Kỷ niệm 75 năm cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9:

15 năm kỳ công cho cách mạng mùa Thu

Thứ năm, 13/08/2020 10:22 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Một Việt Nam, qua bao nhiêu năm dưới ách nô lệ, vùng lên tiến hành thành công Cách mạng tháng Tám 1945, lật đổ ách thống trị của phát xít Nhật, xóa bỏ chế độ quân chủ lỗi thời, giành quyền độc lập dân tộc, thành lập Nhà nước DCCH, thực sự là kỳ tích đáng nể phục với bạn bè quốc tế.

Nhưng, để có được kỳ tích ấy, là sự nỗ lực phi thường, là sự hợp trí, hợp sức, đồng tâm, đồng lòng của hàng triệu con tim yêu nước.

Nếu không có chuẩn bị thì thời cơ sẽ không đến 

Chọn mốc 15 năm bởi ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời thì 15 năm sau, năm 1945, khát vọng giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam đã trở thành hiện thực khi cách mạng tháng Tám thành công. Và để có được kỳ tích, như nhìn nhận của Giáo sư, Tiến sỹ Mạch Quang Thắng: “Để đi đến Cách mạng tháng Tám, chúng ta đã chuẩn bị rất kỳ công, chuẩn bị cả đường lối, sự ra đời của Đảng năm 1930, của cả tổng diễn tập 1930-1931, cao trào cách mạng Xô Viết - Nghệ Tĩnh, chuẩn bị cả khôi phục năm 1931-1935, chuẩn bị cả cao trào 1936-1939 và đặc biệt 1939-1945. Chuẩn bị chớp thời cơ, nắm tình thế cách mạng, chuẩn bị chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, chuẩn bị các mặt, phát động phong trào, kết hợp sức mạnh dân tộc, sức mạnh  quốc tế”. Nhà báo lão thành Hà Đăng - nguyên Trưởng ban Tư tưởng văn hóa T.Ư cũng cho rằng nếu không có sự chuẩn bị 15 năm, thành lập Đảng 1930 rồi tích cực nhất là những năm 1941-1945, công tác kiên trì giáo dục rồi chuẩn bị vũ trang, lập căn cứ địa, tiến lên từng bước, nếu không có chuẩn bị thì thời cơ sẽ không đến.

15 nam ky cong cho cach mang mua thu hinh 1

Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo ở châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy, đóng vai trò nòng cốt, quyết định sự thành công của Cách mạng Tháng Tám.

Mau lẹ chuyển hướng chỉ đạo chiến lược

Khâu chuẩn bị trước tiên và quan trọng nhất là chủ trương, đường lối. Một điều nhà nhiều sử gia sau này ngợi ca là việc Đảng ta thích ứng và chuyển hướng rất mau lẹ theo diễn biến thời cuộc. Năm 1939, chiến tranh thế giới lần thứ 2 bùng nổ, căn cứ vào sự thay đổi tình hình thế giới và trong nước, liên tiếp trong ba hội nghị: lần thứ Sáu (11/1939), lần thứ Bảy (11/1940), và đặc biệt là Hội nghị lần thứ Tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (5/1941), Đảng ta chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, theo đó đặt nhiệm vụ chống đế quốc và Việt gian tay sai để giải phóng dân tộc lên hàng đầu, tạm gác khẩu hiệu “Cách mạng ruộng đất”: “Nhiệm vụ giải phóng dân tộc, giành độc lập cho đất nước là một nhiệm vụ trước tiên của Đảng ta và của cách mạng Đông Dương” - Hội nghị lần thứ Tám Ban Chấp hành Trung ương khẳng định.

Trong Nghị quyết Ban Thường vụ Trung ương Đảng (2/1943), chủ trương nêu cao nhiệm vụ giải phóng dân tộc được Đảng tiếp tục khẳng định: “Lúc này, nhiệm vụ dân tộc giải phóng cần kíp và quan trọng hơn. Nên Đảng phải thống nhất mọi lực lượng cách mạng đặng mau hoàn thành nhiệm vụ ấy trước... Do đó khẩu hiệu thổ địa cách mạng không thể đề ra lúc này”.

Chủ động, tích cực, nhanh chóng tập trung xây dựng lực lượng

Khi chủ trương, đường lối đã được chuẩn bị, hoạch định rõ ràng, bước tiếp theo của quá trình chuẩn bị là xây dựng lực lượng chính trị. Nhìn thấu thực tế thời cuộc, Đảng ta ngay thời điểm đó đã xác định việc này phải làm ngay, làm nhanh.

Cũng bởi nhận diện rõ cục diện thời cuộc, ngay thời điểm đó, Đảng đã xác định lực lượng chính trị quần chúng đóng một vai trò quan trọng cho sự thành công của cách mạng tháng Tám. Nỗ lực tạo dựng hệ thống tổ chức cơ sở Đảng ở khắp các địa phương trên cả nước; xây dựng khối liên minh công - nông thời kỳ 1930-1931, việc thành lập Mặt trận Việt Minh năm 1941… chính là những phương cách Đảng tạo dựng lực lượng chính trị cho mình.

Và thực tế, cao trào cách mạng 1930 – 1931, cao trào dân chủ 1936 - 1939, cuộc vận động giải phóng dân tộc 1939 – 1945 mà lực lượng quần chúng là nòng cốt được xem là 3 cuộc diễn tập cho Cách mạng Tháng Tám. Thông qua từng cao trào cách mạng cụ thể, Đảng ta đã tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, giai cấp, tạo dựng lực lượng cách mạng, tích cực chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa.

Sau chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” ngày 12/3/1945, việc Đảng lãnh đạo quần chúng tiến hành khởi nghĩa từng phần, làn sóng khởi nghĩa phát triển mau lẹ, kịp thời và dâng lên gần như đồng thời ở nhiều nơi... được xem là dịp để quần chúng nhân dân tổng diễn tập lại lần cuối, sẵn sàng mọi mặt cho cuộc cách mạng sẽ dễ ra trong mấy tháng tới.

15 nam ky cong cho cach mang mua thu hinh 2

Ngày 1/6/1945, tổ chức Thanh niên Tiền phong ra đời ở Nam Bộ. Đây là phong trào thanh niên hoạt động theo định hướng của Đảng, có vai trò tích cực trong quá trình vận động, tập hợp lực lượng thanh niên chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. 

Sự góp mặt của lực lượng chính trị quần chúng đã làm nên Xô Viết Nghệ Tĩnh, làm nên cuộc mít tinh hơn 2 vạn người tại nhà Đấu Xảo - Hà Nội… khiến quân địch điêu đứng, tạo tiền đề vững chắc cho cách mạng tháng Tám sau này. Đó chính là lý do mà cuộc cách mạng mùa Thu năm 1945 còn được gọi bằng một cái tên khác “là cuộc cách mạng của nhân dân”. Nói như nhà báo, Tiến sĩ Nhị Lê: “Bắc - Trung - Nam khắp 3 miền, toàn dân khởi nghĩa, chính quyền về tay. Sức mạnh của lòng dân là sức mạnh vô địch. Hơn 600 năm trước Nguyễn Trãi có nói “Làm lật thuyền mới biết sức dân mạnh như nước”. Hơn 500 năm sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nói “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong vũ trụ không gì bằng sức mạnh của nhân dân”. Đây là cuộc cách mạng của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và chính đó là cội nguồn của cách mạng tháng Tám”.

 Để giành được chính quyền cách mạng, bên cạnh lực lượng quần chúng, Đảng luôn có chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang và coi đây là lực lượng nòng cốt, là yếu tố mang tính quyết định trong sự thành công của cách mạng tháng Tám. Từ những nhân tố vũ trang nhỏ lẻ ban đầu, Đảng đã từng bước xây dựng các đội du kích, tiền thân của lực lượng vũ trang trực tiếp tham gia chiến đấu giành chính quyền trong những ngày Tổng khởi nghĩa sau này. Ngày 16-10/1940, đơn vị du kích Bắc Sơn đầu tiên được tổ chức gồm 20 chiến sĩ, trang bị một số súng trường, súng kíp, dao găm. Ngay sau khi được tổ chức, đội du kích đã tiến hành vũ trang tuyên truyền trong nhân dân chống địch khủng bố, trừng trị bọn tay sai phản động. Một thời gian sau đó, ngày 14/2/1941, Ðội du kích Bắc Sơn được tái lập tại một địa điểm thuộc khu rừng Khuổi Nọi, xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn.

Từ cuối năm 1941, nhiều nơi trong cả nước thành lập đội vũ trang cách mạng. Tại Hội nghị Trung ương 8 (5/1941) Trung ương Đảng ra nghị quyết thành lập các đội tự vệ cứu quốc, tự vệ chiến đấu (tổ du kích) làm cơ sở cho đấu tranh ở địa phương, cũng như Tổng khởi nghĩa trên phạm vi cả nước. Tháng 12/1941, Hồ Chí Minh thành lập đội vũ trang tập trung của tỉnh Cao Bằng (đội du kích Pác Bó). Ðến tháng 6/1943, Ðội du kích Pác Bó đã tiến hành xây dựng được ba đội vũ trang châu, một số đội vũ trang ở tổng, đội tự vệ chiến đấu ở xã và tổ chức được hai lớp huấn luyện cán bộ.

 Đặc biệt dấu ấn quan trọng mang tính quyết định là việc ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thành lập. Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ra đời là sự kiện lịch sử quan trọng trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền ở nước ta, đánh dấu bước khởi đầu công cuộc xây dựng và phát triển quân đội cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Ngay sau khi ra đời, đội quân chủ lực đầu tiên của cách mạng đã đánh thắng liên tiếp hai trận ở Phai Khắt (ngày 25/12/1944) và Nà Ngần (ngày 26/12/1944) thuộc tỉnh Cao Bằng. 

Lực lượng này cộng với việc tạo dựng được hàng loạt căn cứ địa cách mạng liên hoàn nối liền Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Hà Giang, Bắc Giang, Vĩnh Yên… thực sự đã là những nơi trọng yếu chỉ đạo quá trình xây dựng, phát triển lực lượng cách mạng, là những trung tâm đầu não lãnh đạo lực lượng khởi nghĩa trên phạm vi toàn quốc.

Hà Anh

Tin khác

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc cho loạt dự án hạ tầng giao thông tại Bình Dương

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc cho loạt dự án hạ tầng giao thông tại Bình Dương

(CLO) Văn phòng Chính phủ cho biết, cơ quan này vừa ban hành văn bản 175/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp với lãnh đạo tỉnh Bình Dương về tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc cho các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm tại tỉnh này.

Tin tức
Điều tra, xác minh, xử lý triệt để các hành vi khai thác IUU, không có trường hợp ngoại lệ

Điều tra, xác minh, xử lý triệt để các hành vi khai thác IUU, không có trường hợp ngoại lệ

(CLO) Chính phủ sẽ chỉ đạo điều tra, xác minh, xử lý triệt để các hành vi khai thác IUU, không có trường hợp ngoại lệ; kiên quyết ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Tin tức
Các địa phương cần ưu tiên bố trí biên chế và tuyển dụng giáo viên mầm non

Các địa phương cần ưu tiên bố trí biên chế và tuyển dụng giáo viên mầm non

(CLO) Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ưu tiên bố trí biên chế và tuyển dụng giáo viên mầm non theo quy định để đảm bảo an toàn cho trẻ em và chất lượng giáo dục mầm non.

Tin tức
Thương mại song phương Việt Nam - Lào đạt hơn 476 triệu USD trong quý I năm 2024

Thương mại song phương Việt Nam - Lào đạt hơn 476 triệu USD trong quý I năm 2024

(CLO) Thương mại song phương Việt Nam - Lào trong quý I năm 2024 đạt 476,8 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ 2023. Việt Nam hiện có 245 dự án đầu tư tại Lào với tổng vốn đăng ký 5,5 tỷ USD, tiếp tục duy trì vị trí thứ 3 trong số các quốc gia/vùng lãnh thổ đầu tư vào Lào.

Tin tức
Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương điều tra, làm rõ vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng tại Yên Bái

Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương điều tra, làm rõ vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng tại Yên Bái

(CLO) Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Yên Bái chỉ đạo lực lượng chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng trong quá trình sửa chữa dây chuyền nghiền đá ở Nhà máy xi măng thuộc Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật (nếu có).

Tin tức