Đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính - những nỗ lực không ngừng

Thứ năm, 25/10/2018 07:28 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) “Bảo hiểm Xã hội Việt Nam là một trong những đơn vị đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia bảo hiểm xã hội kết nối chia sẻ” – đồng chí Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cho biết tại buổi làm việc về thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao với BHXH Việt Nam ngày 18/10/2018.

5 điểm sáng trong cải cách – động lực tiếp bước

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, năm 2018 nội dung trọng tâm của công cuộc cải cách hành chính là cải cách thủ tục hành chính. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành bảo hiểm xã hội nhằm tiết kiệm chi phí và thời gian cho các tổ chức, cá nhân khi thực hiện giao dịch về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Không dễ dàng gì, cũng không phải câu chuyện ngày một ngày hai để đạt được mục tiêu của toàn ngành trong cải cách thủ tục hành chính. Nhưng rõ ràng, sự bứt phá của BHXH thời gian qua cho thấy những nỗ lực không ngừng, sự tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào thực tế đã đạt hiệu quả.

Và nay, nỗ lực của toàn ngành đã được ghi nhận xứng đáng khi Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, BHXH là trụ cột rất quan trọng của quốc gia về an sinh xã hội và được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khen ngợi, đánh giá cao với 5 điểm sáng của Ngành. Trước tiên, BHXH là một trong những đơn vị cải cách sớm nhất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về BHXH kết nối, chia sẻ thông tin, giám sát việc thanh toán, chi trả BHXH, BHYT, BHTN. Theo đó, hệ thống CNTT của BHXH được triển khai từ Trung ương tới 63 tỉnh, thành phố, 709 huyện và tất cả các cơ sở y tế, nhờ đó thời gian nộp BHXH của các doanh nghiệp đã giảm mạnh từ 335 giờ/năm trước đây xuống còn 45 giờ; giảm từ 115 bộ TTHC xuống còn 28 bộ TTHC (năm 2011 là 263 bộ TTHC).

Tiếp theo là, ngành BHXH đã có nhiều giải pháp mở rộng và phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Đến hết 9 tháng đầu năm 2018, cả nước có 14,34 triệu người tham gia BHXH, 82 triệu người tham gia BHYT và 12 triệu người tham gia BHTN.

Sau nữa, công tác thanh tra chuyên ngành đạt nhiều kết quả, nhất là trong phát hiện, xử lý các đơn vị nợ đọng BHXH. Công tác thanh tra đã truy thu hiệu quả các đơn vị nợ BHXH, do đó tỷ lệ nợ BHXH giảm nhiều, hiện nay chỉ còn khoảng 2,9%. Ngoài ra, công tác thực hiện chính sách BHYT có nhiều chuyển biến rõ rệt, đặc biệt phát hiện kịp thời các vi phạm trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT. Hiện nay, Hệ thống thông tin giám định BHYT đã được kết nối tới 12.000 cơ sở y tế giúp phát hiện kịp thời các bất thường, và cảnh báo cho các cơ sở KCB. Cuối cùng là, hệ thống đại lý BHXH, BHYT trên toàn quốc được mở rộng với trên 11.000 đại lý trên cả nước.

Nhìn lại chặng đường của cải cách thủ tục hành chính, ông Đào Việt Ánh - Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, trong thời gian qua, công tác cải cách hành chính tại Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã có nhiều tiến bộ quan trọng. Đó là nhận thức ngày càng cao của đội ngũ công chức, viên chức trong ngành về tầm quan trọng cải cách hành chính; sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp có hiệu quả của các Bộ, ngành ở Trung ương và các Sở, ban, ngành tại địa phương.

Báo Công luận
 Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khảo sát tại Trung tâm Điều hành Hệ thống CNTT của BHXH Việt Nam. Ảnh: BHXH Việt Nam.
Tiếp tục cải cách phục vụ người dân và doanh nghiệp

Có thể nói rằng, đến nay, ngành BHXH đã cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra cho năm 2020 về ứng dụng CNTT. Đây chính là chìa khóa tạo nên thành công cho toàn ngành thời gian qua. Nói về kết quả cải cách thủ tục hành chính, bà Nguyễn Thị Minh - Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam từng chia sẻ: “Ngành luôn xác định công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, trong những năm qua, bảo hiểm xã hội Việt Nam đã triển khai quyết liệt công tác cải cách hành chính, quán triệt sâu sắc đến từng đơn vị và từng công chức, viên chức trong toàn Ngành. Vừa qua, Hiệp hội An sinh Thế giới (ISSA) đã yêu cầu bảo hiểm xã hội Việt Nam báo cáo hồ sơ để xem xét nhằm vinh danh thành tích của các tổ chức thành viên thông qua các đề án về an sinh xã hội.’’

Theo xếp hạng sẵn sàng về ứng dụng CNTT của Bộ Thông tin và Truyền thông, ngành BHXH đang đứng thứ hai, riêng hạ tầng kỹ thuật đứng thứ nhất. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam, BHXH là lĩnh vực thăng hạng nhiều nhất, tới 81 bậc, đạt vị trí 86/190 nền kinh tế trong năm 2018. BHXH Việt Nam đã đưa vào vận hành và sử dụng Hệ thống quản lý văn bản và điều hành trong phạm vi toàn ngành. Đồng thời, từ ngày 1/3/2018, toàn bộ văn bản đến, văn bản đi (trừ một số văn bản bắt buộc phải sử dụng văn bản giấy theo quy định) đều được số hóa, sử dụng chữ ký số cá nhân (4.200 chứng thư) và chữ ký số cơ quan (992 chứng thư) do Ban Cơ yếu Chính phủ cấp để phục vụ soạn thảo, trao đổi thông tin, xử lý công việc, trình ký, ký và phát hành điện tử trên Hệ thống.

Ngành BHXH đã xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung toàn ngành trên cơ sở dữ liệu hộ gia đình, dữ liệu quản lý thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT của BHXH các tỉnh, thành phố; hệ thống cấp mã số BHXH - mã số định danh cá nhân duy nhất để quản lý người tham gia BHXH, BHYT, BHTN thống nhất trên phạm vi toàn quốc; hệ thống giao dịch điện tử; hệ thống thông tin giám định BHYT; triển khai, vận hành có hiệu quả Trung tâm Điều hành hệ thống công nghệ thông tin và Trung tâm dịch vụ khách hàng. Đến nay, số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 hiện có 19 dịch vụ; số hồ sơ điện tử phát sinh trên hệ thống là 104,5 triệu; đã giải quyết là 95,2 triệu hồ sơ. Đặc biệt, hệ thống Thông tin giám định BHYT đã kết nối tới hơn 12.000 (gần 100%) cơ sở khám chữa bệnh BHYT từ tuyến xã đến Trung ương trên phạm vi toàn quốc, mang lại hiệu quả lớn trong quản lý khám chữa bệnh, kiểm soát việc sử dụng quỹ BHYT và tạo lập cơ sở dữ liệu quan trọng để đánh giá, điều chỉnh chính sách…

Không dừng lại ở kết quả đã được ghi nhận, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh khẳng định rằng, thời gian tới, Ngành sẽ tiếp tục cải cách hành chính, tập trung vào việc mở rộng, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, giải quyết kịp thời, đầy đủ các quyền lợi về BHXH, BHTN, BHYT cho người tham gia… Đồng thời, tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, quyết tâm hoàn thành thắng lợi những nhiệm vụ được Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao phó.


Đánh giá ngành BHXH đã làm rất tốt công tác cải cách hành chính cũng như xây dựng được nền tảng CNTT vững chắc. Đồng chí Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng mong đợi ở ngành BHXH, cụ thể:
Thứ nhất, ngành BHXH đang triển khai tốt Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH, phát huy kết quả đã đạt được thời gian tới, Ngành tiếp tục thực hiện tốt hơn Nghị quyết này, đặc biệt là về sắp xếp bộ máy, ứng dụng CNTT, cung cấp nhiều hơn nữa dịch vụ công trực tuyến với chất lượng tốt hơn.
Thứ hai, phát triển rộng hơn nữa đối tượng tham gia BHXH. Hiện nay, đã có 14,34 triệu người tham gia BHXH, tức là chỉ chiếm 27% số người trong độ tuổi lao động. Ngành BHXH có nhiệm vụ quan trọng là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động về lợi ích BHXH tự nguyện.
Thứ ba, cần tích cực hơn nữa trong việc tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tránh mất cân đối trong thu, chi BHYT.
Thứ tư, cần triển khai hiệu quả hơn nữa các giải pháp tốt để kiểm soát, giám sát tự động trong chi BHXH, BHYT, giảm tiêu cực, gian lận, trục lợi bảo hiểm.
Thứ năm, về thông tin cho rằng y tế tư nhân đang bị coi là yếu thế trong ký kết, thương thảo thanh toán BHYT với cơ quan BHXH. Do đó, BHXH cần cố gắng bảo đảm công khai, bình đẳng, minh bạch giữa các cơ sở y tế công lập và tư nhân, giữa các bệnh nhân của các cơ sở này.


 

Bảo Minh

Tin khác

Bamboo Capital (BCG) doanh thu Quý 1 đạt 985 tỷ, lãi sau thuế tăng 10 lần

Bamboo Capital (BCG) doanh thu Quý 1 đạt 985 tỷ, lãi sau thuế tăng 10 lần

(CLO) Tập đoàn Bamboo Capital (BCG) ghi nhận doanh thu Quý 1 đạt 985 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 98,1 tỷ đồng, tăng gấp 10 lần cùng kỳ.

Tài chính - Bảo hiểm
VPBank (VPB) lãi trước thuế tăng 64% so với cùng kỳ

VPBank (VPB) lãi trước thuế tăng 64% so với cùng kỳ

(CLO) Trong quý 1/2024 ghi nhận lợi nhuận trước thuế (LNTT) hợp nhất tăng gần 66% so với cuối năm 2023 và 64% so với cùng kỳ, hoàn thành 1/4 mục tiêu năm 2024.

Tài chính - Bảo hiểm
OCB tăng trưởng mạnh mẽ trong quý 1, ưu đãi lãi suất vay, chuyển đổi ngân hàng “xanh”

OCB tăng trưởng mạnh mẽ trong quý 1, ưu đãi lãi suất vay, chuyển đổi ngân hàng “xanh”

(CLO) Ngân hàng TMCP Phương Đông (Mã CK: OCB) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 1/2024, ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ về kết quả kinh doanh so với cùng kỳ, bên cạnh việc ưu tiên hỗ trợ lãi suất vay, triển khai chiến lược chuyển đổi ngân hàng “xanh” và đẩy mạnh số hóa.

Tài chính - Bảo hiểm
Tổng Giám đốc OCB gửi đơn từ nhiệm

Tổng Giám đốc OCB gửi đơn từ nhiệm

(CLO) Ngân hàng TMCP Phương Đông (HOSE: OCB) vừa công bố thông tin về việc ông Nguyễn Đình Tùng gửi đơn từ nhiệm vị trí Tổng Giám đốc.

Tài chính - Bảo hiểm
Lợi nhuận quý 1 của Thuỷ điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH) giảm gần về 0

Lợi nhuận quý 1 của Thuỷ điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH) giảm gần về 0

(CLO) Trong quý 1/2024, lợi nhuận của CTCP Thuỷ Điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH) sụt giảm tới 99,6% chỉ còn hơn 1,8 tỷ đồng.

Tài chính - Bảo hiểm