(CLO) Bánh giầy gợi nhớ ngày Tết hay Tết gợi hương vị bánh giầy? Không biết tự bao giờ, món bánh truyền thống ấy đã trở thành thứ không thể thiếu trên bàn thờ tổ tiên, thành món ăn đặc trưng trong ngày tết của cộng đồng người Dao đỏ trên vùng Hoàng Su Phì - Hà Giang. Với nhiều gia đình, bánh giầy không chỉ là món ăn đơn thuần mà nó trở thành niềm vui, niềm hân hoan, sum họp trong ngày đầu năm mới.
Ngày tết cổ truyền của người Dao đỏ, nhà nào cũng tầm một, hai mâm bánh giầy, một mâm để thờ cúng Gia tiên, mâm còn lại để gia đình cùng vây quanh thưởng thức. Bánh giầy có lẽ mãi mãi về sau cũng không thể biến mất đi trong tâm thức của cộng đồng người Dao đỏ. Cùng với sự phát triển của xã hội, hình ảnh người phụ nữ ngồi nắn từng chiếc bánh tròn chĩnh, những đứa trẻ vây quanh cười hớn hở, vui đùa đã thưa dần và dường như không còn thấy ở một số vùng quanh phố.
[caption id="attachment_148475" align="aligncenter" width="547"]
Một gia đình người Dao đỏ tập trung làm bánh giầy cho dịp Tết đến, Xuân về[/caption]
Bánh giầy trong ký ức của những đứa trẻ Dao vùng núi
Cảm giác háo hức của một đứa trẻ lon ton chạy theo mỗi bước chân của bố mẹ đang hối hả cùng các công việc ngày tết, có biết bao thứ phải chuẩn bị: nào lá chuối, nào gạo nếp, nào củ sắn… vậy mà chốc chốc đứa trẻ lại quay ra hỏi: "Mẹ ơi! Bao giờ được ăn bánh?"
Để có được những chiếc bánh tròn chĩnh, ngon lành phải mất vài ngày để chuẩn bị trước đó. Chiều 30 là phải hoàn thành công việc làm bánh để thờ cúng gia tiên.
[caption id="attachment_148476" align="aligncenter" width="547"]
Bánh giầy, không chỉ mang lại không khí ngày tết tràn ngập, trẻ em, người lớn đều hân hoan, háo hức hơn với dịp đầu xuân.[/caption]
Cả nhà quây quần xung quanh để làm, người lớn đôi tay thoăn thoắt, đôi chân nhịp nhàng phối hợp cùng chiếc chày để giã bánh sao cho đều đặn, trẻ con thì ngồi nghịch, xem là chính, mà đứa nào cũng được ông bà, bố mẹ nắn riêng cho một cái nhỏ nhỏ xinh xinh mà nhiều vừng. Trẻ con mà, ở đâu cũng được “ưu tiên” đứa nào đứa ý hớn hở, thích thú lắm.
Đám trẻ con cứ láy nhoáy trước mâm bánh, nào thì cái này của chị, cái này của em. Mấy đứa trong làng gặp nhau lại tíu tít: “ nhà cậu làm bánh chưa? Mấy mâm bánh?Tối ra rượu chè tí nhỉ…” cứ thế là hết cả buổi chiều 30 tết mà chẳng ai than mệt, than phiền.
Truyền thuyết về nguồn gốc của bánh giầy
Có nhiều truyền thuyết dân gian, học giả, các nhà nghiên cứu lý giải khác nhau về nguồn gốc của bánh giầy.
Truyền thuyết kể rằng: Ngay sau khi phá xong giặc Ân, vua Hùng muốn truyền ngôi cho con. Vào dịp đầu xuân, vua cho mở hội và bảo các con rằng: con nào tìm được thức ăn ngon lành để bày cỗ và có ý nghĩa hay thì ta truyền ngôi cho. Các Lang đua nhau làm ra những món lạ từ các nguyên liệu sơn hào hải vị quý hiếm khắp nơi. Riêng người con trai thứ mười tám của vua Hùng là Lang Liêu tính tình thuần hậu,chí hiếu đã làm ra bánh giầy, bánh chưng.
[caption id="attachment_148477" align="aligncenter" width="547"]
Những chiếc bành giầy của người Dao đỏ có ý nghĩa sâu sắc trong những ngày đầu năm[/caption]
Theo quan niệm của người Dao đỏ, bánh giầy hình tròn, màu trắng nõn tượng trưng cho mặt trời, vầng trăng. Năm mới cúng Gia tiên bằng bánh giầy để tỏ lòng tôn kính, hiếu thảo, biết ơn những người đã khuất.Trong xã hội Việt Nam ngày xưa, bánh giầy dùng làm lễ vật tinh khiết để tế trời và tế thần. Chấp nhận trời là đấng khai sáng vũ trụ, chủ tế trời đất.
Mặt khác, bánh giầy còn là lễ vật khao vọng cho những người được thăng quan tiến chức, hay học hành đỗ đạt. Biếu cặp bánh giầy là có ý nói lên lòng mơ ước tân chức biết sống có đức – độ, lấy quyền hành mà làm quốc ích, lợi dân, thảo hoạch chương trình hành động theo ý trời hợp với lòng dân. Là một thứ nhắc khéo đừng vinh thân phì gia, đừng hãm hiếp dân lành, đừng vơ vét tham nhũng của dân.
Các dịp làm bánh giầy của người Dao trong năm
Nếu như bánh dong, bánh chít người Dao làm mừng sinh nhật ông bà, bố mẹ thì bánh giầy lại được làm vào dịp tết Nguyên đán và tết Thanh minh.
Tết Thanh minh, làm bánh giầy thắp hương, sửa sang nhà cửa hay còn gọi là kê mộ cho Gia tiên.
Còn tết Nguyên đán, làm bánh giầy để chiêu đãi những linh hồn đã khuất, thể hiện sự hiếu thảo của phận con cháu, thông báo một năm cũ đã trôi qua, một năm mới lại đến, làm bánh, cắm hoa cho Gia tiên với hy vọng phù hộ cho con cháu năm mới phát tài, an khang.
Dân tộc nào cũng có những món ăn truyền thống, song chưa thấy một dân tộc nào có một món ăn vừa độc đáo, vừa ngon, vừa bổ lại gắn liền với truyền thuyết dân tộc lâu đời và mang nhiều ý nghĩa sâu xa về vũ trụ, nhân sinh như bánh chưng, bánh giầy của Việt Nam nói chung, bánh giầy của ngươi Dao đỏ nói riêng.
Triệu Tá