Hồi sinh vùng đất “chết”

Thứ bảy, 25/08/2018 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Ai đã từng đi trên con đường thiên lý Bắc – Nam những năm 60, chỉ cần dừng lại ít phút tại Kỳ Anh (Hà Tĩnh) sẽ cảm nhận được ngay cái đói nghèo, khổ cực của mảnh đất một thời tao loạn, là đồn luỹ của cuộc phân tranh Trịnh – Nguyễn. Ngày nay, một thị xã công nghiệp gang thép, cảng nước sâu sầm uất sinh động vào loại nhất nhì cả nước vừa mọc lên, làm thay đổi cả một vùng đất nghèo kiệt chỉ có “Cỏ cây chen đá…” rộng lớn dưới dãy Đèo Ngang này.

“Nhớ nước đau lòng con quốc quốc”

Kỳ Anh - Đèo Ngang là địa danh quen thuộc của tôi từ những năm 60. Mỗi năm vài lần từ đơn vị đóng quân ở Vĩnh Linh ra Bắc công tác hay về thăm nhà, bọn tôi đều có chặng dừng xe ở đây. Ký ức trong tôi đây là một vùng biên viễn của cả Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài. Một vùng đất nghèo rớt mồng tơi, đói khổ đến cùng cực. Nắng cháy da, mưa sa trắng đồng, dân không biết làm gì để ăn, chỉ còn cách lên rừng hái củi, hái trái sim, lội khe kiếm mớ tép mớ dam (cua đồng) ra chợ đổi lấy vài bơ gạo, lay lắt sống qua ngày.

Báo Công luận
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Hà Tĩnh thăm, kiểm tra Công ty Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh tại KKT Vũng Áng. 
Kỳ Nam, xã tận cùng phía Nam của Kỳ Anh có thể gọi là xã nghèo nhất Việt Nam. Khát nước, bọn tôi vào một nhà dân gần đèo uống nhờ. Được coi là nhà “có máu mặt nhất xã”, nhưng cả gia đình cụ Dinh chỉ có 3 chiếc bát uống nước chè. Chúng được xin lại từ các chú bộ đội ở nhiều đơn vị khác nhau nên trở thành một “binh chủng hợp thành”, đủ loại nhôm, sứ, màu sắc, kích cỡ. Ông Ký – Trung đội trưởng của chúng tôi nói nhỏ: “Thế này là oách nhất rồi. Các nhà khác chỉ uống nước trong gáo dừa hoặc Vàu (một loại mo cau chằm lại để đựng nước) mà thôi”!

Ông Nguyễn Tiến Rất, cư dân gốc ở đây, bạn cùng tuổi với chủ nhà, xởi lởi tâm sự: “Cả làng này, trước năm 1945 hầu hết là đi ăn xin. Bởi khí hậu quá khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi, lũ lụt đe dọa năm này qua năm khác, không biết làm gì để sống, mọi người rủ nhau khăn gói đi xin ăn. Người trẻ, còn sức thì vào Đồng Hới – Quảng Bình, hoặc ra tận Vinh, thị xã Hà Tĩnh. Trẻ con, người già thì vật vã, lê la dưới chân núi Đèo Ngang, nương nhờ sự bố thí của khách qua đường”.

Cái đói, cái nghèo cứ bám riết lấy người dân vùng này cho đến những năm 80 trước khi có lại tỉnh mới mang tên Hà Tĩnh. Một chi tiết khiến tôi phải suy nghĩ mãi. Trong một lần, ngồi hỏi chuyện ông Bí thư Đảng uỷ xã Đặng Đình Đích về cuộc sống của người dân những năm trước khi có Khu kinh tế Vũng Áng. Ông Đích cho biết: cho đến những năm 1998 -1999 mà số các em ở Kỳ Nam học hết cấp 1 cũng chỉ đếm đủ trên mười ngón tay, thậm chí năm 2012 xã chưa có học sinh học THCS. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến hơn 40%.

Trái với đời sống kinh tế của dân, cảnh vật, thiên nhiên Kỳ Anh rất đẹp, có biển rộng, rừng xanh, tài nguyên đất phong phú. Đèo Ngang là một danh thắng, một di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng cả nước. Con đèo và miền đất này đã từng được Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đặt chân đến và khẳng định: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”. Ý nói đất này là đất thiêng, có thể nương dựa lâu dài, vĩnh viễn. Thế nhưng, đời này qua đời khác hai từ “Đèo Ngang – đang nghèo” cứ đeo đẳng mãi người dân nơi đây.

Nhiều vị quân vương, tao nhân mặc khách đã để lại những bài thơ nổi tiếng được lấy cảm hứng từ cảnh sắc thiên nhiên, núi non, biển trời nơi đây. Song có lẽ, đọng lại nhất, bất hủ nhất vẫn là bài “Qua Đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan.
“Nhớ nước đau lòng con quốc quốc/ Thương nhà mỏi miệng cái gia gia”. Hai câu thơ như là một sự dồn nén đầy hoài niệm, đầy tâm trạng, sự đau đáu về thời nhà, vận nước, khiến con cháu đời sau phải suy ngẫm, tìm lời giải.

Tiếng gà giục sáng

Nhà sử học Nguyễn Khắc Mai có một nhận xét đầy thi vị: “Đèo Ngang – Kỳ Anh là nơi để phụ nữ hóa thiên thần”. Trên đỉnh Đèo Ngang, “Bà Huyện Thanh Quan “dừng chân đứng lại trời non nước”; dưới chân Đèo Ngang, Công chúa Liễu Hạnh, con gái Ngọc Hoàng giáng trần để soi xét nhân tình thế sự. Cách đó về phía Bắc vài chục dặm có đền thờ Chế Thắng Phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu, cung phi Vua Trần Duệ Tông, người đã dâng Vua bản “Kê minh thập sách” nêu 10 điều để Vua sáng suốt trong việc chăn dân”.
Đến Kỳ Anh hôm nay, người ta có sự liên tưởng đầy thuyết phục về chuyện xưa và nay. Phải chăng “Kê minh” – tức là tiếng gà gáy giục trời sáng, ước vọng đau đáu của vị phi tần yêu nước, thương dân xưa đã thành hiện thực.

Trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là 9 năm kháng chiến chống Mỹ, Kỳ Anh trở thành một địa bàn chiến lược quan trọng, vừa là hậu phương vừa là tiền tuyến. Nơi đây, Ngô Thị Thương - người con gái đầu tiên của Việt Nam và thế giới dùng súng trường bắn rơi máy bay Mỹ, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp mặt và ngợi khen: “Cháu giỏi lắm, cháu đã rút ra được quy luật để bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng bộ binh…”. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, hơn 13 nghìn con em Kỳ Anh đã lên đường đánh giặc, hơn 3 nghìn người đã anh dũng hy sinh. 22 đơn vị, 6 cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng LLVT, 58 bà mẹ được trao tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Có dịp hành hương về lại mảnh đất một thời được mệnh danh “đất chết” này, không ai lại không ngỡ ngàng, thốt lên thán phục bởi sự đổi thay quá kỳ diệu của nó. Từ một huyện thuần nông, nay Kỳ Anh trở thành một thị xã, hội đủ các yếu tố về công nghiệp, thương mại, dịch vụ du lịch, nông nghiệp. Với sự ra đời của Khu Kinh tế Vũng Áng, nơi đây đang thật sự trở thành một trung tâm luyện thép, trung tâm điện năng, trung tâm cảng biển của cả nước.

Báo Công luận
 Một góc KKT Vũng Áng về đêm.
Thay vào cảnh đìu hiu, buồn tẻ ngàn xưa “Lom khom dưới núi tiều vài chú/ lác đác bên sông chợ mấy nhà”, nay là hàng hàng phố phường, quán sá, nhà cao tầng của cư dân mọc lên. San sát đó đây là các trường học khang trang, bệnh viện hiện đại, đầy đủ tiện nghi được xây dựng mới trong các khu tái định cư. Một trường cao đẳng dạy nghề, 2 trung tâm dạy nghề và giáo dục thường xuyên, 1 trung tâm dạy nghề tư thục, cùng hai trường THPT mới đáp ứng được nhu cầu học hành của con em trong thị xã.

Cũng từ đây, các loại hình dịch vụ, khách sạn, nhà hàng thi nhau mọc lên. “Không ai dám nghĩ, vùng đất cằn cỗi này lại có ngày thay đổi như hôm nay” - ông Nguyễn Tiến Long, Phó Chủ tịch UBND phường Kỳ Phương, TX Kỳ Anh nói. Cũng theo ông Long, từ khi có khu kinh tế Vũng Áng, có khoảng 70% lao động địa phương đi làm công nhân, bình quân lương mỗi tháng 7-8 triệu đồng/người. Những hộ nông dân nghèo khổ xưa kia, nay thật sự đổi đời nhờ chuyển sang làm dịch vụ, buôn bán. Con cái họ đều được học hành, có nghề nghiệp, thu nhập ổn định.

Sự phát triển của Khu kinh tế Vũng Áng đã làm thay đổi căn bản cơ cấu nền kinh tế của Hà Tĩnh nói chung, Thị xã Kỳ Anh nói riêng. Trong năm 2018, dự kiến  Khu kinh tế Vũng Áng thu ngân sách đạt gần 7.800 tỷ đồng chiếm tới hơn 75% số thu ngân sách của tỉnh. Việc Formosa Hà Tĩnh đưa vào vận hành lò cao số 2 ngày 18/5/2018 không chỉ đánh dấu mốc phát triển mới của doanh nghiệp, góp phần hoàn thành mục tiêu sản xuất 5 triệu tấn gang lỏng trong năm 2018, đưa doanh thu có thể đạt đến 2,5 tỷ USD, mà còn đóng góp lớn vào sự tăng trưởng GDP của Việt Nam. Theo đánh giá của lãnh đạo Khu Kinh tế Hà Tĩnh, nếu 2 lò cao hoạt động hết công suất, hằng năm sản lượng gang lỏng ở đây sẽ đạt  6,71 triệu tấn, doanh thu ước đạt 3,5 tỷ USD.

Khu kinh tế Vũng Áng và Cảng nước sâu Sơn Dương về đêm đẹp mơ màng. Cả một vùng rộng lớn rực rỡ ánh điện với đủ sắc màu. Ngoài khơi xa, những con tàu lớn ra vào Cảng kéo còi inh ỏi, rộn ràng. Những ngọn đèn câu mực nhấp nháy trên hàng trăm chiếc thuyền ngư dân như những chùm ngọc trai lung linh viền quanh bến cảng.
Đèo Ngang – Kỳ Anh, mảnh đất “chết” ngàn xưa đang thật sự hồi sinh trong công cuộc đổi mới của đất nước.

Khắc Hiển

Tin khác

Giá vàng hôm nay: Biến động trái chiều, nơi tăng, nơi giảm

Giá vàng hôm nay: Biến động trái chiều, nơi tăng, nơi giảm

(CLO) Trong phiên giao dịch ngày (20/4), giá vàng trong nước có nhiều biến động trái chiều giữa các “nhà vàng”.

Thị trường - Doanh nghiệp
Vào hè, thợ sửa điều hoà đắt “sô”, bỏ túi bạc triệu mỗi ngày

Vào hè, thợ sửa điều hoà đắt “sô”, bỏ túi bạc triệu mỗi ngày

(CLO) Dù làm việc dưới thời tiết nắng nóng cùng cường độ công việc cao nhưng thợ lắp điều hòa phấn khởi bởi có thể “cá kiếm” hàng triệu đồng mỗi ngày.

Thị trường - Doanh nghiệp
Đồng euro chạm mức thấp lịch sử trong giao dịch SWIFT

Đồng euro chạm mức thấp lịch sử trong giao dịch SWIFT

(CLO) Dữ liệu giao dịch do dịch vụ tài chính toàn cầu tổng hợp cho thấy tỷ trọng của đồng euro trong các hoạt động thanh toán xuyên biên giới toàn cầu thông qua hệ thống SWIFT vào tháng trước đã giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại.

Thị trường - Doanh nghiệp
Ngày 22/4, Ngân hàng Nhà nước sẽ đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC

Ngày 22/4, Ngân hàng Nhà nước sẽ đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC

(CLO) Chiều 19/4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có thông báo về việc đấu thầu vàng miếng.

Thị trường - Doanh nghiệp
Mỹ tái áp đặt trừng phạt năng lượng Venezuela

Mỹ tái áp đặt trừng phạt năng lượng Venezuela

(CLO) Nhà Trắng đã khôi phục các lệnh trừng phạt đối với ngành năng lượng của Venezuela. Động thái này diễn ra khi Venezuela đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống.

Thị trường - Doanh nghiệp