Cuộc gặp bất ngờ giữa hai nhà báo không cùng chiến tuyến

Thứ ba, 20/02/2018 14:00 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Đầu mùa hè năm 1996, tôi cùng Ban lãnh đạo HNB Hải Phòng được T.Ư HNBVN phân công đón tiếp một vị lãnh đạo cấp cao của Tổ chức Quốc tế các nhà báo (OIJ) từ Hà Nội đến thăm thành phố Cảng Hải Phòng. Đó là ông An-tô-ni M. Ni-ê-va (Antonio Maia Nieva), Tổng Thư ký OIJ. Cùng đi với ông A. Ni-ê-va có nhà báo Phan Quang, Chủ tịch HNBVN khóa 6, Phó Chủ tịch OIJ phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cuộc đón tiếp ông diễn ra thật thân tình, cởi mở.

Nhưng câu chuyện liên quan dẫn đến bài viết này không phải từ sự đón tiếp khách chu đáo hay nội dung các cuộc đàm đạo về báo chí đầy bổ ích diễn ra tại Khu du lịch biển Đồ Sơn, mà lại từ “chuyện bên lề cuộc tiếp khách”.

Chiều ấy, Đồ Sơn nắng dịu, gió mát. Sau khi làm một cuộc dạo bộ giữa rừng  xanh rậm rạp và ngắm những vụng cát trắng uốn lượn dọc bãi biển quanh đảo Hòn Dấu, nhà báo Phan Quang, nhà báo A. Ni-ê-va và tôi (lúc đó là Ủy viên Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam phụ trách Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, Tổng Biên tập Báo Hải Phòng, Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố) cùng ngồi trên bãi đá lớn, ngay dưới chân đảo bốn bề sóng vỗ. Ba chúng tôi có cuộc trò chuyện thân mật và thú vị. Tôi hỏi ông A. Ni-ê-va, người có nước da sạm nắng và bộ râu quai nón rất hiền:

- Ông sang Việt Nam nhiều lần chưa và đã mấy lần đến Hải Phòng?

- Tôi đến Việt Nam từ lâu, cách đây gần 30 năm, nhưng tới Hà Nội mới hai lần và đây là lần đầu tôi đến Hải Phòng - Ông A. Ni-ê-va trả lời - Tôi rất thích Hà Nội và Hải Phòng, vì những nơi này, cả con người và phong cảnh đều đẹp. Đồ Sơn có nhiều nét rất giống phong cảnh ở Phi-líp-pin, đất nước tôi.

- Ông có thể nói rõ hơn chuyến sang Việt Nam cách đây gần 30 năm? - Tôi  hỏi tiếp.

Báo Công luận
Nhà báo Kim Toàn (Cao Kim) thời kỳ là phóng viên Báo Giải Phóng của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, hoạt động tại Sài Gòn - Gia Định (1967 - 1968). 
Ngập ngừng một chút, ông A. Ni-ê-va nói:

- Tôi sang Việt Nam từ thời nhân dân Việt Nam đang tiến hành cuộc chiến tranh chống Mỹ xâm lược. Hồi đó, tôi cũng làm báo, thường đi cùng các phóng viên báo chí Mỹ và phương Tây tới Sài Gòn và từng đến một số vùng như Biên Hòa, Vũng Tàu, Long Khánh, Long An, Hậu Nghĩa, Cần Thơ, Tây Ninh, Đà Nẵng, Huế Quảng Trị… do Mỹ và chính quyền Sài Gòn kiểm soát…

Nhà báo Phan Quang chợt cầm tay ông A. Ni-ê-va và chỉ vào tôi:

- Xin lỗi, từ nãy tôi chưa giới thiệu thêm với ông A. Ni-ê-va: ông Kim Toàn đây cũng là nhà báo từng hoạt động gần mười năm ở chiến trường miền Nam Việt Nam. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông ấy làm phóng viên Báo Giải Phóng của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, bút danh là Cao Kim.

- Ồ, vậy à? - Ông A. Ni-ê-va nhìn tôi, vẻ ngạc nhiên.

- Còn chuyện nữa - Nhà báo Phan Quang nói tiếp - Ông Kim này đã từng có giấy báo tử tại mặt trận, nhưng thực ra ông ấy không chết. Sau khi các đồng nghiệp làm lễ truy điệu thì ông ấy trở về và tiếp tục làm báo đến nay.

Ông A. Ni-ê-va nắm tay tôi, reo lên: “Ôi, chuyện thật ly kỳ!” Ông hỏi:

- Ông Kim có giấy báo tử tại mặt trận nào và vào thời gian nào?

- Ở cửa ngõ phía Tây Nam Sài Gòn, vào mùa Xuân năm 1968.

- Có phải trong cuộc Tổng tiến công của Quân Giải phóng hồi Tết Mậu Thân?         

- Đúng rồi! - Tôi trả lời.

Bất ngờ và cảm động, ông A. Ni-ê-va ôm chầm lấy tôi và nói với nhà báo Phan Quang:

- Vậy là trong “cuộc chiến Tết Mậu Thân”, hai chúng tôi cùng là phóng viên mặt trận, cùng có mặt tại Sài Gòn, nhưng ở hai hoàn cảnh khác nhau, hai chiến tuyến khác nhau, bây giờ gặp nhau mới biết.       

Báo Công luận
Ông Ni - ê - va (ngồi giữa), nhà báo Phan Quang (ngồi bên phải) và nhà báo Kim Toàn tại cuộc gặp ở Đồ Sơn (Hải Phòng) mùa hè 1996. 
Ông A. Ni-ê-va kể rằng, do yêu cầu của nghề nghiệp, hồi ấy ông thường đi trong đoàn phóng viên báo chí Mỹ và các nước phương Tây đến miền Nam Việt Nam để viết về cuộc chiến tranh do Mỹ gây ra tại đây - một cuộc chiến tranh khủng khiếp, thu hút sự chú ý của toàn thế giới. Trong đời làm báo của mình, ông không bao giờ quên những ngày ở Sài Gòn, được chứng kiến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân, dân miền Nam hồi Tết Mậu Thân năm 1968. Bằng hoạt động báo chí và lương tâm nghề nghiệp, ông tìm cách thể hiện kịp thời, phù hợp, khách quan khi viết về chiến thắng của Quân Giải phóng và nhân dân miền Nam; nêu rõ sự bế tắc và thế thất bại của Mỹ trong cuộc chiến tranh phi nghĩa do Mỹ tiến hành tại Việt Nam.

Ông A. Ni-ê-va rất chú ý đến chuyện tôi đã từng báo tử và “được” các đồng nghiệp làm lễ truy điệu tại trận. Ông đề nghị tôi kể lại thật tỷ mỷ. Ông chăm chú nghe, ghi chép cẩn thận và không quên mở máy ảnh “xin ông Kim mấy kiểu chân dung”.

Với tình cảm chân thành, ông còn hỏi tôi cả về những khó khăn, gian khổ trong hoạt động báo chí và cuộc sống của các nhà báo Giải phóng tại chiến trường, nhất là khi hoạt động bí mật tại Sài Gòn, nơi Mỹ và chính quyền Nguyễn Văn Thiệu có lực lượng kiểm soát dày đặc với những phương tiện kỹ thuật tinh vi và vũ khí hiện đại. Ông A. Ni-ê-va tỏ vẻ tâm đắc khi nghe tôi trả lời. Nắm chặt tay tôi, ông nói:  - Tôi thật sự kính trọng, khâm phục nhân dân Việt Nam và Quân Giải phóng anh hùng, khâm phục các nhà báo cách mạng Việt Nam. Hồi Tết Mậu Thân 1968, có tới 250 phóng viên báo chí nước ngoài, phần lớn là báo chí Mỹ và các nước phương Tây ùa nhau đến Sài Gòn, nhiều người trong đó là bạn tôi. Nhưng họ đâu hiểu, ngay tại Sài Gòn, không phải chỉ có những người Việt làm báo do chính quyền Thiệu kiểm soát, mà phía Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam cũng có những phóng viên như ông Kim đây bí mật hoạt động.

Trầm ngâm giây lát, ông A. Ni-ê-va nói tiếp:

- Dù chiến tranh đã kết thúc từ lâu, đất nước các ông đang dồn sức tái thiết và tiến hành công cuộc Đổi mới mạnh mẽ, nhưng tôi thấy vẫn cần viết tiếp những gì tôi biết về sức mạnh Việt Nam thời kháng chiến. Trước hết, tôi sẽ viết ngay một số bài về cuộc gặp thú vị giữa chúng ta hôm nay để các bạn đồng nghiệp của tôi ở Mỹ và phương Tây hiểu rõ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mà họ từng thừa nhận là “thắng lợi vang dội của Việt Cộng hồi Tết Mậu Thân 1968”, đồng thời cũng để họ hiểu thực chất cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ, hiểu rõ hơn dân tộc Việt Nam và các nhà báo Việt Nam đáng kính phục. 

Chỉ sau ít ngày kể từ hôm chúng tôi chia tay nhau tại Đồ Sơn, Tạp chí Người Làm báo Dân chủ của Tổ chức Quốc tế các nhà báo (OIJ) - tạp chí in bằng nhiều thứ tiếng và phát hành tại hơn 130 nước thuộc năm châu lục, đã đăng bài của ông A. Ni-ê-va kèm theo ảnh về nội dung cuộc gặp giữa ông với tôi và nhà báo Phan Quang, đúng như ông nói.

                                          Kim Toàn

 

Tin khác

Nâng cao vị thế, vai trò của Liên Chi hội Nhà báo Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam

Nâng cao vị thế, vai trò của Liên Chi hội Nhà báo Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam

(CLO) Sáng 19/4, Liên Chi hội nhà báo Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Đồng chí Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam tham dự và chỉ đạo Hội nghị.

Công tác hội
Lan tỏa tinh thần đổi mới, củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh

Lan tỏa tinh thần đổi mới, củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh

(NB&CL) Thời gian qua, hoạt động công tác hội đã có nhiều những đổi mới thiết thực, đúng, trúng với những chuyển biến thời cuộc và hoạt động thực tiễn. Đặc biệt, thực hiện chủ trương hướng về cơ sở, các cấp Hội ở nhiều địa phương đã tập trung triển khai nhiều nội dung, ý tưởng đổi mới sáng tạo, góp phần củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, hiệu quả.

Công tác hội
Trao tặng ấn phẩm báo Xuân cho cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn DK1 Vùng 2 Hải quân

Trao tặng ấn phẩm báo Xuân cho cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn DK1 Vùng 2 Hải quân

(CLO) Ngày 17/4, đoàn công tác Hội Nhà báo Việt Nam đã trao hàng nghìn ấn phẩm báo Xuân cho cán bộ chiến sĩ các nhà giàn DK1 thuộc Vùng 2 Hải quân, đơn vị đang đóng quân tại Long Sơn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Công tác hội
Bế giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho cán bộ Agribank khu vực phía Nam

Bế giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho cán bộ Agribank khu vực phía Nam

(CLO) Lớp bồi dưỡng đã trang bị cho các học viên những kỹ năng, kiến thức quan trọng về quá trình làm việc trong công tác truyền thông. Tham gia lớp bồi dưỡng, các học viên đã rất tích cực học tập, có nhiều bài thực hành đạt chất lượng cao.

Công tác hội
Hội Nhà báo tỉnh Gia Lai tập huấn kỹ năng khai thác thông tin về đồng bào dân tộc thiểu số

Hội Nhà báo tỉnh Gia Lai tập huấn kỹ năng khai thác thông tin về đồng bào dân tộc thiểu số

(CLO) Chiều 13/4, tại Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Hội Nhà báo tỉnh Gia Lai khai mạc lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí chủ đề “Kỹ năng khai thác thông tin để phát triển câu chuyện về đồng bào dân tộc thiểu số”.

Công tác hội