Nhà báo Nguyễn Quốc Bảo - Phó trưởng Phòng Thời sự, Đài Phát thanh và Truyền hình Đắk Lắk:

Chúng tôi yêu nghề và yêu văn hóa Tây Nguyên

Thứ tư, 13/03/2019 08:17 AM - 0 Trả lời

(CLO) Nhà báo Nguyễn Quốc Bảo - Phó trưởng Phòng Thời sự, Đài Phát thanh và Truyền hình Đắk Lắk là người có nhiều nỗ lực trong việc quảng bá và bảo tồn văn hóa Tây Nguyên qua những tác phẩm báo chí mà anh đã thực hiện trong suốt 15 năm làm nghề.

Phóng viên báo Nhà báo và Công luận đã có cuộc trò chuyện cùng anh để hiểu thêm về công việc hiện tại cũng như những suy nghĩ, tâm tư của anh về những tác phẩm báo chí tâm huyết ấy.

Qua tìm hiểu các tác phẩm của anh, tôi thấy anh tập trung khai thác nhiều ở 2 mảng đề tài là: bảo vệ rừng và bảo tồn văn hóa truyền thống. Vì sao vậy, thưa anh?

Đúng như thế, là một người gắn bó với Đắk Lắk, với Tây Nguyên và xem đây là quê hương thứ 2 của mình, tôi luôn trăn trở, làm sao để bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên quý giá bậc nhất của khu vực này đó là rừng. Còn đối với văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên là một di sản quý giá mà mọi người dân Tây Nguyên đều phải có trách nhiệm giữ gìn và phát triển. Là một người làm báo thì tôi luôn tự nhắc nhở mình cần phải làm gì đó để góp phần vào những nhiệm vụ quan trọng ấy.

Nhà báo Nguyễn Quốc Bảo và hoa hậu H’Hen Niê (Ảnh: NVCC)

Nhà báo Nguyễn Quốc Bảo và hoa hậu H’Hen Niê (Ảnh: NVCC)

Có phải vì trăn trở với việc giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống mà anh đã dành nhiều thời gian và tâm huyết để thực hiện tác phẩm “Bước ra từ buôn làng” với nhân vật chính là H’Hen Niê – Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam năm 2017?

 Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam năm 2017, top 5 Hoa hậu Hoàn vũ thế giới là một thành tích lịch sử của cô gái ÊĐê H’Hen Niê. Nhưng người ta yêu mến H'Hen Niê không chỉ vì nhan sắc hay trí tuệ, mà còn từ chính câu chuyện cuộc đời và những gì cô đã phải trải qua trên chặng đường dài tới với ngôi hoa hậu. Ai tiếp xúc với H’Hen đều nhận thấy ở H'Hen Niê một cô gái trẻ chân chất, giản dị, vô cùng đáng yêu. Sự chân thành, mộc mạc –chính là những nét tính cách giúp cô chinh phục được người khác. Cô tự hào mình là cô gái Ê Đê đến từ núi rừng Tây Nguyên, cô tự hào về xuất thân của mình và cô xem đó là nền tảng quan trọng, là cái gốc văn hóa để cô tỏa sáng.

Câu chuyện H’Hen Niê từ một cô gái quê mùa trở thành Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam và giờ là top 5 Hoa hậu Hoàn vũ thế giới là niềm cảm hứng để những thanh niên nông thôn, thanh niên người dân tộc thiểu số tự xóa bỏ đi sự mặc cảm, tự tin, bước qua những rào cản để thể hiện bản thân mình. Vì thế tôi và Ekip đã đặt nhiều tâm huyết vào tác phẩm này với mong muốn góp phần làm lan tỏa tấm gương H’Hen, tinh thần H’Hen trong cộng đồng và xã hội. Tác phẩm đã giành Huy chương Bạc Liên hoan Truyền hình Toàn quốc năm 2018.

Được biết là anh và một số đồng nghiệp vừa lập kênh YouTube BẢN SẮC TÂY NGUYÊN và Trang Page Facebook CAO NGUYÊN TRONG TÔI, nghe tên thì có thể đoán là nhằm mục đích bảo tồn và phát huy văn hóa Tây Nguyên nhưng ngoài ra nó giúp ích gì cho các anh trong hoạt động nghiệp vụ không, thưa anh?

Vâng, có chứ! Tôi và một số đồng nghiệp đều có điểm chung là yêu nghề và yêu văn hóa Tây Nguyên. Chúng tôi thực hiện nhiều tác phẩm về văn hóa truyền thống. Các tác phẩm sau khi được phát sóng, đăng tải được khán giả đánh giá cao, phản hồi tốt. Tuy nhiên thời lượng trên Đài có hạn, không phải sản phẩm nào cũng có thể phát sóng trên Đài nên chúng tôi lập ra kênh YouTube và Trang Fage Facebook này để đăng tải những sản phẩm do nhóm chúng tôi thực hiện và một số tác phẩm đã được Đài phát sóng, chúng tôi xin phép tác giả để đăng tải lại cho nhiều người cùng được xem.

Việc lập kênh YouTube BẢN SẮC TÂY NGUYÊN và Page CAO NGUYÊN TRONG TÔI bên cạnh việc góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa Tây Nguyên; giới thiệu, quảng bá hình ảnh Đắk Lắk nói riêng, Tây Nguyên nói chung đến bạn bè trong nước và thế giới; chúng tôi xem đây là một cách để góp phần nối dài cánh sóng của Đài Phát thanh và Truyền hình Đắk Lắk (DRT) đến đông đảo công chúng; thể hiện tình yêu đối với Tây Nguyên, quê hương, đất nước và thỏa mãn niềm đam mê nghề nghiệp của mình.

Còn trong quá trình thực hiện các phóng sự điều tra về phá rừng, anh có những kỷ niệm nào thật sâu sắc?

Năm 2005, khi mới vào công tác ở Đài Phát thanh và Truyền hình Đắk Lắk hơn 1 năm tôi đã được lãnh đạo cơ quan cho phép thực hiện đề tài điều tra về tình trạng phá rừng ở một đơn vị quản lý bảo vệ rừng khá uy tín. Khi ấy, tình trạng phá rừng trên địa bàn tỉnh khá nóng bỏng, nhưng đơn vị này lại được nhận thưởng về công tác bảo vệ và phát triển rừng. Vì thế tôi và các đồng nghiệp đã quyết tâm tìm ra sự thật. Và sự thật là bên ngoài có vẻ yên ả nhưng bên trong thì lâm tặc ngày đêm hoành hành, thậm chí chúng còn lập xưởng cưa ngay trong rừng để sẻ gỗ mang ra khỏi rừng.

Lúc đó, tôi chưa có kinh nghiệm thực hiện các phóng sự điều tra, nghiệp vụ cũng rất hạn chế nhưng bằng sự tâm huyết, đam mê công việc, tôi đã thực hiện đã một tác phẩm chất lượng. Cùng với sự lên tiếng của các cơ quan báo chí khác, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cử đoàn kiểm tra và kỷ luật một số các bộ liên quan. Tác phẩm này đã được Giải C Giải Báo chí Quốc gia năm 2006. Sau này tôi cũng thực hiện nhiều phóng sự điều tra phá rừng nhưng đó là kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên.

Nhà báo Nguyễn Quốc Bảo nhận giải tại Liên hoan Phát thanh Toàn quốc lần thứ XII- năm 2016 (Ảnh: NVCC)

Nhà báo Nguyễn Quốc Bảo nhận giải tại Liên hoan Phát thanh Toàn quốc lần thứ XII- năm 2016 (Ảnh: NVCC)

Dưới con mắt quan sát và nhìn nhận của anh- người có 15 năm công tác trong ngành báo chí ở tỉnh thì hoạt động báo chí ở địa phương hiện nay có những thuận lợi và khó khăn gì?

 So với báo chí ở các địa phương khác, tôi thấy rằng, báo chí ở Đắk Lắk có một “kho” tư liệu, “kho” đề tài rất đa dạng và phong phú, nhiều chất liệu có cái riêng mà không có nơi nào có được – đó là một thuận lợi. Bên cạnh đó, lãnh đạo địa phương, lãnh đạo các cơ quan báo chí cũng tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, phương tiện tác nghiệp, đào tạo nghiệp vụ, tạo không gian tác nghiệp cho người làm báo, giúp người làm báo phát huy tốt năng lực sáng tạo của mình.

Tuy nhiên, trong điều kiện cạnh tranh thông tin gay gắt như hiện nay, những người làm báo ở địa phương như chúng tôi dễ bị tụt lại phía sau. Không phải những người làm báo ở cấp tỉnh thua kém về năng lực mà vì khả năng tiếp cận nguồn tin, quy mô đề tài và một số quy định mang tính ràng buộc ở cấp tỉnh khiến những người làm báo địa phương thường bị chậm hơn, tác phẩm ít tính hấp dẫn hơn các báo Trung ương.

Được biết, ngoài công tác quản lý, biên tập, sản xuất tin bài, anh còn tham gia giảng dạy cho sinh viên báo chí và các lớp tập huấn chuyên ngành. Những vấn đề gì cốt lõi anh muốn truyền lại cho thế hệ học trò, thế hệ làm báo trẻ trong quá trình tác nghiệp báo chí?

Nhà báo Nguyễn Quốc Bảo: Bản thân tôi không học chuyên ngành về báo chí nên tôi luôn cố gắng học hỏi, trau dồi kỹ năng nghề nghiệp từ đồng nghiệp, tác phẩm, sách, báo… Khi đến lớp với các bạn sinh viên tôi thường nói rằng, mỗi giờ học là một giờ thảo luận, vì không có công thức nào cố định cho một tác phẩm báo chí, chúng ta chỉ thảo luận để tìm giải pháp tốt hơn. Tôi cũng là người học được nhiều từ các bạn sinh viên.

Tôi nhận thấy rằng, đối với người làm báo, từ lý thuyết đến thực tiễn là một khoảng cách rất xa; đạo đức, kiến thức, kỹ năng và niềm đam mê nghề nghiệp mới là điều quan trọng. Vì thế khi trao đổi với sinh viên tôi cũng mong muốn chia sẻ với các bạn những kỹ năng cần thiết để thực hiện tác phẩm chứ không chú tâm nhiều vào phần lý thuyết.

Nhà báo Nguyễn Quốc Bảo tác nghiệp tại Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019 (Ảnh: NVCC)

Nhà báo Nguyễn Quốc Bảo tác nghiệp tại Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019 (Ảnh: NVCC)

Tôi cũng đang thắc mắc một điều là “cơn gió mát lành” nào đã đưa người con xứ Quảng như anh đến và gắn bó với đại ngàn Tây Nguyên?

Thú thật là ban đầu tôi không tự nguyện đến Tây Nguyên. Hồi đó, nhà gia đình tôi khó khăn, 3 anh em chỉ cách nhau 1-2 tuổi. Ba tôi nói rằng, nếu nuôi tôi học đại học thì không có đủ điều kiện để cho các em ăn học. Vì thế, ba tôi định hướng: thứ nhất học sư phạm, không mất tiền học phí; thứ hai học ở Đắk Lắk có một số người bà con ở đây, họ có thể giúp đỡ tôi trong quá trình học tập. Thế là mặc dù cũng đỗ một trường đại học ở TP. Hồ Chí Minh nhưng tôi khăn gói lên Tây Nguyên để học tập. Năm 2004 ra trường đúng thời điểm Đắk Lắk chia tách tỉnh, Đài Phát thanh và Truyền hình Đắk Lắk có tuyển dụng, tôi đã nộp hồ sơ và được nhận vô làm việc cho đến nay. Tôi luôn biết ơn các thế hệ lãnh đạo cơ quan, đồng nghiệp đã giúp đỡ, tạo điều kiện cho tôi làm việc, học tập và phát huy năng lực nên tôi luôn cố gắng nỗ lực để góp phần để nâng cao chất lượng chương trình của Đài, xây dựng thương hiệu DRT ngày càng phát triển.

Nhà báo Nguyễn Quốc Bảo sinh năm 1981, tại Quảng Ngãi. Hiện là Phó trưởng Phòng Thời sự, Đài Phát thanh- Truyền hình Đắk Lắk. 15 năm làm nghề, anh đã giành được rất nhiều giải báo chí lớn như: 3 giải Báo chí Quốc gia; 5 Huy chương Bạc Liên hoan Truyền hình Toàn quốc; 2 Giải Bạc, 2 Giải Đồng Liên hoan Phát thanh Toàn quốc; Giải Bạc Liên hoan Phim Tài liệu Toàn quốc và hàng chục giải thưởng khác.

Vâng, xin cám ơn anh!

Hà Linh (thực hiện)

Tin khác

Trường Sa: Chuyến tác nghiệp hạnh phúc!

Trường Sa: Chuyến tác nghiệp hạnh phúc!

(CLO) Tham gia Đoàn công tác số 6/2024 thăm quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK-I, các phóng viên báo chí đã có một tuần trải nghiệm, tác nghiệp vất vả nhưng hạnh phúc giữa trùng khơi sóng vỗ...

Nghề báo
Hơn 250 phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại Lễ hội Đền Hùng 2024

Hơn 250 phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại Lễ hội Đền Hùng 2024

(CLO) Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Thọ, Sở này đã đón tiếp, cấp thẻ, hỗ trợ tác nghiệp cho 251 phóng viên thuộc 66 cơ quan báo chí của Trung ương và địa phương trong dịp Lễ hội Đền Hùng năm 2024.

Nghề báo
Khí phách 75 năm và lời hiệu triệu cho thế hệ làm báo thời đại mới

Khí phách 75 năm và lời hiệu triệu cho thế hệ làm báo thời đại mới

(NB&CL) Có một “điểm chạm” trong cảm xúc “về nguồn” của những người làm báo khi nhắc nhớ về một ngôi trường đặc biệt – Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Đó là cảm xúc tự hào về một “mốc son lịch sử” gắn liền với những chặng đường làm báo vinh quang dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy đầu tiên của báo chí cách mạng… Dù thời gian có xa xanh thì khí phách của một thời đẹp đẽ ấy sẽ mãi là những giá trị trường tồn, tiếp lửa cho thế hệ hôm nay.

Nghề báo
Hội Nhà báo Việt Nam bứt tốc trên hành trình phát triển

Hội Nhà báo Việt Nam bứt tốc trên hành trình phát triển

(NB&CL) Thành công của năm 2023 tiếp tục tạo đà cho Hội Nhà báo Việt Nam trong năm 2024 bứt tốc hơn nữa với nhiều nhiệm vụ mới. Đặc biệt, 2024 là năm thứ 3 các tổ chức Hội triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam, các Nghị quyết của Ban Chấp hành và Chương trình công tác toàn khóa nhiệm kỳ 2020 - 2025...

Nghề báo
Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2024: Lan tỏa và truyền cảm hứng về tình yêu sách

Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2024: Lan tỏa và truyền cảm hứng về tình yêu sách

(CLO) Tối 17/4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, Bộ Thông tin & Truyền thông phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Ba năm 2024.

Nghề báo