Giao lưu nhà văn trẻ: Đầu năm nhớ chuyến hải hồ vừa trôi

Thứ sáu, 03/04/2015 09:53 AM - 0 Trả lời

Giao lưu nhà văn trẻ: Đầu năm nhớ chuyến hải hồ vừa trôi

(Congluan.vn) - Những ngày cuối năm còn lại, Đoàn Nhà văn trẻ TP.HCM đã đi thực tế, sáng tác và giao lưu văn học tại Thành phố Long Xuyên - tỉnh An Giang.

Đoàn do nhà thơ Phan Hoàng - Ủy viên Ban Chấp hành, Trưởng Ban Nhà văn trẻ - Hội Nhà văn TPHCM làm Trưởng đoàn cùng các nhà thơ Phùng Hiệu, Hoa Níp, Vương Chi Lan, Trần Huy Minh Phương và các nhà văn Nguyễn Thu Trân, Nguyễn Hồng Lam, Trương Anh Quốc, Ngô Thúy Nga, Lưu Quang Minh và 2 khách mời là nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, Lê Thị Kim.

Báo Công luận
 
Nhà thơ Phan Hoàng - Trưởng Đoàn Nhà văn trẻ TP.HCM tặng quà cho nhà văn Mai Bửu Minh Chủ tịch Hội VHNT tỉnh An Giang 

Sau cuộc hành trình kéo dài 6 tiếng đồng hồ, đến 12h cùng ngày, Đoàn mới đến TP Long Xuyên. Tiếp Đoàn, nhà văn Mai Bửu Minh - Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT tỉnh An Giang và nhà thơ Lê Thanh My, phó chủ tịch Hội cùng các nhà văn đang sống và làm việc tại tỉnh An Giang.

Buổi chiều, Đoàn đã có buổi làm việc với Hội Liên hiệp VHNT tỉnh An Giang. Sau đó dưới sự hướng dẫn của nhà văn Mai Bửu Minh, nhà thơ Lê Thanh My cùng đưa đoàn về cù lao Ông Hổ tham quan khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Đại diện đoàn địa phương nhà văn Mai Bửu Minh đã trao tặng lưu niệm huy hiệu Chủ tịch Tôn Đức Thắng cho các thành viên trong đoàn Thành phố.

Báo Công luận
 
Thăm quan và sáng tác tại Khu bảo vệ cảnh quan Trà Sư  
 
19 giờ, tại trường Đại học An Giang diễn ra buổi giao lưu giữa Hội Liên hiệp VHNT tỉnh An Giang – CLB “Gia đình áo trắng An Giang” với Đoàn Nhà văn trẻ TP.HCM. Buổi giao lưu văn học nhằm khơi dậy niềm đam mê, niềm ước mơ, khát vọng của giới trẻ yêu thích văn chương.

Những cây bút trẻ được động viên, khích lệ mạnh dạng đi sâu vào niềm đam mê văn chương và nghệ thuật, tạo thêm nguồn cảm hứng sáng tác với tinh thần và nhiệt huyết của tuổi trẻ đang chập chững bước vào con đường sáng tác, phục vụ cho nhu cầu đời sống tinh thần của thế hệ trẻ, góp phần trẻ hóa nền văn học hiện đại, cũng như lời phát biểu của nhà thơ Phan Hoàng: “Sau 12 năm anh trở về An Giang giao lưu, gặp gỡ, nối kết giữa cô giáo – thầy giáo – sinh viên trẻ trung mang lại cho chúng ta cái đẹp, cái giá trị của văn học nghệ thuật”.

Báo Công luận
 
Đoàn Nhà văn trẻ TP.HCM giao lưu tại trường Đại học An Giang 
 
Vùng đất An Giang là vùng đất “địa linh nhân kiệt”. Một vùng đất hết sức kỳ lạ sản sinh ra nhiều nhân vật kiệt xuất, nhiều chí sĩ yêu nước, nhà hoạt động cách mạng, nhà văn, nhà thơ đã thành danh trên vùng đất này.
Vùng đất này đã lưu dấu ấn của nhà thơ Phạm Hữu Quang nổi tiếng với bài thơ Giang hồ. "Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt/Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà"
Không khí buổi giao lưu trở nên sôi nổi và vui tươi qua phần giao lưu của nhà thơ Lê Thị Kim. Chị đọc bài thơ tình theo yêu cầu của sinh viên, các bạn chỉ “văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình” nghe thơ, yêu thích thơ của chị đã lâu nhưng chưa lần nào được gặp chị. Đây là dịp được nghe, được nhìn tận mặt một nhà thơ tên tuổi, là tác giả của bài thơ “Đừng nhìn em như thế”.
 
Báo Công luận
 
Đoàn Nhà văn trẻ TP.HCM giao lưu tại trường Đại học An Giang 
 
Khi nhà thơ Lê Thị Kim đọc bài thơ này, cảm xúc ùa về trong chị, bản chất thực của một nữ thi sĩ lãng mạn mà ai có mặt trong buổi giao lưu cũng đều nhận ra rõ một “nàng thơ” ướt át xuất hiện, chị mắc cỡ và thẹn thùng trước các bạn sinh viên, các thành viên “Gia đình áo trắng An Giang”. Chị hóa thành cô bé trẻ trung, e thẹn qua giọng đọc run run hồi hộp của chị khiến cho nhiều người có cảm giác đúng là “nhà thơ không có tuổi”.
 
Báo Công luận
 
Thăm quan và sáng tác tại núi Cấm
 
Các bạn sinh viên tha thiết được nghe nhà thơ Phạm Sĩ Sáu kể về thời nhập ngủ, anh vào bộ đội ra sao và công tác tại chiến trường Campuchiathế nào? Anh kể, anh may mắn được nghe thơ thời chống Mỹ qua hình ảnh anh giải phóng quân đã thôi thúc anh cầm bút, rồi thơ anh được đăng trên các báo…Trong đó, bài thơ “Hành tráng sĩ mới” được đăng tải rộng rãi trên các báo, được nhiều người yêu thích. Qua bài thơ này, đã thôi thúc nhiều bạn trẻ tham gia vào quân ngủ. Điểm nhấn câu thơ có đoạn: “Sóng Mê kông sao bằng sóng ở trong lòng…” và còn nhiều câu thơ hay khác.Buổi giao lưu đi dần về khuya, nhưng cũng không làm giảm đi tinh thần văn nghệ của các nhà thơ, nhà văn đã chia sẻ những kiến thức và trải nghiệm đời sống của người cầm bút.

Sáng hôm sau, Đoàn rời Long Xuyên đi tham quan Khu Bảo vệ cảnh quan Trà Sư . Thả xuồng trên sông nước đi vào Khu bảo tồn thiên nhiên mênh mông rừng tràm. Những làn gió mát rượi thổi vào lòng người nhẹ nhàng thơ thới, những đầm sen xanh um úp dập dìu theo sóng nước chao nghiêng. Những tia nắng ban mai xuyên qua cánh đồng tràm, thi thoảng lại có những cánh cò chao liệng trước mũi thuyền du khách. Ai cũng say xưa trước cảnh đẹp giữa con người và thiên nhiên đang hòa quyện vào nhau, người chụp ảnh, người làm thơ, những cảm xúc tuôn trào nơi ngọn bút.

Báo Công luận
 
Các nhà văn chụp hình lưu niệm trên Núi Cấm, dưới chân tượng Phật lớn nhất Đông Nam Á
 
Buổi chiều cùng ngày, Đoàn tiếp tục hành trình về Núi Cấm. Là một ngọn núi cao nhất trong khu vực 7 Núi thuộc huyện Tịnh Biên tỉnh An Giang. Với độ cao 700 m, Núi Cấm đẹp như một bức tranh với sương mù bao phủ, hồ nước tự nhiện trong vắt và những ngôi chùa cổ kính khói hương nghi ngút như đang hòa quyện vào một thế giới tâm linh kì bí. Đêm xuống, Núi Cấm lung linh trong những ánh đèn mờ ảo. Càng về khuya cái lạnh càng giá buốt. Trong không khí buốt lạnh của những ngày cuối đông, nhưng không làm cho các nhà văn trẻ “co dúm” trước khung cảnh thiên nhiên kỳ vỹ và huyền bí này. Tại đây những xúc cảm được khơi dậy và các tác phẩm ra đời trong một không gian toàn thơ và nhạc giữa núi rừng trùng điệp.

Sáng ngày 31/12, Đoàn đã làm lễ bế mạc. Chia tay Đoàn Nhà văn trẻ TP, nhà văn Mai Bửu Minh và các bạn văn An Giang đã cùng tặng sách cho nhau, cùng bắt tay nhau trong sự lưu luyến và mong ngày gặp lại.

 
 

Đừng nhìn anh như thế

Đừng nhìn em như thế
Cháy lòng em còn gì
Sự nồng nàn của bể
Cuốn mất hồn em đi

Đừng nhìn em như thế
Khắc giờ thành thiên thu
Mắc nợ đời dâu bể
Mắc nợ đời thơ si

Em đành làm chim nhỏ
Đứng hót chơi trong chiều
Thả đôi lời hoa cỏ
Cho đời bớt tịch liêu

Bởi tình yêu có thật
Vĩnh cửu trong cuộc đời
Bởi ghen tuông có thật
Xuống mồ biết có thôi

Đừng nhìn em như thế
Sự dịu dàng nhường kia
Sẽ làm em chết ngạt
Hết một đời thơ si.

  • Lê Thị Kim

Giang Hồ

Tàu đi qua phố, tàu qua phố
Phố lạ mà quen, ta giang hồ
Chẳng lẽ suốt ngày bên bếp vợ
Chẻ củi, trèo thang với... giặt đồ

Giang hồ đâu bận lo tiền túi
Ngày ta đi chỉ có tay không
Vợ con chẳng kịp chào xin lỗi
Mây trắng trời xa, trắng cả lòng

Giang hồ ta ghé nhờ cơm bạn
Đũa lệch mâm suông cũng gọi tình
Gối trang sách cũ nằm nghĩ bụng
Cười xưa Dương Lễ với Lưu Bình

Giang hồ có buổi ta ngồi quán
Quán vắng mà ta chẳng chịu về
Cô chủ giả đò nghiêng ghế trống
Đếm thấy thừa ra một gốc si

Giang hồ mấy bận say như chết
Rượu sáng chưa lưa đã rượu chiều
Chí cốt cầm ra chai rượu cốt
Ừ. Thôi. Trời đất cứ liêu xiêu

Giang hồ ta chẳng hay áo rách
Sá gì chải lược với soi gương
Sáng nay mới hiểu mình tóc bạc
Chợt tiếng trẻ thưa ở bên đường

Giang hồ ba bữa buồn một bữa
Thấy núi thành sông biển hóa rừng
Chân sẵn dép giày, trời sẵn gió
Ngựa về. Ta đứng. Bụi mù tung...

Giang hồ tay nãi cầm chưa chắc
Hình như ta khóc. Mới hôm qua
Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà

  • Phạm Hữu Quang

 
  • Phùng Hiệu - Chi Lan 
 

Tin khác

Về đất Tổ nghe Xoan làng cổ

Về đất Tổ nghe Xoan làng cổ

(CLO) Trải qua hàng ngàn năm, nghệ thuật hát Xoan (tỉnh Phú Thọ) vẫn trường tồn với thời gian, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Hát Xoan làng cổ trở thành một dấu ấn riêng biệt để du khách thập phương lại có thêm lý do tìm về nơi miền quê đất Tổ.

Đời sống văn hóa
Ninh Bình: Gần 1.000 thiết bị bay không người lái sẽ trình diễn 'đại tiệc ánh sáng' tại Lễ hội Hoa Lư 2024

Ninh Bình: Gần 1.000 thiết bị bay không người lái sẽ trình diễn "đại tiệc ánh sáng" tại Lễ hội Hoa Lư 2024

(CLO) Màn trình diễn ánh sáng hiện đại (Drone light) với gần 1 nghìn máy bay tự động trong chương trình nghệ thuật Kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư 2024 tại Ninh Bình hứa hẹn mang đến những cảm xúc lắng đọng và sự mãn nhãn cho người xem.

Đời sống văn hóa
Gần 200 nghệ sĩ sẽ biểu diễn nhạc Jazz tại Nha Trang

Gần 200 nghệ sĩ sẽ biểu diễn nhạc Jazz tại Nha Trang

(CLO) Gần 200 nghệ sĩ, ban nhạc Việt Nam và quốc tế sẽ đến Khánh Hoà để biểu diễn tại Chương trình Jazz Quốc tế lần thứ I - Nha Trang 2024.

Đời sống văn hóa
Màu Trường Sa

Màu Trường Sa

(CLO) Nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh đã ba lần ra Trường Sa vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ 20. Tháng 4 hằng năm, mùa sóng yên biển lặng, hàng trăm người ở mọi miền đất nước và cả người Việt ở nước ngoài, lại háo hức ra thăm Trường Sa, quần đảo thiêng liêng không tách rời Tổ quốc.

Đời sống văn hóa
Niềm tự hào văn hóa dân tộc lan tỏa trong ngày Hội đọc sách

Niềm tự hào văn hóa dân tộc lan tỏa trong ngày Hội đọc sách

(CLO) “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam” diễn ra vào ngày 21/4 hàng năm từ lâu đã trở thành một sự kiện văn hóa quan trọng không chỉ đối với những người yêu sách mà đối với toàn xã hội.

Đời sống văn hóa