Dự thảo Luật Thuế tài sản: Chưa đến thời điểm

Thứ năm, 26/04/2018 10:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo về đề nghị xây dựng Luật Thuế tài sản, với đề xuất đánh thuế đối với đất ở và nhà đã ngay lập tức gặp phải sự phản ứng của dư luận và đông đảo người dân bởi đối tượng tác động rất rộng, lên đến hàng triệu người...

Trước tiên phải khẳng định, Luật thuế tài sản là cần thiết, bởi đây là sắc thuế cho sự phát triển khi thực hiện tái cơ cấu nguồn thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, để một dự luật thuế thực thi phải đảm bảo các khung pháp lý, có lộ trình và thỏa mãn các điều kiện để khi áp dụng được người dân đồng thuận. Trong khi đó, bản dự thảo Luật Thuế tài sản vừa được công bố, đã gặp sự phản ứng gay gắt của người dân. Lý do vì sao? 

Báo Công luận
 

Vì sao người dân không đồng thuận?

Dự luật Thuế tài sản kể từ khi được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến dư luận đã tạo ra rất nhiều quan điểm trái chiều từ người dân, giới chuyên gia, chính khách.

Ngày 13/4, Bộ Tài chính đã họp báo công bố dự án Luật thuế tài sản. Điểm đáng chú ý của Dự thảo là đề xuất đánh thuế đối với nhà có ngưỡng chịu thuế trên 700 triệu đồng và ô tô có ngưỡng chịu thuế trên 1,5 tỷ đồng. Đề xuất này nhanh chóng nhận được những ý kiến không đồng tình. 

Với những thông tin được đưa ra tại buổi họp báo ngày 13/4, nhiều chuyên gia đã bày tỏ lo ngại về mức xác định đóng thuế sẽ tác động tiêu cực đến người nghèo, tầng lớp trung lưu, là thuế chồng lên thuế. Tức những mục tiêu điều tiết, cân bằng xã hội không được thực hiện. Các chuyên gia này lưu ý Bộ Tài chính cần có sự cân nhắc thật kỹ đối với Dự thảo Luật. Ở chiều ngược lại, Dự thảo Thuế tài sản cũng nhận được một số sự đồng tình. Tuy nhiên, các chuyên gia dù ủng hộ việc đánh thuế tài sản nhưng cũng lưu ý Bộ Tài chính cần phải xem xét kỹ.

Bốn ngày sau thông báo của Bộ Tài chính về Dự thảo Luật gây tranh cãi, ngày 17/4, Văn phòng Chính phủ phát đi thông tin Chính phủ chưa xem xét đề xuất Dự án Thuế tài sản. Đây mới chỉ là đề xuất của Bộ Tài chính, Chính phủ, Thủ tướng chưa xem xét, cho ý kiến.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong ngày 17/4 cũng nhấn mạnh: "Bộ Tài chính sẽ tiếp tục lắng nghe thêm về Luật Thuế tài sản. Nếu không, chúng ta tự quyết, tự đóng cửa, tự hành động chủ quan, duy ý chí thì xa dân, mất niềm tin của dân và hậu quả sẽ rất lớn đối với đất nước, với xã hội".

Ngày 20/4, tức 7 ngày sau thông báo gây bão, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã có cuộc trả lời với báo giới. Người đứng đầu ngành Tài chính cho biết rất hoan nghênh những đóng góp về Dự thảo Luật trong thời gian qua, kể cả trái chiều lẫn ủng hộ. Bộ trưởng Dũng cho biết dự thảo nhằm đảm bảo mục tiêu tăng cường quản lý nhà nước về tài sản. Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả sử dụng nhà và đất, chống thất thoát lãng phí trong quản lý tài sản công, nhà đất công. Cùng với đó là mục tiêu điều tiết đối tượng có thu nhập cao, chống đầu cơ về nhà, đất, đảm bảo những người có nhà, đất phải đưa vào khai thác, sử dụng. Bộ trưởng khẳng định Luật Thuế tài sản sẽ không ảnh hưởng đến người nghèo, người thu nhập thấp.

Thủ tướng trong buổi họp gần đây với thành viên Tổ tư vấn cũng nêu quan điểm của mình về Thuế tài sản. Trao đổi với các thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng chiều 20/4, ngoài ý kiến nói trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý, với Luật Thuế tài sản, "thời điểm thực hiện Luật như thế nào cho phù hợp cũng cần phải được nghiên cứu kỹ".

Báo Công luận
 

Cân nhắc thời điểm thực hiện

Trước tiên phải khẳng định, Luật thuế tài sản là cần thiết, bởi đây là sắc thuế cho sự phát triển khi thực hiện tái cơ cấu nguồn thu ngân sách nhà nước; Thực hiện cải cách hệ thống thuế, góp phần xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ; Góp phần quản lý nhà nước đối với tài sản, khai thác tốt nguồn thu từ tài sản, giúp đời sống kinh tế ổn định hơn và tạo công bằng cho mọi thành phần kinh tế, nhất là hiện nay, thuế bất động sản của Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực và quốc tế.

Và để thuyết phục người dân, tạo sự đồng thuận với đề xuất trên, Bộ Tài Chính đã viện dẫn nhiều nước trên thế giới thực hiện thu thuế tài sản chiếm tỷ lệ trung bình 3-4% so với tổng thu thuế ở các nước phát triển, một số nước tỷ lệ này lên đến 8% như Nhật Bản và Bộ này cũng cho biết, theo kinh nghiệm quốc tế thì mức thuế tài sản thấp nhất là 0,2%.

Đa số các nước áp dụng mức thuế tài sản cao, trong đó có một số nước trong khu vực như Indonesia 0,5%, Philippines 1% và 2%. Do đó, Bộ Tài chính xây dựng 2 phương án: Một là áp dụng mức thuế suất tài sản chung là 0,3%; hai là áp dụng mức thuế tài sản chung là 0,4%.

Tuy nhiên, giải thích trên của Bộ Tài chính lại khiến nhiều người phản ứng. Ngay Hiệp hội BĐS TP.HCM cho rằng, thế giới thực hiện thu thuế tài sản đối với nhà ở được ủng hộ, vì họ không có khoản thu ngân sách đối với tiền sử dụng đất. Trong khi đó ở Việt Nam đang có khoản thu này. Tiền thu vào ngân sách lẽ ra được xem là một sắc thuế, thì nước ta lại không ghi nhận. Với tiền sử dụng đất Việt Nam đang thu dựa trên Luật Đất đai chứ không phải là các loại thuế phí.

Bởi vậy, thực tế nếu thu thêm loại thuế tài sản này, cần đánh giá xem một căn nhà, đất ở ấy đã từng phải gánh bao nhiêu loại thuế, phí? Có tình trạng "thuế chồng thuế" đẩy người dân đến đường cùng khi vắt kiệt sức lực của họ hay không?

Hơn nữa, hiện nay các nước thu thuế tài sản cao đa số là những nước có nền kinh tế phát triển, thu thuế cao cũng đồng nghĩa với phúc lợi xã hội cao nên khi đưa ra mức thuế suất cần phải tính toán điều tra số liệu cụ thể để đưa ra mức thu phù hợp với thực tế, không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Trong suốt thời gian dài, để đáp ứng một phần nhu cầu còn rất lớn của người dân, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã rất cố gắng trong việc phát triển nhà ở xã hội với mục tiêu hướng đến lâu dài người hưởng lợi chính là người dân. Tuy nhiên, việc thu thuế tài sản nhà ở như dự thảo sẽ khiến hàng chục triệu người lao động lâm cảnh khó khăn, làm mất đi ý nghĩa mà những chính sách ưu đãi của Nhà nước đang hướng đến. Vì thế, cần xem xét lại dự thảo để đưa ra những điều khoản phù hợp với thực tế, đánh giá nó trong mối quan hệ với các loại thuế phí khác, đảm bảo tính công bằng, minh bạch, khả thi khi áp dụng, được người dân đồng thuận, chứ không thể dự thảo vừa đưa ra đã gặp sự phản ứng dữ dội từ phía người dân…

Việc ban hành sắc thuế đánh trên tài sản có lẽ chỉ là vấn đề thời điểm ở Việt Nam vì điều này nằm trong xu thế chung của các nước trong khu vực. Những lo ngại và phản ứng liên quan đến việc triển khai thực hiện thuế tài sản thực ra không phải nhắm đến bản chất của loại thuế này mà là gánh nặng thuế, phí chung mà khu vực tư nhân đang phải chịu. Mặc dù là một loại thuế có nhiều ưu điểm, việc thu thêm thuế tài sản nếu không đi đôi với việc giảm nguồn thu từ các loại thuế khác, đồng nghĩa với việc gánh nặng thuế của nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng lên, trong khi vốn đã rất cao. Cải cách cơ cấu thuế cần hướng tới việc đa dạng hóa nguồn thu và tối thiểu hóa tác động của thu thuế đến sự vận hành hiệu quả của nền kinh tế thay vì tận thu cho chi tiêu ngân sách. Việc áp dụng thuế tài sản bắt buộc phải đi kèm với việc giảm các loại thuế khác, đặc biệt là thuế thu nhập doanh nghiệp, để giảm gánh nặng thuế chung của cả nền kinh tế. Giảm chi tiêu ngân sách chứ không phải tăng thu thuế!

Khánh An

 

Tin khác

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

(NB&CL) Ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ được khai mở, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Thực hiện chỉ thị của Người, ngay từ cuối năm 1953, công tác chuẩn bị cho chiến dịch được ráo riết tiến hành với quyết tâm cao độ và tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Góc nhìn
Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn