kinh tế cho nước ta 3% GDP mỗi năm.

Tuy nhiên, hiện nay chưa có một con số thống kê cụ thể nào về số lượng người chết vì thực phẩm bẩn. Nhưng số ca nhập viện vì thực phẩm bẩn, vì ngộ độc thực phẩm, vì ngộ độc rượu… ngày một gia tăng. Nguyên nhân của những sự việc này thì không cần bàn luận cũng có thể nắm rõ, đó chính là từ nguồn gốc của thực phẩm mà chúng ta hằng ngày vẫn đưa vào cơ thể.

Trường hợp xảy ra tại trường Mầm non Thanh Khương, phụ huynh các em lẫn dư luận hoài nghi nguồn thức ăn bẩn tuồn vào nhà trường là nguyên nhân chính dẫn đến việc các em mắc sán lợn là có cơ sở. Bởi, hiếm nơi đâu, trong một khoảng thời gian ngắn, hàng chục em được phát hiện mắc sán lợn như vậy. Hơn nữa, từ những hình ảnh miếng thịt lợn gạo trong bếp ăn nhà trường cũng là minh chứng rõ ràng nhất. Vì thịt lợn gạo có chứa các nang sán là nguyên nhân dẫn đến việc nhiễm sán lợn.

Vấn đề đặt ra đó là: Vì sao vẫn liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể trong trường học? Vì sao thực phẩm bẩn vẫn tuồn được vào bếp ăn nhà trường? Phải chăng, do chế tài xử phạt vẫn còn khá lỏng lẻo, việc quy trách nhiệm chưa thực sự rõ ràng? Hay sự công khai minh bạch trong trường học vẫn còn hạn chế và vai trò giám sát của phụ huynh cũng rất mờ nhạt?

Giám sát và trừng trị

Nhiều ngày qua, không chỉ phụ huynh Bắc Ninh mà phụ huynh cả nước đều hoang mang lo lắng vì vấn nạn thực phẩm bẩn. Báo chí bắt đầu đề cập đến vai trò giám sát của phụ huynh. Đã có tờ báo khẩn thiết yêu cầu: Hãy để phụ huynh được giám sát bữa ăn của con em họ.

Trên thực tế, quy định về tổ chức bữa ăn bán trú trường học khá chặt chẽ từ khâu cung ứng sản phẩm đến quy trình chế biến, giám sát. Theo đó nhà trường phải hợp đồng với một đơn vị cung ứng thực phẩm có đủ tư cách pháp nhân, tuyệt đối không được tự ý mua thực phẩm trôi nổi. Nhà trường và phụ huynh có trách nhiệm giám sát chất lượng thực phẩm, quy trình chế biến và lưu mẫu thực phẩm hằng ngày. Tuy nhiên, lý thuyết chặt chẽ bao nhiêu thì thực tế lại tồn tại nhiều lỗ hổng bấy nhiêu. Đơn vị cung ứng thực phẩm do nhà trường quyết định, ký kết hợp đồng. Nguồn thực phẩm đưa vào trường học mỗi ngày hầu như không có sự giám sát của phụ huynh. Vai trò giám sát của phụ huynh chưa có điều kiện phát huy khi mà nhà trường hầu như “tự khép kín” vấn đề chất lượng bữa ăn bán trú. Và mọi việc chỉ vỡ lở khi phụ huynh cố ý theo dõi, đột nhập phát hiện thực phẩm bẩn hoặc là đội ngũ giáo viên trong trường bức xúc, chụp ảnh tố cáo về chất lượng bữa ăn.

Xét nghiệm sán lợn cho trẻ. Ảnh: T.L

Xét nghiệm sán lợn cho trẻ. Ảnh: T.L

Trẻ em là mầm non tương lai của đất nước. Bởi vậy, để thực phẩm bẩn tuồn vào trường học là một tội ác. Hậu quả hôm nay phải quy trách nhiệm nặng nề cho lãnh đạo trường học xảy ra bê bối thực phẩm bẩn. Đồng thời phải có các chế tài xử lý, nghiêm trị thích đáng đối với đơn vị cung ứng thực phẩm bẩn. Không thể chấp nhận tình trạng “đầu độc” sức khỏe của con trẻ chỉ vì lợi ích cá nhân, lòng tham không đáy của một cá nhân, tổ chức nào!

Và để ngăn ngừa các vụ việc tương tự xảy ra cũng như neo giữ niềm tin của xã hội, cần phải giao trách nhiệm và ràng buộc chặt chẽ về chất lượng bữa ăn học đường cho hiệu trưởng nhà trường. Vai trò quản lý, giám sát của lãnh đạo phòng giáo dục cũng như chính quyền địa phương cũng cần phát huy hơn nữa trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm ở trường học.

Tổ chức bữa ăn bán trú trường học cần được công khai, minh bạch như một loại hình dịch vụ, kinh doanh. Vai trò giám sát của phụ huynh phải được tôn trọng, họ có quyền hỏi, xem, ngửi, sờ, ăn thử những món ăn sắp được bày biện lên bàn cho con trẻ và loại trừ tối đa các tình huống “rình mò”, “theo dõi”, “đột kích” như trước đây.

Khi vai trò giám sát của cộng đồng được tăng cường, thực thi nghiêm túc, lẽ tất nhiên là bất kỳ âm mưu đen tối nào muốn trục lợi từ bữa ăn của trẻ cũng đều phải e ngại, dè chừng.

Câu chuyện ở Bắc Ninh có lẽ là câu chuyện “Cháy nhà ra mặt chuột” Công ty cung cấp thực phẩm cho hàng loạt trường mầm non ở đây là công ty nào, uy tín ra sao mà các trường lại “tin tưởng” và phó thác sức khỏe của hàng vạn cháu nhỏ như vậy?. Có hay không “lợi ích nhóm”, có hay không việc “bôi trơn” để nhận được “đặc ân” này?  Đó là câu hỏi mà dư luận trông chờ được trả lời một cách rõ ràng và minh bạch nhất. 

Pháp luật còn kẽ hở, những người có trách nhiệm không nhìn thẳng vào sự thật, còn dung túng, bao che thì câu chuyện thực phẩm bẩn vào trường học – tội ác của những kẻ bất nhân sẽ tiếp tục tái diễn.

Bộ Công an sẽ vào cuộc và nếu phải khởi tố điều tra để đưa những kẻ táng tận lương tâm ra ánh sáng cũng là điều hoàn toàn bình thường.

Không xử lý nghiêm, không ngăn chặn kịp thời thì sẽ còn “nước mắt Thuận Thành” tuôn rơi ở nơi này, nơi khác, sẽ còn những hoài nghi lan truyền trong xã hội và chắc chắn, sẽ có một thế hệ những đứa trẻ lớn lên bằng “thực phẩm bẩn” – đó là thế hệ tương lai của đất nước.

Những vụ án lớn - nhỏ, những quan chức từ cấp Trung ương tới địa phương, những lãnh địa tưởng chừng như “bất khả xâm phạm”… đều không là ngoại lệ trước pháp luật. Không có lý do gì, những kẻ âm thầm gieo rắc bệnh tật cho đồng loại lại nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật?

Khánh An

Tin khác

Kỳ 1: Vì sao Điện Biên Phủ hay “Đường tới điểm hẹn lịch sử”

Kỳ 1: Vì sao Điện Biên Phủ hay “Đường tới điểm hẹn lịch sử”

(NB&CL) Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), bắt đầu từ số báo này, chuyên trang Tư liệu Báo Nhà báo và Công luận có chuyên đề mang tên: “Điện Biên Phủ - Khúc tráng ca vang mãi”, cùng nhìn lại những dấu ấn không thể quên của chiến thắng vĩ đại này.

Góc nhìn
Giải pháp căn cơ cho thị trường vàng

Giải pháp căn cơ cho thị trường vàng

(NB&CL) Có thể nói, chưa bao giờ, NHNN lại chịu nhiều sức ép trong quản lý thị trường vàng như hiện nay. Đó là sức ép từ nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, sức ép từ người dân và sức ép từ nhóm lợi ích doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Góc nhìn
Vẫn còn những “khoảng trống” nhất định trong ngoại giao văn hóa

Vẫn còn những “khoảng trống” nhất định trong ngoại giao văn hóa

(NB&CL) Tuần qua, nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Phiên họp tháng 3/2024) đã được dư luận quan tâm, đánh giá cao sự công khai, dân chủ, trách nhiệm trong hoạt động của Quốc hội và ngày càng gần dân hơn.

Góc nhìn
Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt: Muộn còn hơn không!

Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt: Muộn còn hơn không!

(NB&CL) Trước những tổn thất tiềm ẩn đối với tổng giá trị xuất khẩu nông sản, chuyên gia cho rằng, việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt Nam là việc làm cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt lúc này là muộn, nhưng vẫn còn hơn không.

Góc nhìn
Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

(NB&CL) Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang ở vị trí thuận lợi để hưởng lợi từ những làn sóng đầu tư mới của các công ty chip đang nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng mạnh hơn, tốt hơn trên toàn thế giới.

Góc nhìn