IMF: Sự phục hồi kinh tế Việt Nam diễn ra không đồng đều

Thứ năm, 12/05/2022 13:31 PM - 0 Trả lời

(CLO) Chuyên gia của IMF cho rằng, sự phục hồi của Việt Nam diễn ra không đồng đều. Kể từ khi nới lỏng các hạn chế, sự phục hồi kinh tế phần lớn được hỗ trợ bởi sự phục hồi mạnh mẽ của khu vực chế biến chế tạo và xuất khẩu.

Sự phục hồi kinh tế Việt Nam diễn ra không đồng đều

Trong Diễn đàn “Dự báo kinh tế Việt Nam 2022-2023" diễn ra sáng ngày 12/5, ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam đánh giá Việt Nam đã thành công trong quá trình kiểm soát dịch bệnh, và thực hiện các chương trình hỗ trợ kinh tế tăng trưởng. 

Đặc biệt, kể từ khi nới lỏng các hạn chế, việc di chuyển đã được cải thiện và sự phục hồi kinh tế vẫn đang tiếp diễn, được hỗ trợ bởi các chính sách kinh tế vĩ mô nới lỏng.

imf su phuc hoi kinh te viet nam dien ra khong dong deu hinh 1

Ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam.

Chuyên gia IMF cũng đánh giá, mặc dù có cú sốc lớn, nhưng Việt Nam đã duy trì thành công sự ổn định về tài khóa, cán cân đối ngoại và ổn định tài chính.

Trong suốt đại dịch, Việt Nam đã ban hành các chính sách kinh tế vĩ mô. Chính sách tài khóa đã hỗ trợ cho các hộ gia đình và doanh nghiệp thông qua việc giảm, giãn thuế và phí, đồng thời tăng chi thường xuyên và chi đầu tư.

Ngân hàng Nhà nước duy trì thanh khoản, giảm lãi suất chính sách, yêu cầu các ngân hàng giảm hoặc miễn lãi suất, đồng thời cho phép tái cơ cấu lại nợ nhưng giữ nguyên nhóm nợ và trích lập dự phòng, đây là yếu tố cần thiết để giúp các ngân hàng vượt qua khủng hoảng một cách an toàn và ngăn thắt chặt tín dụng.

Đặc biệt, việc ban hành Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế là kịp thời và phù hợp để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế. Kích thích tài khóa trong khuôn khổ chương trình này trong năm 2022-2023 giúp tăng cường phục hồi, chữa lành các vết sẹo do đại dịch gây ra, đồng thời giúp tăng trưởng bền vững và bao trùm.

Tuy nhiên, ông Francois Painchaud cho rằng sự phục hồi của Việt Nam diễn ra không đồng đều. Kể từ khi nới lỏng các hạn chế, sự phục hồi kinh tế phần lớn được hỗ trợ bởi sự phục hồi mạnh mẽ của khu vực chế biến chế tạo và xuất khẩu được hỗ trợ bởi các chính sách kinh tế vĩ mô nới lỏng. Tăng trưởng trong Quý 4/2021 và Quý 1 năm 2022 ở mức khoảng 5% vẫn thấp hơn mức trước đại dịch do cầu trong nước và hoạt động dịch vụ còn yếu, mặc dù đang cải thiện trong thời gian gần đây.

Sự tham gia của lực lượng lao động và việc làm đang dần phục hồi sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong một thập kỷ. Trong khi tình trạng thiếu lao động hầu như đã được cải thiện nhiều, thì tình trạng thiếu việc làm vẫn ở mức cao.

Mặc dù các biện pháp hỗ trợ chính sách đáng được hoan nghênh, song các hộ gia đình có thu nhập thấp hơn và doanh nghiệp vừa và nhỏ đã bị ảnh hưởng nặng nề, trong khi bảng cân đối của các hộ gia đình có thu nhập cao hơn và các doanh nghiệp lớn hơn vẫn có khả năng chống chịu tốt, việc này có khả năng làm tăng thêm sự khác biệt giữa khu vực kinh tế trong nước và FDI, giữa các doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp lớn, cũng như bất bình đẳng thu nhập.

Cần có thêm giải pháp mạnh hơn

Nhận định về tốc độ tăng trưởng GDP trong thời gian tới, chuyên gia IMF cho rằng, trong năm 2022 GDP Việt Nam sẽ đạt 6% và năm 2023 sẽ là 7,2%. Lạm phát dự kiến sẽ tăng lên, nhưng vẫn thấp hơn một chút so với mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước là 4%.

Ông Francois Painchaud  nhận định: Vẫn sẽ có những rủi ro và sự bất định đáng kể đối với triển vọng kinh tế. Rủi ro đối với tăng trưởng nghiêng về phía tăng trưởng chậm lại, trong khi rủi ro đối với lạm phát nghiêng về phía tăng lạm phát.

Trong ngắn hạn, rủi ro bên ngoài trước mắt là sự gia tăng căng thẳng địa chính trị có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh tế và lạm phát do cầu bên ngoài yếu hơn, giá hàng hóa cao hơn và sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu kéo dài. Tăng trưởng chậm lại đáng kể ở Trung Quốc có thể làm điều này nghiêm trọng hơn.

imf su phuc hoi kinh te viet nam dien ra khong dong deu hinh 2

Ông Francois Painchaud  nhận định: Vẫn sẽ có những rủi ro và sự bất định đáng kể đối với triển vọng kinh tế.

Ngoài ra, còn các rủi ro khác liên quan đến những biến thể của Covid-19, việc thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu, diễn biến trên thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp trong nước…

Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn chưa hồi phục hoàn toàn và những rủi ro làm suy giảm tăng trưởng còn hiện hữu, cần có hỗ trợ chính sách để giúp đảm bảo phục hồi mạnh mẽ.

Ông Francois Painchaud gợi ý, trong ngắn hạn, Việt Nam cần hoạch định chính sách mau lẹ, chủ động điều chỉnh quy mô và cấu phần hỗ trợ chính sách để phù hợp với tốc độ phục hồi. Nếu rủi ro tăng trưởng chậm lại trở thành hiện thực khi Việt Nam phải đối phó với áp lực lạm phát, chính sách tài khóa nên đóng vai trò là tuyến phòng thủ đầu tiên mà không cần đến sự hỗ trợ thêm của chính sách tiền tệ.

“Cho đến nay, chính sách tiền tệ đã hỗ trợ một cách thích hợp nhưng cần phải ngày càng cảnh giác với rủi ro lạm phát. Nếu áp lực lạm phát kéo dài xuất hiện, Ngân hàng Nhà nước nên thắt chặt vị thế chính sách tiền tệ của mình và truyền thông rõ ràng những biện pháp giúp kiềm chế lạm phát”, đại diện IMF đề xuất.

Đồng thời, cần tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống ngân hàng để hỗ trợ cho tăng trưởng trong trung hạn một cách bền vững. Không nên gia hạn quy định cho phép các ngân hàng cơ cấu lại nợ nhưng giữ nguyên nhóm nợ sau tháng tháng 6 năm 2022, vì sẽ trì hoãn việc ghi nhận các tài sản có vấn đề và có thể làm trầm trọng thêm tình trạng phân bổ sai tín dụng và chấp nhận rủi ro quá mức.

"Cần tăng cường quản lý và giám sát tài chính để đối phó với những rủi ro mới nổi và xây dựng một hệ thống ngân hàng linh hoạt hơn. Khuôn khổ an toàn vĩ mô có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp bảo vệ sự ổn định tài chính", chuyên gia IMF nói.

Khi kinh tế phục hồi vững chắc, cần chú trọng việc đạt được tăng trưởng bền vững, bao trùm. Theo đó, cần tăng cường huy động nguồn thu ngân sách để xây dựng lại các đệm tài khóa và tài trợ cho cải thiện an sinh xã hội, tăng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và đối phó với áp lực già hóa dân số.

"Cần chuyển những kế hoạch đầy tham vọng của chính phủ về thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu thành hành động, bao gồm cả tính toán chi phí cho những kế hoach này trong ngân sách", vị này nhấn mạnh.

Việt Vũ

Bình Luận

Tin khác

CPI quý I/2024 tăng 3,77%, một phần là do giá gạo tăng “phi mã”

CPI quý I/2024 tăng 3,77%, một phần là do giá gạo tăng “phi mã”

(CLO) Trong quý I/2024, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,77%. Trong đó, gạo là mặt hàng tăng mạnh nhất trong quý, với mức tăng 21,71% so với cùng kỳ năm trước.

Kinh tế vĩ mô
Chưa hoàn thiện chuỗi cung ứng, Việt Nam mất nhiều cơ hội thu hút FDI

Chưa hoàn thiện chuỗi cung ứng, Việt Nam mất nhiều cơ hội thu hút FDI

(CLO) Việc chưa hoàn thiện chuỗi sản xuất khiến Việt Nam mất đi khá nhiều cơ hội trong thu hút đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp “nội” chưa đáp ứng được yêu cầu, chất lượng của các nhà đầu tư nước ngoài.

Kinh tế vĩ mô
GDP quý I/2024 tăng 5,66%, mức tăng cao nhất kể từ năm 2020

GDP quý I/2024 tăng 5,66%, mức tăng cao nhất kể từ năm 2020

(CLO) Quý I/2024, GDP Việt Nam ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất kể từ năm 2020.

Kinh tế vĩ mô
Tập đoàn Heraeus (Đức) nghiên cứu đầu tư dự án tại Thái Bình

Tập đoàn Heraeus (Đức) nghiên cứu đầu tư dự án tại Thái Bình

(CLO) Tiếp tục chương trình trong chuyến công tác xúc tiến đầu tư tại CHLB Đức, đoàn công tác của tỉnh Thái Bình do Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Khắc Thận làm trưởng đoàn đã tới thành phố Frankfurt, CHLB Đức và có buổi làm việc với Tập đoàn Heraeus.

Kinh tế vĩ mô
Ninh Bình: Phát triển từ 1-3 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với phát triển làng nghề, dịch vụ du lịch trong năm 2024

Ninh Bình: Phát triển từ 1-3 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với phát triển làng nghề, dịch vụ du lịch trong năm 2024

(CLO) Ngày 28/3, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Ninh Bình năm 2023 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Chương trình năm 2024.

Kinh tế vĩ mô