Đón xuân trên những đồng dâu bạt ngàn

Thứ sáu, 03/04/2015 14:15 PM - 0 Trả lời

Đón xuân trên những đồng dâu bạt ngàn

(Congluan.vn) - Không còn những vườn dâu trãi rộng bạt ngàn trên những ngọn đồi của Bảo Lộc (Lâm Đồng) như ngày nào, thế nhưng khi đi dọc những triền đồi xã Đambri, chúng tôi vẫn nhìn thấy màu xanh của những cây dâu, con tằm. Và càng vui hơn khi thấy những nữ công nhân ngày nào của VISERI (Tổng Công ty dâu tằm tơ Việt Nam) vẫn còn gắn bó với cây dâu và đặc biệt họ đã nuôi tằm với một mô hình mới. Họ vẫn lạc quan tin rằng chính cây dâu, con tằm là nguồn kinh tế nuôi sống gia đình họ…

Sức sống cây dâu

Thời hoàng kim, Lâm Đồng chiếm 17.850 ha diện tích trồng dâu (trong tổng số 38.000 ha dâu của Việt Nam). Thế nhưng sự sụp đổ của “người khổng lồ” VISERI (Tổng Công ty Dâu tằm tơ Việt Nam) đã dẫn đến hệ lụy lâu dài đối với ngành sản xuất nông nghiệp. Bây giờ ở “thủ phủ dâu tằm tơ” chỉ còn 320 ha dâu với năng suất bình quân 80 tạ/ha và vùng trồng dâu chủ yếu của Bảo Lộc giờ xã Đambri.

Báo Công luận
 
Những cánh đồng dâu còn sót lại ở cao nguyên Blao 
 
Dẫu rằng cây dâu, con tằm bạc bẽo nhưng không vì thế mà những công nhân ngày xưa của VISERI quay lưng lại hoàn toàn với nó. Nhiều người đã chuyển đổi sang cách thức trồng dâu nuôi tằm khác và cũng đã thực sự đổi đời nhờ nghiệp tằm tang! Dưới bóng chiều chệch choạng của tiết trời lành lạnh ngày xuân, gương mặt chị Kim Thị Thanh (38 tuổi) – một nữ công nhân ngày trước của VISERI (Tổng Công ty dâu tằm tơ Việt Nam) – thật rạng ngời bên những gốc dâu.

Mấy năm qua, không biết bao gia đình công nhân từ đất Bắc vào cao nguyên Blao này gắn bó với nghiệp dâu tằm đã rời bỏ cây dâu, con tằm và chuyển sang trồng cà phê, chè, hoặc giả đi làm cửu vạn ở mọi nơi thì vợ chồng chị vẫn trụ với dâu, với tằm. Và đặc biệt hơn, với mô hình nuôi tằm con tập trung cho Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm nông lâm nghiệp Lâm Đồng (một đơn vị ngày trước trực thuộc VISERI) không chỉ đem lại cho gia đình chỉ nguồn thu nhập ổn định, đời sống khá giả mà anh chị còn được chọn là hộ nuôi tằm giỏi trong đợt triển khai mô hình nuôi tằm con tập trung tại xã Đambri trong năm 2003 và những năm gần đây.

Có được thành quả như ngày hôm nay, anh chị cũng mất đi không biết bao nhiêu nước mắt. Năm 1995, tốt nghiệp xong Trung cấp lâm nghiệp Hà Tây, anh Kim Thanh Tùng và chị Kim Thị Thanh lại đi theo tiếng gọi dâu tằm từ phố núi Blao mà khăn gói rời Mỹ Đức (Hà Tây) để vào xã Đambri sống nghiệp tằm tang. Ban đầu anh chị mua đất để trồng hơn 1 sào dâu và chia nhau đi làm công nhân cho các nhà máy trực thuộc VISERI. Tới khi VISERI liên tục xảy ra sự cố, anh chị cũng trở nên thất nghiệp, long đong, thế nhưng may mắn còn vườn dâu. Không chán nản mà vứt bỏ cây dâu như bao người dân khác, anh chị quyết đầu tư cho dâu nhiều hơn. Số diện tích dâu ít ỏi ngày nào đã tăng lên 7 sào dâu. Năm 2004, biết rằng dâu không “ăn” trong thời buổi này, anh chị nghĩ ra sáng kiến mới: Nuôi tằm con!

Báo Công luận
 
“Kiện tướng dâu tằm” Kim Thị Thanh 
 
Được sự khích lệ và hỗ trợ của Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm nông lâm nghiệp Lâm Đồng, anh chị nuôi tằm con quanh năm (ngoại trừ tháng 1 Âm lịch). Anh chị mua trứng Trung Quốc thông qua một trung gian ở Bảo Lộc về nuôi. Nhận đặt hàng bán cho dân ngày nào thì chị xuất hàng ngày ấy. Số diện tích dâu 7 sào của chị vào lúc cao điểm không đủ lá dâu cho tằm ăn nên chị phải mua thêm của bà con trong vùng. Anh chị kiêm làm đại lí nuôi tằm con tập trung xuất bán cho bà con dân ở huyện Đạ Tẻh (Lâm Đồng), xã Lộc Nam huyện Bảo Lâm và xã Đambri.

Chỉ tính riêng năm 2012, sau khi trừ mọi chi phí, anh chị lãi được 80 triệu đồng từ việc nuôi tằm con. Để con tằm phát triển hơn, anh chị còn xây dựng riêng một khu nhà chứa lá dâu, lắp đặt cả máy thái dâu nữa. Nói chung cách nuôi tằm con của anh chị rất bài bản và cho hiệu quả cao. Chị Kim Thị Thanh tâm sự: “Nói thật cây dâu, con tằm không bao giờ “chết” nếu như ta biết cách đầu tư. Bà con ở đây giờ gắn với 3 cây, không thì 2 cây. Đó là cà phê, chè và dâu. Thế nhưng con tằm mới là nguồn thu nhập chính của họ. Nhiều nhà đã bỏ tằm rồi nhưng lại quay trở lại vì chỉ có nó mới giúp đời sống gia đình đứng vững”.

Đến thôn 8 xã Đambri, chúng tôi bắt gặp bà Trần Thị Nguyên (68 tuổi) đang lúi húi hái lá dâu cho tằm ăn. Những lá dâu xanh mượt mà trước gió xuân như một niềm tin cây dâu vẫn còn nhiều triển vọng đối với bà con tâm huyết với cây dâu, con tằm. Gia đình bà cũng dắt dìu nhau rời làng quê Mỹ Đức (Hà Tây) từ những năm 1990 để vào “thủ phủ dâu tằm” lập nghiệp. Khi thất nghiệp ở các nhà máy của VISERI, chị Phạm Thị Minh (46 tuổi), con dâu của bà lại quay về tiếp tục cùng bà gắn đời trên những nương dâu. Hiện nhà bà Nguyên trồng 5 sào dâu và nuôi 9 nong tằm.

Chị Phạm Thị Minh cho biết: “Hiện giờ giá kén 120.000 đồng/kg, bà con chúng tôi mừng lắm. 5 sào dâu trong vườn vậy chứ chẳng đủ thiếu gì với đám tằm kia. Có hôm chúng tôi phải mua thêm 4-5 tạ lá dâu mới đủ cung cấp cho chúng nó ăn đấy. Thú thật, phải có con tằm thì đời sống gia đình mới đứng vững được. Người ta nói: “Chè ăn tuần, dâu ăn tháng, cà phê ăn năm”. Dù thế nào thì cũng chỉ có con tằm nuôi sống gia đình chúng tôi. Bởi dâu thì thu hàng tháng, mình vẫn có tiền cho con ăn học, chứ cà phê thì phải đợi đến cuối mùa mà giá cả bấp bênh lắm. Nuôi tằm lại thêm cái lợi nữa là lấy phân bón cho cà phê. Bởi thế, dù thế nào đi chăng nữa, chúng tôi vẫn nhất quyết sống bám vào cây dâu và con tằm!”.

Báo Công luận
 
Tằm đang ăn lá dâu
 
Đi khắp thôn xóm ở xã Đambri, chúng tôi vẫn thấy bà con rất nhiệt tình với cây dâu, con tằm. Họ cho rằng chính cây dâu con tằm mới thực sự là nguồn thu giúp cho cuộc sống của gia đình họ được đứng vững.
 
Kỹ sư Nguyễn Thái Lam, Phó phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn thành phố Bảo Lộc: Do quá trình đô thị hóa! Trồng dâu, nuôi tằm được nhiều người xem đây là cây “xóa đói, giảm nghèo” dạng mì ăn liền, trồng dâu và nuôi tằm chỉ cần một thời gian ngắn là có thể thu hoạch được ngay. Nhưng vì “làm ruộng ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng” nên cây dâu, con tằm đã chuyển qua các huyện khác như Lâm Hà, Đạ Tẻl, Đạ Huoai, Cát Tiên... Còn ở thành phố Bảo Lộc do quá trình đô thị nên người dân ở thành phố Bảo Lộc cũng không mặn mà với cây dâu, con tằm nữa.  

Hướng đi nào cho cây dâu, con tằm?

Hiện tại trên “thủ phủ dâu tằm” còn có 880 hộ dân trồng dâu, nuôi tằm. Bây giờ huyện Lâm Hà được tỉnh Lâm Đồng xác định là vùng trồng dâu trọng địa điểm của tỉnh nhà. Hiện tổng diện tích cây dâu ở Lâm Hà có hơn 2.830 ha, được trồng tập trung tại thị trấn Đinh Văn và cụm xã Tân Hà. Đến nay, Lâm Hà đã đưa được nghề trồng dâu, nuôi tằm vào một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là một tín hiệu tốt, nên huyện cũng đề xuất sẽ tập trung đầu tư, chuyển giao kỹ thuật thường xuyên vào khu vực này để tạo ra một tập quán canh tác tốt và hiệu quả. Thông qua hình thức hỗ trợ về giống dâu, nhà nuôi tằm con tập trung, trứng giống tằm kết hợp với chính sách khuyến nông thì đây cũng là các mô hình trình diễn cụ thể để người dân tham quan học hỏi kinh nghiệm sản xuất và chuyển giao kỹ thuật.

Ông Phạm Quang Tường – nguyên Chủ tịch UBND thị xã Bảo Lộc (nay là thành phố Bảo lộc) tâm sự: “Dâu tằm bây giờ so với trước, giống như một trời một vực. Lúc trước ở đây có 3 - 4.000 ha dâu thì giờ chỉ còn có 320 ha. Không phải người dân không muốn trồng dâu nuôi tằm, không phải trồng dâu nuôi tằm mang lại thu nhập thấp hơn cây chè và cà phê. Thế nhưng, theo tôi nghĩ, đặc tính của trồng dâu nuôi tằm nó khác. Để nó phát triển phải ở tầm vĩ mô với đầy đủ 4 công đoạn: trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa. Nó tắt một công đoạn nào thì công đoạn đầu trồng dâu sẽ chết ngắt. Cho nên phải có tầm vĩ mô từ phía Chính phủ, chứ một nơi nhỏ bé như Bảo Lộc này sẽ không kham nổi.

Báo Công luận
 
Bà Trần Thị Nguyên đang chăm sóc con tằm 
 
Bây giờ trồng dâu yêu cầu phải giống mới, nuôi tằm giống tơ, ươm tơ thì thiết bị hiện đại, dệt lụa thì cần hiện đại hơn. Thế nhưng trồng dâu thì không thể chi phối các công đoạn khác và ươm tơ cũng vậy. Nói tóm lại, muốn trồng dâu nuôi tằm như một ngành nghề thực sự thì Chính phủ và Nhà nước phải có một chính sách cụ thể. Đặc biệt, muốn bảo tồn nó thì phải công nghiệp hóa, hiện đại hóa!”.

Những người có tâm huyết với ngành dâu tằm tơ lâu năm như ông Dương Thế - Giám đốc Nhà máy xe tơ IV và bà Nguyễn Thị Thu Hiền – Phó giám đốc Công ty CP giống tằm Bảo Lộc cũng khẳng định rằng cây dâu, con tằm thực sự trụ vững trên cao nguyên Lâm Đồng nếu như Nhà nước có chính sách khuyến nông cho người trồng dâu, phải cải thiện môi trường, đất đai, cải tạo giống tằm, giống dâu, nơi tiêu thụ, chương trình cụ thể cho cây dâu, cho ngành dâu tằm… Chỉ có như thế thì cây dâu con tằm mới thực sự mang lại hiệu quả cao trên vùng cao nguyên Lâm Đồng.

TS Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, nguyên Phó giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Lâm Đồng: Cần phát triển Công nghệ cao cho giống tằm và cây dâu! Ngành trồng dâu - nuôi tằm được xem như là một ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng nhờ có thương hiệu, nghề truyền thống của người dân địa phương, giá bán kén hiện nay rất cao giá. Tuy nhiên, thực tế hiện nay do quá trình chuyển đổi cây trồng chưa được quan tâm nhất là cây dâu do quan niệm là cây thâm canh. Mỗi năm tỉnh chỉ dành 17% ngân sách từ quỹ hỗ trợ đầu tư chuyển đổi cây trồng vật nuôi cho cây dâu, trong khi cây chè cao gấp hơn 2 lần so với cây dâu (36%). Bên cạnh đó, nguyên nhân chính của việc “thất bại” là chưa đầu tư công nghệ về giống tằm và cây dâu nên dẫn đến năng suất thấp, là một tỉnh chuyên xuất khẩu tơ lụa nhưng có đến 90% nguyên liệu xe tơ ở Lâm Đồng phải nhập khẩu từ Trung Quốc qua. Chính vì vậy, UBND tỉnh Lâm Đồng vừa qua đã triển khai dự án “Quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu dâu tằm tỉnh Lâm Đồng đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020”. Theo đó, tỉnh phấn đấu tới năm 2020 có sản lượng lá dâu 264 ngàn tấn/năm, sản lượng kén 19.000 tấn/năm, trong đó có từ 70 -80% là kén chất lượng cao. Nhu cầu vốn để triển khai dự án này lên tới 104,7 tỷ đồng.                                                                                 Hải Âu - Tiểu Tịnh

Tin khác

Thu hồi quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh

Thu hồi quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh

(CLO) Ngay sau phản ánh của báo Nhà báo & Công luận, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã ban hành quyết định thu hồi Quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh và trợ cấp, phụ cấp hàng tháng đối với ông Nguyễn Văn Nam.

Điều tra
Doanh nghiệp 'quen mặt' và những gói thầu trúng “sát giá” tại BQLDA đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm?

Doanh nghiệp 'quen mặt' và những gói thầu trúng “sát giá” tại BQLDA đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm?

(CLO) Thời gian gần đây, ông Nguyễn Minh An - Giám đốc BQLDA đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội đã ký hàng loạt gói thầu có tổng trị giá lên đến hàng trăm tỉ đồng.

Điều tra
Quán bar Aplus ngang nhiên kinh doanh 'bóng cười'?

Quán bar Aplus ngang nhiên kinh doanh "bóng cười"?

(CLO) Mặc dù từng bị xử phạt do kinh doanh quá giờ quy định, thế nhưng quán bar Aplus có địa chỉ tại số 78 Yên Phụ, phường Nguyễn Trung Trực (quận Ba Đình, Hà Nội) không những không tuân thủ theo các quy định của pháp luật mà còn tiếp tục tái diễn, ngang nhiên kinh doanh “bóng cười”….

Điều tra
Tập đoàn Thuận An góp mặt tại dự án nào trên địa bàn TP Hà Nội?

Tập đoàn Thuận An góp mặt tại dự án nào trên địa bàn TP Hà Nội?

(CLO) Công ty CP Tập đoàn Thuận An là nhà thầu quen thuộc với nhiều công trình xây dựng trên cả nước, riêng tại Hà Nội nhà thầu này góp mặt tại 5 gói thầu, với tổng giá trị 778,372,534,000 VND.

Điều tra
Thanh Hóa: Đang nợ tiền thuế TNDN, Công ty Lam Sơn có đáp ứng các tiêu chuẩn trong hồ sơ mời thầu?

Thanh Hóa: Đang nợ tiền thuế TNDN, Công ty Lam Sơn có đáp ứng các tiêu chuẩn trong hồ sơ mời thầu?

(CLO) Mặc dù đang nợ tiền thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng Công ty TNHH xây dựng và TM Lam Sơn vẫn được UBND thị xã Nghi Sơn phê duyệt trúng gói thầu trị giá gần trăm tỷ đồng.

Điều tra