Phóng viên thể thao Việt Nam tác nghiệp tại các sự kiện thể thao quốc tế:

Khác biệt, thiện chiến và máu lửa

Thứ hai, 17/06/2019 13:00 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Tốn kém chi phí, đòi hỏi buộc phải hội tụ “combo” những kỹ năng làm báo hiện đại thời 4.0, sức khỏe, yếu tố ngoại giao… nhưng qua các sự kiện thể thao quốc tế thời gian qua, mới thấy đó không hề là những rào cản không thể vượt qua với các phóng viên thể thao nước nhà.

Bằng cách nào để họ có thể vượt qua những rào cản ấy, hãy cùng PV báo Nhà báo & Công luận gặp gỡ với những nhà báo, phóng viên thể thao được đánh giá là “thiện chiến” hiện nay để có thể hình dung phần nào công việc tác nghiệp của họ.

Màn ăn mừng chiến thắng chức vô địch AFF SUZUKI CUP 2018 của Đội tuyển Quốc gia Việt Nam.

Màn ăn mừng chiến thắng chức vô địch AFF SUZUKI CUP 2018 của Đội tuyển Quốc gia Việt Nam.

Nhà báo Đỗ Tuấn – Báo Bóng đá: Với mỗi thời điểm, PV thể thao đều cố gắng để phù hợp với công việc của mình. Trước kia, khi báo điện tử chưa phát triển, chủ yếu là báo giấy thì áp lực không lớn. Có chăng là các kỳ SeaGames hoặc đại hội lớn mới có áp lực bài vở.

Hiện nay, báo chí cạnh tranh nhau từng giây, từng phút. Ngoài truyền hình trực tiếp sau đó là tới livestream, phỏng vấn VĐV, rồi bình luận… tất cả những công việc PV làm đều mong muốn đưa thông tin nhanh nhất tới độc giả. Điều đó cũng có những cái khó khăn, những cái hấp dẫn riêng trong công việc của mỗi PV.

Nhà báo Đỗ Tuấn tác nghiệp ở SEA Games 2017 tại Malaysia.

Nhà báo Đỗ Tuấn tác nghiệp ở SEA Games 2017 tại Malaysia.

Để tiếp cận với các sự kiện thể thao quốc tế, điều đầu tiên tôi nghĩ là chúng ta phải có kinh nghiệm, làm thế nào đưa thông tin một cách nhanh nhất. Điều quan trọng ở mỗi đại hội thể thao hay Sea Games thì bản thân PV phải hiểu về môn thể thao đó. Nhiều PV trẻ đi làm họ chỉ đưa thông tin ngắn gọn về sự kiện, về môn thể thao chứ họ không hiểu rõ, thành tích của các VĐV, để từ đó có những bài viết sâu sắc. đó là điều chúng ta cần trau dồi, học hỏi thêm để mang đến cho độc giả những thông tin vừa bổ ích, vừa hấp dẫn chứ không phải là những tin bên lề nhàm chán. 

Khi tác nghiệp ở các sự kiện thể thao quốc tế, điều quan trọng là phải có ngoại ngữ, cộng thêm phải có mối quan hệ tốt với các đội tuyển thể thao để chúng ta nắm bắt được thông tin một cách nhanh nhất. Vì lúc đó, chúng ta đi nước ngoài tác nghiệp, phải đi liên tục, có mối quan hệ tốt với các đội tuyển, huấn luyện viên, VĐV và đồng nghiệp báo khác sẽ là một lợi thế lớn cho bản thân.

Nhà báo Hữu Bình- Tạp chí Thể thao - Tổng cục TDTT: Trước hết, PV cần là người ham thích thể thao và am hiểu về sự kiện thể thao mà mình sẽ tác nghiệp. Hệ thống thể thao quốc tế rất phong phú, đa dạng, nhiều tầng nấc, mỗi sự kiện lại có những đặc thù riêng, từ lịch sử ra đời, phát triển tới tính chất, môn thi... Mỗi quốc gia đăng cai lại gửi gắm vào các sự kiện ấy những mục đích, mục tiêu riêng để quảng bá hình ảnh đất nước, con người, nói cách khác là các sự kiện thể thao quốc tế không đơn thuần chỉ mang tính chất thể thao. Vì vậy, PV còn cần tìm hiểu về phong tục, tập quán, nền văn hóa của đất nước sẽ đăng cai sự kiện ấy, qua đó có góc nhìn “mở” hơn, rộng và sâu hơn về sự kiện.

Nhà báo Hữu Bình khi tác nghiệp ở các sự kiện thể thao quốc tế.

Nhà báo Hữu Bình khi tác nghiệp ở các sự kiện thể thao quốc tế.

Tất nhiên, khi viết về chuyên môn, phóng viên thể thao cần nắm vững luật lệ, đặc thù của mỗi môn để có những bài viết sâu, chất lượng. Sẽ là khó khăn với những PV ít kinh nghiệm tác nghiệp quốc tế, nên họ cần có sự dìu dắt, chỉ bảo, hướng dẫn của những PV đi trước. Bên cạnh đó, cần có sự nỗ lực và ý thức cầu tiến của bản thân mỗi PV để chuẩn bị tốt nhất cho mình “hành trang” kiến thức cũng như các phương tiện tác nghiệp. Nhưng cũng sẽ là thuận lợi nếu thông qua sự chuẩn bị và quá trình tác nghiệp, PV sẽ chủ động học hỏi, đúc rút cho mình những bài học quý cho các chuyến đi sau này. Qua đó, cái nhìn về không chỉ thể thao mà cả về văn hóa, xã hội của phóng viên cũng sẽ sâu, rộng hơn. Một lưu ý nữa, trong hành trang của mình, PV rất cần tự trang bị.

Nhà báo Tiểu Huyền - Ban sản xuất các chương trình Thể thao – Đài Truyền hình Việt Nam: Các sự kiện thể thao quốc tế là sự kiện toàn cầu nên góc tiếp cận của PV phải cần đa dạng hơn rất nhiều so với trước, bởi nhu cầu của khán giả cao hơn, nên PV cần xác định được thông tin mang về cho khán giả Việt Nam là thông tin gì? Đầu tiên là thông tin liên quan tới các đội tuyển của Việt Nam ở giải đấu hoặc là văn hóa Việt Nam đã đến với bạn bè quốc tế như thế nào thông qua đại hội.

Nhà báo Tiểu Huyền khi công tác tại Nhật Bản.

Nhà báo Tiểu Huyền khi công tác tại Nhật Bản.

PV bây giờ không đơn thuần chỉ là bám theo sự kiện đang diễn ra, mà còn cần phải chủ động liên hệ để nắm bắt thông tin cụ thể của các VĐV các đội tuyển hay phỏng vấn trực tiếp người Việt Nam ở nước ngoài để có thêm những sắc màu cho khán giả Việt Nam ngày càng quan tâm. PV cần chuẩn bị cho mình kiến thức, tác nghiệp độc lập, khả năng ngoại ngữ và việc xử lý những tình huống ở nước ngoài. Ở thời đại  4.0 PV phải chủ động, nhanh nhạy, ngay sau khi có tin cần phải chuyển tải tin bài về ngay để cập nhật tin tức. Phải mang theo một tâm thế, mình là PV Việt Nam thì mình mang cái gì về cho khán giả Việt Nam?

Rào cản lớn nhất khi đưa tin tại các sự kiện quốc tế là ngôn ngữ và văn hóa. Mỗi đất nước có một nền văn hóa khác nhau, đôi khi chúng ta chưa hiểu hết văn hóa ứng xử của người dân bản xứ, PV cần thích nghi nhanh ở mỗi thời điểm, mỗi đất nước khác nhau. Nhất là với các nữ PV, có những mảng đề tài rất khó tiếp cận, có những sự kiện kéo dài tới 1 – 2 tuần và sau đó là những câu chuyện bên lề khác. Thêm nữa là áp lực tin, bài lớn hơn thì cần có kế hoạch cụ thể, chi tiết. Thể lực chỉ là điều kiện cần và đủ, kĩ năng là điều kiện thiết yếu để giúp các PV nữ thích nghi nhanh ở các sự kiện quốc tế.

Nhà báo Đăng Huỳnh – Báo Lao Động: Khó khăn đầu tiên là ngoại ngữ, bởi đa phần PV thể thao ra nước ngoài tác nghiệp không phải ai cũng thông thạo ngoại ngữ. Chúng ta gần như chỉ là giao tiếp bồi, giao tiếp để hiểu thôi. Với PV lần đầu tác nghiệp thì việc tìm hiểu văn hóa nơi mình đến cần phải làm từ trước đấy. Bởi ngoài việc phản ánh sự kiện thì phải chú trọng khai thác các câu chuyện bên lề. PV tại hiện trường phải làm sao kể lại những câu chuyện mà khán giả ở nhà xem qua truyền hình không thể biết đến được. Tiếp nữa là phải đảm bảo có đủ phương tiện tác nghiệp như: máy ảnh số chất lượng, máy tính, bộ phát sóng wifi, … để đảm bảo đường truyền thông tin. Bên cạnh việc có công cụ, phương tiện kĩ thuật tốt thì mỗi PV cần có kĩ năng sử dụng công nghệ tốt, kĩ năng xử lý ảnh ngay trong trận đấu, kỹ năng gõ text bằng di động…

Nhà báo Đăng Huỳnh.

Nhà báo Đăng Huỳnh.

Nhà báo Quốc Việt – Báo Thanh niên: Kĩ năng của một PV thể thao khi tác nghiệp ở nước ngoài đơn giản chỉ là quay, chụp và viết, đặc biệt là ngoại ngữ. Như ở ASIAN CUP 2019 vừa rồi, PV viết sẽ được dự cuộc họp báo, PV ảnh sẽ chỉ được chụp ảnh ở câu hỏi đầu tiên và sau đó bị mời ra ngoài. Tất cả mọi hoạt động báo chí lúc đấy đều bằng tiếng Anh nên nếu PV không có ngoại ngữ thì không làm được. Khi mình có ngoại ngữ thì mình sẽ nắm rõ yêu cầu của BTC giải. Đến với mỗi giải đấu, PV cần nắm rõ về quy định tác nghiệp, bởi mỗi giải lại có đặc thù khác nhau, mức độ càng lớn thì càng khắt khe, có những trường hợp PV bị BTC thu thẻ không trả lại khiến cho PV vừa bị mất công sức vừa mất cơ hội vào tác nghiệp ở sân tập và ở phòng họp báo.

Nhà báo Quốc Việt khi tác nghiệp tại World Cup 2018 ở Nga.

Nhà báo Quốc Việt khi tác nghiệp tại World Cup 2018 ở Nga.

Xu hướng ở Việt Nam khi đi các sự kiện thể thao quốc tế đòi hỏi PV 3 trong một hoặc 4 trong một, tức là một PV quốc tế phải biết viết, biết chụp, biết quay và livestream. Cùng với đó là việc sắp xếp công việc một cách hợp lý nếu không sẽ bị cuống. Đơn cử như tôi, khi họp báo xong phải có bài ngay, có sự phối hợp làm sao để sản phẩm online lên nhanh và có bài viết báo in có chiều sâu vừa phải xử lý ảnh gửi về, vừa phải có ảnh cho các bộ phận khác xử lý.

Nhà báo Duy Thành – Báo Điện tử VTC News: Tôi thích dùng một hình tượng rất hay của người Pháp là “métro, boulot, dodo” để mô tả công việc của phóng viên thể thao mỗi dịp SEA Games, AFF Cup, ASIAD hay World Cup. Thức dậy, lên metro, tới chỗ tác nghiệp, rồi ngược metro về ngủ. Một vòng quay công việc khép kín, liên tục ngày qua ngày với áp lực tin bài khủng khiếp, là thử thách trui rèn nghề nghiệp thực sự cho mọi phóng viên thể thao. Tất cả các phóng viên thể thao có tiếng ở Việt Nam đều đã trải qua cái vòng tròn “đáng sợ” ấy nhiều lần trước khi mang tới những tác phẩm tuyệt vời cho độc giả. Có người chia sẻ rằng, áp lực ấy nhiều lúc biến họ trở thành một “cỗ máy”. Mọi nhu cầu ăn, ngủ, tình cảm riêng tư đều bị thay thế bởi khao khát có được tin tức độc quyền, hình ảnh xuất sắc hay chiến thắng “báo bạn” ở cuộc đua đưa bài lên trang.

Nhà báo Duy Thành (bên phải) và đồng nghiệp tác nghiệp tại sự kiện thể thao quốc tế.

Nhà báo Duy Thành (bên phải) và đồng nghiệp tác nghiệp tại sự kiện thể thao quốc tế.

Nhà báo Quốc Hiếu – Ban sản xuất các chương trình Thể thao – Đài Truyền hình Việt Nam: Với một phóng viên thể thao, yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất là sự đam mê, nếu không có đam mê thì không thể nào vượt qua được những vất vả, khó khăn. Thứ hai là yếu tố sức khỏe để đáp ứng được công việc. Tiếp đó là sự nhanh nhẹn, linh hoạt trong xử lý tình huống ở mỗi địa điểm khác nhau, đặc biệt là việc làm sao để chuyển được tin bài về để kịp thời gian phát sóng. Một trong những điều quan trọng ở sự kiện thể thao quốc tế là ngoại ngữ. Rất may mắn là tôi có quá trình học tập, trau dồi thường xuyên nên ngoại ngữ là điều lợi thế của bản thân trong quá trình tác nghiệp. Tuy nhiên, ở mỗi quốc gia khác nhau thì có những cách sử dụng ngoại ngữ khác nhau, từ đó sẽ có cách sử dụng làm sao để thích ứng được với từng hoàn cảnh. Thời đại 4.0, mọi thứ gần như sử dụng kĩ thuật số hết, phải làm sao tác nghiệp thật nhanh, làm sao để đạt hiệu quả tốt nhất.

Nhà báo Quốc Hiếu.

Nhà báo Quốc Hiếu.

Nhà báo Quang Việt - Ban sản xuất các chương trình Thể thao – Đài Truyền hình Việt Nam: Kỹ năng của một PV ở thời đại công nghệ 4.0 không chỉ là viết tin bài, phỏng vấn mà là bắt trọn những hình ảnh, khoảnh khắc đáng chú ý thông qua những chiếc smartphone trên tay. Với những sự kiện thể thao quốc tế lớn thì khối lượng thông tin cũng rất lớn, ở thời đại 4.0, việc khán giả tiếp cận thông tin rất là nhanh. Với mình không chỉ là việc chuẩn bị thông tin, mà mình cần chuẩn bị xem đưa thông tin như thế nào để khán giả cảm thấy hào hứng nhất. Để thông tin được nóng hổi, mới mẻ, thì cần có những mối quan hệ với HLV, VĐV để cập nhật được tình hình thi đấu, công tác chuẩn bị… và tìm hiểu đường truyền để chuyển tải nội dung diễn ra đạt hiệu quả tốt nhất.

Nhà báo Quang Việt.

Nhà báo Quang Việt.

Hữu Phương

Tin khác

Trường Sa: Chuyến tác nghiệp hạnh phúc!

Trường Sa: Chuyến tác nghiệp hạnh phúc!

(CLO) Tham gia Đoàn công tác số 6/2024 thăm quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK-I, các phóng viên báo chí đã có một tuần trải nghiệm, tác nghiệp vất vả nhưng hạnh phúc giữa trùng khơi sóng vỗ...

Nghề báo
Hơn 250 phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại Lễ hội Đền Hùng 2024

Hơn 250 phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại Lễ hội Đền Hùng 2024

(CLO) Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Thọ, Sở này đã đón tiếp, cấp thẻ, hỗ trợ tác nghiệp cho 251 phóng viên thuộc 66 cơ quan báo chí của Trung ương và địa phương trong dịp Lễ hội Đền Hùng năm 2024.

Nghề báo
Khí phách 75 năm và lời hiệu triệu cho thế hệ làm báo thời đại mới

Khí phách 75 năm và lời hiệu triệu cho thế hệ làm báo thời đại mới

(NB&CL) Có một “điểm chạm” trong cảm xúc “về nguồn” của những người làm báo khi nhắc nhớ về một ngôi trường đặc biệt – Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Đó là cảm xúc tự hào về một “mốc son lịch sử” gắn liền với những chặng đường làm báo vinh quang dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy đầu tiên của báo chí cách mạng… Dù thời gian có xa xanh thì khí phách của một thời đẹp đẽ ấy sẽ mãi là những giá trị trường tồn, tiếp lửa cho thế hệ hôm nay.

Nghề báo
Hội Nhà báo Việt Nam bứt tốc trên hành trình phát triển

Hội Nhà báo Việt Nam bứt tốc trên hành trình phát triển

(NB&CL) Thành công của năm 2023 tiếp tục tạo đà cho Hội Nhà báo Việt Nam trong năm 2024 bứt tốc hơn nữa với nhiều nhiệm vụ mới. Đặc biệt, 2024 là năm thứ 3 các tổ chức Hội triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam, các Nghị quyết của Ban Chấp hành và Chương trình công tác toàn khóa nhiệm kỳ 2020 - 2025...

Nghề báo
Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2024: Lan tỏa và truyền cảm hứng về tình yêu sách

Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2024: Lan tỏa và truyền cảm hứng về tình yêu sách

(CLO) Tối 17/4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, Bộ Thông tin & Truyền thông phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Ba năm 2024.

Nghề báo