Nhà báo Song Nguyễn, Đài Phát thanh - Truyền hình Gia Lai:

“Điều quan trọng là phải mang được cảm xúc đến cho khán giả”

Thứ tư, 20/02/2019 13:37 PM - 0 Trả lời

(CLO) “Một tác phẩm hay đòi hỏi nhiều yếu tố, nhưng theo tôi, điều quan trọng là phải mang được cảm xúc đến cho khán giả qua những câu chuyện chân thực, hình ảnh ấn tượng…đó chính là chất xúc tác tạo nên thành công của một phóng sự truyền hình”- Nhà báo Song Nguyễn nhấn mạnh.

Nhà báo Song Nguyễn (Đài Phát thanh - Truyền hình Gia Lai) là tác giả của phóng sự truyền hình “Làng nông thôn mới” (2 kỳ) vừa giành Giải Khuyến khích Giải Báo chí Toàn quốc về Xây dựng Đảng (Giải Búa Liềm vàng) lần thứ 3 năm 2018. Phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã có cuộc trò chuyện với anh về hậu trường sáng tạo tác phẩm cũng như bí quyết làm nên thành công của tác phẩm viết về đề tài xây dựng Đảng. 

Trước tiên xin hỏi anh một câu hơi riêng tư, đâu là lý do mà người con xứ Thanh như anh lại đến làm việc tại mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng và gió?

Nói thật cho đến bây giờ tôi vẫn nghĩ cuộc sống này có rất nhiều mối lương duyên rất khó để lý giải. Có lẽ nên trả lời trình tự một chút. Thứ nhất, học xong cấp 3, năm 2001, vì yêu thích phong cảnh, khí hậu trong này nên tôi đã quyết định vào Tây Nguyên theo học Khoa Ngữ Văn (nay là Khoa Văn học) trường Đại học Đà Lạt. Quá trình Nam tiến bắt đầu từ đây… Thứ hai, sau khi ra trường thì tôi khá may mắn được lựa chọn và làm công việc mình yêu thích đó là nghề báo. Thấm thoát đến nay tôi đã học tập, sinh sống và làm việc ở đất Tây Nguyên được 18 năm. Có lẽ một phần vì cơ duyên, một phần vì yêu thích cuộc sống, môi trường làm việc ở đất Tây Nguyên nên đến giờ phút này tôi không thể rời xa nó.

Nhà báo Nguyễn Khắc Quang, Phó Giám đốc phụ trách Đài Phát thanh- Truyền hình Gia Lai đại diện nhận giải Khuyến khích Giải Búa liềm vàng lần thứ 3 năm 2018 (Ảnh: NVCC)

Nhà báo Nguyễn Khắc Quang, Phó Giám đốc phụ trách Đài Phát thanh- Truyền hình Gia Lai đại diện nhận giải Khuyến khích Giải Búa liềm vàng lần thứ 3 năm 2018 (Ảnh: NVCC)

Ý tưởng của tác phẩm truyền hình “Làng nông thôn mới” ra đời như thế nào, thưa anh?

Trước tiên có thể nói chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã được triển khai 8 năm nay, do đó đề tài viết về nông thôn mới đương nhiên là đã được đề cập khá nhiều trên các ấn phẩm báo viết, báo điện tử, báo nói, báo hình. Nên khi lựa chọn thực hiện loạt phóng sự 2 kỳ này chúng tôi phải xác định và tìm ra đâu là điểm khác biệt. Và cái khác biệt rõ nhất nằm ở Chỉ thị 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai, đó là: Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Đây là cách làm riêng và mang tính đột phá ở Gia Lai; là chương trình huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị, phát huy tối đa vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng làng nông thôn mới. Mục tiêu và nhiệm vụ then chốt của chương trình là thực hiện 2 hợp phần: Sắp xếp lại khu dân cư và tổ chức lại sản xuất, đồng thời vẫn giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của làng đồng bào dân tộc thiểu số. Có thể thấy, ngay tên gọi của Chỉ thị đã đề cập khá rõ về vai trò lãnh đạo của Đảng và rất phù hợp với thể lệ, mục đích, yêu cầu của Giải Báo chí toàn quốc về Xây dựng Đảng (Giải Búa Liềm vàng).

Nhà báo Song Nguyễn tại Lễ trao Giải Búa liềm vàng lần thứ 3 năm 2018 (Ảnh: NVCC)

Nhà báo Song Nguyễn tại Lễ trao Giải Búa liềm vàng lần thứ 3 năm 2018 (Ảnh: NVCC)

Để thực hiện những thước phim sinh động, chân thực trong loạt tác phẩm này, chắc chắn anh và ekip đã gặp không ít những khó khăn, thách thức. Những khó khăn ấy cụ thể là gì, thưa anh?

Nói về khó khăn, có lẽ nó nằm ở khâu chọn lọc. Chọn lọc ở đây bao gồm cả nội dung và hình ảnh chuyển tải. Năm 2018, toàn tỉnh Gia Lai có tới 28 làng đăng ký xây dựng nông thôn mới theo tinh thần Chỉ thị 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Mục đích, nhiệm vụ, cách làm có nhiều điểm tương đồng, do đó, để tránh trùng lặp trong thể hiện, lãnh đạo Đài, trực tiếp là nhà báo Nguyễn Khắc Quang, Phó Giám đốc phụ trách, đồng thời quán xuyến toàn bộ khâu tổ chức sản xuất đã giao nhiệm vụ cho ekip là phải tìm ra điểm khác biệt và cái quan trọng nhất là phải có câu chuyện, nhân vật cụ thể, không phản ánh dưới dạng chung chung. Như trong phóng sự 2 kỳ chúng tôi đã đề cập, kỳ 1, chúng tôi phản ánh thực trạng các làng đồng bào DTTS trước khi có Chỉ thị 12, sau đó phản ánh đậm nét cách làm, hiệu quả bước đầu ở ngôi làng được chọn làm điểm (Plei Pông, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện), chiếm tới ½ thời lượng của kỳ 2, phần còn lại của kỳ 2 chúng tôi phản ánh quá trình nhân rộng ở các địa phương trong tỉnh.

Cái khó khăn tiếp theo nó đến từ chủ thể của chương trình, đó là đồng bào DTTS. Dù học tập, công tác ở Tây Nguyên cũng đã 18 năm, nhưng vốn văn hóa của tôi với Tây Nguyên vẫn như nhỏ dại trước rừng già. Do đó, cách thức tiếp cận, vấn đề ngôn ngữ, phong tục, tập quán của bà con mình vẫn phải học hỏi, quan sát hàng ngày mới phản ánh đúng, trúng bản chất của vấn đề để đưa vào phim, từ đó mới có những âm phỏng vấn hay, gợi mở để bà con bộc bạch và trải lòng...

Là phóng viên theo dõi mảng Xây dựng Đảng, anh có nhận xét gì về chủ đề vốn được đánh giá là: Khó, khô, khổ trên các sản phẩm của các cơ quan báo chí hiện nay?

 Đúng là thể tài viết về Xây dựng đảng, như mọi người vẫn thường hay nhận xét là khô cứng và khó thực hiện để có một ấn phẩm hay. Đối với truyền hình, thì nó còn khó hơn thế. Cái khó ở đây đến từ cách tiếp cận và xử lý đề tài, nhất là những vấn đề nóng và nhạy cảm, nên quá trình tác nghiệp bản thân các nhà báo gặp phải sự né tránh, có khi là cản trở. Đối với truyền hình thì cái khô và khổ nó nằm ở cả 2 khâu tiền kỳ và hậu kỳ. Tức là cả lúc tác nghiệp cho đến quá trình hoàn thiện tác phẩm (biên tập, dựng phim…) để đưa lên sóng. Bởi không dễ để có được những hình ảnh mà ở đó nếu không đầu tư công sức sẽ không tránh khỏi sự trùng lặp và khô cứng. Do đó, ở nhiều cơ quan báo chí hiện nay đã sử dụng rất nhiều phương thức tiếp cận, xử lý đề tài khá tốt bằng việc sử dụng các thiết bị tác nghiệp hỗ trợ và sử dụng đồ họa hình ảnh để minh họa dưới nhiều góc nhìn khác nhau, từ đó tạo cho tác phẩm có thêm sức sống mới và làm tăng thêm sức hấp dẫn ở một thể tài vốn được coi là: Khó, khô, khổ như bạn nói.

Nhà báo Song Nguyễn khi thực hiện phóng sự “Làng nông thôn mới” (Ảnh: NVCC)

Nhà báo Song Nguyễn khi thực hiện phóng sự “Làng nông thôn mới” (Ảnh: NVCC)

Dù giành Giải Khuyến khích nhưng trong một giải báo chí lớn như Búa liềm vàng thì “Làng nông thôn mới” vẫn được đánh giá là thành công. Vậy theo anh, đâu là điều làm nên sự thành công của tác phẩm tại giải năm nay?

Chúng tôi nghĩ tác phẩm của mình mới chỉ đạt được chút thành công nhất định, vì chỉ là giải nhỏ khích lệ động viên nên bản thân tôi và các thành viên trong nhóm cũng cần trau dồi thêm kinh nghiệm cho những lần tham dự sau. Tuy nhiên, trải qua 2 vòng Sơ khảo, rồi Chung khảo, từ hơn 1.800 tác phẩm tham gia, rồi chỉ còn hơn 100 tác phẩm vào chung khảo, và Ban Tổ chức chỉ chọn 56 tác phẩm để trao giải thì đó hẳn là niềm vinh dự lớn cho nhóm tác giả và cơ quan Đài PT-TH Gia Lai. Nếu tạm gọi là thành công thì tôi nghĩ đến từ 2 chữ: Ấn tượng (bao gồm cả đề tài và hình ảnh).

Nếu xem hết tác phẩm (2 kỳ) sẽ có nhiều trường đoạn hình ảnh chân thực và sống động. Nhưng điều khiến ekip làm phim ấn tượng và xác định ngay từ ban đầu đó là hình ảnh khiêng nhà và nó cần phải được đưa ngay vào đầu trailer phim để lấy cảm xúc của khán giả. Chúng tôi đã dùng 2 camera quay cận, trung cảnh và máy Flycam để bay toàn cảnh nên thước phim vào đầu khá logic về hình ảnh và tạo được ấn tượng nhất định.

Nếu không tận mắt chứng kiến sẽ không thể hình dung được trong thời buổi máy móc, công nghệ như thế này vẫn còn cảnh tượng hàng trăm con người kề vai, sát bước bên nhau khiêng các trụ đỡ di chuyển những căn nhà cả vài trăm mét, công việc hao tổn sức lực và đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý của quân dân địa phương. Và cái quan trọng nhất chính là hình ảnh đó đã nói lên sự đoàn kết, nhất trí đồng lòng của hệ thống chính trị cơ sở trong thực hiện một chủ trương lớn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai.

Trong 2 kỳ, đặc biệt là ở kỳ 2, bằng những câu chuyện hết sức dung dị, chân thực, như: Bí thư Huyện ủy là người Kinh nhưng nói tiếng Jrai rất sỏi, ông đã trực tiếp cùng với lãnh đạo chính quyền, ban, ngành, đoàn thể địa phương đi tuyên truyền, vận động bà con chung tay, góp sức xây dựng làng nông thôn mới, việc này diễn ra vào ban đêm. Trong cuộc nói chuyện đó, bà con tham gia hết sức nhiệt tình… tạo cho người xem một cảm giác thân thiện, gần gũi giữa cán bộ và nhân dân.

Xin được trích lại một đoạn lời bình của đoạn phim đó: “Chỉ thị 12 nêu rõ: Các huyện, thị xã, thành phố, đặc biệt là người đứng đầu xác định rõ trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt... Trước yêu cầu đặt ra, nhiều địa phương đã linh động trong cách làm; các đồng chí Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, xã… cùng các phòng chuyên môn đã tổ chức đối thoại với nhân dân. Bà con có người hiểu nhanh, hiểu chậm, giải thích một lần chưa được thì giải thích lần 2, lần 3, thậm chí là nhiều hơn thế. Cũng có khi nói tiếng phổ thông bà con nghe không rõ, thì dùng chính ngôn ngữ của đồng bào để tuyên truyền… Chính vì lẽ đó, khoảng cách giữa cán bộ lãnh đạo và bà con như không còn gianh giới, đồng bào như được mở cõi lòng…” (Đây là câu chuyện diễn ra ở làng KLũh, xã Ia Boòng, huyện Chư Prông). Hay câu chuyện của những đảng viên gương mẫu sẵn sàng chặt bỏ hàng trăm gốc cà phê để hiến đất cho địa phương làm đường giao thông nông thôn...

Nói chung, một tác phẩm hay đòi hỏi nhiều yếu tố, nhưng theo tôi nghĩ, điều quan trọng là phải mang được cảm xúc đến cho khán giả qua những câu chuyện chân thực, hình ảnh ấn tượng… đó chính là chất xúc tác tạo nên thành công của một phóng sự truyền hình. Và kết quả có được từ Giải Búa liềm vàng lần thứ 3 năm 2018 là công sức chung của cả ekip, cá nhân tôi chỉ là một trong số đó. Nhưng bằng trách nhiệm với đứa con tinh thần của mình, tôi và cả nhóm đã cố gắng thực hiện đúng ý tưởng, đúng sự chỉ đạo của lãnh đạo cơ quan nên tác phẩm mới đạt được kết quả như vậy, đồng thời cũng tạo được những tác động, hiệu ứng xã hội tích cực về một chủ trương, chỉ thị trong xây dựng nông thôn mới, với cách làm riêng biệt của tỉnh Gia Lai.

Vâng, xin cám ơn anh!

Nhà báo Song Nguyễn, sinh năm 1983, quê quán: xã Thọ Hải, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Anh hiện là phóng viên, biên tập viên tại Đài Phát thanh –Truyền hình Gia Lai. Hơn 10 năm trong nghề, anh đã gặt hái được nhiều giải thưởng như: 2 Huy chương Bạc Liên hoan Truyền hình toàn quốc vào các năm 2016 và 2018, Giải C Giải Báo chí quốc Gia năm 2015, Giải Khuyến khích Búa Liềm Vàng năm 2018….

Đoàn Mai (thực hiện)

Tin khác

Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Lan toả văn hóa lịch sử Thăng Long - Hà Nội

Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Lan toả văn hóa lịch sử Thăng Long - Hà Nội

(CLO) Chiều 28/3, tại Hà Nội, Báo Hànộimới phát động Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào” nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), 67 năm ngày Báo Hànộimới mới xuất bản số hàng ngày đầu tiên (24/10/1957-24/10/2024) và Kỷ niệm 35 năm xuất bản ấn phẩm Hànộimới Cuối tuần (2/4/1989-2/4/2024).

Nghề báo
Bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công thương

Bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công thương

(CLO) Ngày 28/3, Bộ Công thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương về việc bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh, Phó Tổng biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công thương.

Nghề báo
Phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X

Phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X

(CLO) Ngày 28/3, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại, Ban Tuyên giáo Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Lễ phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X.

Nghề báo
Trao giải cho 174 tác phẩm tại Giải báo chí “Hải Dương khát vọng, phát triển”

Trao giải cho 174 tác phẩm tại Giải báo chí “Hải Dương khát vọng, phát triển”

(CLO) Nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng (2/4/1904 - 2/4/2024), chiều 27/3, tại TP Hải Dương, UBND tỉnh tổ chức gặp mặt, trao Giải báo chí "Hải Dương khát vọng, phát triển".

Nghề báo
Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư tại tỉnh Tuyên Quang

Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư tại tỉnh Tuyên Quang

(CLO) Ngày 26/3, nhân kỷ niệm 93 Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2024), Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tổ chức trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư cho Trường Trung học Cơ sở Trung Yên, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Nghề báo