Đã đến lúc xem lại mục đích?

Thứ năm, 12/07/2018 08:52 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Ngày 11/7, Bộ GD&ĐT chính thức công bố điểm thi THPT quốc gia 2018 của 63 tỉnh, thành. Đã có những điểm 9, 10 môn Toán và Ngữ văn khiến nhiều người quan tâm đến giáo dục thở phào. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều thí sinh dưới điểm trung bình, nhất là môn Sử. Nhiều giáo viên đã cho biết họ không bất ngờ, vì tỷ lệ thí sinh dưới trung bình quá cao đã phản ánh đúng thực trạng dạy và học trong trường phổ thông cũng như những nhược điểm của kỳ thi “2 trong 1”.

Nhiều băn khoăn về việc tổ chức kỳ thi với 2 mục đích vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển sinh ĐH và CĐ đã bộc lộ những bất cập và khó khả thi trong việc ra đề thi. Khi đề cập vấn đề có nên duy trì kỳ thi THPT quốc gia như hiện nay, nhiều chuyên gia giáo dục, giáo viên cho biết nếu không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia cho 2 mục đích thì chỉ có thể quay về 2 kỳ thi như trước đây, chứ không thể xét tốt nghiệp THPT như xét tốt nghiệp THCS.

Không nên phụ thuộc vào một kỳ thi

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP. HCM, nhận xét một kỳ thi sử dụng cho hai mục đích sẽ là quá khó cho những người ra đề để đánh giá. Điều kiện kinh tế - xã hội ở những khu vực khác nhau cũng ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học, trong khi đó đề thi phải được phù hợp cho tất cả khu vực cũng là vấn đề khó khăn tiếp theo.

Vấn đề có nên duy trì một kỳ thi để đánh giá hay không, theo quan điểm của ThS Phạm Thái Sơn thì vẫn phải duy trì vì nếu không có khâu kiểm tra đánh giá, sẽ khó có động lực học tập từ học sinh cũng như không đánh giá được hiệu quả của quá trình dạy học. Theo chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về việc tự chủ trong tuyển sinh của các trường ĐH thì vấn đề tuyển sinh là của các trường chứ không phải của Bộ và vấn đề này đã được nói đến rất nhiều lần, tuy nhiên trong điều kiện thực tế thì không phải trường ĐH nào cũng có thể tổ chức tuyển sinh riêng.

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT, đề xuất không nên duy trì kỳ thi THPT quốc gia như mấy năm nay mà vấn đề thi tốt nghiệp THPT do Sở GD&ĐT tổ chức với bộ đề thi chuẩn của một tổ chức chuyên về dịch vụ khảo thí, các sở GD&ĐT có thể giám sát chéo. Các trường ĐH có thể tự chủ theo cách tuyển sinh của mình, có thể sử dụng đề thi từ đơn vị dịch vụ cung cấp, trường ĐH cũng có thể sử dụng kết quả từ kỳ thi THPT của các địa phương…

Báo Công luận
 Ảnh: TL

PGS. TS Trần Hoàng Hải, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Luật TP. HCM, đánh giá kỳ thi THPT quốc gia phù hợp trong thời điểm hiện nay sau khi thay thế kỳ thi ba chung vì nó giảm áp lực cho thí sinh, từ hai kỳ thi xuống còn một kỳ thi. Tuy nhiên, xét ở góc độ tuyển sinh của các trường ĐH thì có sự khác nhau. Như tại Trường ĐH Luật TP. HCM, kỳ thi THPT chỉ là một trong ba thành phần để xét tuyển và kỳ kiểm tra năng lực do trường tổ chức mới là thành phần trọng yếu để đánh giá năng lực thí sinh vào học ĐH và phù hợp với ngành nghề. TS Hải cho rằng nếu chỉ căn cứ vào 1 kỳ thi THPT quốc gia thì mang nhiều tính may rủi làm cho thí sinh bị thiệt thòi. Trong 1 kỳ thi, vấn đề quan trọng là chính xác, an toàn và khách quan. Do vậy, tùy từng kỳ thi, nếu vấn đề khách quan được bảo đảm thì kết quả kỳ thi vẫn được dùng để xét tuyển.

Theo PGS. TS Hồ Thanh Phong, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TP. HCM, trong 2 năm qua, trường tổ chức kỳ thi kiểm tra năng lực và trong năm 2018, trường dành tới 65% chỉ tiêu cho kỳ đánh giá năng lực. PGS Hồ Thanh Phong cho rằng so với kỳ thi THPT quốc gia, việc sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực có nhiều ưu điểm, trường lựa chọn được sinh viên phù hợp hơn so với sinh viên được tuyển từ kết quả kỳ thi THPT quốc gia.

Một kiểu “sáng tạo nửa vời”

Trong quá trình thực hiện đổi mới thi, một trong nhiều lý do “phải đổi mới” mà Bộ GD&ĐT đưa ra để thuyết phục dư luận, đó là “hội nhập quốc tế”. Theo đó, các kỳ thi chuẩn hóa của thế giới, trong đó kỳ thi SAT, được Bộ GD&ĐT đưa ra làm ví dụ cho những mô hình mà kỳ thi THPT quốc gia hướng tới học hỏi.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng đây là cách học hỏi lạ đời chưa từng có. Theo GS Nguyễn Tiến Dũng, ĐH Toulouse (Pháp), các trường phổ thông của Mỹ cũng tổ chức cho học sinh thi để lấy kết quả xét tốt nghiệp (chứ không phải để xét tuyển ĐH vào những trường lớn), cũng là đề trắc nghiệm, cũng có những đề 50 câu 90 phút, nhưng mục tiêu là làm cho hầu hết học sinh đều đậu dễ dàng, không cần học thêm bất cứ nơi đâu vẫn làm được. Còn Pháp thì tổ chức kỳ thi tốt nghiệp khá quy mô, nhưng thi tự luận, hoặc ít nhất có một phần tự luận, với thời gian làm bài một môn thi (môn toán) là 4 tiếng.

Theo ông Dũng, kỳ thi “hai trong một” là một sản phẩm “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, một kiểu “sáng tạo nửa vời”, chủ yếu là học Mỹ nhưng học không đến nơi đến chốn, như kiểu “coca-cola trộn nước mắm”. GS Dũng nói: “Trước hết Mỹ cũng không phải là chuẩn mực quốc tế về giáo dục phổ thông. Thứ hai, muốn học Mỹ thì không thể lấy một kỳ thi giống SAT để xét tốt nghiệp vì Mỹ không dùng SAT để xét tốt nghiệp, mà xét ĐH thì SAT chỉ là một trong nhiều căn cứ”.

GS Dũng còn nhận xét: “Thứ mà Bộ GD-ĐT mang về là bài thi trắc nghiệm giống Mỹ nhưng đề thi mẹo mực khó khăn, lại dùng cho thi “2 trong 1”. Hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH mục đích khác hẳn nhau, khi trộn vào như vậy khó mà ra được cái đề nào thích hợp vừa đảm bảo phân loại (cho tuyển ĐH) vừa đảm bảo cơ bản và đậu dễ dàng với các học sinh chỉ cần đi học bình thường trên lớp”.

Báo Công luận
 Ảnh: TL

Sẽ bàn lại kỳ thi 2 mục đích

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, viện dẫn điều 32 luật Giáo dục quy định vẫn tổ chức kỳ thi để xét tốt nghiệp THPT; điều 34 luật Giáo dục ĐH cho phép các trường ĐH, CĐ được tự chủ tuyển sinh theo 3 hình thức: thi tuyển, xét tuyển và kết hợp giữa thi và xét tuyển. Như vậy ở thời điểm này, đang vận hành theo khuôn khổ của 2 luật trên. Đồng thời, Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng yêu cầu thi và xét tốt nghiệp phổ thông, tuyển sinh ĐH, CĐ theo hướng tổ chức kỳ thi ngày càng gọn nhẹ, giảm áp lực, giảm tốn kém, nhưng có kết quả đáng tin cậy để làm căn cứ xét tốt nghiệp và làm căn cứ xét tuyển sinh ĐH. Trên cơ sở đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết 44, trong đó có một giải pháp nói rất rõ: đổi mới hình thức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ theo hướng tổ chức một kỳ thi chung, lấy kết quả để làm căn cứ xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ. Hiện nay, T.Ư đang chỉ đạo chuẩn bị sơ kết 5 năm thực hiện kỳ thi vào năm 2019, chắc chắn trong các nội dung sơ kết này sẽ có câu chuyện về đổi mới kỳ thi.

Ông Mai Văn Trinh cho rằng: Sắp tới, khi sơ kết việc thực hiện Nghị quyết 29 và luật Giáo dục cũng như luật Giáo dục ĐH sửa đổi sắp ban hành, dựa vào chương trình giáo dục phổ thông mới thì việc thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH nên vận hành theo hướng nào sẽ được tiếp tục bàn thảo.

Khánh An

Tin khác

Kỳ 1: Vì sao Điện Biên Phủ hay “Đường tới điểm hẹn lịch sử”

Kỳ 1: Vì sao Điện Biên Phủ hay “Đường tới điểm hẹn lịch sử”

(NB&CL) Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), bắt đầu từ số báo này, chuyên trang Tư liệu Báo Nhà báo và Công luận có chuyên đề mang tên: “Điện Biên Phủ - Khúc tráng ca vang mãi”, cùng nhìn lại những dấu ấn không thể quên của chiến thắng vĩ đại này.

Góc nhìn
Giải pháp căn cơ cho thị trường vàng

Giải pháp căn cơ cho thị trường vàng

(NB&CL) Có thể nói, chưa bao giờ, NHNN lại chịu nhiều sức ép trong quản lý thị trường vàng như hiện nay. Đó là sức ép từ nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, sức ép từ người dân và sức ép từ nhóm lợi ích doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Góc nhìn
Vẫn còn những “khoảng trống” nhất định trong ngoại giao văn hóa

Vẫn còn những “khoảng trống” nhất định trong ngoại giao văn hóa

(NB&CL) Tuần qua, nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Phiên họp tháng 3/2024) đã được dư luận quan tâm, đánh giá cao sự công khai, dân chủ, trách nhiệm trong hoạt động của Quốc hội và ngày càng gần dân hơn.

Góc nhìn
Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt: Muộn còn hơn không!

Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt: Muộn còn hơn không!

(NB&CL) Trước những tổn thất tiềm ẩn đối với tổng giá trị xuất khẩu nông sản, chuyên gia cho rằng, việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt Nam là việc làm cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt lúc này là muộn, nhưng vẫn còn hơn không.

Góc nhìn
Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

(NB&CL) Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang ở vị trí thuận lợi để hưởng lợi từ những làn sóng đầu tư mới của các công ty chip đang nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng mạnh hơn, tốt hơn trên toàn thế giới.

Góc nhìn