Học sinh dùng điện thoại trong lớp: Rất mở nhưng cần quản chặt!

Thứ hai, 21/09/2020 09:30 AM - 0 Trả lời

(CLO) Nhiều chuyên gia cho rằng quy định cho phép học sinh được sử dụng điện thoại trong lớp để phục vụ việc học tập là phù hợp với xu thế thời đại.

Các nước phát triển có quy định tương tự

Nêu ý kiến về quy định sử dụng điện thoại di động đối với học sinh trong Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học, TS Nguyễn Văn Cường, Đại học Potsdam, CHLB Đức cho rằng, điều chỉnh của Bộ GD&ĐT là phù hợp với mục tiêu tăng cường năng lực sử dụng CNTT cho học sinh.

Điện thoại di động ngày nay có thể được sử dụng như một phương tiện dạy học trong nhà trường.

Cho phép học sinh dùng điện thoại trong lớp học được xem là một xu thế thời đại (ảnh minh họa - nguồn internet).

Cho phép học sinh dùng điện thoại trong lớp học được xem là một xu thế thời đại (ảnh minh họa - nguồn internet).

Tất nhiên, việc sử dụng điện thoại di động trong giờ học vẫn cần có sự kiểm soát của giáo viên và chỉ phục vụ mục tiêu học tập.

TS Nguyễn Văn Cường cho biết, ở các nước phát triển hiện nay cũng có quy định tương tự như vậy. Như ở Đức, học sinh bị cấm sử dụng điện thoại cá nhân trong giờ học. Nhưng học sinh được mang điện thoại đến trường và được sử dụng trong giờ học khi được phép của giáo viên.

Học sinh nào để điện thoại có chuông hoặc tin nhắn cá nhân trong giờ học thì bị xử lý và vi phạm nội quy lớp học. Học sinh cũng không được tự ý mang điện thoại cá nhân sử dụng trong lớp học. Vì vậy, trong giờ học, học sinh phải để điện thoại ở chế độ im lặng trong cặp sách và không sử dụng.

Giờ học nào được giáo viên cho phép hay yêu cầu thì học sinh sẽ sử dụng điện thoại cho việc học tập. Trong giờ nghỉ, học sinh có quyền sử dụng điện thoại cá nhân.

Việc cấm sử dụng điện thoại một cách cứng nhắc, theo TS Nguyễn Văn Cường không còn phù hợp nữa, vì hiện nay điện thoại di động có thể được sử dụng như một phương tiện hữu ích.

“Cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp phục vụ việc học là phù hợp với xu thế hiện nay. Vấn đề là các nhà trường cần có các biện pháp phù hợp để vừa đáp ứng mục tiêu dạy học vừa quản lý được việc sử dụng điện thoại của học sinh.

Để quản lý, nhà trường cần có quy định rõ ràng, phổ biến cho học sinh và giáo viên cần duy trì quy định này, cũng như yêu cầu học sinh nghiêm túc chấp hành. Kinh nghiệm cho thấy là quy định này sẽ được vận hành tốt ở trường phổ thông”, TS Nguyễn Văn Cường cho hay.

Cần quy định cụ thể của trường, hỗ trợ của phụ huynh

Cho rằng Bộ GD&ĐT đã rất cởi mở khi đưa ra quy định này, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng chia sẻ thêm, hiện nay, sách giáo khoa không phải là phương tiện duy nhất mà học sinh có thể học tập thông qua nhiều phương tiện khác nhau.

Vì vậy, chúng ta không nên cấm tuyệt đối học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học.

“Nếu là điện thoại thông minh có kết nối internet thì bổ trợ rất nhiều cho học sinh trong học tập, như giáo viên có thể hướng dẫn sử dụng các phần mềm về đồ họa, hình  học; hoặc các phần mềm học tiếng Anh...

Thông qua đó, các em có thể kết nối với nhiều bạn bè trong và ngoài nước để cùng nhau trao đổi trong học tập, phát triển năng lực cá nhân”, TS Nguyễn Tùng Lâm lí giải.

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Tùng Lâm, cần phân định rõ học sinh chỉ được dùng điện thoại trong giờ học nếu được giáo viên cho phép, đặc biệt phải dùng điện thoại vào mục đích học tập.

Nếu học sinh lợi dụng để làm việc khác là vi phạm nội quy và vi phạm kỷ luật.

Cũng đồng tình với quy định cho phép học sinh mang điện thoại vào lớp phục vụ cho học tập nhưng phải được sự đồng ý của giáo viên, thầy Nông Ngọc Trọng, giáo viên ngữ Văn (Trường THPT An Mỹ, Bình Dương) cho biết, bản thân giáo viên cũng phải nhờ vào công nghệ, trong đó có điện thoại để tra cứu, cập nhật kiến thức mới nhằm bổ sung vào bài giảng của mình.

“Quy định này mở ra cho học sinh nhiều cơ hội học tập mới. Ngoài phấn trắng, bảng đen, sách vở; học sinh có thể học qua điện thoại - thiết bị công nghệ tiện ích cho mọi người. Thời đại 4.0, thế giới nằm trong bàn tay của chúng ta, vì thế không nên cấm đoán học sinh sử dụng điện thoại trong học tập”, thầy Trọng nêu quan điểm.

Nhắc lại thời điểm dịch COVID-19 vừa rồi, thầy Trọng cho rằng, nếu không có điện thoại thì rất khó để giáo viên và học sinh dạy - học trực tuyến. Việc quản lý học sinh cũng nhờ vào điện thoại. Đặc biệt, với giáo viên vùng khó, có điện thoại sẽ góp phần vào việc quản lý học tập của học sinh thuận lợi hơn.

Chẳng hạn như giao bài tập hoặc nhiệm vụ học tập cho học trò. Hoặc thầy trò có thể trao đổi bài học qua điện thoại. Tuy nhiên, theo thầy Trọng, để học sinh sử dụng điện thoại hiệu quả, đúng mục đích, cần có quy định hoặc hướng dẫn cụ thể hơn của Sở GD&ĐT và của nhà trường; đặc biệt là cần sự phối hợp chặt chẽ của phụ huynh học sinh.

Trinh Phúc

Tin khác

Yêu cầu xử lý việc liên kết đào tạo với nước ngoài không đúng quy định

Yêu cầu xử lý việc liên kết đào tạo với nước ngoài không đúng quy định

(CLO) Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hiện tượng việc tổ chức thực hiện hợp tác, đầu tư của nước ngoài tại một số cơ sở giáo dục chưa đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Giáo dục
Hà Nội công bố phương án tuyển sinh trường THPT chuyên

Hà Nội công bố phương án tuyển sinh trường THPT chuyên

(CLO) Học sinh tham gia tuyển sinh lớp chuyên phải qua sơ tuyển và thi, lấy điểm từ cao xuống thấp.

Giáo dục
Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo 'Dinh dưỡng trong học đường'

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo "Dinh dưỡng trong học đường"

Hội thảo "Dinh dưỡng trong học đường" do Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp cùng Công ty Ajinomoto Việt Nam tổ chức.

Giáo dục
Bài 1: Mua danh ba vạn hay bán danh…ba đồng?

Bài 1: Mua danh ba vạn hay bán danh…ba đồng?

(CLO) Hiện nay, nhiều người được gắn với danh xưng giáo sư, tiến sĩ tuy nhiên lại chưa được nhà nước công nhận mà do một vài tổ chức nước ngoài phong tặng. Điều này đang gây ra tranh cãi, liệu giá trị của những danh xưng này đến đâu?

Giáo dục
Tăng cường hợp tác giáo dục Việt Nam - Angola

Tăng cường hợp tác giáo dục Việt Nam - Angola

(CLO) Chuyến thăm và làm việc tại Angola của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, với tư cách đại diện Chính phủ Việt Nam, là minh chứng sinh động cho mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, là dấu mốc quan trọng và ý nghĩa đối với việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai bên.

Giáo dục