Ghế "nóng"& Bản lĩnh Bộ trưởng

Thứ bảy, 30/12/2017 11:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Ngay sau khi nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát đi thông điệp về một Chính phủ kiến tạo như một động lực phát triển mới. Từ thông điệp của Thủ tướng, các thành viên Chính phủ đã hiện thực hóa thành các hành động cụ thể trong từng bộ, ngành và đã đáp ứng phần nào kỳ vọng của nhân dân. Nhân dịp năm mới 2018, NB&CL xin giới thiệu một số “tư lệnh ngành” với những hành động đột phá, gây ấn tượng mạnh mẽ đối với dư luận trong năm qua.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh - Người “lấy đá ghè chân mình”

Bộ Công Thương, vốn được mệnh danh là “siêu bộ” quản lý nhiều ngành nghề, nhiều loại hình kinh doanh, nhưng cũng là một bộ từng được xem là “cái nôi” sinh ra nhiều điều kiện kinh doanh và nhiều thủ tục cản trở doanh nghiệp phát triển. Thế nhưng, chỉ sau hơn một năm nhận nhiệm vụ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã cắt giảm liền một lúc 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh (chiếm 55%) trên tổng số các điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ.

Việc cắt giảm tới quá nửa các điều kiện kinh doanh của Bộ Công Thương là rất có ý nghĩa trong bối cảnh tốc độ ban hành và số lượng quy định hành chính về kinh doanh nói chung, điều kiện kinh doanh và giấy phép con đã gia tăng đáng lo ngại trong 10 năm qua.

Báo Công luận
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thăm hỏi, chúc Tết công nhân viên Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam. 
Vấn đề cải cách hành chính, trong đó có việc bãi bỏ các giấy phép con bất hợp lý cũng là nội dung được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm, đôn đốc. Chỉ tính từ đầu tháng 7/2017 đến giữa tháng 9/2017, Chính phủ đã liên tiếp ban hành 4 Nghị quyết yêu cầu các bộ rà soát, loại bỏ các điều kiện kinh doanh mang tính áp đặt bất hợp lý, hạn chế cạnh tranh. Tuy nhiên, việc đơn giản hóa thủ tục hành chính vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Sự chậm trễ khiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải bày tỏ sốt ruột: “Giấy phép kinh doanh rất nhiều, người ta kêu nhiều lắm, cần rà lại. Đây cũng là khâu phát sinh nhiều vấn đề phức tạp”.

Việc mạnh tay cắt giảm điều kiện kinh doanh của Bộ Công Thương được xem là quyết định lịch sử bởi từ trước đến nay khi cắt giảm điều kiện kinh doanh cũng đều do “sức ép” từ bên ngoài. TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) - người đề xuất cắt bỏ hơn 2.000 điều kiện kinh doanh cản trở doanh nghiệp - sau khi được biết quyết định của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã cho rằng, phải có sự hy sinh, quyết tâm lắm, Bộ Công Thương mới làm được như vậy. Và đáng mừng hơn, việc Bộ trưởng chủ động “lấy đá ghè chân mình” cho thấy một tư duy quản lý mới đã và đang hình thành.

TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng bày tỏ sự vui mừng: “Đầu tiên tôi thấy sửng sốt và sau đó thấy quyết tâm của Bộ”. Còn ông Đậu Anh Tuấn, chuyên gia về môi trường kinh doanh của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam cảm thấy hài lòng và cho biết: tiếng súng cải cách của Bộ Công Thương sẽ đặt áp lực rất lớn cho các bộ, ngành khác.

Sự hài lòng của các chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam là có lý bởi lâu nay doanh nghiệp và dư luận xã hội đã kêu ca rất nhiều về sự phức tạp và chồng chéo từ “rừng” giấy phép con - những gánh nặng cho doanh nghiệp. Mặc dù trong quá trình thực thi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, đã có chiến dịch cắt giảm bớt các loại giấy phép nhưng theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ thì vẫn còn đến hơn 5.000 thủ tục các loại, làm doanh nghiệp tốn nhiều chi phí và thời gian.

Báo Công luận
Việc huy động được nguồn vốn khổng lồ để thực hiện dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành được cho là thách thức rất lớn  đối với ngành GTVT 
Tuy nhiên, dư luận vẫn băn khoăn rằng, các điều kiện kinh doanh là công cụ bảo vệ quyền và cả “lợi ích” cho các Bộ nên cứ cắt giảm một điều kiện kinh doanh là ở nơi khác hoặc quy định khác lại mọc thêm, hoặc các bộ ngành lại “cài cắm” thêm các điều kiện tương tự… Lần này, sau việc cắt giảm của Bộ Công Thương liệu có xuất hiện các điều kiện tương tự?

Phản hồi về những thông tin này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã làm yên lòng dư luận khi ông khẳng định, quyết định cắt giảm điều kiện kinh doanh với số lượng lớn như trên không phải là quyết định qua một đêm mà được thực hiện qua một tiến trình kể từ đầu nhiệm kỳ, đồng bộ với nhiều giải pháp khác bao gồm tái cơ cấu bộ máy. “Đây không phải phiêu lưu chính trị mà là một định hướng rõ ràng, gắn với hiệu quả quản lý nhà nước” - người đứng đầu ngành Công Thương nhấn mạnh.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng có chung nhận định, các điều kiện kinh doanh có “tái mọc” hay không là ở tư duy, nếu tư duy mang nặng tiền kiểm, sở hữu, kiểm soát và kìm nén thì chắc chắn sẽ mọc lại ngay. Còn thay vào đó là tư duy điều tiết, thúc đẩy hỗ trợ, thay vì kiểm soát đầu vào thì việc “tái mọc” sẽ ít đi, hoặc không còn. Khi Bộ trưởng có tư duy như vậy rồi, thì chắc chắn các “giấy phép con” không còn cơ hội “tái mọc”.❏

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường - Đau đáu về “tam nông”

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường xuất thân từ gia đình nông dân, và có thể nói, cả đời ông gắn bó với nông nghiệp - nông dân. Đi lên từ một cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Đan Phượng (tỉnh Hà Tây cũ), sau đó ông có nhiều năm gắn bó với ngành nông nghiệp tỉnh này. Thời gian ông làm lãnh đạo tỉnh thì Hà Tây là tỉnh kinh tế nông nghiệp chiếm vai trò quan trọng. Rồi khi lên làm Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Kạn thì nghiệp nhà nông vẫn theo ông khi ông chỉ đạo đẩy mạnh việc trồng rừng, từ đó giúp Bắc Kạn trở thành một trong những địa phương có độ che phủ rừng lớn nhất cả nước.

Là người gắn bó với nông nghiệp - nông dân nên ông hiểu và luôn đau đáu về “tam nông”. Khi nhận nhiệm vụ Bộ trưởng, ông Cường đã chia sẻ với báo chí rằng, có hai nhiệm vụ lớn mà cá nhân ông và ngành sẽ phải thực hiện, đó là tiếp tục triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới và tập trung vào thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp.

Báo Công luận
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường (bìa phải) tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến khảo sát vùng bị ảnh hưởng bởi bão số 12 tại Khánh Hòa, cuối tháng 11/2017. 
Để nông nghiệp tiếp tục bứt phá, vấn đề tái cơ cấu ngành đã được đặt ra từ vài năm trước. Tuy nhiên, do còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó có cả những khó khăn nội tại của ngành nông nghiệp nên bài toán tái cơ cấu vẫn chưa tìm được lời giải hợp lý.

Nhận diện rõ những khó khăn, thách thức, ngay sau khi đảm đương cương vị Bộ trưởng, ông Nguyễn Xuân Cường tập trung vào tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng từng bước khắc phục được 3 vấn đề, gồm: sản xuất nhỏ manh mún, biến đổi khí hậu và hội nhập. Bộ trưởng khẳng định, phải coi đây là một nguyên tắc cơ bản để tái cơ cấu, kể cả quy mô ngành hàng quốc gia, ngành hàng vùng, ngành hàng địa phương, đồng thời cho rằng, biến đổi khí hậu cũng tạo ra những dư địa mới, mà nếu biết cách tận dụng sẽ đưa ra những sản phẩm phù hợp mang tính cạnh tranh. “Ví dụ, ở Đồng bằng sông Cửu Long trước đây, các mặt hàng chính là lúa gạo, thủy sản, trái cây, thì nay do ảnh hưởng của nước biển dâng và nhiễm mặn thì cơ cấu sản phẩm thay đổi ngược lại theo thứ tự ưu tiên thủy sản, trái cây và lúa gạo…”

Rất đáng mừng là cách làm mà Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chọn đã được thực tiễn chứng minh là hướng đi đúng. Mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai, bão lũ, khó khăn về thị trường tiêu thụ… nhưng năm 2017 tăng trưởng ngành nông nghiệp vẫn đạt mục tiêu 3%, xuất khẩu nông sản cả năm nhiều khả năng đạt 36 tỷ USD, vượt con số mà Bộ trưởng đã hứa là 34 - 35 tỷ USD. Đặc biệt là trong cơ cấu hàng xuất khẩu có sự chuyển dịch tích cực khi rau quả, thủy sản có giá trị cũng như mức tăng trưởng cao (thủy sản xuất khẩu khoảng 8 tỷ USD, tăng trưởng 5,7%). Xuất khẩu rau quả có mức tăng trưởng 41,2%, giá trị xuất khẩu đạt 3,16 tỷ USD, vượt xa so với dầu thô (2,44 tỷ USD). Dự báo, năm 2020, giá trị xuất khẩu rau quả có thể đạt đến 10 tỷ USD, tức là hơn cả giá trị xuất khẩu dầu thô lúc cao nhất (7,3 tỷ USD năm 2005).

Báo Công luận
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khảo sát mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Ninh Bình. 
Tại cuộc làm việc giữa Tổ công tác của Thủ tướng với Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận kết quả tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh doanh liên quan tới lĩnh vực nông nghiệp là những kết quả nổi trội. Đặc biệt, Thủ tướng đánh giá rất cao cá nhân Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường với tinh thần tận tụy, năng động, trách nhiệm, quyết liệt, đổi mới, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Có thể nói, nhiệm kỳ của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường với nhiều khó khăn ngổn ngang. Sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún; sản phẩm nông nghiệp thiếu tính cạnh tranh, năng suất lao động thấp… Bên cạnh đó, nhiều quốc gia tăng cường chính sách bảo hộ sản phẩm trong nước; biến đổi khí hậu ngày càng khó lường gây thiên tai liên tiếp... Những khó khăn, thách thức đó đã diễn ra trên thực tế với mức độ nghiêm trọng hơn nhiều so với dự báo. Vì vậy, những kết quả mà Bộ trưởng và ngành nông nghiệp đạt được trong năm qua mới chỉ là bước đầu, nhưng tin rằng, đó là những bước đi vững chắc…❏

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể - Kiếm lệnh đã vung lên…

Là một trong hai gương mặt mới của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể được đặt rất nhiều kỳ vọng. Ngay sau khi được Quốc hội phê chuẩn, ông Nguyễn Văn Thể cho biết sẽ tập trung vào nhiệm vụ trước mắt bao gồm giải quyết các tồn tại của dự án BOT, đầu tư cao tốc Bắc - Nam; xây sân bay Long Thành...

Rõ ràng khi nhiều dự án BOT đang là “điểm nóng” khiến người dân bất bình, họ hoàn toàn có quyền trông đợi Bộ trưởng có những quyết sách đúng đắn, phù hợp, đảm bảo lợi ích chung của xã hội khi thực hiện các dự án BOT; đồng thời xem xét, xử lý các tồn tại của dự án BOT hiện có.

Báo Công luận
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cùng lãnh đạo tỉnh Đồng Nai  đi thị sát dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành và 2 khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn, ngày 8/11/2017. 
Thêm nữa, trong bối cảnh khó khăn tài chính hiện nay, việc huy động được nguồn vốn khổng lồ để thực hiện những dự án rất lớn của ngành giao thông là thách thức vô cùng lớn đối với Bộ trưởng GTVT. Đó là 2 siêu dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành với tổng mức đầu tư là hơn 336.000 tỷ đồng (hơn 16 tỷ USD); dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 với tổng mức đầu tư gần 120.000 tỷ đồng, dự kiến sẽ khởi công vào năm 2019 và hoàn thành vào năm 2021…

Chưa đầy 1 tháng sau khi nhậm chức, sự kỳ vọng của người dân về việc xử lý dự án BOT đã được Bộ trưởng trả lời vào ngày 21/11, khi ông vung kiếm ra lệnh “trảm” Dự án mở rộng Quốc lộ 30, được đầu tư bằng hình thức BOT, qua địa bàn hai tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp.

Dự án có mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng này trái với Nghị quyết 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành trước đó đúng 1 tháng, theo đó hình thức BOT chỉ áp dụng đối với tuyến đường làm mới và có sự lựa chọn cho người dân; trong khi Quốc lộ 30 là dự án cải tạo, nâng cấp trên tuyến đường hiện hữu. Dự án cũng vấp phải sự phản ứng từ người dân trong giải phóng mặt bằng và cả trong kế hoạch thu phí.

Và mới đây, sự kiện người dân phản đối gay gắt việc thu phí của trạm BOT Cai Lậy khi trạm này hoạt động trở lại, có thể coi là thử thách thực sự đối với Bộ trưởng. Không chỉ người dân mà ngay cả một số đại biểu Quốc hội cũng cho rằng trạm BOT Cai Lậy đặt nhầm chỗ và đề nghị “sửa sai”. Bởi vậy, người dân càng có lý do để trông đợi rằng, một khi Bộ trưởng đã ngồi trên “ghế nóng” thì sẽ cảm nhận rõ ràng hơn ai hết về sức “nóng” của vấn đề, để từ đó có những quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân. Chắc chắn rằng, khi xử lý thành công tồn tại của dự án BOT, mà trước mắt là trạm BOT Cai Lậy, Bộ trưởng đã không chỉ đáp đền được sự kỳ vọng đó mà còn chiếm trọn được tình cảm yêu mến và lòng tin của nhân dân.❏

Thế Vũ

Tin khác

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn
Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

(NB&CL) Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay quá thấp so với mức chi tiêu cơ bản, mức sống thực tế của người dân và không phù hợp với sự biến động liên tục của mặt bằng giá. Điều này đã được giới chuyên gia cũng như báo chí lên tiếng khá nhiều nhưng cho tới nay, mức trừ gia cảnh vẫn không thay đổi...

Góc nhìn
Kiểm soát nguy cơ lạm dụng chính sách bảo hiểm xã hội để gian lận

Kiểm soát nguy cơ lạm dụng chính sách bảo hiểm xã hội để gian lận

(NB&CL) Theo dự kiến, dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (vào tháng 5/2024) tới đây. Đây là dự án Luật được đánh giá có tác động lớn đến đời sống của người dân cũng như đến các chủ trương, chính sách của Nhà nước, có nhiều nội dung phức tạp, chuyên môn sâu, mang tính xã hội cao. Trong đó, vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục có nhiều ý kiến khác nhau.

Góc nhìn