Hội nghị thiên nhiên của Liên hợp quốc kết thúc trong nỗi thất vọng về tài chính
(CLO) Hội nghị bảo tồn thiên nhiên lớn nhất thế giới đã kết thúc vào thứ Bảy (2/11) tại Colombia mà không đạt được thỏa thuận về lộ trình tài trợ cho việc bảo vệ các loài.
Hội nghị lần thứ 16 của các bên tham gia Công ước Đa dạng Sinh học của Liên Hợp Quốc (COP16) đã bị tạm dừng bởi Chủ tịch Susana Muhamad khi các cuộc đàm phán kéo dài gần 12 giờ quá thời gian dự kiến, và nhiều đại biểu đã phải rời hội nghị để kịp chuyến bay.
Việc các đại biểu rời đi khiến hội nghị mất số lượng đại biểu cần thiết để đưa ra quyết định, nhưng người phát ngôn David Ainsworth cho biết hội nghị sẽ tiếp tục vào một thời điểm sau để xem xét các vấn đề chưa được giải quyết.
“Chúng ta sẽ tiếp tục làm việc vì cuộc khủng hoảng này quá lớn và chúng ta không thể dừng lại”, bà Muhamad nói sau khi tuyên bố kết thúc hội nghị tại Cali.
Hội nghị với khoảng 23.000 đại biểu đăng ký tham dự, có nhiệm vụ đánh giá và thúc đẩy tiến trình đạt 23 mục tiêu được đặt ra vào năm 2022 tại Canada nhằm ngăn chặn sự hủy diệt của con người đối với thiên nhiên vào năm 2030. Các mục tiêu bao gồm bảo vệ 30% diện tích đất và biển, phục hồi 30% hệ sinh thái bị suy thoái, giảm ô nhiễm và loại bỏ các trợ cấp nông nghiệp gây hại cho thiên nhiên.
Để đạt được các mục tiêu này, vào năm 2022, các nước đã thống nhất cung cấp 200 tỷ USD mỗi năm để bảo vệ đa dạng sinh học, trong đó bao gồm 30 tỷ USD từ các nước giàu chuyển đến các nước nghèo. Tuy nhiên, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) năm 2022, con số thực tế chỉ khoảng 15 tỷ USD.
Tại Cali, các nước nghèo và giàu có nhiều mâu thuẫn khi thảo luận về tài trợ và cam kết. Lời kêu gọi lớn nhất của hội nghị rằng đưa ra kế hoạch tài trợ chi tiết, đã không thể thực hiện.
Bà Muhamad, Bộ trưởng Môi trường Colombia, đã đề xuất bản dự thảo về việc thành lập quỹ riêng cho đa dạng sinh học, nhưng đề xuất này bị Liên minh Châu Âu, Thụy Sĩ và Nhật Bản bác bỏ. Các nước đang phát triển cho rằng họ không được đại diện đầy đủ trong các cơ chế hiện có như Quỹ Khung Đa dạng Sinh học Toàn cầu (GBFF) và các yêu cầu trong các cơ chế này quá phức tạp.
Tuy nhiên, hội nghị cũng đạt được một số tiến bộ trong việc thành lập quỹ chia sẻ lợi nhuận từ dữ liệu di truyền kỹ thuật số từ các loài thực vật và động vật, chia sẻ với các cộng đồng nơi dữ liệu này xuất phát. Theo đó, người sử dụng dữ liệu di truyền có thu nhập vượt ngưỡng nhất định sẽ phải đóng góp 1% lợi nhuận hoặc 0,1% doanh thu vào quỹ mới này, có thể mang lại hàng tỷ USD mỗi năm.
Các đại biểu cũng phê duyệt việc thành lập một cơ quan thường trực đại diện cho người bản địa theo Công ước Đa dạng Sinh học của Liên hợp quốc. Những đại diện của các cộng đồng bản địa, nhiều người mặc trang phục truyền thống, đã reo hò vui mừng khi thỏa thuận này được thông qua.
Cuộc đàm phán về tài trợ cho đa dạng sinh học gặp nhiều trở ngại, ngay cả khi nghiên cứu mới công bố cho thấy hơn một phần tư số loài thực vật và động vật đang bị đe dọa tuyệt chủng. Chỉ có 17,6% diện tích đất và nước nội địa, cùng 8,4% vùng biển và ven biển được bảo vệ.
Các nhà quan sát hoan nghênh những bước tiến của hội nghị về đại diện người bản địa và chia sẻ lợi nhuận từ dữ liệu di truyền, nhưng cũng bày tỏ thất vọng vì bế tắc tài chính.
“Các chính phủ tại Cali đã đưa ra kế hoạch bảo vệ thiên nhiên nhưng không thể huy động đủ nguồn tài chính để thực hiện”, bà An Lambrechts, trưởng phái đoàn của Greenpeace tại COP16 nhận xét.
Brian O’Donnell từ tổ chức Campaign for Nature đã chỉ trích sự thiếu khẩn trương: “Việc không đạt tiến bộ về tài chính trong bối cảnh mất đa dạng sinh học chưa từng có sẽ giữ thế giới tiếp tục đi theo con đường mất mát thiên nhiên và tuyệt chủng các loài".
Hồng Hạnh (theo CNA, Reuters)