Hà Nội cấm xe máy vào nội đô:

Rất cần nhưng không thể vội!

Thứ năm, 14/03/2019 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Trước đề xuất của Giám đốc Sở GTVT thành phố Hà Nội về việc sẽ cấm xe máy vào nội thành, trước mắt sẽ thí điểm một số tuyến phố, rất nhiều ý kiến quan ngại đã được đưa ra, hầu hết đều nghiêng theo chiều hướng phản đối. Điều này đang thể hiện rõ việc chính sách loay hoay chạy theo thực tế.

 Chỉ cấm xe máy khi đủ điều kiện

Về việc này, nhiều ý kiến cho rằng, giao thông công cộng của Hà Nội còn chưa đáp ứng nhu cầu, do đó hạn chế xe máy sẽ gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết: Dừng xe máy tại một số quận vào năm 2030 là mục tiêu, nhưng để thực hiện được mục tiêu này chúng ta phải làm rất nhiều việc.

“Thành phố chỉ hạn chế hoạt động của xe máy khi đã có đủ các điều kiện cần thiết. Cụ thể là, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải hành khách công cộng phải phát triển đến một mức độ tương ứng nhằm mục tiêu cuối cùng là phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, cải thiện môi trường sống của thành phố.

Lộ trình mà chúng tôi đang xây dựng sẽ thực hiện hạn chế xe máy từng bước theo tuyến, theo khu vực. Những tuyến đường, khu vực nào đủ điều kiện về phát triển cơ sở hạ tầng, phương tiện vận tải hành khách công cộng đã đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân thì sẽ hạn chế hoạt động của xe máy. Thành phố Hà Nội phát triển vận tải hành khách công cộng đồng bộ với lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân” – ông Viện cho biết.

5b4726915d4_eaya

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho hay, dự kiến có thể một trong hai tuyến phố là Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi sẽ thí điểm đầu tiên việc hạn chế xe máy trong các quận nội thành của Hà Nội. Người dân có thể sử dụng xe buýt nhanh BRT tuyến Kim Mã - Yên Nghĩa, hoặc tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông.

Trong nghiên cứu, đề án cũng tính tới việc ở một thời điểm nào đó sẽ dừng việc đăng ký xe máy mới để nhân dân cân nhắc việc mua sắm phương tiện trên cơ sở lộ trình thành phố đã đặt ra. Việc này cũng sẽ được đưa ra lấy ý kiến của nhân dân.

Trước đó, UBND Hà Nội đã ký ban hành đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP. Hà Nội, giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030. Đề án này được thông qua tại kỳ họp thứ 4 của HĐND Hà Nội khóa XV vào tháng 7/2017.

Theo lộ trình từ nay đến năm 2030, thành phố sẽ tiến hành thống kê, phân loại theo khu vực (quận, huyện), niên hạn, chủng loại toàn bộ xe máy trên địa bàn.

Hà Nội tiến hành phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, dừng hoạt động đối với xe máy trên địa bàn các quận nội thành vào năm 2030.

Đối với ôtô, thành phố sẽ cấm hoạt động theo giờ, theo ngày trên một số tuyến phố. Ngoài ra, Hà Nội sẽ lập các khu vực cấm taxi hoạt động vào giờ cao điểm và toàn bộ thời gian trong ngày, các xe taxi ngoại tỉnh sẽ có quy định hoạt động riêng.

Lộ trình cấm xe máy vào năm 2030

Theo Sở GTVT TP. Hà Nội, lộ trình cụ thể để thực hiện đề án này gồm 3 giai đoạn: Giai đoạn 2017-2018: Tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý phương tiện tham gia giao thông và tăng cường công tác quản lý nhà nước về GTVT. 

Giai đoạn 2017-2020: Tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý số lượng, chất lượng phương tiện tham gia giao thông và phát triển vận tải hành khách công cộng. Áp dụng giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân theo ngày chẵn, lẻ đối với những khu vực, tuyến phố ùn tắc thường xuyên, nghiêm trọng.

Giai đoạn 2017-2030: Từng bước hạn chế hoạt động trên một số khu vực và thời gian, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đến năm 2030 dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận.

“Đủ xe buýt, tàu điện dân sẽ tự bỏ xe máy, không phải cấm”

Nhiều năm nay từng phản đối quyết liệt chủ trương cấm xe máy, TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông, vẫn giữ nguyên quan điểm này. Theo ông Thủy, cấm xe máy đến 2030 là không cấm được, khi phương tiện công cộng tốt lên người ta sẽ tự giảm dần xe máy.

Dẫn chứng các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Philippines người dân vẫn đi xe máy phổ biến và không cấm được xe máy, ông Thủy cho rằng, người dân có quyền đi phương tiện cá nhân nếu Nhà nước không đủ điều kiện đáp ứng các phương tiện thay thế.

Một bài học khác từ Yangon (Myanmar) mà Hà Nội cần cân nhắc, theo ông Thủy, khi chính quyền thành phố Yangon thực hiện lệnh cấm xe máy vào năm 2003, đến nay thành phố này đang rơi vào cơn “ác mộng” ôtô khi tắc nghẽn do lượng ôtô tăng nhanh đột biến. Và tới nay, Yangon lại đang tính tới việc xem xét cho phép xe máy trở lại hoạt động.

Tương tự Hà Nội với đà tăng ôtô như hiện nay, tới năm 2030, ôtô có thể tăng tới 2 – 3 triệu xe, tràn ngập đường phố, trở thành tác nhân chính gây ùn tắc và ô nhiễm, chứ không phải xe máy.

Nói cách khác, chuyên gia này cho rằng, vấn đề cần làm trước của Hà Nội là phát triển hệ thống giao thông công cộng đủ sức hút, để người dân tự động bỏ xe máy thay vì cấm bằng biện pháp hành chính.

Về lộ trình tới năm 2030, theo ông Thủy, khi đó Hà Nội mới chỉ có khoảng 3 tuyến đường sắt đô thị đi vào hoạt động, nếu tính cả xe buýt, mới đáp ứng được 20 - 30% nhu cầu đi lại của người dân. Chỉ khi giao thông công cộng thuận lợi, hạ tầng giao thông thông thoáng, đáp ứng được trên 40 - 45% nhu cầu người dân thì mới có thể dùng biện pháp hành chính như tăng phí, ngày chẵn ngày lẻ...

“Thành phố có thể dùng biện pháp hành chính để cấm xe máy, nhưng lưu ý phải chịu trách nhiệm trước quyết định của mình. Anh phải ký văn bản chịu trách nhiệm nếu cấm mà đời sống người dân nâng cao, thành phố giảm ùn tắc, làm tốt sẽ được tôn vinh, làm không hiệu quả phải chịu trách nhiệm”, ông Thủy nói.

Mạng lưới xe buýt Hà Nội sau 10 năm đã có 112 tuyến, tăng 51 tuyến sau 10 năm. đường dành riêng cho xe buýt chỉ được 16,07km. Sau 10 năm mở rộng thủ đô, chỉ tiêu diện tích đất dành cho giao thông tăng trưởng 0,28% đất đô thị/năm chỉ đạt 8,96% năm 2017. Sau hơn 10 năm, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên “sắp đi vào hoạt động” với tốc độ bình quân chỉ 35km/h. Nhưng cũng khoảng thời gian 10 năm, tốc độ gia tăng phương tiện giao thông cá nhân đạt kỷ lục 12 - 15% mỗi năm. Nếu 2008, Hà Nội có 2,2 triệu phương tiện cá nhân thì tới 2017, con số này đã là 6 triệu, tăng gấp gần 3 lần với 540 ngàn ôtô và 5,4 triệu xe máy.

27.000 phương tiện đăng ký mới mỗi tháng là một con số khủng khiếp. Nhưng sự khủng khiếp hay những kỷ lục ấy hoàn toàn logic với tốc độ tăng dân số 3%/năm, một tỷ lệ cũng khủng khiếp không kém. Theo nhận định của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, với tốc độ này, đến năm 2020 dân số Hà Nội ước tính sẽ có 10,5 triệu người, gần bằng dân số dự báo vào năm.... 2050. Những khủng khiếp, kỷ lục ấy thật ra lại là nhu cầu đi lại chính đáng của người dân. Phương tiện công cộng duy nhất là xe buýt, hiện chỉ đáp ứng khoảng 13,5% nhu cầu đi lại.

Giáo sư ĐH Twente (Hà Lan) Nguyễn Ngọc Quang tính toán: Với hệ số đi lại 2,3 chuyến đi/người/ngày, tổng số chuyến đi ở Hà Nội sẽ tăng chóng mặt, từ khoảng 20 triệu chuyến đi/ngày năm 2018 lên 30 triệu chuyến đi năm 2030. Liệu hệ thống xe buýt, với tốc độ tăng 64%/10 năm có thay thế nổi 5,4 triệu xe máy? Và 2 tuyến đường sắt đô thị, giả sử xong đúng hạn, có đáp ứng được hệ số đi lại dự báo lên tới 30 triệu mỗi ngày?

TS ĐH Fulbringt Huỳnh Thế Du từng viết: Đưa ra thông điệp cấm xe máy thì khả năng “đằng nào cũng thua” là rất cao. Bởi theo ông, nếu chính sách có hiệu lực thực sự, trong khi hệ thống GTCC không thể đáp ứng nhu cầu thì một phần lớn người dân đi xe máy hiện tại sẽ chuyển sang ôtô. Mà ôtô thì chiếm khoảng 12-15m2 khi ở trạng thái đỗ (gấp 10 lần xe máy) và 50-65m2 khi di chuyển ở tốc độ 30km/h (gấp 20 lần xe máy).

Khánh An

Tin khác

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn
Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

(NB&CL) Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay quá thấp so với mức chi tiêu cơ bản, mức sống thực tế của người dân và không phù hợp với sự biến động liên tục của mặt bằng giá. Điều này đã được giới chuyên gia cũng như báo chí lên tiếng khá nhiều nhưng cho tới nay, mức trừ gia cảnh vẫn không thay đổi...

Góc nhìn
Kiểm soát nguy cơ lạm dụng chính sách bảo hiểm xã hội để gian lận

Kiểm soát nguy cơ lạm dụng chính sách bảo hiểm xã hội để gian lận

(NB&CL) Theo dự kiến, dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (vào tháng 5/2024) tới đây. Đây là dự án Luật được đánh giá có tác động lớn đến đời sống của người dân cũng như đến các chủ trương, chính sách của Nhà nước, có nhiều nội dung phức tạp, chuyên môn sâu, mang tính xã hội cao. Trong đó, vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục có nhiều ý kiến khác nhau.

Góc nhìn