Kỷ niệm lưu giữ trong đời làm báo với Vị Danh Tướng Huyền Thoại

Thứ sáu, 03/04/2015 09:02 AM - 0 Trả lời

Kỷ niệm lưu giữ trong đời làm báo với Vị Danh Tướng Huyền Thoại

(NB&CL) - Sự ra đi của vị Đại tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp – người Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, một trong những bậc khai quốc công thần cuối cùng của thời đại Hồ Chí Minh – đã để lại niềm tiếc thương vô hạn cho toàn Đảng, toàn dân và bạn bè quốc tế. Với lòng kính trọng và ngưỡng mộ vị danh tướng Tài Đức vẹn toàn, phẩm giá Võ Nguyên Giáp đã ghi vào lịch sử dân tộc Việt Nam thêm một trang vàng lẫm liệt. Những dòng người bất tận tiễn biệt Đại tướng trong ngày Quốc tang, tình cảm đặc biệt của đồng bào cả nước đã trở thành minh chứng hùng hồn cho khí phách của dân tộc Việt Nam trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Được thế giới tôn vinh là bậc danh tướng của mọi thời đại, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra đời từ Nhân dân – được nhân dân suy tôn là vị Anh hùng dân tộc – trở thành niềm tự hào và sống mãi trong LÒNG DÂN đất Việt.

Báo Công luận

Đại tướng đọc bài báo viết về Đại tướng đăng trên Báo NB&CL nhân dịp Mừng thọ Đại tướng tròn 90 tuổi.

 Báo Công luận

Tác giả với Đại tướng tại Ba Son.

Với tất cả những ai đã từng có những năm tháng là người lính đứng trong hàng ngũ của Quân đội nhân dân Việt Nam – từ trước tới nay – đều một lòng một dạ kính trọng và tôn thờ vị Đại tướng, người Anh cả của mình. Dù trong say sưa của chiến thắng hay trước những bế tắc truân chuyên của thế sự, hết thảy ai cũng đều hướng về Đại tướng với tất cả một niềm tin trọn vẹn, vững bền.

Đối với riêng tôi trong cuộc đời làm báo, 20 năm sống trong quân ngũ và sau đó chuyển ngành ra công tác cho đến tận bây giờ, tôi có chút đỗi tự hào bởi đã từng có nhiều dịp được gặp gỡ và trò chuyện với vị danh tướng huyền thoại của dân tộc. Từ năm 2001 đến khi Đại tướng phải nằm dưỡng bệnh, hầu như dịp sinh nhật nào tôi cũng có mặt đến Mừng thọ Đại tướng. Nhưng đặc biệt có hai kỷ niệm sâu sắc đã ghi tạc và lưu giữ trong suốt cuộc đời làm báo của tôi...

***

Kỷ niệm thứ nhất:

Đầu năm 1990, từ Tòa soạn Báo QĐND tại Hà Nội tôi được điều động vào làm phóng viên thường trú của Ban đại diện Báo Quân đội nhân dân tại TP. Hồ Chí Minh. Ở Tòa soạn Hà Nội tôi là P.V của Phòng Quân sự, được phân công chuyên trách theo dõi lĩnh vực hậu cần quân đội và kinh tế quốc phòng. Thời kỳ này chủ trương xây dựng quân đội theo hướng kết hợp kinh tế với quốc phòng hay chỉ xây dựng quân đội theo hướng tinh nhuệ - chính quy hiện đại – đang còn có quan điểm khác nhau. Trên cơ sở tư tưởng chỉ đạo của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Ban biên tập Báo QĐND đã triển khai một kế hoạch tuyên truyền để khẳng định đường lối kết hợp kinh tế với quốc phòng trong việc xây dựng quân đội thời bình là một chủ trương đúng đắn. Điều này tôi đã được Trưởng phòng Quân sự - Đại tá Vương Sĩ Đình – gợi ý và quán triệt. Trước lúc lên đường chuyển vào TP. Hồ Chí Minh, tôi đến chào Thiếu tướng – Tổng biên tập Trần Công Mân. Ông đã căn dặn tôi rằng: Hãy nghiên cứu kỹ các đơn vị quân đội tham gia làm kinh tế ở phía Nam để phát hiện nhân tố có sức thuyết phục trong việc thực hiện chủ trương kết hợp kinh tế với quốc phòng để tuyên truyền, cổ vũ trên Báo QĐND.

Vào công tác ở TP. Hồ Chí Minh, tôi đã đi thực tế tới hàng loạt các đơn vị quân đội tham gia làm kinh tế ở địa bàn phía Nam. Trong một lần tháp tùng Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng – Đại Tướng Lê Đức Anh – thăm Nhà máy Ba Son, sau khi nghe Ban giám đốc báo cáo với Bộ trưởng về kết quả hoạt động tôi đã vô cùng mừng rỡ bởi đây chính là nhân tố thực tiễn mà tôi đang kiếm tìm. Suốt hơn một tháng trời sau đó tôi đã miệt mài nghiên cứu, tìm hiểu Ba Son. Tổng giám đốc – Đại tá Ngô Long Minh – một người thấu hiểu rõ tâm tư và nhiệm vụ của tôi nên đã ủng hộ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho tôi tác nghiệp. Tôi đã đến tất cả các phân xưởng, gặp từng cán bộ chỉ huy và đội ngũ thợ đang ngày đêm miệt mài lao động xây dựng Ba Son. Nhà máy Ba Son vốn là một cái nôi giàu truyền thống cách mạng. Truyền thống này đang được những người lính thợ Ba Son phát huy khí phách trong thời bình.

Sau khi có đủ tư liệu, tôi đã dành gần cả tháng trời để hoàn thiện loạt bài “Gương mặt Ba Son trên con đường đổi mới” gồm 3 kỳ để khẳng định một đường lối: Trong sự nghiệp xây dựng Quân đội thời bình, việc kết hợp kinh tế với quốc phòng là một hướng đi đúng đắn và điều đó đã được minh chứng từ thực tiễn hoạt động rất hiệu quả của mô hình Ba Son.

Trước khi hoàn thiện lần cuối, bản thảo loạt bài Ba Son tôi đã chuyển cho Tổng giám đốc Ngô Long Minh và lãnh đạo một số phân xưởng thẩm định, tham gia góp ý, sửa chữa để bảo đảm tính chân thực.

Thật thú vị và rất tình cờ, đúng dịp này Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân lại đến thăm Ba Son. Tổng giám đốc Ngô Long Minh đã mang bản thảo của tôi cho Đại tướng xem và xin ý kiến. Đại tướng đã đọc rất kỹ và yêu cầu Tổng giám đốc Ngô Long Minh gọi tôi tới để chỉnh sửa lại loạt bài báo này. Tới gặp Đại tướng tôi đã vô cùng hồi hộp. Với giọng nói hiền từ và ấm áp, Đại tướng hoan nghênh Báo QĐND và khẳng định việc kết hợp kinh tế với quốc phòng là một chủ trương đúng đắn của Quân đội ta trong thời bình và Ba Son là một thực tiễn sinh động mà Báo QĐND cần phải cổ vũ tuyên truyền và nhân rộng điển hình trong thời kỳ mới. Và sau đó, thật bất ngờ khi Đại tướng bảo tôi cùng Tổng giám đốc Ngô Long Minh dời phòng khách, ra sân để chụp ảnh kỷ niệm với Đại tướng ngay tại Ba Son này (Ảnh trên). Từ đó tới nay đã hơn 20 năm, trong phòng khách của gia đình tôi, bức ảnh chụp kỷ niệm với Đại tướng bao giờ cũng được treo ở vị trí trang trọng nhất.

Loạt bài “Gương mặt Ba Son trên con đường đổi mới” gồm 3 kỳ (kỳ I: Tạo động lực giải phóng sức sản xuất bằng cơ chế trao quyền tự chủ cho người lao động; kỳ II: Lời giải cho bài toán làm gì để tạo đủ việc làm và ổn định đời sống của người lao động; kỳ III: Phát huy tiềm năng, tổ chức xuất khẩu tại chỗ, nâng cao hiệu quả kinh doanh, duy trì và phát triển tiềm lực quốc phòng) với Lời đề dẫn của Tòa soạn: “Là một đơn vị sản xuất quốc phòng, khi chuyển sang cơ chế hạch toán kinh doanh XHCN, nhà máy Ba Son đã thực sự lao vào một cuộc chiến quyết liệt. Bằng ý thức tự chủ và sức năng động, nhà máy Ba Son đã vận dụng một cách sáng tạo nguồn động lực mạnh mẽ giải phóng sức sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh doanh, giải đáp có sức thuyết phục bài toán LÀM GÌ ĐỂ TẠO ĐỦ VIỆC LÀM VÀ ỔN ĐỊNH ĐỜI SỐNG CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG; đồng thời thực hiện có hiệu quả chủ trương KẾT HỢP KINH TẾ VỚI QUỐC PHÒNG. Thực tiễn ở Ba Son đang chứng minh một cách khá sinh động cho việc cụ thể hóa đường lối đổi mới kinh tế của Đảng” đã được đăng trên Báo QĐND ra các ngày 16, 17 và 19/7 năm 1991. Đài phát thanh Tiếng nói nhân dân TP. Hồ Chí Minh sau đó đã phát nguyên văn loạt bài này trên làn sóng của Đài.

Kỷ niệm thứ 2:

Thời kỳ 1992 – 1993 tuy tôi đang là Phóng viên của Báo Quân đội Nhân dân nhưng trong quan hệ hoạt động báo chí tôi được biết: Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Trần Đình Hoan đang đau đáu ấp ủ sự cần thiết phải ra đời một tờ báo của ngành để làm công cụ tuyên truyền đường lối, chủ trương, hoạch định chính sách và tiếp thu phản hồi từ thực tiễn cuộc sống để chính sách được hoạch định ngày một thêm hoàn thiện. Lúc đó Bộ LĐ-TB&XH mới chỉ có một tờ Tạp chí chuyên sâu về công tác nghiên cứu nên không thể phổ biến được sâu rộng các mặt công tác của ngành. Ý tưởng xuất bản 1 tờ Tuần báo của ông đã được phổ biến, truyền đạt trong lãnh đạo và toàn cơ quan Bộ. Đích thân ông đã khuyến khích, cổ vũ một số cán bộ trong cơ quan xây dựng Đề án thành lập tờ báo của ngành. Và ông đã tuyên bố rộng rãi với anh em làm công tác báo chí trong ngành với tinh thần: Nếu ai trình Đề án thành lập tờ Tuần báo của ngành LĐ-TB&XH được Bộ phê chuẩn thì sẽ giao phó làm Tổng biên tập. Với ý chí quyết tâm, sự đam mê và khát khao chinh phục lĩnh vực mới, từ Tết năm 1992, tôi đã dành tất cả tâm sức cho việc nghiên cứu, thực hành và soạn thảo Đề án xuất bản tờ Tuần báo này. Ngày 1/10/1992, Đề án “Thành lập tờ Tuần báo của ngành LĐ-TB&XH” đã chính thức được hoàn thiện và trình lên Bộ Trưởng Trần Đình Hoan.

Do đã nghiên cứu rất kỹ về chức năng, nhiệm vụ của Bộ LĐ-TB&XH cũng như đời sống báo chí thời kỳ đó nên Đề án đã nhanh chóng được Bộ trưởng Trần Đình Hoan tiếp nhận và phê chuẩn. Cuối năm 1992, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 1993 của ngành LĐ-TB&XH, một nội dung mới được chính thức đưa vào nghị quyết: Năm 1993 xuất bản tờ Tuần báo của ngành! Ngày 7/6/1993, Bộ trưởng Trần Đình Hoan đã chính thức ký Quyết định thành lập Báo Lao động & Xã hội. Đến ngày 21/6/1993 – đúng ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam – Bộ trưởng Trần Đình Hoan đã triệu tập họp với BBT và một số cán bộ chủ chốt, chính thức giao nhiệm vụ xuất bản tờ Tuần báo của Bộ LĐ-TB&XH. Với tư cách là người chủ trì soạn thảo Đề án sáng lập tờ báo, Bộ LĐ-TB&XH đã tiếp nhận tôi từ Báo QĐND về công tác tại Bộ.

Không thể nói hết một khối lượng công việc chồng chất và gay cấn trong cái khoảng thời gian ngắn ngủi mấy tháng trời của thời kỳ đó. Nhưng tất cả những gian nan, vất vả ấy đã tan biến chỉ sau 2 tháng được lãnh đạo Bộ chính thức giao nhiệm vụ. Đúng ngày 25/8/1993, số báo đầu tiên chính thức đã ra đời và được phát hành rộng rãi trên toàn quốc. Tờ Lao động & Xã hội ra đời là sự kiện rất có ý nghĩa, đánh dấu sự hiện diện của một gương mặt mới trong đội hình báo chí nước nhà, đồng thời là Cơ quan ngôn luận hữu hiệu của Bộ, Ngành LĐ-TB&XH. Nhưng có một chi tiết rất quan trọng khiến những ai quan tâm đều đặt ra một câu hỏi: Vì sao những người đặt nền móng cho sự ra đời của tờ báo lại chọn ngày 25/8 là ngày khai sinh? Sự thể như sau: Đó là vào cuối tháng 7, đầu tháng 8 năm 1993, mọi tiến trình chuẩn bị cho sự ra đời của tờ báo đã hoàn tất. Ấy là lúc phải chọn cho Báo một thời điểm đẹp để làm ngày chào đời. Ban biên tập đầu tiên của Báo có Anh hùng Trịnh Tố Tâm, anh Kim Quốc Hoa và tôi đều xuất thân từ quân ngũ. Để lưu giữ một kỉ niệm đẹp đẽ và hào hùng, tôi đã trình phương án lên Bộ trưởng Trần Đình Hoan và Thứ trưởng Trịnh Tố Tâm xin phép chọn ngày 25/8 – ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, làm ngày thành lập. Sáng kiến này ngay lập tức nhận được sự ủng hộ của Lãnh đạo Bộ. Vì lẽ đó, Báo Lao động & Xã hội đã có một ngày sinh hết sức có ý nghĩa. Và đối với riêng tôi, đó là một kỷ niệm thiêng liêng nhất trong cuộc đời làm báo gắn với tên tuổi vị danh tướng của Việt Nam – Đại tướng Võ Nguyên Giáp...

***

Từ trong nước tới các bè bạn năm châu, đã có hàng ngàn, hàng vạn và sẽ còn nối tiếp những bài viết ca ngợi vị Đại tướng huyền thoại của dân tộc Việt Nam. Từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở thành một Tượng đài vĩ đại và mãi mãi trường tồn cùng non sông đất nước Việt Nam ta. Không có sự vinh danh hay Huân chương cao quý nào có thể sánh với tầm vóc vĩ đại của bậc danh tướng tài đức vẹn toàn này. Lịch sử có thể thăng trầm nhưng phẩm giá cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì vẫn mãi mãi trường tồn trong lòng mọi thế hệ người dân Việt Nam và bạn bè yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Ngay từ lúc chưa vĩnh biệt đi xa, vị Đại tướng của Nhân dân đã được LÒNG DÂN suy tôn là bậc Thánh nhân của Đất Việt. Và với riêng tôi, dù chỉ là chút kỷ niệm rất nhỏ với Đại tướng nhưng cũng đủ thấy sự thiêng liêng vô giá trong cuộc đời làm báo của mình.

Hà Nội: Đêm 13 tháng 10 năm 2013 Đêm 22 tháng 12 năm 2013.

NGỌC NIÊN

Tin khác

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

(NB&CL) Ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ được khai mở, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Thực hiện chỉ thị của Người, ngay từ cuối năm 1953, công tác chuẩn bị cho chiến dịch được ráo riết tiến hành với quyết tâm cao độ và tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Góc nhìn
Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn