Cục Xuất bản ngừng cho đăng ký sách ngôn tình: Cần nhiều hơn là lệnh cấm

Thứ tư, 27/05/2015 11:50 AM - 0 Trả lời

Vừa qua, sau nhiều buổi họp báo cũng như tọa đàm công khai, đại diện của Cục Xuất bản, ông Cục trưởng Chu Văn Hòa khẳng định: "Sắp tới, Cục sẽ thắt chặt hơn việc quản lý xuất bản dòng sách ngôn tình, nhằm hạn chế những cuốn sách không có lợi cho xã hội".

(Congluan.vn) - Vừa qua, sau nhiều buổi họp báo cũng như tọa đàm công khai, đại diện của Cục Xuất bản, ông Cục trưởng Chu Văn Hòa khẳng định: "Sắp tới, Cục sẽ thắt chặt hơn việc quản lý xuất bản dòng sách ngôn tình, nhằm hạn chế những cuốn sách không có lợi cho xã hội".

Quyết định này của giới quản lý, suy cho cùng, cũng chỉ là một hành động chữa cháy không hơn. Trước hết, cần phải thông cảm cho Cục Xuất bản trong những sai sót gần đây bởi rõ ràng là họ ngày càng bận rộn, thị trường sách cũng như các ấn phẩm văn hóa tại Việt Nam đang ngày một đa dạng và phát triển. Đây là một điều hết sức đáng mừng, và càng mừng hơn, khi mỗi ngày hội sách, chúng ta lại được thấy bầu không khí “lễ hội” thực sự, với những thành viên tham gia đại đa số là thanh thiếu niên. Song cũng sẽ chẳng có gì ngạc nhiên nếu như ta thấy những con người trẻ tuổi ấy bước ra khỏi hiệu sách với những cuốn truyện ngôn tình, và đa số là ngôn tình Trung Hoa. Đó là thực trạng về thị hiếu của một phần không nhỏ độc giả Việt Nam. Song bản thân thực trạng ấy vốn dĩ cũng rất bình thường. Trong thời đại kinh tế thị trường hiện này, rõ ràng một cuốn sách trước khi trở thành một thứ giá trị văn hóa, giá trị tinh thần nào, thì nó phải được hiểu như một món hàng. Và người độc giả, cũng là người tiêu dùng, mua một món hàng trước hết là để thỏa mãn những nhu cầu của họ. Có những người không hứng thú gì với những cuốn sách khiến họ vừa đọc vừa ngẫm nghĩ, thậm chí một trang sách cũng mất đến vài phút đồng hồ chỉ để hiểu trọn vẹn ngữ pháp và cấu tứ như “Đi tìm thời gian đã mất” của Marcel Proust, họ đơn giản là cần những câu truyện đọc nhẹ nhàng, êm ái như “Nếu em chỉ là một giấc mơ” của Marc Levy. Và “họ” ở đây, trong thời đại công nghệ thông tin với nhịp sống ngày càng gấp gáp hiện tại, đang có xu hướng phát triển rất đông đảo, đồng nghĩa với “nguồn cầu” cho dòng sách lãng mạn, ngôn tình đang trở nên lớn hơn và béo bở hơn. “Cầu” tăng, vậy “cung” tất yếu sẽ phải tăng theo và chính lúc này, ta thấy một vấn đề lớn khác.

[caption id="attachment_17614" align="aligncenter" width="665"]Ảnh minh họa Ảnh minh họa[/caption]

 Giờ đây, gần như đến bất cứ một nhà sách nào, ta cũng có thể thấy số lượng không nhỏ đầu sách lãng mạng - ngôn tình. Và bên cạnh các tác giả phương tây như Levy hay Musso, thì các đầu sách dịch có nguồn gốc từ Trung Quốc đang làm bá chủ thể loại văn học này. Thậm chí nếu nhìn từ một lát cắt khác, thì tủ sách Văn học Trung Quốc – một nền văn học lớn của thế giới, lại thường được thấy ở đa phần các nhà sách Việt Nam với nội dung bao gồm đến hơn một nửa là sách ngôn tình, còn lại là các tiểu thuyết kiếm hiệp, trộm mộ, phiêu lưu và các ấn phẩm bói toán, phong thủy. Câu hỏi đặt ra là, sách ngôn tình – lãng mạn của Việt Nam đang ở đâu? Chúng ta không phải là không có những nhà văn nội địa đi theo dòng văn lãng mạn, Gào (tên thật Vũ Phương Thanh, sinh năm 1988, còn rất trẻ) là một nhà văn gặt hái được không ít thành công ở thể loại này, ít nhất là về mặt thương mại. Sách của cô có một lượng độc giả nhất định và nhìn chung là “bán được”. Ngoài ra, các tác giả ngôn tình Việt, ở mức độ nghiệp dư hơn, sử dụng internet như là công cụ để lưu hành hay quảng bá các tác phẩm của mình, và không ít nhưng “nhà văn mạng” đã được các nhà xuất bản chú ý và ký hợp đồng in sách, như trường hợp của tác giả Leo Aslan với “Yêu nhầm chị hai… Được nhầm em gái”. Và xa hơn nữa, thậm chí đã có thời kỳ văn ngôn tình được xem là bộ mặt của văn học nước nhà với những Nhất Linh, Hoàng Đạo của Tự Lực Văn đoàn.

Song theo tiến trình lịch sử, bóng dáng và dấu ấn của những cây bút đi trước đã mờ nhạt dần, thậm chí có thời điểm họ bị phủ nhận, và cho đến hiện tại, vẫn có những định kiến lớn về thể loại văn học này. Gào, ngoài việc là một trong số ít những nhà văn thành công trong những năm trở lại đây, thì cũng là một trong những tác giả gây tranh cãi nhất với những cuộc “bút chiến” trên các diễn dàn văn học chuyên nghiệp và cả mạng xã hội đại chúng. Thậm chí có nhiều nhà phê bình cho rằng “Gào không xứng đáng được gọi là nhà văn”. Đối với dòng văn học mạng, người ta chỉ cho rằng đó là những hiện tượng manh mún và nhỏ lẻ nảy sinh từ sự tiện lợi của internet và mạng xã hội, chưa đủ tầm để nhìn nhận. Thậm chí, với cả dòng ngôn tình nói chung, có những người thẳng thừng “Truyện ngôn tình chỉ đáng giá ba xu”. Đây là một điều hết sức đáng buồn và đáng tiếc. Đáng buồn bởi chưa bàn đến những giá trị về nghệ thuật của một tác phẩm, điều mà sự thực không dành cho toàn bộ độc giả, thì sách ngôn tình, trước hết cũng là một thành quả của lao động sáng tạo và quả thực cuốn sách đã được bảo hộ về khía cạnh này, bởi thế, chúng cần được tôn trọng ngay từ những cái nhìn đầu tiên như vậy. Chưa kể đến việc với tư cách là một mặt hàng, chúng có những phân khúc khách riêng biệt, do đó, ở những cuộc thi, những giải thưởng về văn học, chúng có thể “không có cửa”, nhưng xuất hiện trên “quầy hàng” – kệ sách, thì chúng cần được đối xử và nhìn nhận bình đẳng như bất kỳ một cuốn sách hay một dòng văn nào khác.

[caption id="attachment_17618" align="aligncenter" width="620"]Ảnh minh họa Ảnh minh họa[/caption]

Đáng tiếc là bởi chính những suy nghĩ có phần coi thường đó của cả giới nhà văn lẫn giới phê bình mà họ đã bỏ qua một nhu cầu rất lớn của chính độc giả nước nhà. Những nhà văn trẻ, trong hành trình đi tìm dấu ấn của bản thân, đã bị gò bó quá nhiều bởi những giá trị rất trừu tượng như văn phải “sang”, tác phẩm phải tầng tầng lớp lớp ý nghĩa, hay những cuộc cách tân về hình thức mà đôi khi chính họ, dù biết nhưng lại không thể làm trọn vẹn mục đích nguyên thủy của mình, ấy là bán được sách. Vậy cho nên chẳng có gì là lạ khi nguồn cầu thì cao mà cung thì thiếu, tất yếu các nhà xuất bản phải tìm đến các nhà văn nước ngoài, và văn học Trung Quốc, quả thực “rẻ” hơn các tác phẩm từ phương Tây rất nhiều.

Cũng cần nói thêm rằng, một mặt hàng sẽ bị cấm bán nếu nó được thừa nhận là có hại cho sức khỏe của người tiêu dùng. Với sách, cái hại này khó xác định hơn, theo như Cục Xuất bản là “sáo mòn, vô bổ, thậm chí thô tục, phản cảm” và “vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam”. Khoan hãy bàn đến chuyện Cục định nghĩa ra sao về “sáo mòn, thô tục” hay vi phạm thuần phong mỹ tục ở những điểm gì, hãy băn khoăn rằng cấm như thế nào? Liệu đó có phải là một biện pháp triệt để không khi chỉ cần có mạng internet, là bất cứ ai cũng có thể đọc, thậm chí tải về cả một cuốn tiểu thuyết ngôn tình “không hợp thuần phong mỹ tục”? Và nếu qua đó mà hiện tượng vi phạm tác quyền qua internet – vốn đã tất nhức nhối lại thêm trầm trọng, thì đây mới là thảm họa của cả nền xuất bản. Vẫn biết có những điều nằm ngoài thẩm quyền của nhà chức trách song nếu thực sự Cục đã nhận được ra tình hình nan giải và rối ren hiện tại, thì còn cần nhiều những chế tài hơn nữa, nhiều lệnh cấm hơn nữa và thậm chí, nhiều án phạt hơn nữa mới có thể giải quyết “tới nơi tới chốn” vấn đề dòng văn ngôn tình Trung Quốc đang quá tràn lan. Nhưng mọi việc có thể sẽ dễ dàng hơn khi tất cả chúng ta, gồm giới quản lý, giới nhà văn, giới xuất bản và cả những người mua sách, chung tay ủng hộ xây dựng một nền văn học nội địa đa dạng, cả ở dòng văn bình dân lẫn dòng văn hàn lâm.

Nếu làm được điều đó thì không chỉ một số lượng lớn độc giả không bị thiếu hụt đi một món ăn tinh thần ưa thích, mà các nhà xuất bản – vốn lâu nay xem dòng văn ngôn tình là “cần câu cơm” quan trọng – cũng đỡ được một phen lao đao.

Xuân Trọng

Tin khác

Doanh nghiệp 'quen mặt' và những gói thầu trúng “sát giá” tại BQLDA đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm?

Doanh nghiệp 'quen mặt' và những gói thầu trúng “sát giá” tại BQLDA đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm?

(CLO) Thời gian gần đây, ông Nguyễn Minh An - Giám đốc BQLDA đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội đã ký hàng loạt gói thầu có tổng trị giá lên đến hàng trăm tỉ đồng.

Điều tra
Quán bar Aplus ngang nhiên kinh doanh 'bóng cười'?

Quán bar Aplus ngang nhiên kinh doanh "bóng cười"?

(CLO) Mặc dù từng bị xử phạt do kinh doanh quá giờ quy định, thế nhưng quán bar Aplus có địa chỉ tại số 78 Yên Phụ, phường Nguyễn Trung Trực (quận Ba Đình, Hà Nội) không những không tuân thủ theo các quy định của pháp luật mà còn tiếp tục tái diễn, ngang nhiên kinh doanh “bóng cười”….

Điều tra
Tập đoàn Thuận An góp mặt tại dự án nào trên địa bàn TP Hà Nội?

Tập đoàn Thuận An góp mặt tại dự án nào trên địa bàn TP Hà Nội?

(CLO) Công ty CP Tập đoàn Thuận An là nhà thầu quen thuộc với nhiều công trình xây dựng trên cả nước, riêng tại Hà Nội nhà thầu này góp mặt tại 5 gói thầu, với tổng giá trị 778,372,534,000 VND.

Điều tra
Thanh Hóa: Đang nợ tiền thuế TNDN, Công ty Lam Sơn có đáp ứng các tiêu chuẩn trong hồ sơ mời thầu?

Thanh Hóa: Đang nợ tiền thuế TNDN, Công ty Lam Sơn có đáp ứng các tiêu chuẩn trong hồ sơ mời thầu?

(CLO) Mặc dù đang nợ tiền thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng Công ty TNHH xây dựng và TM Lam Sơn vẫn được UBND thị xã Nghi Sơn phê duyệt trúng gói thầu trị giá gần trăm tỷ đồng.

Điều tra
Cơ quan Cảnh sát Điều tra vào cuộc sau ''lùm xùm'' đấu thầu của Công ty Tuấn Ân Hà Nội

Cơ quan Cảnh sát Điều tra vào cuộc sau ''lùm xùm'' đấu thầu của Công ty Tuấn Ân Hà Nội

(CLO) Thời gian gần đây, Công ty TNHH Tuấn Ân Hà Nội đã trúng hàng loạt gói thầu có tổng trị giá lên đến hàng trăm tỉ đồng ở hầu hết các Công ty Điện lực trên địa bàn TP. Hà Nội.

Điều tra