Công cụ giám sát góp phần củng cố niềm tin của công chúng

Thứ năm, 14/06/2018 16:09 PM - 0 Trả lời

(CLO) Tiện lợi, nhanh chóng, sinh động là những gì độc giả dành tặng cho loại hình báo điện tử. Không thể phủ nhận lợi thế của loại hình báo chí này đối với một quốc gia có hơn 16 triệu lượt người sử dụng internet như Việt Nam, nhưng “kỷ nguyên số” cũng đặt ra nhiều cạm bẫy mà báo điện tử phải đối diện. Nhiều tờ báo đã “đánh mất chính mình” trước cuộc chiến cạnh tranh thông tin vô cùng khốc liệt cũng như những cám dỗ của đồng tiền.

Báo điện tử và những hệ lụy trong cuộc chiến sinh tồn

Vì chạy theo tiêu chí nhanh, nóng trong một “xa lộ thông tin” vô cùng sôi động mà nhiều tờ báo sẵn sàng bỏ qua hoặc coi nhẹ yêu cầu về tính chính xác, khách quan của thông tin. Đây là điều cấm kị đối với cơ quan có chức năng định hướng dư luận. Thông tin sai không chỉ ảnh hưởng tới uy tín của tờ báo, mà còn tác động tiêu cực tới các nhân vật, chủ thể liên quan. 

Nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã lao đao chỉ vì những thông tin thất thiệt, chưa được kiểm chứng đăng tải vội vàng trên báo điện tử. Thậm chí, có những thông tin còn ảnh hưởng tới uy tín quốc gia, mang tính kích động hoặc gây hoang mang trong dư luận.

Trước áp lực của kinh tế thị trường, việc báo điện tử phải tăng số lượng bạn đọc để có thể tự nuôi mình là điều dễ hiểu, tuy nhiên báo chí nói chung và báo điện tử nói riêng vẫn luôn phải đảm bảo tính định hướng, có tôn chỉ, mục đích rõ ràng. Các trang báo điện tử hiện nay được ví như “trung tâm thương mại” bày đủ các loại sản phẩm, cái gì cũng có. 

Thông tin thừa nhưng lại thiếu, thừa bởi cơ quan báo chí quá tham lam trong việc cung cấp thông tin mà chưa chú trọng đến tôn chỉ mục đích, phạm vi thông tin của mình; thiếu vì những gì cần viết nhiều, nói sâu thì độc giả lại ít tìm thấy.

Cuộc chạy đua thông tin, cạnh tranh độc giả đã khiến nhiều tờ báo không còn giữ được tôn chỉ - mục đích của mình dẫn tới hiện tượng thông tin trên các tờ báo khá giống nhau. Cùng thời điểm, chỉ cần đọc một tờ báo điện tử, độc giả đã có thể nắm được gần như toàn bộ thông tin chính yếu xuất hiện trên các tờ báo điện tử khác.

Nhiều Tạp chí điện tử nhưng cũng hoạt động như báo chí. Có những tạp chí chuyên ngành hẹp, là cơ quan thông tin lý luận, nghiệp vụ của ngành hay của địa phương nhưng vẫn có cơ quan thường trú, cơ quan đại diện ở các tỉnh, thành phố và chiêu mộ đội ngũ cộng tác viên rộng khắp cả nước. Việc “cài cắm” cộng tác viên khắp mọi miền đất nước nhằm mục đích viết bài thì ít, mục đích theo dõi, khai thác những “góc khuất”, những sơ hở của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp thì nhiều. Nếu có được những thông tin “nhạy cảm” trong tay thì nhà báo, cơ quan báo chí sẽ có cách hành xử để “đôi bên cùng có lợi”.

Một trong những vấn đề gây nhức nhối tuy đã “biết rồi, nói mãi” nhưng vẫn chưa bao giờ xưa cũ đó là vấn đề suy thoái đạo đức trong hành nghề của một bộ phận phóng viên báo chí nói chung, báo điện tử nói riêng. 

Trong bối cảnh bùng nổ thông tin, việc nhanh chóng nắm bắt, khai thác những sự kiện nóng hổi chính là vũ khí cạnh tranh số một của báo mạng điện tử. Tuy nhiên, điều này cũng khiến không ít cơ quan báo chí và người làm báo chỉ chăm chăm chạy theo những thông tin câu khách rẻ tiền, không mang lại giá trị gì cho xã hội, thậm chí là “bé xé ra to”, miễn là thu hút được nhiều lượt view, nhiều like và bình luận của người đọc.

Chẳng hạn như sự việc ở Tiền Giang cách đây mấy năm, khi tin đồn về câu chuyện bố chồng - nàng dâu có quan hệ bất chính, bị dính vào nhau phải đến viện cấp cứu. Đây là câu chuyện mang tính đời tư, không phải của người nổi tiếng nhưng có yếu tố tò mò, hút bạn đọc nên đã có những báo điện tử đăng thông tin này, thậm chí có tờ viết nhiều kỳ và cuối cùng đã bị phạt vì đây là câu chuyện bịa đặt, hoàn toàn không có thực. 

Việc đăng tải thông tin, hình ảnh giật gân, câu khách, thiếu văn hóa, thiếu nhân văn, phản giáo dục, thiếu trách nhiệm với xã hội và độc giả cho thấy sự xuống cấp trầm trọng đạo đức nghề báo.

Mặt khác, song hành với sự nở rộ của loại hình báo điện tử thì cụm từ “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ” cũng ra đời và được người ta nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần. Chỉ vì một mối quan hệ thân hữu nào đó hoặc có chút lợi ích cá nhân nhất thời, cũng đôi khi có cả hai, mà cơ quan báo chí chỉ đạo phóng viên hoặc là tự thân nhà báo sẵn sàng bẻ cong ngòi bút, cho ra đời những “đứa con tinh thần” què quặt, phiến diện, nhuốm màu sắc chủ quan. 

Nhiều bài viết vừa đăng lên nhưng lập tức “bốc hơi” không để lại dấu vết sau khi tòa soạn nhận được cuộc điện thoại hoặc một lần gặp gỡ. Nếu có để lại thì sản phẩm cũng đã bị nhào nặn thành một bộ mặt khác mà đã phẫu thuật hết phần tiêu cực, chỉ để lại phần an toàn. 

Đây là những vấn đề nhức nhối đặt ra đối với các cơ quan quản lý báo chí đối với loại hình báo điện tử, cần phải nhìn thẳng, không thể né tránh.

Báo Công luận
 Hơn lúc nào hết, việc “sàng lọc thông tin” của báo điện tử phải được đặt lên hàng đầu và phải được thực hiện một cách cẩn trọng và chuyên nghiệp.( ảnh minh họa, nguồn internet)

Công cụ giám sát tăng trách nhiệm sàng lọc thông tin

Hơn lúc nào hết, việc “sàng lọc thông tin” của báo điện tử phải được đặt lên hàng đầu và phải được thực hiện một cách cẩn trọng và chuyên nghiệp. Người đọc có thể tìm được những thông tin chính xác, khách quan và có trách nhiệm trên báo điện tử, họ có thể đặt niềm tin rằng nội dung đó là chính xác chứ không cần phải phân vân chuyện đó có thật hay không. 

Thường trực Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam đã chỉ đạo Cổng TTĐT của Hội nghiên cứu sản xuất thiết bị ứng dụng theo dõi gỡ bài, sửa bài trên báo điện tử, trang thông tin điện tử do Bộ Thông tin – Truyền thông cấp phép. Công cụ giám sát này là sản phẩm của mối quan hệ phối hợp giữa Cổng Thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp Công ty Cổ phần thương mại Nam Lợi. 

Việc sử dụng thiết bị nhằm kiểm tra, giúp các cơ quan báo chí thận trọng hơn trong quá trình đưa tin, tránh việc “chạy đua”, đưa thông tin chưa được kiểm chứng, thông tin sai sự thật, thông tin nhạy cảm, góp phần phát hiện tiêu cực trong việc gỡ bài, sửa bài trên các báo điện tử. 

Là một biện pháp thiết thực, góp phần giám sát việc thực hiện các quy định đạo đức nghề nghiệp của các phóng viên, biên tập viên, lãnh đạo cơ quan báo chí. Thời gian qua, có những thông tin sai sự thật xuất hiện trên các báo điện tử, gây ảnh hưởng không tốt đến xã hội dù đã được đính chính sau đó.

Thiết bị hoạt động 24/24, cung cấp cụ thể thời gian đăng, sửa, gỡ bài, nội dung bài bị gỡ, sửa. Nhờ thiết bị này, từ đầu tháng 8/2017 đến nay, Cổng Thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam đã tiến hành theo dõi gần 200 báo điện tử, một số trang thông tin điện tử được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép. Kết quả theo dõi của thiết bị như sau: Tháng 8/2017 (khi chạy thử chưa công bố có phần mềm giám sát) có 188 bài bị gỡ. Sau khi công bố có phần mềm giám sát tháng 9/2017 có 77 bài bị gỡ. Tháng 10 có 36 bài. Tháng 11 có 33 bài. Tháng 12 có 30 bài (trong tháng 11 và 12 có gần 20 báo điện tử  gỡ bài có cùng nội dung đề cập đến vụ khởi tố TGĐ Tập đoàn Dầu khí). Tháng 01/2018 có 23 bài. Tháng 02 có 8 bài. Tháng 3 có 13 bài.Tháng 4 có 10 bài.Tháng 5 có 4 bài. Những con số trên cho thấy, công cụ này đã phát huy hiệu quả vai trò trong việc kiểm soát mặt trái của báo điện tử. 

Cơ quan báo chí có sự thận trọng hơn trong quy trình xuất bản, thực hiện công tác biên tập, thẩm định, duyệt đăng được tiến hành chặt chẽ hơn. Hàng tuần, Cổng TTĐT Hội Nhà báo Việt Nam có văn bản báo cáo kết quả theo dõi lên lãnh đạo Hội, Vụ Báo chí xuất bản - Ban Tuyên giáo Trung ương, các ban chức năng của hội để theo dõi kiểm tra, xử lý.

Chỉ trong một thời gian ngắn ứng dụng theo dõi gỡ bài, sửa bài trên báo điện tử, những tiêu cực và thiếu thận trọng trong xuất bản báo điện tử đã giảm hẳn.

Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết hoạt động năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tại Nghệ An ngày 17/4/2018, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: Tôi đã từng phê bình gay gắt chuyện báo chí “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ”... Sau đó, Hội Nhà báo Việt Nam đã có sáng kiến sản xuất, quản lý và sử dụng  phần mềm theo dõi gỡ bài, sửa bài. Phần mềm này đã kiểm soát được việc đăng, gỡ tin bài dễ dãi… theo dõi chính xác việc gỡ, sửa bài trên báo điện tử, góp phần ngăn chặn có hiệu quả  tình trạng "sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ" trong thời gian qua. Đến nay chuyện gỡ bài đăng trên báo điện tử đã giảm trên 80%.

Để kiến tạo ra một bài viết có nội dung chống tiêu cực mang tính chiến đấu cao, phóng viên phải đi thâm nhập thực tế, lăn vào những điểm nóng, phải đổ mồ hôi, công sức, thậm chí còn phải đánh đổi cả sự an toàn của bản thân và gia đình. 

Vậy nhưng vì một lý do nào đó, bài viết bị “xóa sổ” khỏi mặt báo hoặc bị nhào nặn làm cho méo mó bản chất thì câu chuyện “đoàn kết nội bộ” là hoàn toàn xa xỉ. Phần mềm này ra đời sẽ hạn chế động cơ không chính đáng của việc gỡ bài, sửa bài, mọi việc trở nên minh bạch, rõ ràng. 

Cao Oanh

Tin khác

Kỳ 1: Vì sao Điện Biên Phủ hay “Đường tới điểm hẹn lịch sử”

Kỳ 1: Vì sao Điện Biên Phủ hay “Đường tới điểm hẹn lịch sử”

(NB&CL) Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), bắt đầu từ số báo này, chuyên trang Tư liệu Báo Nhà báo và Công luận có chuyên đề mang tên: “Điện Biên Phủ - Khúc tráng ca vang mãi”, cùng nhìn lại những dấu ấn không thể quên của chiến thắng vĩ đại này.

Góc nhìn
Giải pháp căn cơ cho thị trường vàng

Giải pháp căn cơ cho thị trường vàng

(NB&CL) Có thể nói, chưa bao giờ, NHNN lại chịu nhiều sức ép trong quản lý thị trường vàng như hiện nay. Đó là sức ép từ nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, sức ép từ người dân và sức ép từ nhóm lợi ích doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Góc nhìn
Vẫn còn những “khoảng trống” nhất định trong ngoại giao văn hóa

Vẫn còn những “khoảng trống” nhất định trong ngoại giao văn hóa

(NB&CL) Tuần qua, nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Phiên họp tháng 3/2024) đã được dư luận quan tâm, đánh giá cao sự công khai, dân chủ, trách nhiệm trong hoạt động của Quốc hội và ngày càng gần dân hơn.

Góc nhìn
Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt: Muộn còn hơn không!

Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt: Muộn còn hơn không!

(NB&CL) Trước những tổn thất tiềm ẩn đối với tổng giá trị xuất khẩu nông sản, chuyên gia cho rằng, việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt Nam là việc làm cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt lúc này là muộn, nhưng vẫn còn hơn không.

Góc nhìn
Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

(NB&CL) Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang ở vị trí thuận lợi để hưởng lợi từ những làn sóng đầu tư mới của các công ty chip đang nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng mạnh hơn, tốt hơn trên toàn thế giới.

Góc nhìn