(NB-CL) Chắc có lẽ tin tức khiến nhiều người buồn nhất trong mấy ngày qua là tin tức về việc Hào Anh- cậu bé bị bạo hành đã bị công an huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) bắt giam 2 tháng nay vì liên quan đến một vụ trộm cắp tài sản.
Buồn nhưng không bất ngờ bởi con đường trượt dài của Hào Anh không phải mới chỉ bắt đầu từ hôm nay, từ khi em nhận được số tiền gần 900 triệu đồng mà các nhà hảo tâm quyên góp, cậu bé đã thay đổi. Dư luận xã hội “nổi sóng” khi cho rằng: Đồng tiền đã làm hỏng cậu bé, tình thương không đúng cách đã làm hỏng cậu bé. Nhiều bạn đọc trên mạng hối hận vì đã từng quyên góp tiền cho em, họ bảo giá số tiền đó được chuyển thành một suất học bổng kéo dài trong nhiều năm thì đời em đã khác.
Câu chuyện Hào Anh ăn cắp trước đây khiến nhiều người hoài nghi dù em đã được minh oan. Đến chuyện Hào Anh đập phá đồ đạc, đuổi cha mẹ ra khỏi nhà khiến dư luận ngỡ ngàng và tổn thương. Ngỡ ngàng vì khả năng “đốt tiền” của một cậu bé 18 tuổi. Nhiều người bị tổn thương vì số tiền họ bỏ ra, gửi gắm cả bao nhiêu tình thương tới cậu đã không được sử dụng một cách xứng đáng. Đến khi Hào Anh bị bắt vì ăn cắp, một bạn đọc thốt lên: “Tôi đã từng rất xúc động khi thấy Hào Anh bị đánh đập dã man và rất mừng khi biết Hào Anh được cả xã hội quan tâm đến, nhưng có lẽ tình thương của chúng ta đã đặt nhầm chỗ mất rồi”.
[caption id="attachment_25403" align="aligncenter" width="368"]
Hào Anh khi bị bạo hành và giờ đây là trại tạm giam.[/caption]
Làm từ thiện - chia sẻ với người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình là một hành động đẹp, cần khuyến khích trong bất cứ xã hội nào để cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Nhưng giúp bằng cách nào lại là cả một vấn đề. Giúp đỡ bằng tiền mặt - vật chất, có thể giải quyết nhanh vấn đề nhưng lại không giải quyết được những vấn đề trong tương lai, cái mà đối tượng cần hơn.
Nhiều người cho rằng, giúp đỡ Hào Anh một số tiền lớn, nhưng không ai dạy em cách tiêu tiền khiến cậu bé có tư tưởng hưởng thụ để bù đắp cho những ngày tháng thiếu thốn khó khăn. Hào Anh đã nhanh chóng tiêu hết số tiền mình được hưởng và vẫn chưa có một nghề gì ra hồn trong tay. Cậu vẫn thường xuyên phải ngửa tay xin tiền mẹ, và khi túng thiếu thì đi ăn cắp để rồi bị bắt giam.
Cái mà Hào Anh cần là sự chữa trị những tổn thương về tâm lý, được giáo dục, định hướng để vào đời thì lại không có. Theo TS Khuất Thị Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, quá trình hỗ trợ các trường hợp bị tổn thương về tâm lý như Hào Anh cần có quá trình dài, đủ để nhân vật được hỗ trợ ổn định cả thể chất và tâm lý. Ngoài ra, không phải chỉ hỗ trợ bằng tiền, các cơ quan chức năng cần phải hỗ trợ về phương kế sinh nhai, công việc để ổn định tương lai lâu dài... “Chúng ta đã giúp đỡ Hào Anh nhưng không tới nơi tới chốn. Nhiều đứa trẻ mới lớn, bình thường nếu không có công ăn việc làm, không được định hướng đúng còn dễ dính vào tệ nạn xã hội nữa là Hào Anh đã từng sống trong môi trường bạo lực, bị sang chấn tâm lý và không được học hành. Đáng ra cậu bé phải được quan tâm nhiều hơn về mặt tâm lý, tinh thần chứ không phải vật chất như vậy. Các nhà hảo tâm giúp đỡ về vật chất, họ không có lỗi. Trách nhiệm còn lại thuộc về các cơ quan chức năng. Đáng ra, các cơ quan này cần có các hình thức hỗ trợ phù hợp về giáo dục, việc làm, giải quyết vấn đề sang chấn tâm lý... Cần có hình thức hỗ trợ lâu dài chứ không phải đưa một cục tiền cho nạn nhân rồi muốn làm gì thì làm”, bà Hồng nói.
Nhiều kiến giải, nhiều phân tích, nhưng điều sâu xa hơn trong câu chuyện của Hào Anh mà dường như chúng ta quên: Cậu bé Hào Anh có được sống một cuộc sống đầy đủ tình yêu thương trong chính gia đình của mình không? Hôm nay, câu hỏi mà rất nhiều người đã đặt ra khi Hào Anh bước ra khỏi trại tôm 5 năm trước một lần nữa được đặt ra: Cha mẹ cậu bé đã ở đâu suốt chặng đời nhiều bi kịch của Hào Anh? Một người mẹ tốt thì đã không thiếu quan tâm đến mức không biết con mình bị bạo hành bao ngày tháng. Một người mẹ có lương tâm thì đã đón con về nhà thay vì giao phó cho trại bảo trợ xã hội. Các bạn có thể viện dẫn những hoàn cảnh riêng, những nỗi khổ tâm riêng. Nhưng chẳng có người mẹ có lương tâm nào mà lại bỏ hoang đứa con dứt ruột đẻ ra vì “hoàn cảnh riêng” vì “nỗi khổ tâm riêng”. Hình như cái bi kịch nhất của những đứa trẻ không phải là việc một mình cầu bơ cầu bất gầm cầu xó chợ hay...trại tôm, mà là việc chúng bị bỏ rơi ngay trong chính gia đình mình!❏
Khánh An