Khắc phục tồn tại để phát huy thế mạnh của đường sắt đô thị

Thứ năm, 02/12/2021 09:49 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Sau 15 ngày miễn phí và khoảng 2 tuần bán vé thu tiền, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội cũng như cả nước là Cát Linh - Hà Đông đã bộc lộ một số bất cập như điểm đỗ, các loại hình vận tải kết nối, văn hóa đi tàu,…

Sau 15 ngày miễn phí và khoảng 2 tuần bán vé thu tiền, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội cũng như cả nước là Cát Linh - Hà Đông đã bộc lộ một số bất cập như điểm đỗ, các loại hình vận tải kết nối, văn hóa đi tàu,… cần khắc phục để phát huy hết những ưu điểm của loại hình vận tải hành khách công cộng này.

Những tín hiệu tích cực đầu tiên

Qua hơn 1 thập kỷ chờ đợi, đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã chính thức được đưa vào khai thác thương mại phục vụ nhu cầu đi lại của người dân Thủ đô. Những bức xúc vì nhiều lần trễ hẹn, tình trạng đội vốn khủng khiếp, mất an toàn giao thông,… tạm thời được gác lại; nhiều người dân thích thú tham quan, trải nghiệm tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội cũng như cả nước.

Anh Trần Quốc (trú tại quận Thanh Xuân) cho biết, nhà anh chỉ cách ga Vành đai 3 vài trăm mét nên việc đi tàu điện Cát Linh - Hà Đông đến cơ quan làm việc tại phường Cát Linh (quận Đống Đa) là lựa chọn tốt để tránh tình trạng tắc đường kinh khủng vào mỗi buổi sáng đi làm cũng như giờ tan tầm.

khac phuc ton tai de phat huy the manh cua duong sat do thi hinh 1

Người dân chen chúc đi tàu điện Cát Linh - Hà Ðông trong những ngày cuối tuần trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đem đến nhiều lo lắng về nguy cơ lây lan dịch bệnh cũng như văn hóa đi tàu điện.

Với giá vé tháng 200.000 đồng thì tàu điện là phương tiện giao thông công cộng giá rẻ lại khá thuận tiện cũng như vì là loại hình vận tải mới nên thu hút được nhiều người dân di chuyển. Một số đồng nghiệp của anh sau giai đoạn đi tàu miễn phí muốn mua vé tháng nhưng việc tìm kiếm nơi gửi xe an toàn vẫn là nỗi băn khoăn của họ, anh Quốc cho biết thêm.

Bạn Thảo Linh (trú tại quận Đống Đa) thích thú, có cảm giác như được đi du lịch nước ngoài. Tàu chạy êm và cảm giác khá an toàn, không những thế còn được ngắm cảnh thành phố từ trên cao với một góc nhìn khá thú vị.

Không giấu được sự háo hức, bạn trẻ Hồng Phúc với đam mê chụp ảnh chia sẻ, các bậc thang lên xuống tạo chiều sâu cho bức ảnh cùng với những mảng tường có màu sắc bắt mắt và lần đầu tiên có mặt ở nước ta. Ngay từ ngày đầu mở cửa đón khách, từ khu vực các nhà ga, trên tàu điện Cát Linh đã trở thành địa điểm check-in “hot” của giới trẻ.

Đánh giá về hoạt động chạy tàu Cát Linh - Hà Đông, Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy - Nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT cho rằng, sự xuất hiện của đường sắt đô thị là cơ hội lớn để xe buýt nâng cao sản lượng, mở rộng mạng lưới tuyến. Chẳng hạn như tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sẽ thu hút, chuyển tải lượng hành khách rất lớn, hàng trăm nghìn người mỗi ngày.

khac phuc ton tai de phat huy the manh cua duong sat do thi hinh 2

Người dân háo hức trải nghiệm đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Ðông hơn 1 thập kỷ chờ đợi.

Việc tạo ra một tuyến đường đông đúc người dân qua lại thường xuyên sẽ tạo nên một hành lang rất thuận tiện để phát triển các loại hình dịch vụ, thương mại trên tuyến cửa ngõ Tây Nam Thủ đô.

Còn Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP. Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải nhận định, hiệu quả từ việc kết nối này cũng sẽ tác động tích cực làm giảm lưu lượng xe taxi, xe công nghệ hoạt động dọc lộ trình tuyến đường sắt đô thị do loại hình giao thông này có cước phí thấp, không bị ảnh hưởng bởi việc ùn tắc giao thông và giảm thời gian đi lại.

Thống kê của Công ty TNHH MTV đường sắt Hà Nội cho thấy, kết thúc 15 ngày vận hành miễn phí, đường sắt Cát Linh - Hà Đông chạy tổng số 2.554 chuyến tàu, hơn 385.000 lượt khách được vận chuyển an toàn và đông nhất là dịp cuối tuần.

Phát huy hiệu quả của loại hình vận tải công cộng mới

Bên cạnh những kết quả khả quan bước đầu, tàu điện Cát Linh - Hà Đông vẫn còn nhiều tồn tại như thiếu điểm trông giữ phương tiện, tính kết nối với các loại hình vận tải công cộng, hành lang an toàn đường sắt đô thị hay ngay cả văn hóa đi tàu còn hạn chế và cần sớm được khắc phục để phát huy tốt những lợi thế của loại hình vận tải công cộng mới.

Nhà cách ga Cát Linh khoảng 3km, chị Mai Ngọc (trú tại quận Ba Đình) phải di chuyển bằng xe máy đến ga này rồi đi tới công ty làm việc tại quận Hà Đông bằng đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Ngoài chất lượng dịch vụ trên tàu khá tốt và được trải nghiệm phương tiện mới thì chị không phải chịu cảnh ùn tắc giao thông vốn là “đặc sản” của Hà Nội.

Tuy nhiên điều chị Ngọc băn khoăn nhất chính là sự bất tiện khi chị vẫn phải đi xe cá nhân tới nhà ga đi rồi khi tới ga đến lại phải đi bộ một quãng đường nữa. Chị mong rằng các tuyến xe buýt kết nối với đường sắt đô thị sẽ thuận tiện hơn trong thời gian tới để hành khách nối chuyến từ xe buýt lên tàu. Từ đó sẽ gia tăng lượng khách đi tàu với mục đích di chuyển và coi đây là một loại hình vận tải hành khách công cộng thực sự chứ không phải chỉ đến hút khách trong những ngày cuối tuần.

Anh Ngọc Anh (trú tại quận Bắc Từ Liêm) chia sẻ, nhà ngay đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội nhưng chưa biết đến khi nào mới được đi nên khi nghe tin đường sắt Cát Linh - Hà Đông bắt đầu chở khách anh đã đến, đi thử loại hình vận tải hành khách công cộng mới của thành phố.

khac phuc ton tai de phat huy the manh cua duong sat do thi hinh 3

Hành lang đường sắt đô thị Hà Ðông trở thành nơi vứt rác, chăn gà,… không chỉ gây mất an toàn giao thông mà còn khiến bộ mặt đô thị thêm nhếch nhác.

Nhưng khi đến ga Cát Linh vào ngày cuối tuần anh đã phải mỏi mắt để tìm chỗ gửi xe. Trong khi nhà ga chưa có nơi gửi thì các bãi xe lậu tự phát bên ngoài lại “chặt chém” người dân khiến anh rất bức xúc. Những khu vực gửi xe tự phát ngay bên cạnh ga thu vé trông xe tới 10.000 đồng/lượt trong thời gian ban ngày. Thậm chí người dân còn phải trả giá với mức 20.000 đồng/lượt vào buổi tối.

Cứ đinh ninh rằng đến nơi sẽ có chỗ gửi xe được cấp phép với giá cả hợp lý chứ không nghĩ phải trả giá vé gửi xe đắt hơn cả vé tàu như vậy. Những người tham gia giao thông bằng tàu điện rất cần nơi để gửi xe máy khi tới các ga, hy vọng tình hình sẽ được cải thiện trong thời gian tới.

Trong những ngày đầu đưa vào khai thác, nhất là ngày cuối tuần, không khó để có thể bắt gặp hình ảnh rất đông người dân chen lấn đi tàu điện để trải nghiệm, chụp ảnh và trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội xuất hiện các dòng tít như “Hàng nghìn người Hà Nội chen chúc đi tàu giữa thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp”, “Hành khách xếp hàng dài chờ trải nghiệm đường sắt Cát Linh - Hà Đông”, “Phát hoảng với cảnh dòng người đông nghịt đi tàu điện Cát Linh - Hà Đông”,...

Bên cạnh niềm vui cũng đã xuất hiện nỗi lo và những cảnh báo về tình trạng mất an ninh trật tự, an toàn giao thông khi rất đông người có mong muốn được trải nghiệm loại hình vận chuyển hành khách mới này. Điều này đặt ra bài toán về xây dựng văn hóa đi tàu điện đô thị của người dân.

Ngoài những bất cập kể trên, tình trạng dưới chân nhà ga, khu vực các cột trụ đường sắt Cát Linh - Hà Đông trở thành nơi tập kết rác thải hay bị chiếm dụng làm nơi kinh doanh buôn bán, dừng đỗ trái phép của đội ngũ taxi không chỉ xâm phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt trên cao mà còn khiến bộ mặt đô thị thêm nhếch nhác.

Theo quy hoạch tới năm 2030, mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội sẽ có 9 tuyến với tổng chiều dài 410,8km cùng hàng trăm nhà ga. Để phát huy hiệu quả cho tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Thành phố là Cát Linh - Hà Đông rất cần sớm khắc phục những tồn tại như thiếu điểm đỗ xe cá nhân, các loại hình vận tải kết nối, văn hóa đi tàu,…

Trong tương lai, đường sắt trên cao được đánh giá là loại hình phương tiện vận chuyển hành khách chủ lực của Thành phố. Trước mắt, cùng với các giải pháp kết nối thì ngay từ bây giờ, người dân cần hình thành văn hóa, ứng xử văn minh không chỉ khi đi tàu điện Cát Linh - Hà Đông mà ngay khi tham gia giao thông, các loại hình vận tải khác.

Hoàng Lan - Trường Sơn

Bình Luận

Tin khác

Loạt giải pháp hàng không ứng phó với thiếu hụt tàu bay, giá vé tăng cao

Loạt giải pháp hàng không ứng phó với thiếu hụt tàu bay, giá vé tăng cao

(CLO) Nhằm phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân trước bối cảnh thiếu hụt đội tàu bay, các hãng hàng không Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp như kéo dài thời gian khai thác đội tàu bay, tăng cường bay đêm, khai thác tàu bay thân rộng,...

Giao thông
Sẽ có 2 trạm dừng nghỉ tạm thời trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Sẽ có 2 trạm dừng nghỉ tạm thời trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn

(CLO) Tin từ Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cho biết, cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn đang được triển khai xây dựng hai trạm dừng nghỉ tạm thời để phục vụ nhu cầu của người dân.

Giao thông
Còn 33 điểm ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội

Còn 33 điểm ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội

(CLO) Thống kê của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội, hiện trên địa bàn Thành phố có tổng số 33 điểm ùn tắc giao thông gồm 22 điểm chuyển tiếp từ năm 2023 và 11 điểm phát sinh.

Giao thông
Hà Nội: Xử lý gần 2.000 xe ba, bốn bánh tự chế vi phạm trật tự, an toàn giao thông

Hà Nội: Xử lý gần 2.000 xe ba, bốn bánh tự chế vi phạm trật tự, an toàn giao thông

(CLO) Qua một tháng cao điểm kiểm tra, xử lý xe ba, bốn bánh tự chế, không đảm bảo an toàn, chở hàng hóa cồng kềnh tại Hà Nội; lực lượng chức năng đã xử lý gần 2.000 trường hợp vi phạm và tạm giữ 540 phương tiện các loại.

Giao thông
Hàng không tăng cường khai thác các chuyến bay đi/đến Điện Biên

Hàng không tăng cường khai thác các chuyến bay đi/đến Điện Biên

(CLO) Các hãng hàng không Việt Nam đã có thông báo tăng cường tần suất các chuyến bay đi/đến đến cảng hàng không Điện Biên hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”

Giao thông