Nhà báo Phạm Hồng Khánh - Trung tâm PTTH Quân đội: Khẳng định sức trẻ tại các sân chơi lớn của nghề báo

Thứ ba, 26/03/2019 20:09 PM - 0 Trả lời

(CLO) Tám năm bước chân vào nghề báo với nhiều cố gắng, nỗ lực, mới đây, Đại úy, nhà báo Phạm Hồng Khánh (Trung tâm PTTH Quân đội) đã vinh dự được Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam tuyên dương là 1 trong 15 Gương mặt trẻ triển vọng toàn quân năm 2018.

Xây dựng cho mình một phong cách riêng

Hà Nội trong những ngày tháng 3 với cái rét bất chợt, tái tê, tôi và nhà báo Phạm Hồng Khánh đã có cuộc trò chuyện khá cởi mở, chân thành về nghề. Nghe anh nói một cách say mê, nhiệt huyết, tôi không lỡ cắt lời bởi chỉ sợ sẽ làm gián đoạn những mạch cảm xúc tuôn trào trong anh.

Sinh năm 1986, ở Hưng Yên, trong một gia đình có truyền thống cách mạng và quân đội, nhà báo Phạm Hồng Khánh bước chân vào quân ngũ đến nay đã được 13 năm. Đứng trong hàng ngũ quân đội luôn là ao ước từ nhỏ của anh, nhưng đến với nghề báo với anh là một sự lựa chọn hết sức tình cờ, ngẫu nhiên. Anh chia sẻ “Khi ấy tôi học Trường Sĩ quan Chính trị nhưng đến năm thứ 2 thì được Bộ Quốc phòng cử đi học chuyên ngành truyền hình tại Học viện Báo chí và Truyên truyền. Mới đầu khá bỡ ngỡ với chuyên ngành này nhưng càng học tôi lại càng thấy yêu thích và mong muốn được rèn luyện, nâng cao và phát triển với nó. Sau khi tốt nghiệp năm 2011 tôi may mắn được Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị điều động về công tác tại Trung tâm PTTH Quân đội”, Phạm Hồng Khánh cho biết.

Đại úy, nhà báo Phạm Hồng Khánh (hàng đầu, thứ 3 từ trái sang) được tuyên dương là Gương mặt trẻ triển vọng toàn quân năm 2018 (Ảnh: NVCC)

Đại úy, nhà báo Phạm Hồng Khánh (hàng đầu, thứ 3 từ trái sang) được tuyên dương là Gương mặt trẻ triển vọng toàn quân năm 2018 (Ảnh: NVCC)

Sau nhiều nỗ lực cố gắng với các hoạt động chuyên môn, nhiệm vụ của đơn vị và đặc biệt là đã giành được một số giải cao tại các kỳ Liên hoan Truyền hình toàn quốc, Giải Báo chí Quốc gia năm 2018. Đặc biệt anh đã vinh dự được bình chọn là Gương mặt trẻ triển vọng toàn quân năm 2018 vừa qua.

Xúc động với phần thưởng lớn này, Phạm Hồng Khánh coi đây là nguồn cổ vũ động viên tinh thần to lớn để anh tiếp tục cố gắng, phấn đấu, tích cực học tập hơn nữa. “Công việc của những người làm báo giờ đòi hỏi rất nhiều yếu tố để trưởng thành và phát triển, đặc biệt là nghề truyền hình, và nhất là trong bối cảnh Trung tâm PTTH Quân đội sắp chuyển ra trụ sở mới tại 165 Xã Đàn (Đống Đa, Hà Nội), với trang thiết bị hiện đại, do vậy bản thân tôi cũng phải nỗ lực học tập nâng cao chuyên môn, phát huy tinh thần xung kích đi đầu cùng tuổi trẻ đơn vị làm chủ trang thiết bị phục vụ trực tiếp cho các bản tin thời sự để có thể gửi tới khán giả những chương trình, tác phẩm tốt nhất, xứng đáng với sự kỳ vọng và sự đầu tư của Bộ Quốc phòng”, nhà báo Phạm Hồng Khánh khẳng định.

Mặc dù vậy, Phạm Hồng Khánh vẫn tỏ ra khiêm tốn khi nhìn nhận cá nhân còn rất nhiều hạn chế, và những điều còn phải học tập. Qua các kỳ thi liên hoan truyền hình toàn quốc và các giải báo chí, được giao lưu, học hỏi, được xem tác phẩm của đồng nghiệp đi trước, so sánh với tác phẩm của mình, anh đã rút ra cho mình những điều mình còn yếu, mình chưa giải quyết được trong tác phẩm để từ đó cố gắng học tập, hoàn thiện nó trong các tác phẩm hằng ngày và cho những tác phẩm tâm đắc tiếp theo để tiếp tục tham gia các giải báo chí toàn quốc…

Và anh cũng hy vọng với sức trẻ, tinh thần say mê sáng tạo, đam mê với nghề của mình có thể lan tỏa tới nhiều bạn trẻ, nhiều đồng nghiệp trẻ trong cơ quan, tạo nên phong trào thi đua, cùng nỗ lực khẳng định sức trẻ trong hoạt động chuyên môn và tại các sân chơi lớn của nghề báo.

Như anh nói, làm báo là phải có quá trình tích lũy vì thế mà đến năm 2016, Phạm Hồng Khánh đã quyết định dự Liên hoan Truyền hình toàn quốc bằng một tác phẩm khoa giáo. Lần ấy anh chỉ được Bằng khen nhưng đã là niềm cổ vũ, động viên rất lớn cho anh cho những tác phẩm tiếp theo. Và bằng tinh thần, sự nhiệt huyết cháy bỏng với nghề, anh luôn làm với hết khả năng của mình, và cố gắng mang đến cho công chúng những tác phẩm sâu sắc và ấn tượng. Làm báo mỗi người thường sẽ xây dựng cho mình một phong cách riêng nên để học hỏi được những bạn đồng nghiệp của mình, anh mong muốn sẽ được hợp tác với nhiều ekip khác nhau. Hơn nữa, anh cũng tự đặt ra kế hoạch cho mình là làm nhiều tác phẩm dự thi các giải báo chí nhất có thế. Vì anh cho rằng, khi đi thi được cọ xát, học hỏi, trải nghiệm với các đồng nghiệp mới làm mình nhanh trưởng thành trong nghề.

Cố gắng kể câu chuyện tới cùng

Nhìn lại quá trình 8 năm công tác tại Trung tâm PT-TH Quân đội, Phạm Hồng Khánh cho rằng “Từ không đến có” là tác phẩm mà anh tâm đắc nhất, dành nhiều thời gian và công sức nhất. Tác phẩm là câu chuyện kể về hành trình của Đại úy Cứ A Dia, Trợ lý Chính trị Ban CHQS huyện Mường Nhé (Bộ CHQS tỉnh Điện Biên) được tín nhiệm giao nhiệm vụ làm Bí thư Chi bộ xã Pá Mỳ (Mường Nhé, Điện Biên) đã cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở, từng bước giúp dân xóa đói giảm nghèo. Đặc biệt là giúp xã xóa được 5 trên 9 bản trắng đảng viên, từ Chi bộ xã với chỉ 13 đảng viên, thành lập được đảng bộ xã với 28 đảng viên được kết nạp mới trong vòng hơn 6 năm.

Có thể nói đây là một đề tài không mới, nhưng với những trăn trở suy nghĩ và tiếp thu các ý kiến góp ý của chỉ huy các cấp và đồng nghiệp, nhóm tác giả đã cố gắng kể câu chuyện theo hướng đi tìm những kinh nghiệm của Đại úy Cứ A Dia đã làm được ở một địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, và đông người dân theo đạo để từ đó những địa bàn khác có thể học hỏi và vận dụng kinh nghiệm này trong xây dựng, củng cố cơ sở chính trị địa phương, phát triển lực lượng đảng viên, xóa trắng đảng viên ở những địa bàn có những điểm tương đồng về đời sống văn hóa xã hội ở các vùng khó khăn.

Đại úy, nhà báo Phạm Hồng Khánh (người mặc quân phục) nhận Huy chương Vàng tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2017 (Ảnh: NVCC)

Đại úy, nhà báo Phạm Hồng Khánh (người mặc quân phục) nhận Huy chương Vàng tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2017 (Ảnh: NVCC)

Thêm vào đó, trong tác phẩm này Phạm Hồng Khánh và ekip đã cố gắng kể câu chuyện về hành trình gian nan, vất vả của Đại úy Cứ A Dia một cách sinh động, tường minh và chân thực nhất. Nhóm đã may mắn có được những đồng nghiệp tại tỉnh Điện Biên cho sử dụng những tư liệu quý trong những giai đoạn đầu Đại úy Cứ A Dia vào bản làng, đường xá đi lại còn khó khăn, phải chèo bè qua suối, trụ sở xã chỉ là những tấm gỗ ghép tạm… đến khi trụ sở xã đã được xây dựng khang trang, các con đường bê tông đã có ở một số nơi và đường vào các bản làng được mở rộng hơn, xe máy có thể hành trình đến những bản xa xôi cách trung tâm xã hơn 20km…Nhóm đã sử dụng hiệu quả các trang thiết bị ghi hình hiện đại để lột tả chân thực nhất sự khó khăn, vất vả, hành trình nguy hiểm, đèo dốc, vực sâu để đi đến được tới các bản làng xa nhất và cũng khắc họa những vẻ đẹp cuốn hút của các dãy nũi trùng điệp, những con đường uốn lượn và ruộng bậc thang với lúa chín vàng óng bắt mắt.

 Khi được hỏi về điều tâm đắc trong tác phẩm này, Phạm Hồng Khánh cho biết, đó là nỗ lực cố gắng kể một câu chuyện tới cùng, không chùn bước trước những khó khăn vất vả và trở ngại. Cụ thể, để có thể lấy được 40s hình kết của phim khi Đại úy Cứ A Dia trở về đơn vị cũ là Đoàn Kinh tế Quốc phòng 379 và được điều động xuống làm chính trị viên đội sản xuất số 9 đứng chân trên địa bàn xã Nà Bủng (Nậm Pồ, Điện Biên), nhóm đã phải đi xe máy khoảng 40km trong điều kiện trời mưa, đường trơn trượt, có nhiều điểm bị sạt lở rất nguy hiểm và phải mang theo nhiều trang thiết bị… Và anh cho rằng 40s hình kết đó rất quý giá, nó làm cho cái kết của phim được trọn vẹn hơn, cho thấy hành trình của người cán bộ quân đội nặng lòng với bản làng còn tiếp tục.

Được biết, sắp tới Đại úy, nhà báo Phạm Hồng Khánh dự kiến sẽ thực hiện một tác phẩm báo chí ở Bình Thuận mà theo như anh nói thì ekip sẽ đầu tư kì công, tỉ mỉ để dự thi. Tin chắc rằng với những kiến thức cùng với nhiệt huyết và đam mê, anh sẽ còn gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong nghề./

Thiên An

Đại úy, nhà báo Phạm Hồng Khánh hiện là biên tập viên chính luận Phòng Thời sự Truyền hình, Uỷ viên BCH Đoàn cơ sở Trung tâm PT-TH Quân đội. Anh đã đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở năm 2014, 2018; năm 2012, 2013, 2015, 2016, 2017 đạt danh hiệu Chiến sĩ tiên tiến; Bằng khen tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 36 năm 2016; Huy chương Vàng trong Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 37 năm 2017, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng vì đã có thành tích xuất sắc trong Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 37 năm 2017; Giải C Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XII - năm 2017, Giải B Giải Báo chí “Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc” lần thứ XIII năm 2017 – 2018, Bằng khen của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam vì đã có tác phẩm xuất sắc về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2017.

Tin khác

Điều tra làm rõ vụ phóng viên bị hành hung khi tác nghiệp hiện trường vụ cháy ở huyện Thanh Trì

Điều tra làm rõ vụ phóng viên bị hành hung khi tác nghiệp hiện trường vụ cháy ở huyện Thanh Trì

(CLO) Mặc dù tác nghiệp tại hiện trường vụ cháy theo đúng quy định, nhưng phóng viên Thời báo VTV và VnExpress bất ngờ bị nhóm 3 đối tượng cản trở, hành hung.

Nghề báo
Đoàn công tác Hội Nhà báo Indonesia tham quan mô hình hoạt động của Báo Lao Động

Đoàn công tác Hội Nhà báo Indonesia tham quan mô hình hoạt động của Báo Lao Động

(CLO) Ngày 23/4 tại Hà Nội, Báo Lao Động đã có buổi tiếp đoàn đại biểu Hội Nhà báo Indonesia gồm 5 thành viên do ông Sihono – Giám đốc báo chí Pancasila Hội Nhà báo Indonesia, vùng Yogyakarta làm Trưởng đoàn.

Nghề báo
65 tác phẩm vào vòng chung khảo Giải Báo chí tỉnh Lạng Sơn năm 2024

65 tác phẩm vào vòng chung khảo Giải Báo chí tỉnh Lạng Sơn năm 2024

(CLO) Trên cơ sở kết quả chấm của Ban sơ khảo và tờ trình của Hội Nhà báo tỉnh, ngày 23/4, Hội đồng Giải Báo chí tỉnh Lạng Sơn lần thứ IV năm 2024 đã công nhận kết quả chấm của Ban giám khảo vòng sơ khảo đối với các tác phẩm, đồng ý đưa 65 tác phẩm có kết quả tốt vào chấm vòng chung khảo.

Nghề báo
Báo Lao động Thủ đô tổ chức giao lưu trực tuyến “Tìm hiểu về An toàn, vệ sinh lao động và pháp luật lao động”

Báo Lao động Thủ đô tổ chức giao lưu trực tuyến “Tìm hiểu về An toàn, vệ sinh lao động và pháp luật lao động”

(CLO) Ngày 23/4, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức buổi Đối thoại - Giao lưu trực tuyến - Truyền thông chính sách chuyên đề “Tìm hiểu về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và pháp luật lao động”.

Nghề báo
Các cơ quan báo chí cùng nhau chia sẻ những cách làm hay về chuyển đổi số

Các cơ quan báo chí cùng nhau chia sẻ những cách làm hay về chuyển đổi số

(CLO) Chiều 23/4 đã diễn ra lễ ký kết giao ước thi đua giữa các đơn vị thuộc khối thi cơ quan báo chí, bao gồm: Báo Sài Gòn Giải Phóng, HTV, VOH, Báo Người lao động, Báo Pháp luật TP.HCM, Báo Phụ nữ TP.HCM, Tạp chí Du lịch TP.HCM, Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn, Tạp chí Giáo dục, Tạp chí Khoa học Phổ thông.

Nghề báo