(NB&CL) Trong những năm gần đây, EVN đã liên tục hoàn thành nhiệm vụ đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước với nhu cầu tăng trưởng phụ tải hàng năm bình quân 10%; đã đưa điện đến 99,8% số xã, 98,76% số hộ dân nông thôn, làm thay đổi diện mạo các vùng kinh tế của Việt Nam, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Dự án Thủy điện Lai Châu là công trình xây dựng cấp đặc biệt (công trình trọng điểm quốc gia) với tổng mức đầu tư 35.700 tỷ đồng và là công trình thủy điện lớn thứ ba trong 5 công trình thủy điện được xây dựng trên sông Đà (đều do Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN làm chủ đầu tư) bao gồm: thủy điện Hòa Bình (1.920 MW), Sơn La (2.400 MW), Lai Châu (1.200 MW), Huội Quảng (520 MW) và thủy điện Bản Chát (180 MW). Nhiệm vụ chính của dự án là cung cấp cho hệ thống điện Quốc gia với sản lượng điện trung bình hàng năm đạt khoảng 4,7 tỷ kWh; chống lũ về mùa mưa, cung cấp nước về mùa khô cho đồng bằng Bắc Bộ và góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc.
[caption id="attachment_149211" align="aligncenter" width="640"]
Công trình Thủy điện Lai Châu..[/caption]
Thủy điện Lai Châu có công suất 1.200MW, gồm ba tổ máy. Đập bê tông đầm lăn thủy điện có khối lượng 1.886.000m3; chiều cao đập lớn nhất 137m, tốc độ thi công nâng đập theo chiều cao trung bình trên 20m/tháng, lớn nhất 27,9m/tháng. Đây là một trong những đập có tốc độ nâng đập lớn nhất thế giới. Việc thi công bê tông đầm lăn vượt tiến độ đã tạo điều kiện thi công sớm các hạng mục khác, do đó đã sớm tích nước hồ chứa đem lại hiệu ích phát điện cho Thủy điện Lai Châu, Sơn La và Hòa Bình.
Công trình được khởi công xây dựng từ cuối năm 2011, qua gần 2.000 ngày lao động liên tục, miệt mài của hàng vạn cán bộ, công nhân…, công trình đã được khánh thành vào ngày 20/12/2016, về đích sớm 1 năm so với Nghị quyết của Quốc hội đề ra. Đây cũng là công trình đánh giá sự trưởng thành vượt bậc của các cán bộ, kỹ sư, công nhân ngành điện, ngành lắp máy của Việt Nam. Đặc biệt là vươn lên làm chủ khoa học kỹ thuật, làm chủ từ khâu quy hoạch, thiết kế, thi công xây lắp, đồng bộ thiết bị, giám sát và quản lý vận hành.
[caption id="attachment_149212" align="aligncenter" width="640"]
3 tổ máy Thủy điện Lai Châu (công suất mỗi tổ 400MW).[/caption]
Để đạt được kết quả đó là do có sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo Nhà nước, sự phối hợp tổ chức đồng bộ giữa các bộ, ngành và địa phương, đặc biệt là trong giải quyết vốn của thời gian đầu và giải phóng mặt bằng để thi công công trình. Trong quá trình xây dựng, các đơn vị trên công trường đã gặp không ít khó khăn bởi công trình được thi công tại vùng sâu, hạ tầng giao thông không thuận lợi, điều kiện địa chất xấu… Song bằng sự đoàn kết, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tối ưu hóa sản xuất, huy động tối đa tiềm năng làm chủ khoa học kỹ thuật, sự nỗ lực hết mình của toàn thể cán bộ công nhân viên trên công trường, Chủ đầu tư và các nhà thầu đã nỗ lực vượt qua tất cả để xây dựng lên một công trình công nghiệp hiện đại giữa vùng rừng núi Tây Bắc. Thành công của công trình là sự kết tinh của sự chỉ đạo quyết liệt cùng tinh thần lao động tập thể cần cù, sáng tạo, thể hiện rõ nét sức mạnh trí tuệ của con người Việt Nam.
Việc hoàn thành công trình sớm 1 năm so với kế hoạch chẳng những đã tiết kiệm nhiều chi phí đầu tư mà còn sớm cung cấp cho hệ thống điện quốc gia (khoảng 4,7 tỷ kWh điện năng) đã góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tỉnh Lai Châu nói riêng và nền kinh tế quốc dân nói chung. Đối với địa phương, công trình thủy điện Lai Châu khánh thành và đi vào hoạt động, ngoài đem lại lợi ích làm tăng nguồn thu ngân sách lớn hàng năm cho tỉnh, còn có ý nghĩa lớn về phát triển kinh tế - xã hội: đã kết hợp để sắp xếp và xây dựng các khu dân cư, đặc biệt là các khu tái định cư theo tiêu chuẩn cơ sở hạ tầng nông thôn mới, xây dựng hệ thống cầu, đường giao thông kết nối, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lai Châu và vùng Tây Bắc.
[caption id="attachment_149213" align="aligncenter" width="640"]
Toàn cảnh hạ du Nhà máy thủy điện Lai Châu nhìn từ đập tràn.[/caption]
- Các mốc chính của Dự án đã đạt được:
+ Khởi công: Ngày 05/11/2011;
+ Ngăn sông đợt 1: Ngày 24/4/2012;
+ Ngăn sông đợt 2: Ngày 15/10/2014;
+ Đóng cống dẫn dòng, tích nước hồ chứa: Ngày 20/6/2015;
+ Phát điện TM1: Ngày 14/12/2015;
+ Phát điện TM2: Ngày 20/6/2016;
+ Phát điện TM3: Ngày 09/11/2016.
+ Khánh thành công trình: Ngày 20/12/2016
Công trình Thủy điện Lai Châu được khánh thành cũng là thành tích chào mừng kỷ niệm 62 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 – 21/12/2016).
THÔNG TIN VỀ DỰ ÁN THỦY ĐIỆN LAI CHÂU
Dự án Thủy điện Lai Châu gồm 2 dự án thành phần:
+ Dự án xây dựng công trình Thủy điện Lai Châu do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư (các hạng mục chính gồm: đập dâng, đập tràn, tuyến năng lượng, nhà máy thủy điện, hệ thống truyền tải đấu nối vào lưới điện Quốc gia), đường giao thông tránh ngập tỉnh lộ 127 và đường tránh ngập đoạn Mường Tè - Pắc Ma;
+ Dự án di dân tái định canh, định cư do UBND tỉnh Lai Châu làm chủ đầu tư;
Tổng quan về Dự án xây dựng công trình:
- Chủ đầu tư: Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đại diện là Ban QLDA NMTĐ Sơn La
- Tư vấn thiết kế chính: Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng điện 1
- Các thông số và khối lượng chính của công trình thủy điện:
+ Diện tích lưu vực: 26.000 km2
+ Dung tích hồ chứa:1,215 tỷ m3
+ Mực nước dâng bình thường: 295 m
+ Mực nước gia cường: 297,90 m
+ Mực nước chết: 265,00 m
+ Công suất lắp đặt 1.200MW (3 x 400MW)
+ Sản lượng điện hàng năm: 4,670 tỷ kWh
+ Kết cấu đập bê tông trọng lực cao 137,00 m, chiều dài đỉnh đập 613,00 m, công trình có 2 khoang xả sâu (BxH=4x6)m, 6 (BxH= 14.5 x 20,0)m khoang xả mặt (BxH= 14.5 x 20,0)m. Nhà máy thủy điện kiểu hở, bố trí sau đập.
+ Khối lượng đào đắp đất đá các loại 16,780 x106 m3.
+ Khối lượng bê tông các loại 3,25 triệu m3, trong đó 1,36 triệu m3 bê tông đầm rung (CVC) và 1,89 triệu m3 bê tông đầm lăn (RCC).
+ Khoan phun gia cố và khoan phụt chống thấm: 111,370 x103 md
+ Khối lượng thiết bị 34,00 x 103 tấn các loại.
Nguyễn Quân