Lấy mẫu kiểm tra phân bón ở huyện Trà Ôn (Vĩnh Long). Ảnh: TL
Chỉ tính riêng trong năm 2016, qua những đợt kiểm tra chất lượng phân bón đang sản xuất và lưu hành trên thị trường do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ tiến hành , đã phát hiện có đến 50% số mẫu phân bón không đạt chỉ tiêu chất lượng như đăng ký và công bố trên bao bì.
Ngoài thiệt hại từ kinh tế do phấn bón giả gây ra, phải kể đến những tác hại và hậu quả chưa đo đếm được như Phân bón giả, kém chất lượng làm cho suy kiệt “sức khỏe đất trồng trọt” dẫn đến cây trồng không đạt năng suất, cây yếu sẽ bị sâu bệnh tấn công nhiều hơn khiến cho việc tăng thêm lượng kinh phí cho việc phòng và trị sâu bệnh hại. Cuối cùng chi phí sản xuất thì tăng thêm mà thu nhập thì giảm đi khiến cho lợi nhuận của vụ mùa giảm sút.
Bên cạnh đó, việc sử dụng phân bón giả, phân bón kém chất lượng khiến đất đai bị thoái hóa do phải chịu những độc hại, từ đó chất lượng nông sản bị giảm sút, kéo theo mất an toàn về vệ sinh thực phẩm, đe dọa trực tiếp tới sức khỏe người tiêu dùng. Mặt khác, các mặt hàng nông sản Việt Nam đang hướng tới thị trường quốc tế sẽ không đảm bảo chất lượng, việc xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Một vấn đề tồn tại hàng chục năm nay với ngành nông nghiệp nước ta đó chính là sản xuất manh mún, thiếu tập trung thiếu liên kết, yếu kỹ thuật. Nhận thức của người dân nhiều nơi đặt biệt là bà con nông dân vùng sâu, vùng xa còn hạn chế, không phân biệt được phân bón thật, phân bón giả, phân bón kém chất lượng, thêm vào đó là tâm lý ham rẻ nên dễ mua phải phân bón giả, phân bón nhái, phân bón kém chất lượng.
Trong khi đó, việc sản xuất phân bón giả, phân bón nhái, phân bón kém chất lượng diễn ra hết sức tinh vi với nhiều thủ đoạn, chiêu trò. Họ đánh vào sự hám lợi của một số đại lý, cửa hàng đã vì lợi nhuận (do phân bón giả có giá thành thấp nên đã chi thù lao cho người bán hàng cao) mà tiếp tay cho hành vi sản xuất, tiêu thụ phân bón giả, phân bón nhái, phân bón kém chất lượng. Do vậy, sản xuất phân bón giả, phân bón kém chất lượng có nhiều cơ hội để phát triển.
Xác định rõ vai trò vị trí và ảnh hưởng của phân bón tới nền nông nghiệp và đời sống dân sinh nên từ Chính phủ đến các Bộ ngành đều hết sức quan tâm và dành nhiều thời gian công sức nhằm quản lý phân bón việc ra đời Nghị định số 108/2017/NĐ-CP của Chính phủ thay thế Nghị định 202/2013/NĐ-CP về quản lý chất lượng phân bón vô cơ được ban hành là một minh chứng rõ nét.
Nghị định này đã thống nhất phương thức quản lý về một bộ là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giúp thuận tiện, hiệu quả hơn trong công tác quản lý. Đồng thời để lưu hành thì các sản phẩm phân bón phải được khảo nghiệm thực chất. Ngoài ra, Nghị định 108/2017/NĐ-CP cũng đề cập đến vấn đề kiểm tra nhà nước về chất lượng phân bón nhập khẩu… nhằm siết chặt quản lý và đẩy lùi tình trạng phân bón giả, kém chất lượng.
Điều cần thiết ở đây chính là việc phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ban, ngành để quyết liệt triển khai theo Nghị định này. Đây là khâu quan trọng giữ vai trò then chốt cho sự thành công trong vấn đề đẩy lùi, giảm thiểu tình trạng phân bón giả, kém chất lượng.
Khi có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương; sự nghiêm túc, khách quan, đồng bộ từ khâu lập quy hoạch, xây dựng chính sách, cấp phép, tổ chức kiểm tra, giám sát… sẽ từng bước lập lại trật tự trong kinh doanh phân bón.
Chỉ có vậy doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón chân chính mới có cơ hội được phục vụ ngành Nông nghiệp và người nông dân một cách có hiệu quả, đảm bảo lợi ích chung của cả quốc gia.
Nhiều nông dân tại Đắk Lắk sau khi sử dụng phân bón, cây trồng bị chết hàng loạt. Ảnh: H.L
Từ thực tế đó, cần tăng cường công tác kiểm tra về sản xuất, kinh doanh phân bón, có các chế tài xử phạt nghiêm các hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân bón nhái, phân bón kém chất lượng.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón về việc thực hiện theo Nghị định số 108/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý phân bón; Tăng cường kiểm tra về việc in nhãn sản phẩm đáp ứng đúng quy định theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ về nhãn hàng hóa sản phẩm, tránh trùng lặp và cố tình gây hiểu nhầm cho bà con nông dân.
Rà soát chặt chẽ khi cấp phép cho một đơn vị sản xuất và kinh doanh phân bón, xem xét đến quy hoạch ngành cũng như các điều kiện đáp ứng yêu cầu. Tăng cường công tác đưa tin, truyền thông về các hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân bón nhái, phân bón kém chất lượng cho người nông dân biết.
Đối với doanh nghiệp sản xuất liên kết chặt chẽ với hệ thống khách hàng, đại lý, tăng cường kiểm tra để kịp thời phát hiện ra các loại phân bón giả, phân bón kém chất lượng và có biện pháp xử lý.
Tăng cường công tác tuyên truyền cho bà con nông dân hiểu rõ tính năng, tác dụng, thành phần và hàm lượng hữu hiệu của từng loại phân bón để sử dụng có hiệu quả. Truyền thông để người nông dân không nên quá “sính ngoại” làm ảnh hưởng đến chi phí sản xuất. Hướng dẫn cho bà con nông dân biết phân biệt hàng giả, phân thật và nhận thức về các thông tin ghi trên bao bì;
Đẩy mạnh công tác khuyến nông cho bà con nông dân, mở các lớp tập huấn cho các đại lý và hộ nông dân nhằm trang bị những hiểu biết nhất định về việc sử dụng phân bón để bà con nông dân và đại lý biết lựa chọn và sử dụng phân bón phù hợp, có hiệu quản cao trong sản xuất. Tích cực chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong đẩy mạnh việc chống phân bón giả, phân bón kém chất lượng
Đối với bà con nông dân với hướng dẫn vào cuộc của các cơ quan có thẩm quyền cũng như sự hỗ trợ của các doanh nghiệp người nông dân tự trang bị kiến thức cho mình để không những biết cách sử dụng phân bón có hiệu quả mà còn biết phân biệt được phân bón thật, giả, kém chất lượng để trở thành người tiêu dùng thông thái.
H.Lâm