Một lần tác nghiệp trên tàu Trường Sa 08

Thứ sáu, 01/10/2021 10:04 AM - 0 Trả lời

(CLO) Trong suốt mấy mươi năm làm báo, nhà báo Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Kon Tum vẫn luôn ấn tượng về chuyến tác nghiệp tại vùng biển thềm lục địa phía Nam trên con tàu Trường Sa 08 cùng cán bộ, chiến sĩ Vùng 2 Hải quân.

Nữ nhà báo đã có những chia sẻ về kỉ niệm khó quên này: 

Tác nghiệp trên sóng nước mênh mông của biển cả là chuyến đi đầu tiên và duy nhất trong nghề báo của tôi, tính cho đến lúc này. Năm ấy gần dịp Tết nguyên Đán 2019, đoàn báo chí Kon Tum 8 người với hơn 40 phóng viên, người làm báo của trung ương, các tỉnh, thành trong cả nước, đã cùng cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Hải quân Vùng 2, các anh chị đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn ra thăm, chúc tết các đơn vị đang công tác tại nhà giàn DK1 thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

mot lan tac nghiep tren tau truong sa 08 hinh 1

Đoàn nhà báo Tỉnh Kontum chuẩn bị ra cảng

Sự háo hức, nhộn nhịp sau lễ tiễn đưa người đi, người ở lại tại Cảng Vũng Tàu trước khi bước xuống tàu Trường Sa 08 vụt tan biến với nhiều người chỉ sau 1 buổi tàu rời xa cảng. Con tàu “lắc lư, lắc lư” theo từng đợt sóng vỗ dưới thân tàu, cùng lúc người tôi cũng lắc lư, lắc lư rồi xê qua dịch lại trên chiếc giường vẻn vẹn 80 phân chiều ngang trong căn phòng dành cho 3 nữ phóng viên tác nghiệp trên chuyến tàu Trường Sa 08. Có lúc mệt lả đi, cảm giác người tôi như bị ai đó đưa lên rồi ném phịch xuống sàn tàu, may mà không trúng vào hai nữ phóng viên nằm bẹp dí dưới sàn tàu vì đã nhường giường cho tôi. Phải mất một ngày rưỡi đầu tiên tôi mới quen với sóng biển trong hải trình 12 ngày tác nghiệp nơi biển khơi.

12 ngày đêm lênh đênh trên biển, mất một ngày rưỡi vật vã vì say sóng, có lúc mọi người chỉ ao ước có một miếng đất đủ đặt tấm lưng nằm cho thăng bằng người mình là được. Do chưa quen với sóng biển hầu hết cánh làm báo nằm bẹp dí, đến bữa ăn có người không lê nỗi bước chân ra khỏi căn phòng của mình. Cũng may đoàn nhà báo có 5 nữ và 1 nữ giảng viên Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh được các chiến sĩ ưu ái mang cơm lên tận phòng mỗi bữa. Song, công bằng mà nói, chuyến đi của chúng tôi năm đó, theo chỉ huy trưởng đoàn tàu cho biết là gặp đợt sóng quá to, gió quá lớn nên mọi người chưa quen “ hơi biển” nên mệt đứ đừ đừ. Khỏe nhất trong đoàn chỉ có nhà báo Quang Định của Báo Kon Tum. Anh lang thang khắp con tàu từ lúc đi cho đến ngày về. 

mot lan tac nghiep tren tau truong sa 08 hinh 2

Chuyển hàng qua nhà giàn DK1

Đến ngày thứ 3 của chuyến hải trình, chúng tôi đã quen dần với sóng biển. Từ từ “ lò mò dậy” đi những bước chập chững trên tàu vì sóng biển đập dồn dập, thân tàu lắc lư có muốn đi nhanh cũng không thể đi được. Cái im ắng của hai ngày đầu tiên bỗng biến mất, đâu đó vang lên tiếng cười đùa, trêu chọc, rủ rê nhau ra lan can tàu ngắm bình minh, ngắm hoàng hôn và tác nghiệp.

Tác nghiệp trên tàu của phóng viên quay phim, chụp hình để lấy được từng đúp hình không hề dễ. Trước khi chụp hình, quay phim nhân vật hoặc cảnh hoạt động của cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên tàu, phóng viên hẹn trước để nhân vật chủ động sắp xếp vị trí quay an toàn, vừa có điểm tựa để giữ chặt thiết bị không cho “chạy theo con sóng” lúc đang tác nghiệp, vừa có hậu cảnh để lấy được những đúp hình, bức hình ưng ý; còn phóng viên biên tập một tay cầm cuốn sổ ghi chép, một tay bám chặt vào thành tàu hoặc vật gì cứng cáp gần nhất cho an toàn vì nếu không may tuột tay sẽ ngã vào người bên cạnh, kéo theo hiệu ứng ngã dây chuyền ra sàn tàu.

Tác nghiệp trên tàu cũng lắm chuyện cười ra nước mắt. Chín lần nhận được thông báo của chỉ huy trưởng đoàn tàu là sắp đến nhà giàn, cả đoàn báo chí “nháo nhào” vui mừng, hò reo như sắp bắt được của quý. Tất cả tập trung hai bên thành tàu để đón đợi giây phút đầu tiên được nhìn thấy nhà giàn, tranh nhau quay phim, chụp ảnh. Tưởng chừng như tiếp cận được nhà giàn đến nơi, bất ngờ nhận được thông báo của chỉ huy trưởng đoàn tàu là sóng quá to, gió quá lớn không thể lên nhà giàn vì rất nguy hiểm. Nghe xong, ai nấy cũng đều hụt hẫng, buồn tiu nghỉu; lục đục theo sau chỉ huy tàu thực hiện phương án dự phòng chúc tết qua bộ đàm với cán bộ, chiến sĩ nhà giàn, sau khi đã tranh nhau chụp được những bức hình các anh đưa quà, hàng hóa xuống ca nô để chuyển qua nhà giàn có cán bộ, chiến sĩ đang nóng lòng chờ bên ấy. Chứng kiến cảnh các anh vật vã cẩu từng thùng quà, từng chậu quất, chậu mai xuống ca nô đậu bên dưới sát tàu Trường Sa 08, ai ai cũng thót tim vì sự va đập mạnh của hàng hóa vào thân tàu bởi những con sóng hung dữ cao đến 2 m ập đến liên tục, đẩy ca nô ra xa, chao nghiêng, dập dềnh.

mot lan tac nghiep tren tau truong sa 08 hinh 3

Đưa phóng viên qua nhà giàn DK1

Không dễ chút nào khi tác nghiệp ở buồng lái chật chội do quá đông phóng viên. Có những phóng viên chưa kịp chụp được khoảnh khắc chúc tết của chỉ huy tàu thì “khèo khèo tay” hoặc nói nhỏ “gợi ý” chỉ huy diễn lại mà nào diễn một lần, có khi đến vài lần mới có vài đúp hình, tấm hình ưng ý để đưa lên báo xuân, làm phóng sự truyền hình tết. Vì mỗi phóng viên đều xác định trách nhiệm của mình, được cơ quan tin tưởng cử đi tác nghiệp vừa vinh dự, tự hào vừa cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Qua mấy ngày lênh đênh trên tàu Trường Sa 08, nhóm báo chí Kon Tum cùng phóng viên Tuấn Tú, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) đã có kinh nghiệm tác nghiệp. Nhóm này, hẹn phỏng vấn riêng Trung tá Nguyễn Xuân Mạnh – Phó Tiểu đoàn trưởng, Tiểu đoàn DK1, Bộ Tư lệnh vùng 2 Hải quân – người đã từng chỉ huy chiến sĩ làm nhiệm vụ trong trận bão kinh hoàng năm 1999 xảy ra ở các tỉnh phía Nam của Tổ quốc. Đoàn báo chí Kon Tum rỉ tai nhau lên gặp  Trung tá Nguyễn Xuân Mạnh sớm hơn giờ hẹn 15 phút để chọn chỗ đặt máy quay phim, chụp hình; đến nơi, đã thấy phóng viên Tuấn Tú. Không biết vì sao thông tin phỏng vấn Trung tá Mạnh bị “rò rỉ”, chỉ vài phút sau đó thì căn phòng chừng 10 m2 của Trung tá chật ních phóng viên, trong đó có tới 6 -7 máy quay phim. Chật chội, nóng nực, chen chúc giẫm chân lên nhau, va vào nhau, cãi nhau, dành nhau chỗ đứng để tác nghiệp là có, nhưng xong việc thì mọi người đều cười xòa, bắt tay vui vẻ.

Xúc động nhất là lần đầu tiên sau 3 ngày ở trên tàu, tất cả mọi người tập trung chúc tết cán bộ, chiến sĩ nhà giàn qua bộ đàm. Trước khi chúc tết, chỉ huy trưởng đoàn tàu thông báo cho phóng viên chuẩn bị nội dung phỏng vấn qua bộ đàm, chuẩn bị ca khúc hát tặng các anh. Tưởng chừng như mọi việc diễn ra suôn sẻ nhưng khi các nữ phóng viên cất lên đoạn đầu ca khúc “Gần lắm Trường Sa”, bỗng dưng tất cả đều dừng lại, nghẹn ngào rơi nước mắt không thể hát tiếp nữa vì quá xúc động. Xúc động vì đã đến đây rồi mà không thể qua thăm các anh được.

Cuối cùng may mắn cũng đến với chúng tôi. Trong 10 nhà giàn ( gọi tắt là nhà giàn DK1) ghé qua, đoàn báo chí đã lên được nhà giàn Huyền Trân. Không thể lột tả hết sự vui mừng, bồn chồn, tò mò của cánh báo chí qua bao ngày mong đợi được đặt chân lên nhà giàn. Trước khi lên rọ để qua nhà giàn, cánh nhà báo nữ tranh thủ quàng thêm khăn rằn, mặc áo có cờ Tổ quốc, áo bà ba, áo bộ đội để tạo sự gần gũi thân thiện với các anh, mặc khác thể hiện sự tôn trọng của mình khi gặp các anh.

mot lan tac nghiep tren tau truong sa 08 hinh 4

Tác nghiệp trên nhà giàn DK1

Rọ là phương tiện di chuyển duy nhất để qua nhà giàn, mỗi rọ chứa 6 người. Không khí chuẩn bị vào “ rọ” cũng rộn ràng, nhộn nhịp. Khi rọ tiếp giáp với mặt sàn nhà giàn, chúng tôi lò mò đi ra. Phải nói, không gì vui sướng hơn khi được chạm chân lên nhà giàn, được gặp gỡ, bắt tay, tíu tít thăm hỏi các anh như thể là người thân lâu ngày gặp lại; được tham quan nơi các anh làm việc và sinh hoạt, ở đâu cũng thấy sự ngăn nắp, gọn gàng, sạch đẹp. Ấn tượng làm sao khi tận mắt thấy vườn rau xanh um ở nhà giàn mà tưởng như mình đang ở đất liền. Nhiệm vụ của các anh là bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc nhưng vẫn dành thời gian ít ỏi để tăng gia sản xuất cải thiện bữa ăn thật sự làm cho mọi người đều cảm phục.

Đoàn đến thăm và chúc tết các anh, mang theo những nhánh mai vàng rực rỡ, những chậu quất sai trái, từng thùng lá dong, sợi lạc, từng bao đậu xanh, nếp, thịt heo để các anh gói bánh. Nhận quà xong, các anh bắt tay ngay vào gói bánh tét, bánh chưng để đón tết sớm, làm cho không khí gặp gỡ càng thêm ấm áp, thêm gần gũi, mặn nồng và thân thương đến lạ. Ngoài những phần quà ấy, đoàn Quân chủng bộ đội Hải quân Vùng 2 còn mang ra nhà giàn đầy đủ mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống hàng ngày để các anh yên tâm, vững vàng tay súng giữ bình yên biển đảo quê hương của Tổ quốc.

Trong suốt mấy mươi năm làm báo, tôi đã đi qua mọi miền của Tổ quốc, mỗi nơi mỗi con người, mỗi cảnh vật đều để lại những dấu ấn khó quên. Song, được tác nghiệp tại vùng biển thềm lục địa phía Nam  trên con tàu Trường Sa 08 cùng cán bộ, chiến sĩ Vùng 2 Hải quân và các bạn đồng nghiệp ra thăm cán bộ, chiến sĩ nhà giàn thì đây là lần đầu tiên và có lẽ cũng là lần duy nhất trong cuộc đời để lại nhiều kỷ niệm không thể nào quên. 12 ngày đêm được cùng ăn, cùng ở, tâm sự và được lên nhà giàn nơi các anh ở, làm việc mới thấu hiểu phần nào những nhọc nhằn, vất vả của các anh.  Hành trình tác nghiệp trên chuyến tàu Trường Sa 08 đã để lại trong tôi thật nhiều cảm xúc, những kỷ niệm khó quên.

Khi viết bài này, tôi vẫn ước ao thêm một lần nữa được tác nghiệp trên biển đảo Trường Sa thân yêu.

   Bài và ảnh: Ngọc Mẫn

Bình Luận

Tin khác

Giải thưởng Báo chí TTXVN 2023: Ghi nhận sự cống hiến, tâm huyết với nghề

Giải thưởng Báo chí TTXVN 2023: Ghi nhận sự cống hiến, tâm huyết với nghề

(CLO) Chiều 25/4, Lễ trao Giải thưởng Báo chí Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) năm 2023 đã diễn ra tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia (số 5 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội). 

Nghề báo
Tạp chí Thanh niên phát động cuộc thi viết “Vượt lên số phận”

Tạp chí Thanh niên phát động cuộc thi viết “Vượt lên số phận”

(CLO) Ngày 25/4, tại Hà Nội, Tạp chí Thanh niên phối hợp cùng Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam phát động cuộc thi viết “Vượt lên số phận” lần thứ VII.

Nghề báo
Báo Quân đội nhân dân tổ chức Cuộc đua xe đạp “Về Điện Biên Phủ  2024”

Báo Quân đội nhân dân tổ chức Cuộc đua xe đạp “Về Điện Biên Phủ 2024”

(CLO) Cuộc đua xe đạp lần thứ 5 “Về Điện Biên Phủ năm 2024 - Cúp Báo Quân đội nhân dân” sẽ diễn ra từ ngày 1 đến 5/5 trên tổng lộ trình 525 km từ Thủ đô Hà Nội tới thành phố Điện Biên Phủ.

Nghề báo
Báo Nhà báo & Công luận trao học bổng cho sinh viên: Tạo động lực, tiếp lửa ước mơ…

Báo Nhà báo & Công luận trao học bổng cho sinh viên: Tạo động lực, tiếp lửa ước mơ…

(CLO) Ngày 25/4/2024, Đoàn công tác Báo Nhà báo & Công luận do nhà báo Lê Trần Nguyên Huy - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Q. Tổng biên tập báo Nhà báo & Công luận làm trưởng đoàn đã đến thăm và trao học bổng cho sinh viên có thành tích học tập cao, sinh viên nghèo vượt khó tại Viện Đào tạo Báo chí và truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn; Khoa Viết Văn – Báo chí, Đại học Văn hóa và Học viện báo chí và Tuyên truyền.

Nghề báo
Quỹ từ thiện 'Ước mơ xanh' - Báo Nhà báo & Công luận đồng hành với các bệnh nhi ung thư

Quỹ từ thiện "Ước mơ xanh" - Báo Nhà báo & Công luận đồng hành với các bệnh nhi ung thư

(CLO) Ngày 25/4, Đoàn công tác Báo Nhà báo & Công luận do nhà báo Trần Lan Anh - Phó Tổng biên tập Báo Nhà báo & Công luận làm trưởng đoàn đã đến thăm và trao quà cho các bệnh nhi ung thư đang điều trị tại Bệnh viện K Tân Triều và Bệnh viện Nhi Trung ương, Hà Nội.

Nghề báo