Gã mục đồng ở xứ Đoài

Thứ năm, 12/08/2021 09:25 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Sinh ra ở xứ Đoài mây trắng, trở thành nghệ sĩ, Nguyễn Tấn Phát lại dùng chính cái vốn quê của mình để tạo ra hồn vía mới cho đồng đất nuôi mình khôn lớn.

Tôi gọi Nguyễn Tấn Phát là “mục đồng”, bởi anh đang cai quản gần nghìn cái đầu cơ nghiệp. Nhưng đàn trâu này không phải thứ trâu cày trên đồng ruộng mà là trâu sơn mài trên gỗ mít.

Phát nói ý tưởng thực hiện dự án 1010 tượng trâu sơn mài vốn xuất phát từ tác phẩm Trâu hoa Lạc Việt do anh sáng tạo và đoạt giải nhất nhóm sơn mài, trong Cuộc thi Thiết kế Thủ công Mỹ nghệ năm 2020. Từ tháng 10/2020 đến nay, anh sáng tác ra được một đàn trâu đông đúc lên tới khoảng 600 con, mỗi con có một hình dáng khác biệt, độc đáo.

Một góc trưng bày các tác phẩm của Nguyễn Tấn Phát.

Một góc trưng bày các tác phẩm của Nguyễn Tấn Phát.

Ghé thăm căn nhà đồng thời là nơi sáng tác của anh ở Làng cổ Đường Lâm, khi cánh cửa vừa mở ra đã thấy ngập tràn trâu các loại. Những con trâu gỗ được phết sơn ta đặt ngay ngắn theo lối đi, có khi lại nằm vắt vẻo trên những chiếc kệ nhỏ hay đủng đỉnh thả dáng trên thềm nhà. Người xem bị thu hút và rung động một cách kỳ lạ bởi mỗi một tác phẩm một kích thước, một cách tạo hình và rất giàu âm hưởng điêu khắc dân gian Việt.

Nói về con đường sáng tác nghệ thuật, họa sĩ Nguyễn Tấn Phát chia sẻ: “Từ nhỏ, tôi đã được theo ông nội đi vẽ tượng, học tượng ở đền chùa nên chất truyền thống và niềm đam mê, yêu mến văn hóa cổ đã ăn sâu vào trong tiềm thức của mình, đặc biệt là ở chất liệu sơn mài. Ngoài chất liệu sơn bề mặt, sơn mài còn là vật liệu thuần Việt nhất, mang chất keo được lưu truyền từ đời này đến đời khác. Bản thân tôi cũng theo đuổi sáng tác với chất liệu sơn mài từ hơn 20 năm qua”.

Trâu Lạc Việt.

Trâu Lạc Việt.

Với Nguyễn Tấn Phát, gỗ và sơn mài không chỉ là nguyên liệu tạo ra ngôn ngữ riêng của mình, nó cho phép tác giả đối thoại với người thưởng lãm một cách vô cùng chân thực.

Để làm ra những con trâu này, đầu tiên Phát lên ý tưởng và phác họa hình tượng trên giấy. Công đoạn đục đẽo tạo hình trên gỗ sẽ chiếm thời gian hơn cả, rồi phủ nhiều lớp sơn. Cuối cùng là đánh bóng và trang trí hoa văn. Các chất liệu truyền thống như vỏ trứng, vỏ trai, quỳ vàng, quỳ bạc... đều được sử dụng linh hoạt trong mỗi con trâu.

Trâu của Nguyễn Tấn Phát rất “kiệm” chi tiết và tối giản trong cách tạo hình. Nhưng đó lại là kiểu tối giản vừa đủ cần thiết, đủ khoảng trống để sự bay bổng, mộc mạc, lãng mạn, hồn hậu bay lên. Người ta có thể nhớ và ấn tượng với nhiều tác phẩm ngay từ lần đầu tiên: “Trâu cổng làng” vững chãi thân thuộc với hình ảnh của mái nhà trên lưng, thoáng nhìn đã thấy được cái chân chất của làng quê đồng bằng Bắc Bộ. “Trâu Lạc Việt” là hình ảnh của cánh chim Lạc đan xen với các họa tiết trên mặt trống đồng. “Trâu Hóa Rồng” là sản phẩm gửi gắm khát khao về một cuộc sống thịnh vượng. Và câu chuyện nghệ thuật nào thì cũng vẫn là câu chuyện đời, Nguyễn Tấn Phát thể hiện góc nhìn của mình qua “Trâu cửa sổ”...

Trâu hóa rồng và Trâu cổng làng.

Trâu hóa rồng và Trâu cổng làng.

Ý tưởng được sinh ra từ làng nhưng những tác phẩm của Nguyễn Tấn Phát đồng thời lại có nhịp chảy điêu khắc hiện đại. Thế nên các tác phẩm hàm chứa trong nó cái nôm na, đáng yêu, khá gần gũi với tâm hồn Việt mà gốc gác ở trong sâu thẳm điêu khắc dân gian Việt. Nâng niu những chú trâu trên tay, chàng họa sĩ trẻ cười: “Mình quan niệm nghệ thuật là đặt con mắt thẩm mỹ trong những thứ bình dị, nhỏ bé nhất”.

Họa sĩ Nguyễn Tấn Phát.

Họa sĩ Nguyễn Tấn Phát.

Dự định của Nguyễn Tấn Phát là làm ra đàn trâu 1010 con - tương ứng với lịch sử 1010 năm của Thăng Long - Hà Nội. Nguyễn Tấn Phát nói: “Muốn người khác mê đắm tác phẩm của mình là một hành trình nhọc nhằn và nhiều gian nan. Ở đó không chỉ có tình yêu mà còn cần tới sự sáng tạo, sự tích lũy văn hóa đọc, văn hóa sống... Và nữa, người nghệ sỹ phải hóa hiện được tâm hồn, phông văn hóa, cảm thức riêng biệt của mình lên từng tác phẩm. Hay nói như danh họa Nguyễn Sáng, nếu nghệ sỹ không moi ký ức gan ruột của mình ra để làm nghệ thuật, để sáng tác thì chỉ tạo ra những thứ vô giá trị mà thôi”.

Vũ Mừng

Tin khác

Phố sách Hà Nội 19/2: Không gian văn hóa dành cho các 'tín đồ' mê đọc sách

Phố sách Hà Nội 19/2: Không gian văn hóa dành cho các 'tín đồ' mê đọc sách

(CLO) Hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 - 2024, trong những ngày này, Phố Sách Hà Nội luôn nườm nượp du khách và người dân Thủ đô tới trải nghiệm, khám phá và tìm cho mình những đầu sách ưng ý để thỏa mãn đam mê đọc sách.

Đời sống văn hóa
Hoa hậu Lương Thùy Linh trở thành Đại sứ văn hóa đọc

Hoa hậu Lương Thùy Linh trở thành Đại sứ văn hóa đọc

(CLO) Hoa hậu Lương Thùy Linh xuất hiện tại sự kiện lễ khai mạc Ngày Sách và Văn Hóa đọc Việt Nam lần 3 năm 2024 với vai trò Đại sứ văn hóa đọc TP.HCM.

Đời sống văn hóa
Công bố tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT nghề thủ công mỹ nghệ

Công bố tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT nghề thủ công mỹ nghệ

(CLO) Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 43/2024/NĐ-CP ngày 19/4/2024 quy định chi tiết về xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân (NSND), Nghệ nhân ưu tú (NSƯT) trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ.

Đời sống văn hóa
Kỷ niệm 1.085 năm Ngô Quyền xưng vương và định đô ở Cổ Loa

Kỷ niệm 1.085 năm Ngô Quyền xưng vương và định đô ở Cổ Loa

(CLO) Tối 19/4, tại Đình Ngự Triều Di Quy - Khu di tích Quốc gia đặc biệt Cổ Loa Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đông Anh long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 1085 năm Đức vua Ngô Quyền xưng vương và định đô ở Cổ Loa (939-2024).

Đời sống văn hóa
Khai mạc Hoạt động văn hóa năm 2024 với chủ đề 'Giữ nghề xưa trên phố'

Khai mạc Hoạt động văn hóa năm 2024 với chủ đề "Giữ nghề xưa trên phố"

(CLO) Chiều 19/4 tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội, số 50 phố Đào Duy Từ, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã diễn ra chương trình khai mạc Hoạt động văn hóa năm 2024 với chủ đề "Giữ nghề xưa trên phố".

Đời sống văn hóa