Kinh tế Việt Nam với ảnh hưởng của cuộc đối đầu thương mại Mỹ - Trung

Thứ sáu, 12/07/2019 07:30 AM - 0 Trả lời

(CLO) Việt Nam sẽ không nằm ngoài sự ảnh hưởng cuộc đối đầu thương mại giữa Mỹ - Trung, đây là nhận định của ông Nguyễn Thanh Hưng - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tại Diễn đàn “Đối đầu thương mại Mỹ - Trung và hiệp định thương mại tự do Việt Nam –EU” diễn ra chiều nay 11/7.

Các chuyên gia tham dự Diễn đàn “Đối đầu thương mại Mỹ - Trung và hiệp định thương mại tự do Việt Nam –EU” (Ảnh: Lương Minh)

Các chuyên gia tham dự Diễn đàn “Đối đầu thương mại Mỹ - Trung và hiệp định thương mại tự do Việt Nam –EU” (Ảnh: Lương Minh)

Cơ hội và rủi ro

Nhận định kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm, nhiều chuyên gia tham gia Diễn đàn cho biết, kinh tế 2 quý đầu năm đã có những nỗ lực đáng ghi nhận. Cụ thể kim ngạch xuất nhập khẩu từ Việt Nam sang Mỹ đã tăng đáng kể. Theo báo cáo của ngân hàng Thế giới cho thấy thặng dư thương mại của Việt Nam so với Mỹ trong Qúy 1 năm 2019 tăng lên tới 13,5 tỷ USD so với 7,5 USD cùng kỳ năm ngoái.

Một cơ hội khác cũng rất đáng chú ý là sự gia tăng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sang Việt Nam khi xuất khẩu từ Trung Quốc sang thị trường Mỹ trở nên khó khăn. Việc gia tăng hàng nhập khẩu này được đánh giá là sẽ giúp cho người tiêu dùng Việt Nam và các công ty Việt Nam có thể có nhiều lựa chọn hơn khi mua được hàng hóa tiêu dùng và nguyên liệu đầu vào.

Tuy nhiên, cũng tại Diễn đàn, theo nhận định của nhiều chuyên gia, mặc dù, cuộc đối đầu Mỹ - Trung đã vô hình trung mở ra những cơ hội nhất định cho nền kinh tế Việt Nam nhưng tiềm ẩn trong đó cũng không ít rủi ro và thách thức  khôn lường.

Đó là sự gia tăng đột biến của dòng vốn FDI vào Việt Nam trong khi cơ sở hạ tầng và chất lượng nguồn lao động trong nước chưa được đảm bảo. Sự quá tải này, sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam trong dài hạn nếu như Chính phủ không có cải thiện và điều chỉnh phù hợp.

Rủi ro thứ hai có thể nhắc đến là sự gia tăng nguy cơ gian lận thương mại về xuất sứ hàng hóa từ các công ty Trung Quốc tại Việt Nam và chênh lệch lớn trong thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ. Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ trở thành địa điểm chuyển tải của hàng hóa của Trung Quốc dưới hình thức tạm nhập tái xuất hoặc chế biến giả thông qua công ty nội địa hay FDI ở Việt Nam để lấy xuất xứ Việt Nam rồi xuất khẩu sang Mỹ nhằm tránh thuế trừng phạt. Như vậy, các công ty của Việt Nam sẽ mất uy tín trên thị trường thương mại. Đây sẽ là rủi ro vô cùng lớn đối với nền kinh tế Việt Nam.

Rủi ro thứ ba cũng được đề cập là việc di dời các cơ sở sản xuất có trụ sở tại Trung Quốc sang Việt Nam có thể tác động tiêu cực tới môi trường và an ninh xã hội. Các công ty Trung Quốc chuyển đến Việt Nam có thể khiến nước ta trở thành bãi rác công nghệ lạc hậu của Trung Quốc, gây ô nhiễm môi trường như nhà máy điện – than và các nhà máy luyện thép nếu Nhà nước không có sự kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt.

Không những vậy, chuỗi cung ứng toàn cầu của nhiều mặt hàng sẽ bị xáo trộn và ngưng trệ bởi những xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn trên thế giới cũng như sự gia tăng của chính sách bảo hộ của một số quốc gia. Theo đó, kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động kinh doanh trong nước và như vậy sẽ hạn chế sự đóng góp cho sự phát triển chung của kinh tế đất nước.

Cần lời giải cho nền kinh tế Việt

Đứng trước cuộc đối đầu thương mại Mỹ - Trung, nhiều chuyên gia kinh tế có những dự đoán khác nhau. Tuy nhiên, xét bối cảnh thực tế những rào cản về thuế quan trong xung đột thương mại giữa các quốc gia luôn là vấn đề đáng quan tâm hơn cả.

Theo đó, các công ty lớn sẽ phải xem xét điều chỉnh lại chuỗi cung ứng của mình để tránh những ảnh hưởng xấu nhất có thể xảy ra. Theo dự báo, nhiều công ty toàn cầu có khả năng sẽ điều chỉnh lại chuỗi cung ứng của mình khi tạm ngưng hoặc chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc để tránh mức thuế mới mà Mỹ áp đặt.

Về phía Việt Nam, Hiệp dịnh Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) mới được ký kết vào ngày 30/6/2019 được coi là một bước đi hết sức quan trọng trong tiến trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, Hiệp định này lại được ký kết trong bối cảnh kinh tế - thương mại toàn cầu đang đứng trước những thách thức lớn từ cuộc cạnh tranh chiến lược và tranh chấp thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Điều này đặt ra thách thức không hề nhỏ cho Việt Nam trước yêu cầu cải tổ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhằm thích ứng hơn với sự phát triển mạnh mẽ của toàn cầu hóa, kinh tế số và thương mại điện tử.

Đặc biệt, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU đã ghi nhận thương mại điện tử làm gia tăng cơ hội thương mại trong nhiều lĩnh vực, sẽ thúc đẩy phát triển thương mại điện tử giữa các bên và có các quy định cụ thể để thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử.

Trong ngắn hạn, xuất khẩu trực tuyến là một trong những kênh hiệu quả nhất để nhanh chóng tiếp cận tới mọi thị trường bao gồm cả những thị trường đang có tranh chấp thương mại. Trong dài hạn, xuất khẩu trực tuyến là xu hướng tất yếu, giúp mở rộng thị trường, giảm chi phí, tiếp cận trực tiếp tới người tiêu dùng để tăng trưởng kinh tế.

Theo đó, ông Nguyễn Thanh Hưng (Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam) thì bất luận cuộc đối đầu thương mại Mỹ - Trung có diễn ra thế nào, căng thẳng ra sao thì Việt Nam vẫn chịu ảnh hưởng nhất định. Và theo quan điểm của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam thì Việt Nam cần hết sức chủ động trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới. Phải coi trọng, đẩy mạnh công nghệ để đưa kinh tế thương mại, đặc biệt là xuất khẩu trực tuyến tăng trưởng. Trong giai đoạn này, công nghệ đang giữ vai trò hết sức quan trọng cho sự phát triển của kinh tế Việt Nam.

Ngoài ra, Việt Nam cần tiếp tục duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định chính trị vì đây là những yếu tố then chốt để các nhà đầu tư quan tâm đầu tư hơn cả. Đặc biệt, trong xu thế hiện nay, muốn thu hút được các nhà đầu tư lớn, Việt Nam vẫn cần hoàn thiện trong việc minh bạch hóa nền kinh tế, tăng cường độ mở của nền kinh tế trong nước và quốc tế cũng như tăng cường đàm phán, nhất là đối tác lớn như Mỹ, Nhật Bản...

Theo nhận định, Chính phủ và các công ty Việt Nam vẫn cần cập nhật, phân tích, dự báo để đưa ra các kịch bản ứng phó kịp thời, ngăn ngừa các rủi ro như diễn biến khó lường từ cuộc đối đầu thương mại Mỹ - Trung đưa lại.

Lương Minh

Tin khác

Bộ Công Thương có chỉ đạo khẩn yêu cầu thực hiện nghiêm quy định hóa đơn điện tử khi bán xăng

Bộ Công Thương có chỉ đạo khẩn yêu cầu thực hiện nghiêm quy định hóa đơn điện tử khi bán xăng

(CLO) Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa có công điện hỏa tốc, yêu cầu lực lượng quản lý thị trường cả nước thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.

Thị trường - Doanh nghiệp
Khánh Hòa xin thu hồi gần 3.000ha đất để xây 2 khu đô thị cao cấp

Khánh Hòa xin thu hồi gần 3.000ha đất để xây 2 khu đô thị cao cấp

(CLO) Ngày 28/3, HĐND tỉnh Khánh Hòa đã thông qua 2 nghị quyết về danh mục các dự án cần thu hồi đất và danh mục dự án thu hồi đất để chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong đó có việc thu hồi đất cho 2 dự án khu đô thị cao cấp Tu Bông và Đầm Môn.

Bất động sản
TP HCM: Nâng cao chất lượng hoạt động của cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất để phát triển du lịch

TP HCM: Nâng cao chất lượng hoạt động của cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất để phát triển du lịch

(CLO) Văn phòng UBND TPHCM vừa có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi về các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tại cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất nhằm phát triển ngành du lịch của thành phố.

Thị trường - Doanh nghiệp
Vietnam Airlines cung ứng hơn nửa triệu ghế dịp 30/4-1/5

Vietnam Airlines cung ứng hơn nửa triệu ghế dịp 30/4-1/5

(CLO) Nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch dịp nghỉ lễ 30/4, Vietnam Airlines sẽ cung ứng gần 560.000 ghế, tương ứng hơn 2.800 chuyến bay trên toàn mạng nội địa và quốc tế trong giai đoạn từ ngày 26/4 đến 2/5.

Thị trường - Doanh nghiệp
Chứng khoán 28/3: Nhà đầu tư tranh mua Techcombank

Chứng khoán 28/3: Nhà đầu tư tranh mua Techcombank

(CLO) Trong phiên chứng khoán 28/3, cổ phiếu TCB của Techcombank trở thành tâm điểm khi được nhà đầu tư tranh nhau mua vào.

Tài chính - Bảo hiểm