Giải thưởng âm nhạc cũng phải... thức thời

Thứ sáu, 03/04/2015 09:54 AM - 0 Trả lời

Giải thưởng âm nhạc cũng phải... thức thời

Hàng loạt giải thưởng âm nhạc rục rịch tổng kết. Và những xôn xao chuyện mua giải, kinh doanh tin nhắn, khác biệt trong thói quen người nghe nhạc khiến không ít đơn vị tổ chức bắt đầu nghĩ đến việc thay đổi.

Báo Công luận 

Thay đổi này nhằm tạo uy tín hoặc... giữ thanh danh.

Là một trong những giải thưởng âm nhạc ra đời đầu tiên, Làn sóng xanh 2012 đã cho thấy sự nhanh nhạy và thức thời của mình khi đưa vào hình thức nghe và bình chọn trực tuyến trên trang lansongxanh.vn, bên cạnh cách bình chọn truyền thống thông qua tin nhắn và điện thoại.

Khán giả của Internet

Khi Giải thưởng âm nhạc Zing 2012 công bố danh sách đề cử top 40 nghệ sĩ của năm, top 10 nghệ sĩ nam/nữ mới xuất sắc nhất... để báo chí bình chọn, nhiều người không khỏi bất ngờ trước những cái tên... lạ hoắc. Thậm chí có phóng viên còn thắc mắc ca sĩ A, B, C trong danh sách này là ai, có sản phẩm âm nhạc nào nổi bật.

Nếu nhìn lại những tiêu chí để được có tên trong danh sách này, hẳn không ít nhà báo phải thừa nhận rằng thị hiếu của khán giả quả là đa dạng và khó lường. Dựa vào số lượt tìm kiếm và lượt nhấp vào tên nghệ sĩ nhiều nhất trên hệ thống Zing, những cái tên không mấy quen thuộc đã chễm chệ trong bảng tổng sắp hạng: Trần Tuấn Lương, Hồ Quang Hiếu, Yanbi, Justa Tee, Lil Knight, Blue Duy Linh... Nhạc sĩ Đức Trí nhìn nhận: “Những khán giả của âm nhạc trực tuyến còn khá trẻ nên sẽ có gu thẩm mỹ âm nhạc tương đối khác với chúng ta. Sẽ có một số người cảm thấy phi lý hoặc có những hoài nghi, tuy nhiên chúng ta không thể không chấp nhận nó vì đó là thực tế phát triển của thị trường”.

Với sự phát triển của Internet, nhiều nhà sản xuất/nhạc sĩ cũng đã thừa nhận rằng từ khi có các trang web chia sẻ âm nhạc, đó là cơ hội cho những người thích ca hát thể hiện mình. Không chỉ có các ca sĩ chuyên nghiệp, ngày nay bất cứ ai muốn giới thiệu giọng hát của mình đến với công chúng chỉ cần thu âm ca khúc và tung lên mạng, nếu hay (hoặc có khi chỉ vì “quái lạ”) sẽ được cộng đồng mạng đón nhận và lan truyền đi khắp nơi. Nhiều hãng ghi âm cũng phát hiện các gương mặt mới từ Internet. “Ở VN, sẽ không ai biết đến Thùy Chi nếu như không nhờ các trang chia sẻ âm nhạc” - nhạc sĩ Đức Trí khẳng định.

Những thay đổi này cũng đã buộc các nhà tổ chức giải thưởng âm nhạc phải xem xét lại thước đo đánh giá thị hiếu khán giả. Việc dựa vào số lượng băng đĩa bán ra, cũng như số lượng vé bán tại các tụ điểm để nhận biết ai đang là cái tên “hot” không còn đúng hoàn toàn nữa. Số lượt tìm kiếm, nghe, thích và bình luận trên hệ thống các trang web âm nhạc đã và sẽ là một yếu tố quan trọng, không thể thiếu trong các đánh giá, nhìn nhận về độ thành công của ca sĩ cũng như các tác phẩm âm nhạc hôm nay và ngày mai.

Cân bằng và công bằng

Tuy nhiên, thị hiếu của khán giả không thể chỉ đánh giá qua các lượt xem/nghe hay tìm kiếm trên trang web vì thực tế nhiều “thảm họa” âm nhạc vẫn khiến người nghe tò mò tìm hiểu. Vì vậy khi Giải thưởng âm nhạc Zing quyết loại các ca khúc “thảm họa” ra khỏi danh sách đề cử (dù các chỉ số vẫn khá cao) vào năm ngoái đã nhận được sự ủng hộ của cộng đồng, tác động tích cực đến nhiều nghệ sĩ. Lẽ dĩ nhiên, một giải thưởng được đưa ra không thể phụ thuộc hoàn toàn vào thị hiếu khán giả mà đòi hỏi một sự cân bằng đủ để họ nhìn thấy được sự công bằng lẫn uy tín, giá trị trong mỗi giải thưởng được trao.

Bài hát yêu thích - một sân chơi, giải thưởng âm nhạc mới xuất hiện trong năm nay - không chỉ đang tạo được sự chú ý của dư luận nhờ giá trị tiền thưởng “khủng” (giải thưởng “Bài hát của năm” có giá trị 1 tỉ đồng dành cho ca sĩ thể hiện và 300 triệu đồng dành cho nhạc sĩ sáng tác) mà còn bởi luật chơi tương đối khắt khe. Ngoài công tác đề cử hết sức nhiêu khê và tốn kém, ban tổ chức giải cũng vô cùng mạnh tay với các tin nhắn “rác” trong phần bình chọn. Theo đó, một bài hát có lượng tin nhắn bình chọn vượt quá 20% tổng bình chọn, ban tổ chức sẽ kiểm tra bình chọn của 10 bài hát đứng đầu. Nếu thấy “có vấn đề”, ban tổ chức giải sẽ không ngần ngại hủy các tin nhắn “rác” bình chọn. Gần đây nhất, trong tháng 11, ban tổ chức đã hủy bình chọn ảo của Cơn mưa ngang qua (4.431 tin), Nhan sắc (1.680 tin) và Chiếc khăn piêu (522 tin).

Không chỉ Bài hát yêu thích, hầu hết các giải thưởng hiện nay đều có sự thay đổi để cân bằng lại trong cách đề cử, bình chọn và trao giải nhằm giảm thiểu tối đa sự tranh cãi. Làn sóng xanh 2012 quyết định không trao giải cho ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Thu Minh và Cao Thái Sơn vì cả ba đã vi phạm quy chế biểu diễn nghệ thuật (dù nhận được số bình chọn cao từ bạn nghe đài).

Đến thời điểm này, Cống hiến được cho là giải thưởng âm nhạc ít chịu thị phi nhất cũng bởi sự nghiêm túc từ vòng đề cử đến bình chọn. Công khai kiểm phiếu nhưng vẫn bí mật kết quả đến phút chót khiến giải ít nhiều tạo được lòng tin và sự hấp dẫn những người trong lẫn ngoài cuộc.

Giải thưởng âm nhạc Zing - dù chỉ mới bước sang năm thứ ba - cũng đã mạnh dạn thay đổi cách bình chọn hòng tạo được một không khí mới cũng như sự công nhận từ nhiều đối tượng người quan tâm: không chỉ dựa trên cộng đồng trực tuyến mà còn có sự tham gia của báo chí và hội đồng nghệ thuật bình chọn. Một thay đổi đáng chú ý khác ở giải thưởng này là ban tổ chức chỉ nhận bình chọn miễn phí trên mạng tại trang awards.zing.vn đối với ba giải do cộng đồng trực tuyến bình chọn là: nam, nữ ca sĩ và nhóm nhạc được yêu thích nhất với những quy định kiểm soát cụ thể chứ không bình chọn qua tổng đài tin nhắn điện thoại.

Những thay đổi này phần nào cho thấy sự thức thời của các nhà tổ chức giải thưởng với tham vọng tiến gần hơn đến sự chuyên nghiệp, công bằng và có được sự tin yêu, trân trọng từ công chúng lẫn nghệ sĩ.

Theo TTO

Tin khác

Chiêm ngưỡng hàng sao đen trăm tuổi ở phố Lò Đúc (Hà Nội)

Chiêm ngưỡng hàng sao đen trăm tuổi ở phố Lò Đúc (Hà Nội)

(CLO) Những cây sao đen trên phố Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) được trồng từ thời Pháp có tuổi đời khoảng 120 năm mang nhiều giá trị đặc biệt về đa dạng sinh học và bảo tồn nguồn gen quý hiếm, gắn bó từ rất lâu với người dân Thủ đô.

Đời sống văn hóa
Hoa sơn tra đua nhau bung nở giữa núi rừng Tây Bắc

Hoa sơn tra đua nhau bung nở giữa núi rừng Tây Bắc

(CLO) Cánh rừng sơn tra ở huyện Mường La, tỉnh Sơn La đang đua nhau bung nở rực sáng khắp các bản làng. Từ thung lũng đến triền núi đều được bao phủ một lớp màu trắng muốt như điểm tô thêm bức tranh đa sắc màu của miền núi rừng Tây Bắc.

Đời sống văn hóa
Đặc sắc Chương trình biểu diễn dân gian Holi của người Ấn Độ tại Hà Nam

Đặc sắc Chương trình biểu diễn dân gian Holi của người Ấn Độ tại Hà Nam

(CLO) Tối 28/3, tại Khu du lịch Tam Chúc (thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng), UBND tỉnh Hà Nam phối hợp với Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam tổ chức chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam - Ấn Độ qua Chương trình biểu diễn dân gian Holi.

Đời sống văn hóa
Hàng nghìn người tham dự lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn

Hàng nghìn người tham dự lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn

(CLO) Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng diễn ra tại chùa Quán Thế Âm trong 4 ngày từ 26 đến 29/3.

Đời sống văn hóa
Tôn vinh những cống hiến của các nghệ nhân, nghệ sỹ TP Hồ Chí Minh

Tôn vinh những cống hiến của các nghệ nhân, nghệ sỹ TP Hồ Chí Minh

(CLO) Tối 28/3, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức “Lễ tôn vinh Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú, Nghệ sỹ nhân dân, Nghệ sỹ ưu tú Thành phố Hồ Chí Minh – năm 2024”.

Đời sống văn hóa