Kết nạp hội viên Hội Nhà văn: Cửa hẹp hay cửa hiểm?

Thứ sáu, 03/04/2015 09:54 AM - 0 Trả lời

Kết nạp hội viên Hội Nhà văn: Cửa hẹp hay cửa hiểm?

 Chuyện trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam lâu nay luôn gây ra những tranh cãi trái chiều. Nhưng thử bình tâm nhìn lại, liệu việc “hẹp cửa vào Hội” bên cạnh phiền phức thì có gì hay không?

Dừng 20 năm nhận hồ sơ kết nạp mới giải quyết hết tồn đọng

Hà Nội những ngày cuối năm rét buốt, mọi thứ dường như co lại để chống chọi với cái lạnh. Nhưng không vì thế mà giảm đi sự nhộn nhịp, tấp nập trên con đường “vào Hội” ở cánh cửa số 9 Nguyễn Đình Chiểu. Bằng chứng là, trong một bài trả lời mới đây nhất với báo chí, nhà thơ Nguyễn Hoa, Uỷ viên Ban chấp hành, Trưởng ban Tổ chức Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, hiện nay có tới 641 số hồ sơ xin gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam tính đến hết ngày 20.11. Còn theo thông tin mới nhất báo điện tử Tổ Quốc có được là tính đến 15.12 số hồ sơ là 644.

Một phép tính nhanh được đưa ra, cứ cho là mỗi năm Hội Nhà văn kết nạp khoảng 30 người. Cụ thể là năm 2013 này kết nạp 30 người, (hoặc có thể hơn 30 một chút) thì với hơn 600 hồ sơ còn lại, tính trung bình phải… 20 năm nữa Hội Nhà văn mới kết nạp hết số hồ sơ tồn dư kèm theo một điều kiện vô cùng khó khăn, là trong suốt 20 nữa không có số hồ sơ nào được thêm. Thật là điều không tưởng và vượt quá mọi dự đoán của những người yêu văn chương, quan tâm đến văn chương nước nhà.

Mọi người cứ ồn ào lời ra tiếng vào rằng Hội Nhà văn giờ không còn thiêng. Thế mà chả hiểu sao người ta chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay số người không thích… vào Hội, chưa thấy ai làm đơn xin ra khỏi Hội Nhà văn, chỉ có người xin rút đơn, rút hồ sơ ứng cử. Và… số đông, đông đến chóng mặt là lượng người muốn được trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ngẫm ra, có lẽ ai nói “xấu” Hội Nhà văn thì cứ nói chứ điều đó không ảnh hưởng gì đến khát vọng trở thành Nhà văn có thẻ danh chính ngôn thuận của nhiều người.

Báo Công luận
Chủ tịch Hội Nhà văn VN- Hữu Thỉnh và Chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc –Thiết Ngưng trong buổi giao lưu tại Hà Nội ( ảnh Phùng Hiệu).
Con đường vào Hội Nhà văn Việt Nam bỗng chốc trở thành con đường đầy gian nan của giới cầm bút. Đã có quá nhiều câu chuyện bi - hài, nửa hư nửa thực liên quan đến việc kết nạp Hội viên được truyền nhau trong giới văn chương. Nào là có người chờ lâu quá, làm đơn từ lúc còn trẻ, còn minh mẫn sáng suốt, còn hăng hái… rồi thời gian qua đi đã trở thành ông lão mà giấc mơ vào Hội vẫn xa vời.

Một ngày đẹp trời có người hỏi về chuyện vào Hội ông cứ khăng khăng khẳng định chưa bao giờ làm đơn xin vào Hội, mà lại là Hội Nhà văn, ngoài Hội Cựu chiến binh và Hội người cao tuổi. Rồi có người cứ đằng đẵng chờ đợi mà không biết vì sao mình vẫn chưa ai để mắt tới. Đến lúc sực nhớ ra là hai nhà văn từng ký đơn giới thiệu cho mình đã không còn nữa thì làm sao “tác động” được với các nhà văn đương đại nằm trong hội đồng và thành phần chủ chốt với lá phiếu quyết định, thế là đành phân vân, hay là làm lại hồ sơ để nhờ hai nhà văn khác ký giới thiệu. Mà nên chọn hai nhà văn nào cho phù hợp? Bác nào có uy tín thì lại… già. Lại sợ không đợi được như lần trước thì lăn tăn. Còn nhà văn trẻ thì xông xênh đợi nhưng uy tín lại chưa cao. Thôi thì giải pháp cuối cùng là cứ chọn một già, một trẻ, được hay không là do… số!.

Chưa hết, bên cạnh những chuyện nửa cười nửa khóc, nửa đùa nửa thật mấy năm gần đây còn râm ran chuyện “chạy” vào Hội. Chạy bằng tiền, bằng vật chất… cũng giống như tiêu cực ở các ngành nghề khác. Chạy được xem là “cứu cánh”, là con đường nhanh nhất đến đích Nhà văn bằng mối quan hệ thân quen của những ai thừa tiền thiếu danh. Chắc hẳn các nhà văn xa xưa của chúng ta không thể ngờ rằng văn chương hậu thế lại phải chạy chọt mới có được cái danh Nhà văn. Một số trang web, facebook của nhà văn trong vòng tháng nay đã đăng chi tiết như thể “mách nước”, “chia sẻ” cách thức “chạy” vào Hội của người đi trước đã thành công. Thực hư thế nào trong khuôn khổ bài báo này xin chưa bàn tới, nhưng nó cũng đủ khiến cho dư luận dấy lên những nghi ngờ. Bởi vì các chi tiết được tác giả đưa ra khá lô gích, ít nhiều có sức thuyết phục.

Hội Nhà văn “mở rộng cửa” có là giấc mơ xa vời?

Trước thực trạng có quá nhiều người thiết tha xin vào Hội hàng năm mà Hội Nhà văn mỗi năm chỉ kết nạp nhỏ giọt từ 20-30 người đã nhiều nhà văn lên tiếng. Họ đặt ra câu hỏi, tại sao Hội Nhà văn cứ phải làm khó nhau? Tại sao Hội Nhà văn không làm giống như các Hội nghề nghiệp khác để mở rộng cánh cửa cho tất cả những ai có nhu cầu cầm bút được “ngồi chung chiếu” cho đông vui. Đã gọi là Hội thì tiêu chí chính phải là đông vui.

Nếu thực hiện được như vậy thì sẽ chấm dứt tình trạng số hồ sơ tồn đọng đã ngót nghét 20 năm nay rồi. Và cái quan trọng nữa là tiêu cực trong việc chạy chọt nhờ vả sẽ không có cơ hội để phát triển và gia tăng. Văn học sẽ tự nhiên được “thanh sạch” được trở về đúng nghĩa với sự tôn vinh của giá trị nghệ thuật. Rồi niềm “tự hào” của Hội viên cũng được nhân lên khi được mang danh là Hội nghề nghiệp đông nhất. Chứ hiện tại bây giờ, một số nhà văn nói vui rằng; Hội bác Hữu Thỉnh có cả thơ, văn xuôi, lý luận phê bình và văn học dịch mà còn thua Hội của bác Bành Thông chỉ có thơ không!?.

Bên cạnh các ý kiến mong muốn Hội Nhà văn mở rộng cửa kết nạp Hội viên thì cũng còn ý kiến không đồng tình. Rằng, nếu Hội Nhà văn cũng kết nạp như các Hội khác thì chả cần đến Hội văn học nghệ thuật địa phương ở mỗi tỉnh thành đều có. Và cao hơn, ở trung ương, nhưng mang tính “phong trào” thì đã có Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật rồi. Và thế thì lấy đâu một Hội nghề nghiệp “có chuyên môn” để đánh giá, thậm chí tham mưu cho nền văn học nước nhà. Cái quan trọng là mỗi người cầm bút phải tự xác định “chỗ đứng” của mình ở đâu chứ không phải cái tên mình thuộc Hội nào.

Thực ra thì ý kiến nào cũng có lý. Ý kiến nào cũng có cái hay và cái chưa hay. Và chính vì thế mà cho đến nay chuyện nhà văn “hé cửa” hay “mở rộng cửa” vẫn là bài toán chưa có lời giải tối ưu cuối cùng.

Nhưng…

Thử nhìn lại cách thức hoạt động của các Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam hiện nay. Dường như họ đã và đang có quá nhiều ưu đãi được hưởng từ ngân sách nhà nước, dù là chính đáng, là đặc thù và chúng ta không nên, không thể so sánh với bất kỳ ngành nghề khác như lâu nay nhiều nhà văn đã biện hộ. Đồng ý.

Trong quy chế Hội viên, Hội viên phải đóng Hội phí. Nhưng từ nhiều năm nay nguồn thu phí từ Hội viên của Hội Nhà văn gần như không có. Vậy thì để đảm bảo một nguồn ngân sách có hạn thì chỉ có thể hạn chế số Hội viên. Chính các nhà văn đã bao giờ “sòng phẳng”, đã làm “đúng luật” chưa để duy trì theo đúng cách thức ấy - cách thức đông vui? Hay là cứ kết nạp Hội viên không hạn chế số lượng, xây dựng quy chế chặt chẽ về thu - chi, về ưu đãi được hưởng cho số ít thì “tiêu cực” sẽ lại “nảy mầm” ở khâu nào đó, như hiện tượng Đăng Hạ chẳng hạn. Ai dám chắc?

Thế nên, có lẽ chừng nào chính các nhà văn còn bon chen danh lợi thì chừng đó việc kết nạp Hội viên còn khó khăn. Hoặc dễ trở thành Hội viên thì sẽ khó nhiều cái khác…

Biết đâu, sự “khắt khe” hơi quá ấy lại khiến Hội Nhà văn có thêm sự hấp dẫn và những chuyện thú vị được truyền lại cho hậu thế.

  • Theo Văn học Quảng Nam

Tin khác

Dàn nhạc Trẻ Thế giới lần đầu biểu diễn tại Việt Nam

Dàn nhạc Trẻ Thế giới lần đầu biểu diễn tại Việt Nam

(CLO) Dàn nhạc Trẻ Thế giới và Dàn nhạc Giao hưởng Trẻ Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam sẽ đem đến cho khán giả Thủ đô nhiều tác phẩm khí nhạc kinh điển, đỉnh cao.

Đời sống văn hóa
Hãng phim hoạt hình làm phim về Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hãng phim hoạt hình làm phim về Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Hãng Phim hoạt hình Việt Nam chuẩn bị cho ra mắt 2 bộ phim hoạt hình về Chiến thắng Điện Biên Phủ là "Lời hứa Điện Biên" và "Chiếc xe thồ Điện Biên".

Đời sống văn hóa
Gặp gỡ các tác giả viết cho Thiếu nhi tại TP Hải Dương

Gặp gỡ các tác giả viết cho Thiếu nhi tại TP Hải Dương

(CLO) Ngày 27/3, đại diện Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng đã gặp gỡ hội viên Chi hội Văn học, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương, giới thiệu Giải thưởng văn học Kim Đồng lần thứ Nhất.

Đời sống văn hóa
Dùng công nghệ để “xuất khẩu” hát Xoan ra thế giới

Dùng công nghệ để “xuất khẩu” hát Xoan ra thế giới

(NB&CL) Lần đầu tiên, những người yêu hát Xoan từ khắp nơi trên thế giới có thể tiếp cận những làn điệu Xoan cổ một cách bài bản, có hệ thống bằng các phương tiện công nghệ. Đây là kết quả quan trọng nhất của dự án “Giới thiệu di sản âm nhạc hát Xoan” của nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cùng cộng sự.

Đời sống văn hóa
Tuyệt tác âm nhạc của Rachmaninoff lần đầu công diễn tại Việt Nam

Tuyệt tác âm nhạc của Rachmaninoff lần đầu công diễn tại Việt Nam

(CLO) Những giai điệu tuyệt đẹp trong âm nhạc cổ điển của nhà soạn nhạc lỗi lạc Sergei Rachmaninoff sẽ được phủ khắp khán phòng của Nhà hát Hồ Gươm.

Đời sống văn hóa