Doanh nghiệp thời trang Việt: Bước qua “khung cửa hẹp”

Thứ bảy, 30/12/2017 18:00 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Trong công cuộc gìn giữ và phát triển thương hiệu Việt, không thể không kể đến các doanh nghiệp (DN) ở mảng thời trang - địa hạt chứng kiến cuộc cạnh tranh khốc liệt hơn cả giữa các thương hiệu Việt và thương hiệu nước ngoài. Trong cuộc chiến này, nhiều DN đã nỗ lực bước qua “khung cửa hẹp”, tìm lối đi ngay trên sân nhà và nâng tầm thương hiệu trên đấu trường quốc tế.

Số liệu từ Tập đoàn dệt may Việt Nam cho thấy mỗi năm tổng cầu thị trường trong nước tới khoảng 40 triệu bộ quần áo. Thị trường dệt may nội địa với quy mô 4,5 tỷ USD, tương đương mỗi năm người Việt chi khoảng 100.000 tỷ đồng cho quần áo. Rõ ràng, thị trường Việt Nam là mảnh đất màu mỡ cho ngành thời trang khai thác.

Chật vật giữ sân nhà

Sự đổ bộ của thương hiệu thời trang ngoại khiến người tiêu dùng Việt đôi khi quên mất rằng thời trang Việt Nam có khá nhiều thương hiệu khá nức tiếng: Foci (Công ty Thời trang Nguyên Tâm), NinoMaxx (Công ty thời trang Việt), BlueExchange (Công ty thời trang Xanh cơ bản), PT200 (Công ty May Phạm Tường 2000) và Canifa (Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Hoàng Dương)… Tuy nhiên 10 năm gần đây, hàng loạt thương hiệu thời trang Việt đã lặng lẽ đóng cửa, thu hẹp quy mô kinh doanh, số ít doanh nghiệp xuất khẩu lớn giữ sân nhà một cách chật vật giữa lúc các hãng giá rẻ ngoại ồ ạt đổ bộ. Như Foci ra đời vào năm 1999, được định vị ở phân khúc trung cấp và từng rất thành công, thậm chí được coi như hàng hiệu, nhưng đã biến mất trên thị trường. Dù đang phát triển, nhưng Ninomaxx cũng phai mờ khá nhiều so với trước. Theo giới chuyên môn, trong cơn bão cạnh tranh với thương hiệu ngoại, Ninomaxx khó giữ được vị thế.

Báo Công luận
Thời  trang của thương hiệu RẬP 

 

Giới chuyên môn cho rằng, ngoài những cái khó về chi phí, mặt bằng, doanh nghiệp Việt Nam không giữ được tên tuổi vì hạn chế trong việc nắm bắt xu hướng và thiết kế, không đem lại trải nghiệm phong cách cho người tiêu dùng, không thay đổi trong cách quảng bá...

Trong khi đó, thị trường thời trang Việt cũng chứng kiến đổ bộ của nhiều thương hiệu ngoại. Ước tính hiện nay có khoảng 200 thương hiệu thời trang nước ngoài xuất hiện tại thị trường Việt Nam, chiếm hơn 60% thị trường với đủ các phân khúc từ cao cấp đến tầm trung, bình dân, tiêu thụ mạnh nhất là những thương hiệu tầm trung như Giordano, Bossini (châu Á) và tầm cao như CK, Mango, D&G, Topshop, Gap, Banana Republic, Tommy Hilfiger… Tại các trung tâm thương mại lớn như Vincom, Lotte, Icon68 (tại toà tháp Bitexco), độ phủ sóng của các nhãn hiệu thời trang ngoại ngày càng dày đặc. Báo chí đã nói nhiều về con số doanh thu và lượng khách hàng kỷ lục đổ bộ tới các cửa hàng Zara và H&M ngay ngày đầu mở cửa.

Trước sự tấn công như vũ bão của hàng loạt thương hiệu thời trang ngoại, nếu các thương hiệu cùng phân khúc ở trong nước không kịp bừng tỉnh và toan tính lại bước đi, cơn bão đổ xuống các thương hiệu Việt chắc chắn sẽ  không nhỏ.

Trỗi dậy bằng “thị trường ngách”

Tuy nhiên, với nhiều doanh nghiệp thời trang Việt, “cơn bão” đổ bộ của thương hiệu thời trang thông dụng nước ngoài lại là một cú hích lớn để họ trỗi dậy. Ông Lê Viết Thanh - Tổng Giám đốc K&K Fashion cho rằng: “Thị trường thời trang có sự phân cấp rất rõ và nhu cầu cũng rất đa dạng, nên các thương hiệu lớn nước ngoài dù mạnh đến đâu cũng không thể đáp ứng hết nhu cầu khách hàng. Vì vậy, DN nội vẫn có chỗ đứng nếu sản phẩm khác biệt và tìm được thị trường ngách”. Để trụ vững trước cơn sóng hàng ngoại nhập, các DN đang tập trung đầu tư vào đội ngũ thiết kế, nắm bắt nhanh xu hướng thời trang, thắt chặt việc kiểm soát chất lượng và hệ thống phân phối thuận tiện cho người tiêu dùng.  Điều ông Thanh tự tin các DN Việt có thể tồn tại song song với DN ngoại đang ồ ạt vào Việt Nam là lợi thế hiểu tâm lý, thói quen tiêu dùng, gu ăn mặc. Mỗi thương hiệu cần xác định phân khúc khách hàng riêng của mình và tập trung đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, việc giảm giá thành cũng là yếu tố mà các DN nội cần phải tính.

Báo Công luận
Thời trang Việt mang thương hiệu Elpis 
Lựa chọn thị trường ngách như ông Thanh xác định 10 năm nay đang là điều mà nhiều DN thời trang nội hướng tới. Một số DN, cá nhân đang gây dựng được dòng sản phẩm tự thiết kế, với giá trung bình và cao cấp như Cashew, Labella, Kelly Bùi, Marc, Dotty, Camellia, Mora. Thời trang tự thiết kế đang được lòng người tiêu dùng ở phân khúc thu nhập trung bình khá.

Chọn chiến lược phát triển thương hiệu thời trang nhanh cao cấp, bà Nguyễn Ngọc Linh - Phó Tổng Giám đốc Thương hiệu thời trang nhanh IVY moda cho biết: “Từ năm 2017, IVY moda đã cho ra mắt thương hiệu thời trang IVY men định hình phong cách cho người mặc và tiếp đến là thời trang trẻ em - IVY kid”.

Bà Hoàng Thanh Tú - chủ thương hiệu thời trang Mora khẳng định: “Những năm gần đây, nhiều thương hiệu thời trang Việt tự tin vươn ra thị trường các nước, tham gia vào các tuần lễ thời trang tại Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản..., trong đó có Mora”.

Bà Đoàn Bích Ngọc - CEO Công ty CP Canifa cho rằng, các nhãn hàng quốc tế thiên về màu sắc và họa tiết thì Canifa chọn sản phẩm có vòng đời sử dụng dài hơn, thể hiện bằng chất liệu tốt. Cùng chọn hướng thời trang nhanh nhưng Canifa lại theo phương châm “nhanh vừa đủ” và định hướng ở phân khúc có mức giá phù hợp với số đông và tạo sự khác biệt là độ bền. Chiến lược này phù hợp với thu nhập của phần đông người tiêu dùng Việt Nam.

Góp thêm nét mới cho thời trang Việt, bà Hiền Lê - chủ thương hiệu thời trang Michiko cho biết: “Lợi thế của Michiko là chỉ sử dụng vải Nhật Bản mát, không nhăn, có thể giặt máy, dành cho phân khúc thời trang cao cấp nữ 30 tuổi trở lên - phân khúc ít DN nhắm đến với giá từ 1,5 - 2,5 triệu đồng/sản phẩm”.

Các DN thời trang Việt Nam cũng có nhiều cách riêng để marketing thương hiệu. Nếu như Elisa chọn hướng tài trợ cho các cuộc thi hoa hậu, người mẫu, thời trang quốc tế thì Canifa lại tài trợ cho các chương trình Đồ Rê Mí, Project Runway, Vietnam Next Top Model, MARC tài trợ cuộc thi Fashion In Me.

Để đón đầu lợi thế công nghệ, nhiều DN thời trang đã đầu tư vào kênh bán hàng online. K&K tiếp thị bằng công nghệ retargeting đa thiết bị của nhà cung cấp nước ngoài. Kết quả, từ tháng 9/2016 đến tháng 5/2017, số giao dịch trực tuyến thành công của Công ty tăng 121%.

“Ông lớn” Việt Tiến cũng quyết cạnh tranh để giành thị trường bằng phát triển mô hình cửa hàng Viettien House từ 2016. DN cho biết sẽ mở rộng ra tất cả các tỉnh thành, đồng bộ toàn hệ thống phân phối vào cuối năm 2018.

Báo Công luận
Thời trang Nem 
Bà Nguyễn Thị Điền, Tổng Giám đốc Công ty An Phước cho biết, bên cạnh việc tiết giảm chi phí sản xuất, An Phước đang cộng thêm vào sản phẩm giá trị gia tăng để làm hài lòng khách hàng và giữ chân họ. Nhờ đầu tư nhiều hơn vào dịch vụ cũng như mẫu mã, thiết kế cùng với chính sách bán hàng linh hoạt, An Phước tin rằng sẽ cạnh tranh sòng phẳng với hàng ngoại.

Bên cạnh đó, qua những sự kiện lớn như Tuần lễ thời trang Việt Nam, các Lễ hội Thời trang lớn được tổ chức ở phố đi bộ TP.HCM… các thương hiệu có thêm cơ hội để giới thiệu đến công chúng. Sắp tới, TP.HCM sẽ cho ra mắt một trung tâm thời trang tại quận 9, là nơi cung cấp nguồn nguyên phụ liệu thời trang, nơi đào tạo nguồn nhân lực phục vụ thời trang, là điểm trình diễn, giới thiệu, bán sản phẩm.

Cần sự nỗ lực từ nhiều phía

Có thể nói ngành, thời trang Việt Nam còn non trẻ và qua từng giai đoạn phát triển, thị trường thời trang vốn đòi hỏi phải đáp ứng nhanh theo gu, thời trang đa phong cách, cập nhật liên tục các xu hướng mới và mở rộng thì các thương hiệu trong nước chưa theo kịp, khâu marketing còn đơn giản và còn giữ xu thế truyền thống, khiến ngân sách lớn nhưng hiệu quả thấp, khó tiếp cận khách hàng để cạnh tranh nên làm cho thị phần co hẹp. 

Đứng trước áp  lực cạnh tranh, không còn chỗ cho những DN làm ăn kiểu ăn xổi mà muốn tồn tại, DN phải đầu tư nghiêm túc. Muốn phát triển, DN phải có đủ năng lực cạnh tranh, phải khẳng định được thương hiệu cũng như định hình được phong cách riêng của mình, bên cạnh đó, doanh nghiệp thời trang phải có chiến lược lâu dài và kiên định về mặt hình ảnh và sản phẩm, đầu tư đào tạo, nâng cấp trình độ nhân sự.

Bên cạnh đó, yếu tố nhà thiết kế cũng cần được quan tâm đúng mức. Hiện nay, nhà thiết kế trẻ có nhiều sáng tạo nhưng do chưa có đủ kiến thức nền tảng và thiếu kinh nghiệm thực tế nên họ vẫn chưa thể ứng dụng thực tế và bắt kịp xu hướng thị trường.

Ngoài nguyên phụ liệu, nhà thiết kế phải là một mắt xích quan trọng, sáng tạo ra các mẫu thiết kế, bộ sưu tập mới lạ nhưng cũng cần biết hợp tác với truyền thông, các doanh nhân, biết cách tiếp thị sản phẩm và bản thân…

Báo Công luận
Trang phục nam của thương hiệu Việt  Tiến 
Về phát triển công nghiệp thời trang Việt Nam trong tương lai, theo các chuyên gia giàu kinh nghiệm, thì Việt Nam vẫn cần thêm rất nhiều chương trình thời trang mang tầm cỡ quốc tế, thu hút được cả các tên tuổi thời trang thế giới cũng như thông tin rộng rãi hơn trên các kênh truyền thông chính thống, có uy tín của thế giới lẫn các kênh thông tin không chính thống như mạng xã hội…

Giám đốc một DN của Hàn Quốc chuyên gia công cho các nhãn thời trang quốc tế tại Việt Nam cho rằng: Để thời trang Việt sánh bằng các thương hiệu ngoại thì DN không chỉ tận dụng lợi thế sân nhà với yếu tố nhân công giá rẻ phải áp dụng kỹ thuật cao, nâng cao chuỗi giá trị. Song, việc phát triển học viện nghiên cứu về dệt may, nguồn nhân lực ngành thời trang như nhà thiết kế, công nhân may có kỹ thuật cao vẫn chưa có nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước”.

Như vậy, để ngành công nghiệp thời trang Việt phát triển, không chỉ đòi hỏi sự đầu tư về tài chính, công nghệ, nhân lực, sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, mà điều quan trọng hơn là phải thay đổi được cách tương tác với thị trường, phong cách sống và thậm chí cả văn hóa của khách hàng mà ngành công nghiệp này đang hướng đến.   

Thu Hiền

Tin khác

Nam A Bank phát hành cổ phiếu ưu đãi Esop cho cán bộ nhân viên

Nam A Bank phát hành cổ phiếu ưu đãi Esop cho cán bộ nhân viên

(CLO) Ngày 29/03, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank – HoSE: NAB) tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024. Đại hội đã nhận được sự đồng thuận cao, thông qua nhiều quyết sách quan trọng về kế hoạch kinh doanh năm 2024.

Thị trường - Doanh nghiệp
Mumbai (Ấn Độ) lần đầu vượt Bắc Kinh (Trung Quốc) trở thành thủ đô dành cho tỷ phú châu Á

Mumbai (Ấn Độ) lần đầu vượt Bắc Kinh (Trung Quốc) trở thành thủ đô dành cho tỷ phú châu Á

(CLO) Mumbai hiện là thủ đô châu Á có nhiều tỷ phú nhất với con số 92, vượt qua Bắc Kinh với 91 tỷ phú, theo danh sách người giàu toàn cầu của Viện nghiên cứu Hurun.

Thị trường - Doanh nghiệp
Lý do Dubai mất dần sức hút đối với nhà giàu Nga

Lý do Dubai mất dần sức hút đối với nhà giàu Nga

(CLO) Dubai từng trở thành địa điểm được nhiều người Nga yêu thích để gửi tiền hoặc xây dựng cuộc sống mới sau chiến sự tại Ukraine. Sức hấp dẫn đó hiện đang giảm dần khi sinh hoạt phí ở vương quốc hào nhoáng này tăng cao, các ngân hàng ngày càng khắt khe hơn trong việc thực thi các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Thị trường - Doanh nghiệp
Vietnam Airlines đạt thỏa thuận mới với đối tác CAE Inc

Vietnam Airlines đạt thỏa thuận mới với đối tác CAE Inc

(CLO) Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vừa ký kết hợp tác về việc khai thác buồng lái mô phỏng (SIM) với nhà cung ứng dịch vụ và thiết bị huấn luyện bay toàn cầu CAE Inc. (CAE).

Thị trường - Doanh nghiệp
Khi văn hóa doanh nghiệp gắn liền với trải nghiệm kết nối

Khi văn hóa doanh nghiệp gắn liền với trải nghiệm kết nối

(CLO) Tạo ra những trải nghiệm giàu cảm xúc cho CBNV để văn hóa doanh nghiệp thẩm thấu vào đời sống tự nhiên như hơi thở là cách thức nhiều doanh nghiệp Việt áp dụng.

Thị trường - Doanh nghiệp