Hiểm họa từ..."trên trời"

Chủ nhật, 30/09/2018 06:00 AM - 0 Trả lời

(CLO) Vụ việc thanh sắt rơi từ dự án công trình xây dựng do Công ty TNHH xuất nhập khẩu và đầu tư Sao Mai làm chủ đầu tư trên đường Lê Văn Lương cướp đi mạng sống của cô gái trẻ, một lần nữa làm dấy lên những lo ngại về an toàn trong lĩnh vực xây dựng tại vô số cao ốc mọc lên sát các trục đường lớn ở Hà Nội. Ai đảm bảo trong tương lai sẽ không còn xảy ra những vụ tương tự nếu tình trạng coi thường tính mạng người dân, coi thường an toàn lao động trong thi công công trình vẫn đang tiếp diễn?

Báo Công luận
Hiện trường vụ tai nạn trên đường Lê Văn Lương khiến 1 người tử vong. Ảnh: TL 

Những “chiếc bẫy”… từ trên cao

Khảo sát trên địa bàn Hà Nội, nhiều công trình xây dựng ven đường đặc biệt là các chung cư cao ốc, tình trạng cần cẩu lơ lửng trên đầu, rào chắn cẩu thả khiến không ít người tham gia giao thông phải “thót tim”.

Anh Nguyễn Mạnh Thắng (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay, hiện nay dường như các đơn vị thi công chỉ lo chạy tiến độ mà ít quan tâm tới người dân. "Mỗi lần đi qua các tuyến đường này tôi đều tránh xa hoặc tìm đường khác để đảm bảo an toàn", anh Thắng chia sẻ.

Chị Bích Diệp (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) lo lắng: "Mỗi lần đi về nhìn thấy mấy cái cần cẩu treo trên đầu là rùng mình. Chỉ cần sơ xảy là tai nạn có thể xảy ra, tìm hiểu các vụ chết người trên báo chí gần đây nên mình lúc nào cũng e dè".

Điều đáng nói là tình trạng vi phạm này diễn ra một cách phổ biến ở nơi có mật độ xây dựng cao như Hà Nội nhưng không hề có cơ quan nào giám sát, kiểm tra thường xuyên, tính mạng người dân lâm vào tình cảnh “ngàn cao treo sợi tóc”, khiến dư luận vô cùng bức xúc.

Sự cẩu thả, chủ quan, thiếu cẩn trong xây dựng, không đảm bảo các biện pháp an toàn khi thi công, nhất là tại những tòa nhà cao tầng và hơn hết là coi nhẹ tính mạng người dân của một số chủ đầu tư là hiểm họa khôn lường đe dọa mạng sống của những người vô tội.

Bởi lẽ, chỉ cần lướt qua vài tuyến phố ở Thủ đô có thể dễ dàng bắt gặp cảnh các công trình xây dựng cao tầng nằm sát mặt đường, thậm chí không có lưới che chắn, hay cảnh những giàn giáo lộ thiên, những cần cẩu trục vươn thẳng ra đường.

Hàng nghìn người dân qua lại mỗi ngày vẫn lo ngại về những hiểm họa rình rập dưới công trường dự án xây dựng được “che chắn cẩu thả” trên khắp Hà Nội đã khiến không ít người đi đường phải chịu "tai bay vạ gió".

Thậm chí, không ít người dân còn thở dài, mỗi sáng, mỗi chiều đi qua con đường này, không rõ số phận mình sẽ ra sao? Có một số ít người thì chọn giải pháp đi đường vòng, đành tìm một con đường khác dù xa hơn vài cây số để đến cơ quan. 

Nghịch lý ở chỗ, hầu hết các tuyến đường được liệt kê ở trên đều là các tuyến đường huyết mạch, nên đôi khi cũng phải tặc lưỡi… đi qua. Trong khi, những sự cố sơ suất công trình chưa có dấu hiệu dừng lại, rất khó để tưởng tượng những hậu quả nghiêm trọng ra sao sẽ tiếp diễn ở thì tương lai.

Trước đó đã xảy ra quá nhiều vụ đứt cáp cần cẩu, rơi cốp pha, sập giàn giáo đã cướp đi mạng sống và làm bị thương nhiều người đi đường.

Hẳn nhiều người còn nhớ vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra vào chiều 24/1/2018 tại khu vực gần ngã tư Hải Thượng Lãn Ông (phường Nam Thành, TP. Ninh Bình) khiến 1 người thiệt mạng.

Chiếc taxi mang BKS 35A – 056xx đi trên đường Trần Phú. Khi xe đi đến khu vực gần ngã tư Hải Thượng Lãn Ông, một thanh sắt dài từ tòa nhà đang xây dựng rơi trúng, đâm xuyên nóc xe.

Theo nhân chứng có mặt tại hiện trường, khi sự việc xảy ra, xe taxi đang chở một cặp vợ chồng cùng con nhỏ trên đường đi khám bệnh. Thanh sắt rơi xuống xuyên qua nóc xe trúng vào người đàn ông ngồi phía sau khiến người này chết tại chỗ, 3 người còn lại may mắn thoát nạn.

Cách đây hơn 4 tháng, một chiếc vận thăng sập xuống từ tòa nhà 6 tầng tại ngõ 178 Thái Hà khiến 3 nam thanh niên đang ngồi uống nước bị chấn thương nặng.

Báo Công luận
Nhiều người không khỏi rùng mình khi đi qua những khu vực như thế này. Ảnh minh họa 

Trên thực tế, để "cắt giảm chi phí",  lực lượng thi công bỏ ngoài tai, "hờ hững" về việc đảm bảo an toàn lao động. Các đơn vị giám sát thì làm "chiếu lệ", kiểm tra cho có, đến sự quản lý lỏng lẻo của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm tra, giám sát về bảo đảm an toàn lao động trong quá trình thi công.

Bên cạnh đó, dù hệ thống pháp luật đã quy định rõ ràng về trách nhiệm của từng đối tượng trong việc vi phạm các quy định về an toàn lao động, tuy nhiên, các quy định này dường như chưa đủ sức mạnh để răn đe đối với các đơn vị tham gia tổ chức thi công công trình xây dựng, nên tai nạn vẫn thường xảy ra.

Không riêng gì Hà Nội, trên địa bàn TP. HCM hiện nay không khó để bắt gặp những hiểm nguy rình rập tại các dự án đang xây dựng. Người tham gia giao thông lo lắng mỗi khi đi ngang những chiếc cần cẩu treo lơ lửng hàng chục mét tại các công trình xây dựng, chỉ cần quá trình vận hành xảy ra sơ suất nhỏ là có thể dẫn đến tai nạn khôn lường.

Tháng 6 vừa qua, một gia đình gồm nhiều người sống bên cạnh công trình xây dựng cao ốc trên đường Tạ Quang Bửu, quận 8, hoảng hốt tháo chạy ra ngoài khi chiếc cần cẩu cao khoảng 50m của công trình bị gãy treo lơ lửng trên không, bên dưới là con hẻm của cư dân qua lại. Dù cơ quan chức năng ghi nhận vụ việc nhưng đến hai ngày sau, chiếc cần cẩu vẫn không được tháo dỡ khiến người dân không khỏi bất an.

Trước đó, một thanh niên đang đứng chờ mua hàng tại hẻm 666 đường 3 Tháng 2, phường 14, quận 10 cũng bị một thanh sắt dài khoảng 1 mét rơi từ công trình xây dựng Xi Grand Court trúng đầu khiến nạn nhân tử vong.

Ai kiểm tra, giám sát an toàn các công trình xây dựng?

Theo thống kê của cơ quan chức năng, những vụ tai nạn lao động liên quan đến xây dựng chiếm hơn 30% tổng số các vụ tai nạn. Nhiều chủ sử dụng lao động vẫn chưa quan tâm đến công tác bảo đảm an toàn lao động. Bên cạnh đó, nhiều lao động trong lĩnh vực xây dựng chỉ mang tính thời vụ, việc tập huấn về an toàn lao động cho họ chưa đầy đủ, thậm chí làm chiếu lệ. 

Theo quy tắc đảm bảo an toàn lao động, phải cấm không cho người đi lại trong khu vực công trường và lập hàng rào tạm và có người cảnh giới. Tuy nhiên, quy định này vẫn chưa được các chủ đầu tư và đơn vị thi công thực hiện đầy đủ. 

Xâu chuỗi các vụ tai nạn xây dựng xảy ra trong thời gian gần đây đã cho thấy những lỗ hổng trong công tác an toàn lao động. Rất nhiều câu hỏi cần được trả lời sau hàng loạt vụ tai nạn đáng tiếc vừa nêu: Quy trình bảo đảm an toàn lao động đã được thực hiện? Trách nhiệm của chủ đầu tư, bộ phận tư vấn giám sát ở đâu? Ai kiểm tra, giám sát an toàn tại các công trình xây dựng? Trách nhiệm của thanh tra xây dựng ở đâu?  

Ở góc độ chuyên môn, theo giới chuyên gia, tương tự như công bố các công trình vi phạm PCCC, cơ quan quản lý chịu trách nhiệm như: Sở Xây dựng, chính quyền địa phương cần tích cực kiểm tra và công khai các dự án xem nhẹ công tác an toàn lao động, chấp hành không đầy đủ quy định pháp luật về an toàn trong quá trình thi công. 

Thực tế, không ít công trình trên địa bàn Hà Nội đã và đang sử dụng các nhà thầu thi công không có chứng chỉ năng lực hoạt động thi công xây dựng công trình theo quy định của Nghị định 42/2017/NĐ-CP về quản lý đầu tư xây dựng.

Báo Công luận
Do hạn chế về không gian nên không hiếm những cẩu tháp vươn ra ngoài đường. Ảnh minh họa. 

Cần siết chặt, kiểm soát an toàn các công trình xây dựng

Phân tích nguyên nhân để xảy ra các vụ tai nạn lao động, có thể thấy rằng, bên cạnh việc công tác tuyên truyền chưa hiệu quả, thì còn do chế tài xử phạt các chủ sử dụng lao động vi phạm về an toàn lao động hiện nay là quá thấp, chưa đủ sức cảnh cáo, răn đe. Các mức xử phạt chủ yếu là phạt tiền, không có tác dụng phòng ngừa hữu hiệu, dẫn đến việc "nhờn pháp luật", coi thường tính mạng của người dân. 

Thêm vào đó, công tác giám sát, thanh tra, xử lý chưa hiệu quả, khiến cho các đơn vị doanh nghiệp thiếu nghiêm túc trong việc chấp hành các quy định về an toàn lao động. Thực tế, các vụ tai nạn xảy ra liên tiếp trước hết là hậu quả từ sự thiếu trách nhiệm, coi thường pháp luật cũng như sinh mạng con người của một bộ phận không nhỏ chủ đầu tư lẫn đơn vị thi công, bộ phận tư vấn giám sát. 

Từ các vụ tai nạn vừa nêu, vấn đề đặt ra là cần phải có chế tài mạnh đối với các nhà thầu "thi công ẩu", không bảo đảm sự an toàn cần thiết. Nói cách khác, phải thắt chặt việc thực hiện quy định quản lý nhà nước về an toàn công trình xây dựng.

Theo ý kiến một số người dân, nếu chủ đầu tư và nhà thầu phớt lờ các quy định an toàn, gây nguy hiểm cho người dân dẫn đến chết người, cơ quan chức năng cần xem xét xử lý tội “vô ý làm chết người” chứ không chỉ dừng lại ở trách nhiệm dân sự. 

Tuy nhiên, trên thực tế, cứ mỗi vụ việc xảy ra, các cơ quan chức năng lại chạy theo xử lý vi phạm như đình chỉ thi công, phạt hành chính, chủ đầu tư, nhà thầu bồi thường cho các nạn nhân rồi đâu lại vào đấy, hiếm có ai phải chịu trách nhiệm hình sự cho hành vi bất cẩn, vô trách nhiệm trong xây dựng. Sắt thép cứ rơi vào đầu dân, còn câu hỏi về trách nhiệm thì rơi vào quên lãng...

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong an toàn xây dựng do Bộ Xây dựng quy định có các điều: Công trình đang thi công phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và vật (như rào chắn, đặt biển báo, hoặc làm mái che…) ở những vùng nguy hiểm nhằm tránh vật liệu rơi từ trên cao xuống. 

Riêng đối với cần trục tháp (cần cẩu), thì giới hạn vùng nguy hiểm từ chu vi xây dựng công trình xa ít nhất 5m, từ vị trí cần cẩu vận chuyển xa ít nhất 7m. Ngoài ra, đơn vị thi công cũng phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, công trình, phải có biển báo, rào chắn vùng nguy hiểm… ngoài phạm vi công trường xây dựng trong thời gian cẩu tháp vận hành… 

Xét theo quy định này, có thể thấy nhiều công trình đang xây dựng đã vi phạm.


 

 

Minh Châu

 

 

Tin khác

Nghỉ lễ 30/4 - 1/5, xe buýt Thủ đô chạy cả nghìn lượt chuyến mỗi ngày

Nghỉ lễ 30/4 - 1/5, xe buýt Thủ đô chạy cả nghìn lượt chuyến mỗi ngày

(CLO) Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) đã lên kế hoạch tăng cường xe buýt để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân tăng cao trong các ngày trước, trong và sau kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

Giao thông
Kiểm soát an ninh hàng không tăng cường cấp độ 1 dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Kiểm soát an ninh hàng không tăng cường cấp độ 1 dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

(CLO) Tin từ Cục Hàng không Việt Nam, cơ quan này vừa ra quyết định áp dụng biện pháp kiểm soát an ninh hàng không tăng cường cấp độ 1 tại các cảng hàng không, sân bay, cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

Giao thông
Lào Cai: Cấm lưu thông xe tải lớn tại 13 tuyến đường nội thị Sa Pa trong dịp lễ 30/4 và 1/5

Lào Cai: Cấm lưu thông xe tải lớn tại 13 tuyến đường nội thị Sa Pa trong dịp lễ 30/4 và 1/5

(CLO) Nhằm tránh tình trạng ách tắc giao thông dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 sắp tới, thị xã Sa Pa đã cấm 13 tuyến đường nội thị các loại xe tải trên 1,5 tấn và xe khách từ 16 chỗ trở lên.

Giao thông
Bắt nhóm đối tượng trộm cắp tấm thép trên đường cao tốc Bắc – Nam

Bắt nhóm đối tượng trộm cắp tấm thép trên đường cao tốc Bắc – Nam

(CLO) Các đối tượng Trần Văn Thân (SN 1968), Trần Văn Thanh (SN 1990) cùng trú tại xã Quỳnh Mỹ, Quỳnh Lưu, Nghệ An đã thực hiện hành vi trộm cắp tấm thép lưới loại B40 trên đường cao tốc, sau đó bán cho Trương Đắc Thao (SN 1970, trú tại xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu).

Giao thông
TP HCM đề nghị tỉnh Đồng Nai xây dựng kế hoạch đầu tư cầu Cát Lái

TP HCM đề nghị tỉnh Đồng Nai xây dựng kế hoạch đầu tư cầu Cát Lái

(CLO) Theo UBND TP HCM, cầu thay phà Cát Lái là dự án có quy mô lớn, tính chất kỹ thuật phức tạp. Dự kiến thời gian triển khai đầu tư khoảng từ 4 - 5 năm, bao gồm việc cập nhật quy hoạch, công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng, thi công xây dựng...

Giao thông