Hãy để Tết trong veo như trong mắt trẻ

Thứ bảy, 25/01/2020 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Nhiều người bảo Tết càng ngày càng nhạt đi, chẳng khác ngày nghỉ bao nhiêu. Rất nhiều người đã dành thời gian nghỉ Tết cho việc vui chơi giải trí, thăm thú bạn bè hay đi du lịch...

Tết xưa đậm đà trong ký ức với những mùi pháo nồng nàn, mùi dưa hấu, củ kiệu, thịt kho, mùi nếp bánh chưng, hương lá mùi chiều 30, mùi hoa cúc, hương trầm thơm trên ban thờ. Nay, có những thứ thay đổi theo thời gian, những thao thức bên nồi bánh chưng cay cay khói mắt đã vợi bớt ít nhiều, tiếng pháo chẳng còn râm ran khắp xóm phố... Nhưng Tết nay có phai nhạt hơn Tết xưa? Hay thay vì hờn trách thời gian, tiếc nuối những dư vị đẹp đẽ trong ký ức, chúng ta hoàn toàn có thể “ăn” Tết thật “đậm đà” với tất cả những ấm áp, thiêng liêng và trọn vẹn nhất của cái Tết nay?

5-1549868252-1200x0_1550455954_VnEx

1. Tháng cuối năm, dealine ngập cổ. Đây đó đã có tiếng than của mấy cô nàng công sở về những lo toan ngày Tết. Rồi chắc vài ngày nữa, facebook sẽ tràn ngập những nhớ thương tết cũ. Và thể nào cũng có có người buông lửng một câu: Tết ngày càng nhạt. Tết có nhạt thật không khi người ta vẫn ngóng chờ. Tết có nhạt thật không khi ngay trong câu than thở đã có dư vị của ngóng trông.Và Tết có nhạt thật không khi ai cũng có một thanh xuân gắn liền với những mùa Tết cũ. Thay vì hoài niệm với những mùi hương, những hoạt động đẹp đẽ trong ký ức, chúng ta hoàn toàn có thể “ăn” Tết với những gì mình có, tự tạo ra và tận hưởng không khí Tết của riêng mình, bên gia đình và hòa cùng mùa xuân của đất trời, đất nước. Chỉ có ta là người quyết định Tết của riêng mình có nhạt hay không.

Những đứa trẻ của mùa Tết năm xưa bây giờ đã thành vợ, thành mẹ, ai cũng có thể nấu ăn ngon. Mỗi người chăm chút một món, bày biện lên mâm và ngồi xuống ăn uống rôm rả. Vậy mà vui. Đôi chân không còn đòi phải ra đường đi chơi đâu nữa, Tết về chỉ muốn ngồi mãi bên hiên nhà nghe chuyện xưa của mẹ. Mân mê những tờ thư cũ, những trang nhật ký vẫn còn lưu giữ từ thuở học trò. Cả hình ảnh, nét chữ của mình thời ngô nghê. Bật cười mà thấy nhớ, sau là nhớ những năm tháng đã lùi rất xa vào quá vãng. Năm tháng vẫn trôi đi nhanh đến vô tình, cho những đứa trẻ lớn lên, để những người già ngày một về bên kia dốc.

Có nhiều lúc, tôi tự hỏi rằng nếu không phải bị ràng buộc bởi biết bao trách nhiệm, công việc, gánh nặng…Nếu được tự do lựa chọn cuộc sống như mình mong cầu, thì con người sẽ chọn gì? Có lẽ, sẽ là về ngồi bên mái nhà với những người yêu thương, đi những chuyến khám phá đất trời, nói cười vô lo trong ngần cùng bạn bè. Trái tim sẽ đập những nhịp vạn sự bình an, hạnh phúc.

Thời gian cho đời người những ngày Tết, chính là để mỗi người được sống tự do, nhẹ nhàng như vậy. Để được thanh lọc tâm hồn. Năm cũ có thế nào rồi cũng qua, khởi đầu năm mới bằng niềm vui, nguồn năng lượng tích cực và những mục tiêu mới. Nhiều mùa Xuân, tôi không đi đâu xa. Chỉ lòng vòng ngắm những con đường yên vắng của ngày cuối năm đã đủ thấy yêu không gian mình đang sống, thấy quý những vòng quay của trời đất để thay mới cảm xúc của lòng người. Sống chậm lại trong những ngày Tết cũng là một cách tận hưởng sâu từng khoảnh khắc vàng son của mùa Xuân…

tet_1-21_17_27_918

2. Con người thật lạ, cái gì qua đi mới tiếc nhớ, trân quý. Ngay cả một món tài sản rất đáng quý là thời gian. Có những lúc chúng ta tiêu xài thời gian một cách lãng phí, để nó trôi đi trong vô nghĩa. Ai cũng có tuổi xuân. Tuổi xuân mỗi người cứ lặng im trôi qua và chúng ta cũng lặng lẽ già. Bài học ấy, phải đến một độ tuổi nào đó mới hiểu rõ ngọn nguồn. Ngay như cuộc sống mỗi người cứ chinh phục các đỉnh cao, đôn đáo mưu sinh, kiếm tiền để giàu có, hơn người. Chúng ta bị cuốn sâu vào cuộc sống vội vã, tấp nập, gấp gáp. Thậm chí nhanh đến không thể kìm giữ. Từ kỷ nguyên nào, không biết nữa, loài người đã có câu “thời gian là vàng bạc”. Con người chạy đua với thời gian. Thời gian chạy đua với con người. Máy móc và trí tuệ nhân tạo cũng đua với con người. Khi lâm vào căng thẳng, con người bắt đầu sợ thời gian, sợ tốc độ, sợ cả những món ăn nhanh. Người ta muốn sống chậm lại, kìm giữ bản thân lại, cả những công việc bộn bề. Chúng ta muốn trốn thành phố ồn ào tấp nập, tìm về những miền quê yên tĩnh, vắng tiếng ồn của máy móc xe cộ, nhưng hào phóng tiếng gió, tiếng chim chóc và sắc diệp lục. Nhiều người tìm về các resort để nghỉ ngơi, xả bớt căng thẳng, ngột ngạt, tiếp thêm năng lượng, dũng khí vượt qua áp lực sắp tới.

Đến ngay cả Tết, người ta cũng lo Tết. Mà thật, những ngày Tết giờ đây cũng trôi qua quá nhanh. Mỗi người lo toan cả tháng giời, vèo trôi mấy ngày rồi… hết. Để chuẩn bị cho Tết bây giờ người ta cũng phải vắt chân lên cổ chạy lo sắm đồ. Công nghệ và các dịch vụ có thể phục vụ ta tất cả, nhưng không thể nghĩ thay, mà chúng ta phải chi tiền cho tất cả các dịch vụ, kể cả mua sắm đồ dùng trong những ngày Tết Nguyên đán. Vậy nên, càng ở những đô thị “chạy nhanh” như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, người ta càng ngại Tết, bởi phải lỉnh kỉnh mua sắm, lo biếu xén, quà cáp. Và bởi người ta bận bịu đến nỗi không thể chậm lại được. Lại nữa, Tết đến và qua nhanh có nghĩa là một năm cũng vèo trôi, con người cũng mau già, người ta mới cảm thấy hoang mang trong đời người ngắn ngủi.

Tôi nhiều khi sợ Tết nhưng lại mong đến Tết. Vì có rất nhiều điều thú vị, ấm cúng mà chỉ Tết mới có. Chỉ có Tết người ta mới dễ bỏ qua cho nhau nhiều thứ. Chỉ có Tết mới có đủ sức lôi kéo một người con đi xa vạn dặm trở về chỉ để ăn một bữa cơm đầy đủ các thành viên trong gia đình.

Tôi đã rưng rưng khi đọc những dòng chia sẻ của nhiều người bạn về cha mẹ họ nơi chín suối. Đó là những kỷ niệm rất đỗi giản dị, thân thương. Một năm hai lần, ngày giỗ và ngày Tết, những người còn sống nhớ về người đã khuất nhiều nhất. Tết với những người còn cha mẹ thì đó là niềm hạnh phúc tràn đầy. Với những người không có hạnh phúc ấy thì là dịp để chiêm nghiệm, tri ân, dành một khoảng lặng để nhớ về những gì đã qua, nhớ lại những gì cha mẹ đã làm cho con cái trong ngày Tết để làm lại như vậy cho những đứa con thân yêu của mình.

3. Tết là vui, 3 ngày Tết giống như chiếc phanh rà cho thời gian chậm lại mà hồi ức. Đó là cảm xúc Tết của người lớn. Tết với người lớn quả thật pha trộn nhiều sắc thái cảm xúc, vui có, buồn có, háo hức có, mà lo lắng cũng có nốt. Nhưng tết với trẻ con thì chỉ duy nhất có một chữ: “Vui”. Mấy đứa nhỏ trong xóm đã nghỉ tết từ sớm nên từ đầu đến cuối xóm, đâu đâu cũng nghe tiếng trẻ con. Hãy nhìn vào mắt đám trẻ con thì mới thấy chúng háo hức đón Tết như thế nào! Cuộc sống bận rộn nên nhiều người là lao động chính trong gia đình muốn giản tiện đi nhiều thứ, thậm chí muốn bỏ tết cổ truyền để “chập” vào với tết Tây. Nhưng mọi người đừng vì sự ích kỷ của bản thân mà tước mất sự háo hức của con trẻ, người già. Sắm một cái Tết tươm tất trước hết cho chính gia đình mình. Quanh năm vất vả kiếm sống, làm việc, con cái học hành, chỉ có dịp Tết mới có thể dành thời gian cho cha mẹ, con cái một cách đủ đầy, trọn vẹn nhất. Vì cái tết ngày xưa, khi chúng ta còn nhỏ cũng thật vui như thế. Khi chúng ta lớn, cái Tết trở nên phức tạp hơn, có lẽ vì Tết là dịp tổng kết những gì được và chưa được trong suốt một năm qua. Năm nay, dư dả được bao nhiêu, có mua được nhà được xe không? Lương có tăng không, được thăng chức chưa? Qua Tết có chuyển việc không? Có dâu rể gì ra mắt gia đình không? - chính những nỗi niềm này khiến cái Tết của người lớn bớt vui, bớt rộn ràng. Nhưng kể cả khi không có Tết, những nỗi niềm kia vẫn hiển hiện, vẫn là điều mà ta phải cố gắng giải quyết. Vậy nên Tết bớt vui đâu phải lỗi tại Tết. Năm nay, ta thử học theo bọn trẻ con, đón Tết một cách hồn nhiên, tươi vui và thật khoan dung nhé. Tết đơn giản là dịp nghỉ ngơi sau một năm nỗ lực, là cơ hội để gia đình đoàn tụ, sum vầy, là những ngày lòng ta xanh như bầu trời, hiền như làn mây. Quẳng gánh lo đi thì tết của người lớn cũng sẽ vui như Tết trẻ con!

2-ha-noi-mua-xuan

Chúng ta không thể thay đổi ký ức đã qua, chúng ta chỉ có thể cố gắng tạo ra ký ức của ngày hôm sau bằng kế hoạch của tương lai. Thế nên ký ức với mỗi người lại có những mùi vị khác nhau. Có những người là vị đượm của yêu thương, người khác lại là vị chát chua của xa cách… Nhưng có một điểm chung nhất có thể đúng với nhiều người: Ký ức có mùi nhớ. Cứ để Tết trong veo như trong mắt trẻ!

An Huy

Tin khác

Khai mạc Tuần phim Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Khai mạc Tuần phim Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Tối 24/4, lễ khai mạc Tuần phim Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ chính thức diễn ra tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên và trình chiếu phim truyện "Đào phở và Piano".

Đời sống văn hóa
Thiêng liêng Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa

Thiêng liêng Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa

(CLO) Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa nhằm thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ và tri ân đội hùng binh Hoàng Sa năm xưa; khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa.

Đời sống văn hóa
Chiêm ngưỡng cánh đồng hoa lục bình tím tuyệt đẹp ngoại thành Hà Nội

Chiêm ngưỡng cánh đồng hoa lục bình tím tuyệt đẹp ngoại thành Hà Nội

(CLO) Những ngày này, hoa lục bình ở những cánh đồng trên địa bàn quận Long Biên, Hà Nội đua nhau bung nở sắc tím biếc tạo nên khung cảnh vô cùng thơ mộng thu hút giới trẻ Thủ đô tới check-in, chụp hình.

Đời sống văn hóa
Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Tô Ngọc Thanh qua đời

Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Tô Ngọc Thanh qua đời

(CLO) GS.TSKH Tô Ngọc Thanh - con trai cả của danh họa Tô Ngọc Vân - qua đời sáng 24/4, hưởng thọ 90 tuổi.

Đời sống văn hóa
Hà Nội xếp hạng 2 di tích lịch sử tại huyện Đan Phượng

Hà Nội xếp hạng 2 di tích lịch sử tại huyện Đan Phượng

(CLO) UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 2138/QĐ-UBND về việc xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Đời sống văn hóa