Jimmii Nguyễn phân tích về đạo nhạc và sự khó khăn xin phép bản quyền nhạc ngoại

Thứ sáu, 03/04/2015 10:02 AM - 0 Trả lời

Jimmii Nguyễn phân tích về đạo nhạc và sự khó khăn xin phép bản quyền nhạc ngoại

(Congluan.vn) - Sau khi Sơn Tùng M-TP đã cho ra mắt bản single nhạc phim "Chàng trai năm ấy" với tên "Chắc ai đó sẽ về"đã lập kỷ lục về lượt nghe khủng với con số hơn 30 triệu chỉ trong vòng… 5 ngày. Ngay sau đó, ca khúc này gây nên nhiều tranh cãi vì có ý kiến cho rằng giống bài hát "Because I Miss You" của Jung Yong Hwa - trưởng nhóm CN Blue. 
 
Trước những ý kiến tranh cãi trái chiều của cư dân mạng về việc Sơn Tùng M-TP có thật sự đạo nhạc, bài Trương Thị Thu Dung, đại diện Hiệp hội công nghiệp ghi âm Việt Nam đã cho rằng: “Tôi nghĩ mình lấy nhạc của người ta thì phải tôn trọng bản quyền, phải để tên họ. Nếu nhạc của họ hay mình có thể học hỏi, sử dụng, viết lời nhưng nên biết cách tôn trọng. Không thể lấy của họ rồi điền tên mình là không được. Sơn Tùng làm như vậy là không tôn trọng bản thân và khán giả”. 
 
Báo Congluan.vn đã ghi nhận về vấn đề này. Anh cho biết: "...Với Sơn Tùng, tôi nghiêng về trường hợp sao chép vô thức, bởi cậu ấy là một người còn rất trẻ, chưa có bản lĩnh và kinh nghiệm trong sáng tác và có lẽ chưa hiểu gì về hiện tượng nghe nhạc vô thức và sao chép từ vô thức..." 
 
Xung quanh vấn đề gây tranh cãi này, nhạc sĩ - ca sĩ Jimmii Nguyễn có bài viết trao đổi với báo Congluan.vn.  
 
Báo Công luận 
 
Ca sĩ - Nhạc sĩ Jimmii Nguyễn 
 
Vừa qua, có vài phóng viên hỏi tôi về việc đạo nhạc của Sơn Tùng mà lâu nay om xòm củ tỏi trên mạng. Tôi xin phép không bày tỏ và bàn về Sơn Tùng có đạo nhạc hay không đạo nhạc. Việc đấy là việc của cơ quan chức năng có trách nhiệm tìm hiểu và phân tích. Câu trả lời của tôi qua bài này không liên quan trực tiếp đến Sơn Tùng. Tôi chỉ tập trung vào một câu hỏi trong nghề ca hát và sáng tác duy nhất đó là: “Như thế nào gọi là đạo nhạc?”

Nhưng nếu bạn hỏi tôi như thế nào gọi là đạo nhạc thì cho tôi xin được phân tích một cách dí dỏm trước như sau:
Tôi thuê phòng sống chung với một người bạn. Hôm qua trong bóp của tôi (dùng bóp thay thế cho ắc-co của âm nhạc, dùng tiền thay thế cho melody hoặc nốt nhạc) tôi có 1 tờ 2 đô Mỹ, 1 tờ 20 đô Mỹ, 1 tờ 100 đô Mỹ, 1 tờ 20 Euro, 1 tờ 50 Euro, 1 tờ 100 Euro.

Buổi sáng tôi còn thấy đầy đủ nhưng khi trưa ngủ dậy, tôi phát hiện thấy mất tờ 20 đô Mỹ, tờ 100 đô Mỹ, tờ 50 Ero và tờ 100 Ero.
Bực mình tôi rình cơ hội bạn tôi vào vệ sinh, tôi lục bóp hắn ra xem thì tôi thấy đúng đầy đủ những tờ ngoại tệ tôi bị mất mặc dù trước đấy bạn tôi KHÔNG DÙNG NGOẠI TỆ NƯỚC NGOÀI HOẶC CÓ THỂ NÓI LÀ CHƯA BAO GIỜ DÙNG NGOẠI TỆ NƯỚC NGOÀI.

Tôi cố gắng suy nghĩ tích cực và thoáng hơn. Một mực không tin bạn tôi đã trộm tiền của tôi và tôi cho rằng cũng có thể bạn tôi sở hữu số tiền đấy qua người thân và số tiền tôi mất đúng như số tiền nằm trong bóp bạn tôi chỉ là chuyện ngẫu nhiên. Tôi không thể kết luận bạn tôi là người trộm tiền của tôi được. Tuy nhiên khi tôi gặp một số bạn khác trước đây cũng sống chung với bạn của tôi và họ cũng nói lên sự việc mất tiền như tôi tương tự và cũng cho biết họ đã tìm thấy số tiền họ mất trong bóp của bạn tôi.

Chỉ có điên hoặc não bộ có vấn đề mới vẫn cho rằng bạn tôi trong sạch.

Xin phép được trở lại việc đạo nhạc.
Đạo nhạc chia làm 2 thành phần: Thành phần vô ý và thành phần cố ý và một câu hỏi khá quan trọng nữa là: Tại sao có vấn nạn đạo nhạc?

Trước hết xin được nói về thành phần đạo nhạc vô ý.
Nếu một nhạc sỹ trong cuộc đời sáng có DUY NHẤT CHỈ MỖI MỘT BÀI HÁT bị na ná một bài hát nào khác từ ắc-co và melody thì chưa hẳn là “đạo nhạc cố ý” vì trong quá trình sống từ nhỏ đến lớn người nhạc sỹ đấy bị ảnh hưởng một bài hát yêu thích nào đấy của người nhạc sỹ nào khác nên khi trở thành người nhạc sỹ sáng tác, người nhạc sỹ này vô tình --không cố ý hay còn gọi là vô thức-- viết lại những giai điệu của tác giả khác mà bấy lâu nay quá quen thuộc, ấn tượng, nhưng đã tiềm ẩn, đã nằm sâu trong ký ức. Đây gọi là đạo nhạc vô ý và mức bồi thường nhẹ hơn nhiều so với đạo nhạc cố ý. Và có khi cũng được anh em đồng nghiệp, xã hội bỏ qua, châm chước gọi là trùng hợp ngẫu nhiên nếu như nhạc sỹ này trong cuộc đời sáng tác chỉ bị mỗi một bài giống.

Khi phân tích, người ta sẽ suy ra “phần trăm” khả thi đạo nhạc, người ta sẽ cộng tất cả những phần trăm của sự giống nhau từ âm hưởng ắc co, melody hay nội dung thành một con số nhất định. Con số phần trăm càng lớn, khả năng đạo nhạc càng cao.

Người ta cũng sẽ dùng trường hợp ai sáng tác trước ai sáng tác sau để cộng vào phần trăm. Vì nếu người bị cho là đạo nhạc lại có tác phẩm đi trước --mà bài này đã có đăng ký bản quyền-- với một bài hát nào đấy mà dư luận cho là “bị đạo” thì hoàn toàn không đúng. Vì tác giả bị gọi là đạo nhạc đã sáng tác trước thì làm sao mà gọi là đã đạo nhạc được. Có chăng là ngược lại.

Nhưng bất luận là đạo nhạc vô ý thì khi bị thưa, người được cho là đạo nhạc vô ý vẫn phải bồi thường cho tác giả gốc của bài hát.

Giờ xin hãy nói về đạo nhạc cố ý.

Nếu như người nhạc sỹ bị gọi là đạo nhạc mà LẦN LƯỢT, TUẦN TỰ NHữNG BÀI HÁT CủA ANH TA ĐềU GIốNG NHữNG BÀI HÁTCỦA CÁC TÁC GIẢ KHÁC thì khả năng đạo nhạc hết sức cao vì chẳng thể nào có sự trùng hợp đến lượt này sang lượt khác, từ bài này sang bài khác như thế được.

Chưa nói khi phân tích người ta sẽ xem lại quá trình hoạt động của người nghệ sỹ này đã có những tác phong, phong cách, ăn mặc, tóc tai, video clip, bắt chước, na ná như những clip bài gốc của người khác hay không vì nếu có thì người nghệ sỹ này không có gì riêng biệt và phần trăm đạo nhạc càng cao.

Người nghệ sỹ sáng tác 2 bài trở lên cũng hiếm khi đạo chính nhạc của mình thành hai phiên bản giống nhau. Họ yêu đoạn ắc co nào đấy họ đã dùng trong bài 1 nhưng khi dùng lại ắc-co đấy cho sáng tác mới ở bài 2 họ sẽ không thể để melody giống nhau mặc dù sáng tác trước đã thành công vang dội, đã ăn sâu vào đầu họ.

Chính tôi cũng dùng lại nguyên bài ắc co của bài Hỏi Đá Buồn Không một sáng tác của tôi mà tôi rất thương cho bài Cuộc Tình Ở Lại (tức Hỏi Đá Buồn Không 2). Các bạn thoải mái so sánh. Nếu tôi không nói cho các bạn nghe, chắc chắc các bạn không bao giờ biết Cuộc Tình Ở Lại được dùng nguyên hợp âm ắc-co từ đầu đến cuối của bài Hỏi Đá Buồn Không.

Và đó là tôi đã bị nhập tâm bài Hỏi Đá Buồn Không rồi đấy. Một bài hát mà tôi đã hát đi hát lại cả nghìn lần thế mà khi dùng toàn bộ ắc co của bài này cho bài Cuộc Tình Ở Lại, với melody mới, cả hai đã trở thành hai bài hát HOÀN TOÀN KHÁC NHAU.
 
 
Vậy thì làm sao một nhạc sỹ lại có thể viết “trùng hợp” những tác phẩm đã ra đời trước đây của những nhạc sỹ khác Ở NƯỚC NGOÀI? Và không phải bị trùng hợp duy nhất một bài mà là rất nhiều bài thì phần trăm khả năng đạo nhạc, hay với tôi gọi là “bản chất đạo nhạc” rất cao, cao lắm, khỏi phải bàn cãi.

Cuối cùng để giải quyết dứt điểm việc có chăng đạo nhạc hay không đạo nhạc cho dư luận được giải thích rõ ràng và công minh , nhà nước, cơ quan chức năng của nước ta nên vào cuộc bằng cách liên hệ với nhạc sỹ GỐC hoặc công ty sở hữu bài hát gốc của bài hát “cho là bị đạo” thí dụ của Hàn Quốc và cho họ nghe và đối chiếu 2 bài. Lúc bấy giờ nếu như bên nhạc sỹ gốc phát hiện ra sự giống nhau thì hãy tạo điều kiện, đừng tụ ái cục bộ dân tộc mà giúp họ vào cuộc và khởi tố tên nhạc sỹ đạo để tránh những sự việc tương tự khác có thể theo đó phóng lao theo về sau. Đương nhiên, trong giai đoạn khởi tố, bên chủ nhân của bài hát bị đạo họ sẽ minh chứng, đưa ra dẫn chứng với tòa án việc đạo nhạc. Chỉ có thế, khi việc tranh tụng kết thúc, chúng ta sẽ biết rõ và nhận định chính xác tường tận ra ngô ra khoai cốt lõi của vấn đề CÓ CHĂNG LÀ ĐẠO NHẠC.

Xin hãy nói về “tại sao có vấn nạn đạo nhạc”?

Từ xưa đến nay, âm nhạc vốn được vay mượn từ người này sáng người khác, từ dân tộc này sang dân tộc khác, từ văn hóa này sang vấn hóa khác. Điều đấy không lạ và người ta cũng dễ chấp nhận khi người nghệ sỹ sáng tác gốc được trân trọng và được nêu tên hoặc khi không thể nào tìm ra được chính xác ai là nghệ sỹ sáng tác thì bài hát trở thành bài hát nhân gian.

Riêng trong giới nhạc sỹ sáng tác, một sáng tác của mình mà người khác đem sao “gần như bản chính” rồi bảo là sáng tác của hắn thì là một việc bôi bác, kém văn hóa, thiếu sự tôn trọng không thể nào chấp nhận. Cũng như trộm con nhà hàng xóm rồi bảo đó là con chính mình đẻ ra thì thật vô đạo đức và chẳng một ai có thể chấp nhận.

Hay tự dưng có quốc gia nào đấy dùng nền màu đỏ và ngôi sao vàng nằm lệch sang bên phải một chút là lá cờ của họ, chúng ta có nên lên tiếng chăng?

Những thập niên trước đấy, những nhạc sỹ cha ông thí dụ như cụ Phạm Duy, cũng đặt lời Việt cho vô số tác phẩm nước ngoài mà ông cảm thấy yêu thích. Thế nhưng ông vẫn nêu rõ, ông ta không phải là người sáng tác ngoại trừ chỉ lời Việt ông đã đặt.

Nhưng ông ta làm được điều đấy chẳng qua vì lúc bấy giờ KHÔNG CÓ CƠ QUAN CHỨC NĂNG NÀO BẮT ÔNG TA PHẢI XIN PHÉP CHÍNH TÁC GIẢ RỒI MỚI ĐƯỢC XỬ DỤNG BÀI HÁT nên chẳng ai phải buồn đạo nhạc mặc dù lúc bấy giờ giới truyền thông không có mạng internet, không có google và không bắt mùi, nhanh tay lẹ chân như bây giờ. Sau này nếu chính chủ nhân, tác giả phát hiện ông Phạm Duy hay hậu duệ sở hữu những bài hát của ông đã dùng tác phẩm của họ thì phía ông Phạm Duy chỉ cần chịu trách nhiệm họ khi họ tìm đến mà thôi. Cũng như ở Mỹ. Nhà nước Mỹ không đứng ra cấp giấy phép hay phát tem cho cá nhân hay coong ty phát hành đĩa nhạc. Nhà nước Mỹ không đòi hỏi phải có văn bản thỏa thuận, đồng ý của tác giả chính. Chỉ khi nào có tranh chấp tố tụng thì nhà nước mới đứng ra giải quyết. Nhà nước đâu thể đứng ra “làm đại diện” hay canh ngủ cho hàng triệu triệu tác giả trong nước cũng như trên toàn thế giới được. Đấy là những cá nhân hoặc công ty thương mại nghệ thuật tư nhân, đâu liên quan gì đến nhà nước?

Nhưng bây giờ ở nước ta thì khác. Luật pháp nhập nhằng khiến con người ta trở nên manh động hơn. Không nghệ sỹ cũng trở thành nghệ sỹ qua đêm. Nếu như anh nhạc sỹ A thích bài hát nhạc ngoại nào đấy và anh muốn đặt lời Việt cho bài hát đấy thì anh ta PHẢI TRÌNH BÀY VĂN BẢN THỎA THUẬN HAY CHẤP THUẬN của chính tác giả thì nhà nước ta mới duyệt và cấp giấy phép và mới phát tem cho phát hành đĩa nhạc. Nhưng, tìm đâu ra tác giả bài hát ngoại? Kể cả có tìm được có chắc gì họ bằng lòng cho phép dùng mà kể cả họ cho phép dùng thì chắc gì họ cho không mà không tính tiền tác quyền? Và tiền tác quyền của nhạc sỹ sáng tác nước ngoài ư? Xin hãy quên chuyện đấy đi cho bớt tủi thân.

Quên nữa nếu như có văn bản thỏa thuận của chính tác giả người nước ngoài thì ai hay cơ quan nào kiểm chứng chữ ký hay văn bản đấy là hợp lý hay do chính tác giả, công ty sở hữu ký? Nếu như tác giả là người Ma Rốc hay Khổ Mí Nị trên núi Hy Max Lạp Sơn thì ai sẽ liên lạc với họ để kiểm chứng hư thực? Vì thế nếu cái luật phát hành anbum lạ lùng này của ta còn có hiệu lực thì tôi tin trước sau gì cũng có những hợp đồng ma, những chữ ký ma của những tác giả… cũng có thể là ma luôn ở nước ngoài ký.

Thế là để anbum được phát hành trong nước, để có những con tem cho phép phát hành dán vào sau đĩa, thay vì thoải mái phát hành những bài hát đặt lời Việt, người đặt lời Việt sẽ hóa thân thành nhạc sỹ dỏm và hắn sẽ biến dạng một vài nốt, cắt xén bớt ở một vài đoạn rồi ghi tên mình trong bài hát là nhạc sỹ sáng tác. Thế là xong. Nhà nước ta, khi nhìn hồ sơ xin cấp phép phát hành thấy đương sự nộp đơn xin… tem bảo hắn chính là nhạc sỹ sáng tác của những bài hát hắn xin phép, xét thấy câu cú hợp lệ, phù hợp, không chính trị, không găng tơ chợ búa là được cấp ngay giấy phép. Họ nào biết đến khi bài hát được phổ biến ra công chúng và bị xã hội phát hiện thì tệ nạn đạo nhạc đã được ra đời từ khi con tem của chính họ cấp được dán vào trên mặt sau của đĩa nhạc.

Nếu như để sự việc tiếp tục như hiện tại đang tiếp tục thì ngay cả chú “ca sỹ” Lệ Rơi hay các tay ca sỹ ngang như cua của Youtube sẽ ra anbum và sẽ là tác giả của bài Mãi Mãi Bên Em của tôi. Nhà nước vẫn cấp tem và cho anh được quyền là tác giả, là sáng tác vì đơn giản anh đã không hát giống i xì tất cả các nốt của bài hát của tôi. Hóa ra chỉ vì hát trệch đi, hay chỉ vì không biết hát hay không có trình độ để thể hiện được 100% đúng hết các nốt của một bài hát nào đấy thì cũng có thể trở thành tác giả sáng tác của chính bài hát đấy. Lạ nhỉ?

Nhưng với cách chiêu trò gấy sốc để làm kinh tế của các tay tổ làm kinh tế thương mại văn hóa ngày nay, bằng cách gây xáo trộn dư luận hay tạo được một xì can đan cho công chúng tha hồ xôn xao, bàn tán cũng là tầm chiến lược của họ và biết đâu ngay cả tôi, ngay bây giờ, người viết bài này cũng là người đang tham gia gián tiếp KHÔNG LƯƠNG giúp họ thực thi chiến lược làm kinh tế văn hóa.

Bó tay và xin chấm hết.

  • Jimmii Nguyễn

Tin khác

Đà Nẵng tổ chức lễ hội Bóng đá Brazil - Việt Nam, tặng vé xem pháo hoa cho du khách

Đà Nẵng tổ chức lễ hội Bóng đá Brazil - Việt Nam, tặng vé xem pháo hoa cho du khách

(CLO) Ngày 29/3, Sở Du lịch Đà Nẵng tổ chức công bố Chương trình kích cầu và thu hút khách du lịch với chủ đề Enjoy Danang 2024 - Tận hưởng Đà Nẵng 2024, với các sản phẩm sự kiện, lễ hội, du lịch ẩm thực, du lịch ban đêm, du lịch cưới và du lịch MICE đặc sắc.

Đời sống văn hóa
Chương trình nghệ thuật ‘Tháng 3 hoan ca’ kỷ niệm 49 năm giải phóng Đà Nẵng

Chương trình nghệ thuật ‘Tháng 3 hoan ca’ kỷ niệm 49 năm giải phóng Đà Nẵng

(CLO) Chương trình nghệ thuật “Tháng 3 hoan ca” nhằm ca ngợi tinh thần chiến đấu bất khuất, ý chí kiên cường của quân và dân ta và sự phát triển vượt bậc của TP Đà Nẵng.

Đời sống văn hóa
Quảng Trị ra quân khai thác vụ cá nam và khởi động mùa du lịch biển 2024

Quảng Trị ra quân khai thác vụ cá nam và khởi động mùa du lịch biển 2024

(CLO) Ngày 29/3, tại biển Cửa Việt thuộc thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, diễn ra lễ ra quân khai thác vụ cá nam và khởi động mùa du lịch biển 2024. 

Đời sống văn hóa
Ấn tượng Lễ hội văn hóa Việt Nam - Nhật Bản 2024

Ấn tượng Lễ hội văn hóa Việt Nam - Nhật Bản 2024

(CLO) Lễ hội văn hóa Việt Nam - Nhật Bản 2024 là chương trình thường niên được tổ chức bởi Đại học Đông Á, với nhiều hoạt động giao lưu văn hóa đặc sắc.

Đời sống văn hóa
Tuyên Quang đến Đà Nẵng kích cầu du lịch

Tuyên Quang đến Đà Nẵng kích cầu du lịch

(CLO) Ngành du lịch tỉnh Tuyên Quang vừa tổ chức giới thiệu hàng loạt sự kiện hấp dẫn về năm du lịch và lễ hội khinh khí cầu đến với du khách tại TP Đà Nẵng nói riêng, miền Trung nói chung.

Đời sống văn hóa