60 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 - 23/10/2021):

Kỳ tích huyền thoại của những con tàu không số bí ẩn

Thứ bảy, 23/10/2021 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Cách đây tròn 6 thập kỷ, con đường huyền thoại - Đường Hồ Chí Minh trên biển với những chiến công hiển hách của lực lượng Hải quân và nhân dân các tỉnh duyên hải nơi tuyến đường đi qua, đã đi vào lịch sử dân tộc như một kỳ tích của thế kỷ 20.

Những con tàu không số bí ẩn với những biến hóa khôn lường đã khiến cho giới chức quân sự Hoa Kỳ và chính quyền Cộng hòa miền Nam Việt Nam nhiều phen khốn đốn.

Từ tầm nhìn chiến lược của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trong rất nhiều cuộc hội thảo về con đường huyền thoại này, mới đây nhất là cuộc khoa học cấp Bộ Quốc phòng: “Đường Hồ Chí Minh trên biển - Kỳ tích lịch sử và bài học đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc” vừa được tổ chức tại Hải Phòng ngày 19/10, phần đa các nhà nghiên cứu đều đồng nhất với nhận định rằng Đường Hồ Chí Minh trên biển là một sáng tạo chiến lược của Đảng ta về chiến tranh nhân dân trong thời đại Hồ Chí Minh. “Đường Hồ Chí Minh trên biển là một trong những phát kiến xuất sắc của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh” - Thượng tướng Lê Huy Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định tại hội thảo.

ky tich huyen thoai cua nhung con tau khong so bi an hinh 1

Tàu không số vận chuyển hàng hóa, vũ khí trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển. Ảnh: Tư liệu

Nói là tầm nhìn chiến lược và phát kiến xuất sắc là bởi, cùng với tuyến đường Hồ Chí Minh trên bộ, đường Hồ Chí Minh trên biển ra đời đúng vào thời điểm khó khăn, gian khổ, ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Cũng chính trong thời điểm cam go ấy, đầu năm 1961, Thường trực Quân ủy Trung ương đã xác định: “Muốn đẩy mạnh cách mạng miền Nam tiến lên giành thắng lợi quyết định cần phải kiên quyết chi viện cho miền Nam những thứ mà chiến tranh cần thiết...”. Chi viện bằng cách nào? Đảng ta xác định rõ: nhiệm vụ vận tải đường biển chi viện cho Cách mạng miền Nam là nhiệm vụ chiến lược, có tính lâu dài.

Từ sự xác định ấy, ngày 23/10/1961, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Đoàn vận tải quân sự 759 với mật danh “Đoàn tàu không số” - dấu mốc khởi đầu cho sự hình thành của tuyến vận tải chiến lược - Đường Hồ Chí Minh trên biển. Đoàn vận tải quân sự 759 được đặt dưới sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Quốc phòng. Ngay sau khi ra đời, Đoàn 759 đã xác định phương châm vận chuyển: Kết hợp hoạt động hợp pháp và bất hợp pháp; lấy hoạt động hợp pháp làm phương thức chủ yếu.

Tròn một năm sau đó, “đoàn tàu không số” chính thức hoạt động. Đêm 11/10/1962, chiếc tàu vỏ gỗ đầu tiên, số hiệu 41 mang tên “Phương Đông 1” rời bến Đồ Sơn, Hải Phòng chở gần 30 tấn vũ khí đã vượt qua sự kiểm soát gắt gao của địch vào cập bến Vàm Lũng, Cà Mau sáng 19/10/1962 an toàn. Tiếp đó, từ ngày 19/10 đến 14/12/1962, lần lượt 3 chiếc tàu vỏ gỗ số hiệu 54, 42, 55 mang tên “Phương Đông 2”, “Phương Đông 3” và “Phương Đông 4” rời bến Đồ Sơn chở vũ khí vượt qua các khu vực kiểm soát của địch vào cập bến Vàm Lũng, Cà Mau...

Đến sự ra đời của một “huyền thoại có thật”

“Huyền thoại có thật”, “kỳ tích quân sự của thế kỷ” - đó là nhìn nhận đầy thán phục về tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển.

Đặc biệt ấn tượng, góp phần làm nên tính huyền thoại của tuyến đường là những con tàu không số. Chỉ trong vòng 4 năm (11/1962 – 2/1965), cán bộ, chiến sĩ trên những “con tàu không số” đã tổ chức được 89 chuyến tàu, vận chuyển được 4.920 tấn hàng hóa, vũ khí. 100 tấn vũ khí chở bằng đường biển, trên một con tàu có 10 đến 15 cán bộ, chiến sỹ đi trong 10 ngày, nếu vận chuyển bằng đường bộ thì phải cần 1 Tiểu đoàn vận tải cơ giới hoặc 1 Sư đoàn bộ binh khuân vác, thời gian mất mấy tháng trời mới đến nơi. Một phép so sánh đơn giản cũng đủ thấy giá trị của những con tàu không số. Nhưng cũng có lẽ chính nhờ vậy mới có thể đáp ứng được yêu cầu “thần tốc”, “đại thần tốc” của Bộ Tư lệnh Chiến dịch lúc bấy giờ.

ky tich huyen thoai cua nhung con tau khong so bi an hinh 2

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt mặt đoàn đại biểu cựu chiến binh đường Hồ Chí Minh trên biển nhân kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển. Ảnh: Hoàng Thống Nhất

Điều khiến tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển với những con tàu không số trở thành huyền thoại còn nằm ở cách thức, phương pháp vận chuyển được nhìn nhận là “độc nhất vô nhị” trong lịch sử chiến tranh thế giới. Tất cả là vận chuyển bằng đường thủy, bằng những loại tàu, thuyền nhỏ bé, thô sơ.

Những con tàu này được thiết kế, cải hoán thành tàu có hai đáy, đặc biệt là phải tạo dáng giống tàu đánh cá của nước ngoài để tránh sự nghi ngờ của địch. Tàu có thể xuất phát từ nhiều bến đi (kể cả ở nước ngoài) và cập nhiều bến đến; dẫn tàu đi trên nhiều tuyến đường khác nhau, có giai đoạn đi vòng ra biển xa, vùng biển quốc tế. Mãi đến đầu năm 1964, quân ta mới có thêm 20 tàu trọng tải từ 50 - 150 tấn.

Trong quá trình vận chuyển, đơn vị phải chủ động, táo bạo, bất ngờ, lợi dụng sơ hở của địch để đưa hàng đến bến; đồng thời phải có các phương án linh hoạt để đối phó khi bị phát hiện. Trong trường hợp bị địch phát hiện, phải kiên quyết chiến đấu bảo vệ hàng; nếu cần thì nổ tàu để giữ bí mật...

Đầu năm 1964, Đoàn 759 đổi thành Đoàn 125 và được tiếp nhận 5 tàu sắt, trọng tải 50 tấn đóng ở nước ngoài và tiếp tục đặt thêm 15 chiếc trọng tải 100 tấn. Đây là số phương tiện quan trọng để cán bộ, chiến sĩ đơn vị tìm tòi, sáng tạo ra những phương thức vận chuyển hết sức độc đáo như: Có những con tàu “đột xuất” chở khối lượng lớn hàng đi ra ngoài khơi xa, thậm chí đi ra hải phận quốc tế rồi ban đêm tìm cơ hội thuận lợi, bất ngờ đột nhập vào bến bãi đã hẹn trước để “đổ” hàng. Có lúc phải phá hủy tàu và hàng để giữ bí mật nhiệm vụ và con đường.

Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, tận dụng thời điểm không quân Mỹ tạm ngừng ném bom miền Bắc, Đoàn 125 đã vận chuyển khối lượng hàng lớn tới các địa điểm vùng giới tuyến, sau đó Đoàn 559 vận chuyển bằng đường bộ vào chiến trường miền Nam.

Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu vũ khí, đạn dược ngày càng tăng cho chiến trường miền Nam, ta còn tổ chức vận chuyển hàng viện trợ quân sự của các nước anh em bằng tàu biển quốc tế, quá cảnh qua cảng Sihanoukville (Campuchia), sau đó thuê tàu Campuchia và sử dụng lực lượng của Quân khu 7, 8, 9 tiếp tế cho chiến trường Nam Bộ và Tây Nguyên.

ky tich huyen thoai cua nhung con tau khong so bi an hinh 3

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt mặt đoàn đại biểu cựu chiến binh đường Hồ Chí Minh trên biển nhân kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển. Ảnh: Hoàng Thống Nhất

Hiệp định Paris được ký kết (1973), thực hiện sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đoàn 125 tạm dừng nhiệm vụ vận chuyển, chi viện trực tiếp cho các chiến trường miền Nam bằng đường Hồ Chí Minh trên biển. Đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, các đội tàu của Đoàn 125 lại tiếp tục vận chuyển vật chất, cơ động lực lượng phục vụ cho việc giải phóng các tỉnh và các đảo ven biển miền Nam, đặc biệt đã kịp thời chi viện cho các lực lượng làm nhiệm vụ giải phóng quần đảo Trường Sa...

Trong 14 năm (từ năm 1961 đến năm 1975), đường Hồ Chí Minh trên biển đã tổ chức được 1.879 lượt tàu thuyền, vận chuyển 152.876 tấn vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật, thuốc chữa bệnh, 80.026 cán bộ, chiến sĩ từ miền Bắc vào miền Nam… giải phóng Trường Sa và một số đảo trên vùng biển miền Trung và Tây Nam Tổ quốc, góp phần to lớn vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Hà Anh

Bình Luận

Tin khác

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là 'đột phá của đột phá'

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là "đột phá của đột phá"

(CLO) Với mục tiêu đào tạo từ 50.000-100.000 kỹ sư cho ngành bán dẫn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm coi đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là đột phá của đột phá trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Tin tức
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng thăm, tặng quà thân nhân liệt sĩ và chiến sĩ Điện Biên

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng thăm, tặng quà thân nhân liệt sĩ và chiến sĩ Điện Biên

(CLO) Chiều 24/4, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã đến thăm, tặng quà một số thân nhân liệt sĩ và chiến sĩ Điện Biên nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).

Tin tức
Chủ tịch UBND TP Hà Nội: Cán bộ không được làm ẩu, cố tình làm sai

Chủ tịch UBND TP Hà Nội: Cán bộ không được làm ẩu, cố tình làm sai

(CLO) “Cán bộ từ xã trở lên không được lợi dụng chính sách để làm không đúng. Không được làm ẩu, cố tình làm sai", Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Sóc Sơn trước kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.

Tin tức
Tỉnh Nam Định triển khai đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng về nội dung bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Tỉnh Nam Định triển khai đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng về nội dung bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(CLO) Ngày 24/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định tổ chức Hội nghị bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức mới cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý chủ chốt gắn với triển khai đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng nội dung bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tin tức
Hà Nội sắp ra mắt ứng dụng “Ha Noi-S”

Hà Nội sắp ra mắt ứng dụng “Ha Noi-S”

(CLO) Thành phố Hà Nội nghiên cứu, phát triển và chuẩn bị ra mắt ứng dụng “Ha Noi-S” với nhiều tiện ích đưa người dân, doanh nghiệp tiếp cận với cơ quan hành chính nhà nước của thành phố theo một phương thức mới, thay đổi hoàn toàn mối quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với người dân trên nền tảng số.

Tin tức