Mùa nắng, bụi đất phủ kín đường đi. Mùa mưa, đất biến dạng nhão nhoét, sình lầy, ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại, sản xuất, buôn bán của bà con nơi đây. Con đường “khổ ải” này nằm ở vị trí giáp ranh giữa xã Sơn Lộc (huyện Can Lộc) và xã Ngọc Sơn (huyện Thạch Hà) có chiều dài khoảng 3km. Tuyến đường được coi là huyết mạch giao thông chính của người dân 2 xã, với mật độ phương tiện lưu thông rất lớn.
Mỗi lần đi qua các tài xế phải gồng mình tránh được những “hố voi” tử thần. Ảnh: P.V
Quãng đường tuy ngắn nhưng dường như mỗi lần đi qua các tài xế phải gồng mình, thấp thỏm điều khiển phương tiện làm sao để tránh được những “hố voi” tử thần. Đây quả là một thử thách không hề đơn giản, nhiều người lớn tuổi và trẻ em phải xuống xe dắt bộ vì sợ tai nạn.
Nhận thấy những bất cập trong việc đi lại, chính quyền hai địa phương xã Sơn Lộc và xã Ngọc Sơn đã nhiều lần huy động nội lực để cải tạo lại mặt đường. Nhưng thực tế, nhiều “hố voi”, “ổ gà” với độ sâu từ 15 đến 30cm vẫn xuất hiện dày đặc trên tuyến đường khiến cho cuộc sống đi lại của người dân gặp muôn vàn khó khăn, vất vả.
Đã có nhiều trường hợp học sinh bị té ngã ướt hết cả quần áo và sách vở. Ảnh: P.V
Chỉ tay về phía con đường, bà Thái Thị Thủy, trú tại thôn Đập Lả, xã Sơn Lộc lắc đầu nói: “Hơn 25 năm rồi, con đường này vẫn vậy, vẫn chỗ lồi, chỗ lõm, mưa xuống thì tạo thành các mảng nước lớn phủ hết cả mặt đường. Học sinh 2 xã đi học về, qua tuyến đường này nhiều trường hợp bị té ngã ướt hết cả quần áo và sách vở, tội nghiệp lắm chú ạ. Chưa kể đến trường hợp xe tải chở vật liệu qua đây bị mắc lầy không đi được. Đến mùa thu hoạch nông nghiệp, xe cộ bà con tiếp cận để chở lúa, chở khoai về rất khó khăn. Người dân chúng tôi cũng khổ nhiều rồi, chỉ mong muốn các cấp chính quyền quan tâm sửa chữa, cải tạo lại con đường để bà con đi lại dễ dàng hơn.”
Mỗi khi mưa xuống, nước phủ hết cả mặt đường. Các phương tiện lưu thông rất khó khăn. Ảnh: P.V
Qua theo dõi một thời gian, đáng báo động hơn nữa đó chính là tình trạng xe tải và ô tô sau khi không di chuyển được qua tuyến đường này, cánh tài xế đã tìm cách đi đường vòng, luồn lách phương tiện vào các đường bê tông thôn xóm gây nguy hiểm cho người dân sinh sống ở đây. Đồng thời, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng các tuyến đường nông thôn mới.
Theo tìm hiểu của PV thì tuyến đường này đã nhiều lần được các cấp, các ngành của huyện Can Lộc về kiểm tra, đo đạc để làm lại. Nhưng tính đến thời điểm này thì mọi chủ trương, thủ tục vẫn “án binh bất động” vì một câu chuyện quá cũ "chưa bố trí được nguồn vốn xây dựng..."
Nhiều "ổ voi", "ổ gà" xuất hiện dày đặc trên tuyến đường. Ảnh: P.V
Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Anh Sơn - Chủ tịch UBND xã Sơn Lộc cho biết chính quyền địa phương đã nhiều lần đề cập vấn đề này với huyện Can Lộc và tỉnh Hà Tĩnh.
“Tại các cuộc họp, cử tri đã có rất nhiều ý kiến kiến nghị về thực trạng xuống cấp của tuyến đường liên xã này. Chúng tôi cũng có nhiều văn bản gửi cấp trên đề nghị xem xét, bố trí nguồn vốn để duy tu, bảo dưỡng tuyến đường nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm. Chính quyền xã chỉ có thể giải quyết bằng biện pháp tạm thời là đổ xỉ để vá lại những hố bị xuống cấp nghiêm trọng, để phương tiện có thể đi qua. Nhưng sau một vài tuần, thực trạng xuất hiện nhiều hố sâu nham nhở lại quay trở lại.” – ông Sơn nói.
Thiết nghĩ, để phát huy hơn thành quả “nông thôn mới”, nâng cao mọi mặt đời sống người dân vùng nông thôn, góp phần đưa tỉnh Hà Tĩnh phát triển. Chính quyền huyện Can Lộc và huyện Thạch Hà cần quan tâm hơn đến đời sống người dân vùng giáp ranh giữa hai địa phương này.
Minh Hà