Một tháng viết bài ký tên người khác

Thứ tư, 17/06/2020 08:00 AM - 0 Trả lời

(CLO) Để phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, đầu năm 1991, báo Quân đội nhân dân có chủ trương mở chuyên mục “Nhân dân nghĩ về chế độ Xã hội chủ nghĩa”.

Nội dung chuyên mục này đăng tải ý kiến của các tầng lớp nhân dân đối với chế độ Xã hội chủ nghĩa, mà lúc bấy giờ sự sụp đổ của Liên Xô và các nước Xã hội chủ nghĩa ở Trung và Đông Âu đang làm cho một số cán bộ, đảng viên và nhân dân rất hoang mang.

ấ

Tôi đóng vai trò như một lữ khách để thâm nhập thực tế viết bài tham gia chuyên mục này. Bài đầu tiên tôi viết là ý kiến của bác Nguyễn Thị Gái, 65 tuổi, bán quán nhậu vỉa hè ở đường Trần Quốc Thảo, quận 3. Hôm đó tôi mời anh Bồng, nguyên là chiến sĩ điệp báo Sài Gòn – Gia Định đang làm nghề sửa xe gắn máy gần đó đến quán bác Gái. Bác Gái quê ở Hải Phòng, di cư vào Nam năm 1954. Chồng bác đi lính chế độ cũ, bị chết trận từ năm 1967 ở Tây Ninh. Bác có ba người con đều đã vượt biên sang Mỹ, hiện sống một mình với cô cháu gái giúp việc trong ngôi nhà hai tầng trên đường Ngô Thì Nhiệm. Bác có vóc người đẫy đà, nước da ngăm đen, hai hàm răng nhuộm đen nhánh, nói năng thẳng thắn và rất vui tính. Chờ lúc quán vắng người, tôi chủ động vào đề:

Bác ơi, thành phố mình giải phóng đã mười lăm năm mà cuộc sống vẫn còn vất vả quá. Bác bây giờ so với hồi trước thế nào?

Bà chẳng cần suy nghĩ gì nhiều, trả lời chắc nịch:

– Giải phóng rồi, không còn nghe tiếng súng đạn là đã sướng, chú ạ. Nhưng mấy ông giỏi đánh nhau còn làm kinh tế thì dở ẹc. Kể ra, cứ để cho mọi người tự do làm ăn như trước có khi cuộc sống đỡ hơn thế này nhiều.

– Vậy, theo bác, liệu những khó khăn kinh tế hiện nay, mấy ổng có tháo gỡ được không?

– Mấy ổng đánh thắng cả Pháp và Mỹ thì tui tin những khó khăn kinh tế hiện nay các ổng cũng có cách tháo gỡ. Tôi là người dân sống qua hai chế độ, thấy so với trước, đời sống có khó khăn, nhưng chế độ này vẫn thoải mái, dể thở hơn.

– Bác xem ti-vi có nghe nói bên Liên Xô thế nào không? – Tôi gợi ý.

– Liên Xô khác, ta khác chứ chú!

– Vậy theo bác, muốn dân giàu nước mạnh thì phải làm sao?

– Tui già rồi, lại ít học, làm gì biết mấy việc to tát đó. Nhưng tui nghĩ cứ để cho dân tự do làm ăn theo khuôn khổ, còn Nhà nước đừng bao thầu hết thảy nữa. Tôi nghe nói Nhà nước cho làm kinh tế nhiều thành phần như hồi trước, thế là tốt rồi. Chắc nay mai kinh tế đất nước mình sẽ khá hơn.

– Bả nói vậy thôi chớ bả sắp sang Mỹ sống với con rồi đó! – Anh Bồng chen vào.

– Không đâu chú ơi: tui là tui, con là con! – Bác Gái quả quyết, rồi chậm rãi nói tiếp – Thiệt tình, hồi năm 1980-1981, nghèo đói quá, bo bo cũng không đủ ăn, tính tìm đường chạy ra nước ngoài sống. Nay thấy ổn, không muốn đi nữa. Suy cho cùng, không đâu bằng quê của mình, bà con ruột thịt mình. Đi, chẳng qua là bất đắc dĩ thôi.

– Nay mai Nhà nước sẽ cho dân thoải mái làm ăn, con bác có về nước làm ăn không? – Tôi hỏi.

– Thằng Ba nhà tôi mới gửi thư về nói, nghe tin Nhà nước Việt Nam đổi mới, cho dân tự do kinh doanh, nó mừng lắm. Nó nói nếu có như vậy thật thì nó sẽ về nước mở công ty đó chú! – Bác Gái nói một cách thành thật rồi cười rất to, vẻ sảng khoái, mãn nguyện.

Bác Gái còn kể cho tôi nghe nhiều chuyện, từ chuyện họp tổ dân phố, đến chuyện chị cảnh sát khu vực dạy chữ cho trẻ em lang thang… Những ý kiến của bác Gái hôm đó đã được tôi viết thành một bài báo với tựa đề:  – “Dù đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng chế độ này vẫn thoải mái, dễ thở hơn nhiều”. Bài báo khoảng 900 chữ, tôi đem lại cho bác Gái đọc rồi mới đưa chỉ huy Ban Đại Diện. Hai ngày sau, bài báo này được đăng trang trọng trên trang nhất báo Quân đội nhân dân ra hàng ngày ở mục “Nhân dân nghĩ về chế độ Xã hội chủ nghĩa”. Phía dưới ký tên Nguyễn Thị Gái, 65 tuổi, đường Trần Quốc Thảo, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh.

Suốt một tháng, tôi liên tục đi thực tế, lúc thì vào chùa gặp các vị sư, vào nhà thờ gặp các linh mục; lúc thì vào các trường học gặp các thầy cô giáo, nhiều khi chủ động đi xích lô để bắt chuyện. Đợt đi thực tế này có một chuyện gặp may rồi lại gặp rủi mà cho đến nay tôi vẫn nhớ như in. Đó là, một lần tôi đi xích lô của anh Bảy Mai, nhà ở đường Lê Văn Sỹ, phường 10, quận Phú Nhuận. Anh Bảy Mai vốn là thanh niên xung phong giải ngũ, dáng người thấp bé, đôi mắt to, mũi tẹt, nói năng bốp chát, lúc nào cũng chỉ mặc mỗi chiếc quần cộc ống, còn áo thì luôn để hở ngực, tóc dài thượt. Anh có vợ và hai con còn nhỏ. Vợ anh cũng là thanh niên xung phong giải ngũ. Tôi quen anh Bảy Mai trong một lần đến tiệm sửa xe của anh Bồng. Biết anh Bảy Mai nhà ở quận Phú Nhuận nên tôi hay ghé qua nhà anh vào mỗi buổi chiều sau giờ làm việc. Hôm đó tôi nói muốn lấy ý kiến của anh để viết một bài. Anh thẳng thừng:

– Nếu ông chịu chơi, chiều nay tôi thiết kế cho ông gặp mấy anh em đạp xích lô tụi tui rồi lấy ý kiến chung cho nó sôi động, còn ý kiến riêng tui, chả đủ đâu.

– Nếu được thế thì tốt quá! – Tôi hồ hởi nhận lời.

Chiều hôm đó, tôi, anh Bảy Mai và ba người bạn hẹn nhau ở một quán nhậu cạnh công viên Lê Văn Tám trên đường Điện Biên Phủ. Bốn chiếc xích lô dựng ngay lề đường. Sau khi mọi người ngồi xuống xung quanh chiếc bàn gỗ cũ kỹ kê sát bức tường công viên, anh Bảy Mai giới thiệu tôi với mọi người:

– Đây là anh Hiền nhà báo.

Rồi anh chỉ tay sang những người ngồi bên cạnh.

– Còn đây là anh Tám Rô nhà ở quận Tư, anh Chương nhà ở quận Phú Nhuận và anh Sáu Xị nhà ở quận Bình Thạnh.

Chúng tôi bắt tay nhau. Tôi thấy trong số ba người mới gặp đều có vẻ chất phác, nước da anh nào cũng rám nắng, bàn thay thô, chai sạn. Anh tên là Sáu Xị có vẻ lớn tuổi hơn, còn lại tuổi cũng sàn sàn như anh Bảy Mai, khoảng ngoài bốn mươi.

Tôi nâng ly rượu và nói:

– Hôm nay tôi mời các anh uống rượu tới bến nha.

Anh Bảy Mai phụ họa:

– Dzô!!

Chúng tôi cùng đứng lên, cụng ly và … trăm phần trăm. Tôi mở đầu:

– Các anh làm nghề đạp xích lô, tiếp xúc với nhiều hạng người, thấy mọi người nghĩ thế nào về chế độ hiện nay?

– Hôm trước tôi chở một ông khách, ông ấy hỏi tôi về hoàn cảnh gia đình, về cuộc sống hiện nay. Tui nói, một vợ ba con, cơm một ngày ba bữa, đạm bạc nhưng mà vẫn vui, không phải lo sợ như hồi chiến tranh – Anh có tên là Chương ngúc ngắc đầu nói:

– Làm nghề đạp xích lô như tụi mình cũng sướng, giờ giấc không ai quản lý, muốn đi thì đi, không muốn đi thì nằm đọc báo. Ở gần nhà tôi có mấy người làm Nhà nước, lương thì thấp mà giờ giấc lại gò bó, đưa đón con đi học cũng tất bật, vất vả lắm. Cuộc sống hiện nay như vậy là quý rồi. Đất nước mình trải qua mấy chục năm chiến tranh nay mới xây dựng lại nên phải đi từ từ thôi, giống như người mới ốm dậy vậy mà! – Anh Tám Rô lên tiếng:

– Ái chà!  nhớ lúc trước, cảnh giới nghiêm, còi hụ mà sợ. Bây giờ đổi mới rồi, tự mình cứu mình thôi mấy ông ơi! – Anh Bảy Mai nói:

– Phải tự cứu mình trước khi trời cứu chứ! – Tôi cười và nói chen vào.

– Ừ, tự cứu mình, ông Nguyễn Văn Linh nói rồi đó! – Anh Bảy Mai phụ họa.

– Phải nói mấy ông cách mạng giỏi thiệt. Các ổng nắm bắt cuộc sống nhanh nhạy. Ông Nguyễn Văn Linh lên nói đổi mới là thấy khác liền. Tui có thằng em mới mở công ty riêng, làm ăn rất tự do và khấm khá lắm! – Anh Chương tham gia.

– Kể ra cuộc sống hiện nay có khổ hơn lúc trước, nhưng tui thấy cách mạng vẫn hay hơn chế độ Cộng hòa nhiều. Tui tin đất nước mình rồi sẽ giàu. Độc lập, thống nhất rồi, dân tộc mình là chủ đất nước, mình phải lo cho cái nhà mình thôi – Anh Sáu Xị, người lớn tuổi nhất bàn nhậu ngồi gần tôi, bây giờ mới lên tiếng.

Im lặng một hồi anh Sáu Xị lại nói tiếp.

– Như chế độ Cộng hòa lúc trước, đàng này nói xấu đàng kia, lãnh đạo quốc gia gì mà lên ti-vi chửi nhau như cơm bữa nghe mà phát ớn, rốt cuộc ai lên cũng vậy, đều ăn tiền Mỹ, dựa vào Mỹ để tồn tại, nên khi Mỹ bỏ chạy thì chế độ Cộng hòa cũng tiêu.

– Lâu nay ta theo mô hình Liên Xô mà Liên Xô thì đã sụp đổ, vậy theo các anh, ta sẽ ra sao? – Tôi hỏi tiếp.

– Như mình đọc báo, xem ti-vi mình biết, ta giành độc lập do ta, ta thắng Mỹ cũng do sức lực của chính ta, vậy ta xây dựng đất nước hiện nay cũng sẽ do chính ta chứ, sao lại phải sụp đổ, phải giống như Liên Xô được. Chế độ này đâu phải như chế độ Cộng hòa do Mỹ dựng lên đâu. Mình là đất nước tự chủ, tự do, độc lập mà! – Anh Bảy Mai nói một cách hùng hồn.

– Vậy theo anh, đổi mới ở Việt Nam có gì khác với ở Liên Xô – Tôi nhìn anh Bảy Mai nói tiếp.

– Theo tui, Việt Nam ta đổi mới theo như ông Linh nói là được. Có dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, ổn định như hiện nay là đúng. Tôi hiểu ông Linh nói “hãy tự cứu mình trước khi trời cứu” là tự Việt Nam mình đổi mới theo cách của mình, không dựa vào nước khác phải không?- Anh Bảy Mai nhìn tôi hỏi lại.

– Đúng thế! – Tôi trả lời.

Câu chuyện chung quanh chủ đề đất nước đổi mới cứ thế tiếp diễn. Dân đạp xích lô quanh Sài Gòn ghiền đọc báo và uống cà phê buổi sáng có khác. Chuyện tôi gợi ra có vẻ chính trị xa vời thế mà anh nào coi bộ cũng rành rẽ. Rượu hết chai nay đến chai khác, còn đồ mồi chỉ có mấy con cá khoai mà từ chiều đến giờ ít ai đụng đến. Thấm thoát đã gần 12 giờ khuya, ông chủ quán đã mấy lần cảnh báo. Sau cùng, các anh rủ tôi vào công viên Lê Văn Tám tìm ghế ngủ. Biết rằng ngủ như thế không hay, nhưng tôi muốn thử cho biết. Nghề báo lang thang, biết đâu gặp mỏ tài liệu quí. Tôi lấy một xị đế đút túi. Bốn anh đẩy bốn chiếc xích lô đi như nghiêng ngửa, còn tôi lững thững vào công viên.

Đang tính kiếm chỗ ngả lưng, chợt thấy dưới gốc cây cổ thụ có hai người đốt thuốc, bên cạnh dựng hai chiếc xe máy. Tôi bước lại làm quen. Cả hai có vẻ lạnh nhạt, nhưng thấy tôi đã ngấm men nên không nỡ đuổi. Tôi rút xị đế, giọng bỗ bã: “Còn chừng này, chúng ta lai rai cho hết đêm dài, hai anh!” . Một anh cười:  “Chút xíu rượu mà hết đêm sao?”. Anh thứ hai phải chăng hơn: “Anh có vẻ sắp xỉn rồi, chúng tôi  cũng đã uống. Thôi, anh đã nói vậy, ta uống cho dzui!”.

Chuyện trò một hồi, tôi mới biết hai người đều từng là sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng hòa, một người đã tu nghiệp quân sự tại Mỹ, sau giải phóng 1975 cũng đi học tập cải tạo. Tôi ẩn mình trong vỏ bọc hớt tóc dạo để nghe tâm sự thật của họ với chế độ xã hội hiện thời. Xem ra họ đều có học và trong lòng chưa hết thù hận cách mạng, tuy mức độ có khác nhau; và họ hận cả chế độ Cộng hòa, bởi cho rằng thua Cộng sản là do những người cầm đầu vừa vô đức, vừa bất tài. Lại thêm ông bạn vàng Mỹ thực dụng.

– Nếu bây giờ có người nổi loạn mà anh tin được, anh có theo không? – Tôi thăm dò.

– Thứ nhất là không thể có – Anh chàng có bộ ria rậm nhìn tôi chằm chằm – Tôi lạ gì mấy cha hải ngoại phất cờ vàng, cờ đen đó. Toàn bọn làm tiền thôi à. Bữa Liên Xô sụp đổ, mấy chiến hữu xưa của tôi ngông nghênh, dám chào nhau bằng chức vụ, cấp bậc cũ. Đồ ngu! Ngày nào binh hùng tướng mạnh. Mỹ giúp hết mình, còn chạy như chó bị đập. Giờ tay trắng, ngo ngoe bày đặt!

– Còn thứ hai?

– Thứ hai là già rồi, làm ăn nuôi vợ con thôi. Vả lại các ổng nói đổi mới, nghe cũng hay hay, xem sao đã. Tính tới tính lui, điều cần là người dân sống được không. Hay gì đạn bom, giết chóc.

Tôi thầm nhủ: “Tuy hai tay này vẫn còn chút máu lính Cộng hòa nhưng không đến nỗi không nhận ra lẽ phải!” . Tôi suy nghĩ rất lâu về nội dung cuộc gặp này, để xem có thể đưa lên báo hay không. Vào thời điểm ấy, chuyện “ngụy” còn là điều … khó!

Cuộc trao đổi kéo dài chừng hơn tiếng nữa, không có gì mới. Sau đó họ nói phải đi làm. Trước khi đi một người còn dặn : “Chuyện tào lao trong lúc nhậu, ở đâu bỏ đó nghe anh Hai!”. “OK!” – Tôi cười và giơ tay chào.

Đêm về khuya, phải tìm nơi chợp mắt. Tôi nằm trên chiếc ghế đá dưới một gốc cây tối um, vừa ngả lưng đã ngủ như chết. Khoảng gần sáng, có hai gã “mặt rô” đến xin đểu. Chúng lay tôi dậy. Mắt nhắm mắt mở, tôi ú  ớ: ”Làm gì thế, không có tiền đâu”. Thế nhưng hai gã vẫn lục lọi tất cả các túi, kể cả túi quần sau, còn mấy ngàn lẻ chúng cũng lấy nốt. Đã thế, trước khi bỏ đi, một gã còn quay lại nhìn tôi chòng chọc với đôi mắt quầng thâm, đỏ ngầu, dọa xin tôi “tí tiết”. Trong cơn buồn ngủ, tôi lại ngả lưng xuống ghế đá thiếp đi như không có chuyện gì. Tuy nhiên, hình ảnh hai gã “mặt rô” cứ hiện lên, một gã gầy cao, nước da tái nhợt; một gã thấp mập, da đen thui. Cả hai gã còn rất trẻ và nồng nặc mùi mồ hôi dầu. Giật mình tỉnh giấc, tôi mới biết chiếc đồng hồ Senko 5 đeo bên tay trái đã không cánh mà bay. Hú hồn, may mà không mang theo cặp đựng tài liệu hay giấy tờ quan trọng. Sáng dậy, thấy anh Bảy Mai còn nằm co ro trên xe xích lô gần cổng ra vào, còn mấy anh bạn kia đang ngồi uống  cà-phê ở một quán cóc trước cổng công viên. Mặt trời đã lên cao, tôi vội đến chào những người bạn đạp xích lô rồi ra đường Hai Bà Trưng đón xe ôm về Ban Đại diện báo Quân đội nhân dân ở số 63 đường Lý Tự Trọng. Gặp cô Sen, tôi mượn hai mươi nghìn đồng để đi xe ôm về nhà. Vừa ra đến sân thì gặp anh Phạm Đình Trọng đang dắt xe vào. Anh hỏi: “Chú đi đâu vậy?”. Tôi trả lời: “Em đang đi làm nhiệm vụ bác giao đây”. Nói vậy rồi tôi vội đi ra cổng, ngoái lại cửa thấy anh Trọng vẫn đứng đó nhìn tôi với một vẻ mặt ái ngại, có lẽ anh ấy hiểu tôi đang đi lấy tư liệu vất vả như thế nào. Tuổi anh hơn tôi cả giáp. Với tôi, anh Trọng là người rất tâm đầu ý hợp. Tôi vẫn luôn xem anh ấy là người anh, người đồng chí tin cậy. Còn anh ấy vẫn xem tôi là “người bạn vong niên”. Hôm đó về đến nhà, thấy tôi dung mạo bơ phờ, vợ tôi đã “giảng” cho một bài về tội ăn nhậu phí phạm sức khỏe, ngủ bụi qua đêm và việc để cái đồng hồ Senko xịn bị mất.

Đêm đó, tôi thức trắng, ngồi nhớ lại chuyện gặp anh em đạp xích lô tối qua và đặt bút viết bài “Đổi mới là nguyện vọng của nhân dân”. Bài báo ký tên Bảy Mai cùng một số bạn bè làm nghề đạp xích lô ở quận Phú Nhuận. Theo nguyên tắc, tôi đưa đủ mấy anh coi. Họ góp ý rất hay. Sửa xong, tôi nộp chỉ huy Ban Đại diện. Bốn ngày sau lên mặt báo. Tôi mang thành phẩm đến nhà anh Bảy Mai rồi cùng đi gặp chiến hữu. Năm người lại kéo nhau đến quán vỉa hè công viên Lê  Văn Tám “liên hoan mừng bài báo”. Lần này anh Bảy Mai và ba người bạn của anh cùng hùn tiền để chiêu đãi. Trong cuộc nhậu, nhiều lần anh Bảy Mai đọc to cho mọi người nghe nội dung bài báo. Cứ mỗi lần đọc xong, mọi người lại vỗ tay rần rần, lại “dzô dzô” trăm phần trăm. Anh Sáu Xị còn vỗ cái đết vào đùi một cách đắc ý. Hôm đó tôi mới có điều kiện hỏi thêm hoàn cảnh của từng người và được biết anh Sáu Xị, anh Chương đã từng bị bắt đi quân dịch của chế độ cũ. Sau giải phóng 1975 đi học cải tạo ba tháng rồi về làm nghề đạp xích lô. Còn anh Tám Rô vốn là công nhân nhà máy điện Tân Phú từ trước ngày giải phóng nhưng nay đang thất nghiệp. Anh Bảy Mai và các anh ấy đang có ý định xin thành phố cho thành lập hợp tác xã xe xích lô để tập hợp giúp đỡ nhau trong hoạt động nghề nghiệp và trong cuộc sống.

Còn một chuyện nữa, khá ấn tượng: Gần nhà tôi có anh Châu, nguyên là trung úy lái xe quân tiếp vụ của chế độ cũ. Anh có ba người con, đứa gái lớn học rất giỏi nhưng thi đại học hai lần đều trượt. Vợ anh là người Huế, rất thích văn thơ. Biết tôi đang làm báo nên anh chị kết thân. Lúc bấy giờ tôi mới mua xe ô tô nên chiều chiều nhờ anh Châu dạy lái. Một buổi chiều, sau khi đánh xe chạy mấy vòng quanh sân ten-nít ở công viên Gia Định, chúng tôi vào quán nước nghỉ xả hơi. Trong lúc cao hứng, tôi hỏi:

– Này anh Châu, anh là một sĩ quan chế độ cũ. Vậy chế độ hiện nay và chế độ cũ, anh thích chế độ nào?

– Nói thật với Hiền, tôi vẫn thích chế độ này hơn, vì dù sao chế độ này không còn thấy cảnh mấy thằng mũi lõ tác oai tác quái, cậy có tiền xem thường mọi người!- Anh Châu nói, vẻ thành thật.

– Hồi giải phóng năm 1975, anh có phải đi học cải tạo không?

– Có chứ mười hai tháng đó!

– Cộng sản bắt anh đi học cải tạo mà anh không hận à?

– Cải tạo chứ có đi tù đâu. Vào trại, mình học chính trị và sinh hoạt bình thường như đi tập huấn vậy mà!- Vừa nói anh Châu vừa tủm tỉm cười, nheo mắt nhìn tôi.

– Anh hiểu thế nào về Chủ nghĩa xã hội?

– À, Chủ nghĩa xã hội tôi hiểu là mọi người bình đẳng như nhau phải không? Không có giai cấp, không có bóc lột này. Nhà nước bao cấp hết thảy này. Đúng không nào?- Anh Châu nhìn tôi dò xét.

– Đúng nhưng chưa đủ!

– Nhưng Hiền ơi, tôi nói thật nhé, cuộc sống con người làm gì có chuyện mọi người đều như nhau, phải có người giỏi kẻ dốt, phải có sự ganh đua mới phát triển được chứ. Nếu Chủ nghĩa xã hội theo kiểu như vầy là duy ý chí lắm, là kìm hãm xã hội phát triển, tôi vẫn nghi ngờ lắm. Sau mười lăm năm giải phóng rồi mà kinh tế không phát triển được là vì như vầy đó!- Anh Châu bộc bạch.

– Nhà nước đang sửa sai đó anh, đổi mới từ năm 1986 rồi.

– Ừ, đổi mới là phải, nhưng cần đổi mới triệt để, nhất là phải có cơ chế thông thoáng, cởi mở cho dân làm ăn mới khá lên được.

– Ý anh nói đổi mới triệt để là sao? Phải có nhiều đảng phái à?

– Ôi, đảng phái gì cho lắm. Ở Mỹ, Anh và Nhật Bản quanh đi quẩn lại cũng chỉ hai đảng thay nhau nắm quyền. Đảng nào lên cũng dùng người của đảng ấy. Vấn đề là đảng đó có vì dân vì nước hay không và cán bộ có trong sạch, có trình độ làm việc hiệu quả hay không.

Chúng tôi im  lặng một hồi lâu. Anh Châu nói tiếp:

– Tôi thấy cán bộ hiện nay lương thấp quá, trình độ cũng thấp quá. Hồi trước cán bộ được đào tạo bài bản hơn bây giờ nhiều.

– Mới qua chiến tranh mà anh.

– Đã mười lăm năm rồi còn gì , đừng nên chủ nghĩa lý lịch nữa mà phải sử dụng người có thực tài. Như cháu Hằng con tôi đó, học giỏi nhưng thi đại học là trượt vì lý lịch, ba nó là sĩ quan chế độ cũ, còn mấy cháu học dốt mà vẫn đậu đại học. Cháu nó rầu lắm!- Anh Châu nói giọng đượm buồn.

– Thế anh có bao giờ nghĩ đến việc đi nước ngoài sống không? Như anh, chắc đi diện HO được chứ?

– Tôi và vợ tôi mấy lần bàn đến chuyện đó, nhưng suy nghĩ lại, đất nước độc lập, giải phóng rồi, mình ở đất nước mình mà làm ăn chứ cớ gì phải đi đâu. Tôi nghĩ, trong xu thế đổi mới hiện nay, nếu Nhà nước cởi trói bao cấp, cởi bỏ chủ nghĩa lý lịch thì xã hội sẽ phát triển, mọi  người vui vẻ làm kinh tế, mọi người phấn khởi thi đua nhau, nhất định kinh tế sẽ khá, sẽ xuất hiện nhiều người tài xây dựng đất nước!- Anh Châu nói một mạch vẻ hứng khởi.

Anh nói tiếp:

– Hồi chế độ Cộng hòa nó hay ở chỗ cho dân tự do kinh doanh nên kinh tế phát triển, nhưng đó là sản phẩm của nên kinh tế lệ thuộc, cũng như chính trị lệ thuộc. Mỹ muốn đảng nào lên thì lên, muốn ai lên thì lên. Một đất nước mà lệ thuộc bên ngoài thì còn gì là đất nước, còn gì là tự do. Ông Diệm hay ông Thiệu vẫn cứ đều đều nói chế độ Cộng hòa tự do chỉ là giả tạo thôi; cũng như gia đình mình, nếu không tự chủ được kinh tế mà phải lệ thuộc vào người khác thì còn gì là một gia đình. Tôi nói thật, tướng tá của chế độ Cộng hòa cũng chỉ là sản phẩm của Mỹ tạo ra, làm gì có thực tài, có bản lĩnh như tướng tá cộng sản được, nên tôi biết từ lâu là Cộng hòa phải thua cộng sản thôi.

– Anh biết vậy sao không bỏ ngũ hay đi theo cộng sản?

– Hoàn cảnh mà Hiền.

– Hồi đi lính Cộng hòa anh có dám nói vậy không?

– Đang ăn cơm người ta, tôi sao dám nói thẳng vậy được. Nhưng trong bụng thì tôi khinh rẻ họ lắm. Gần mười năm đi lính nhưng tôi chưa bắn giết ai mà chỉ lái xe nhà binh thôi!- Anh Châu chậm rãi nói, giọng trầm lắng.

Những nội dung trao đổi với anh Châu chiều hôm đó đã được tôi viết thành một bài báo với tựa đề “Đổi mới – mọi người phấn khởi thi đua xây dựng đất nước”. Bài báo ký tên Thái Văn Châu, nguyên trung úy chế độ Việt Nam Cộng hòa, ngụ ở phường 9, Phú Nhuận. Tìm anh Châu đưa bài và chờ anh sửa xong tôi mang về 63 Lý Tự Trọng đúng lúc Hành chính đóng ống báo gửi ra Hà Nội. Báo Quân đội nhân dân đăng ngay. Sau khi nhận được báo biếu, anh Châu rất mừng và còn giới thiệu tôi gặp gỡ một số bạn bè của anh nữa. Bạn bè anh Châu đều nói lên những cảm nghĩ chân thành, tâm huyết với quê hương đất nước, dù họ đã có một thời đứng bên kia chiến tuyến.

Thế rồi mấy tháng sau anh Châu bị bắt về tội tham gia một tổ chức phản động gì đó. Nghe tin, tôi vô cùng hoang mang, sửng sốt. Nhưng thật may, chỉ một thời gian ngắn, anh Châu được tha về vì quá trình điều tra cho thấy, anh Châu bị kẻ xấu vu khống, dựng chuyện. Về sau anh Châu thổ lộ cho tôi biết, một số “chiến hữu” của anh trước đây đã vượt biên sang Mỹ, rất cay cú khi vận động anh làm việc cho họ mà anh không nhận lời. Họ đã tìm cách hãm hại anh. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Thật ra, trong thời gian anh Châu bị bắt , tôi đã cố tìm ra lời giải về một con người mà tôi đặt nhiều niềm tin về sự chân thành, về quan điểm nhìn nhận xã hội một cách khách quan, có thiện chí. Thấy anh bị oan mà không biểu lộ một điều gì hờn trách chế độ, tôi lại càng quý anh. Cũng qua đó tôi hiểu thêm rằng, là người Việt Nam, ai cũng có một tình yêu Tổ quốc, dân tộc. Nếu biết khơi dậy tình yêu đó, họ sẽ có sức mạnh để phấn đấu vươn lên. Còn cuộc chiến tranh đã đi qua chỉ là hệ quả của những mưu đồ của các thế lực từ bên ngoài gây ra mà thôi. Và đã là người Việt Nam thì ai cũng cho rằng không có gì quý giá bằng đất nước được độc lập, thống nhất, không còn bóng dáng giặc ngoại bang, mọi người sống trong tự do, hòa bình xây dựng cuộc sống. Ngày nay, đất nước đã hòa bình, độc lập, thống nhất, nhưng vẫn còn đó những thế lực cố đeo bám hận thù, đang tìm cách phản bội dân tộc, vẫn tìm cách hãm hại đồng loại. Trường hợp anh Châu là một ví dụ. Chúng ta nên thường xuyên cảnh giác.

Đi thực tế gặp người này người khác, lắng nghe ý kiến, tâm tư của họ rồi về viết, suốt một tháng trời cứ đều đặn hai ngày tôi lại đến đưa  bài cho chỉ huy Ban Đại diện báo Quân đội nhân dân. Bài viết nào cũng ghi rõ họ tên, địa chỉ của người tôi tiếp xúc, đủ các thành phần và không quên cho họ xem lại. Lần nào nhận bài tôi đưa, anh Phạm Đình Trọng hay anh Trần Thế Tuyển cũng đọc qua. Các anh gật gật đầu, tôi mới an tâm. Khi trao đổi bài vở, các anh gợi ý cho tôi một số khía cạnh mới của cuộc sống, qua đó tôi định hướng bài viết của mình có trọng  tâm, sát với chủ đề hơn, không trùng lặp và cũng hấp dẫn hơn. Một điều mà tôi cũng như nhưng người tôi tiếp xúc thật sự vui mừng là ý kiến của người nào tôi gặp và viết thành bài cũng được cùng các bài có chung chủ đề, đăng trang trọng trên trang nhất của báo Quân đội nhân dân, ở chuyên mục “Nhân dân nghĩ về chế độ Xã hội chủ nghĩa”. Mỗi lần báo đăng bài, tôi mua hai tờ đem đến biếu cho “tác giả”. Ai nhận được báo cũng tỏ ra rất hồ hởi phấn khởi, tự hào. Nhiều người không thể ngờ rằng ý kiến của họ đã được tôi đưa lên công luận trên tờ Quân đội nhân dân, một nhật báo danh giá trong làng báo Việt Nam. Nhiều người cảm động đến nỗi khi cầm tờ báo đăng bài tay cứ run run. Trong cuộc đời làm báo của mình, thời gian một tháng thâm nhập đời thường để viết bài phản ánh những ý kiến của người dân, dù không kí tên mình, nhưng đó là những kỷ niệm sâu sắc một thời ở Ban Đại diện báo Quân đội mà tôi nhớ mãi và cho là có ý nghĩa nhất. Bởi vì, thông qua báo Quân đội nhân dân, tôi đã đưa tiếng nói và nguyện vọng của người dân đến với Đảng, với quân đội, góp phần nhỏ để tạo nên sự thống nhất giữa ý Đảng với lòng dân, giữa quân với dân luôn như cá với nước. Sau này, mỗi khi gặp nhau, anh Trọng, anh Tuyển vẫn thường nhắc lại những kỷ niệm này, mà có lẽ cho đến nay vẫn ít người biết đến./.

TP.HCM, ngày 5-6-2020 

Ngô Văn Hiền

Tin khác

Báo Nhà báo & Công luận trao học bổng cho sinh viên: Tạo động lực, tiếp lửa ước mơ…

Báo Nhà báo & Công luận trao học bổng cho sinh viên: Tạo động lực, tiếp lửa ước mơ…

(CLO) Ngày 25/4/2024, Đoàn công tác Báo Nhà báo & Công luận do nhà báo Lê Trần Nguyên Huy - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Q. Tổng biên tập báo Nhà báo & Công luận làm trưởng đoàn đã đến thăm và trao học bổng cho sinh viên có thành tích học tập cao, sinh viên nghèo vượt khó tại Viện Đào tạo Báo chí và truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn; Khoa Viết Văn – Báo chí, Đại học Văn hóa và Học viện báo chí và Tuyên truyền.

Nghề báo
Quỹ từ thiện 'Ước mơ xanh' - Báo Nhà báo & Công luận đồng hành với các bệnh nhi ung thư

Quỹ từ thiện "Ước mơ xanh" - Báo Nhà báo & Công luận đồng hành với các bệnh nhi ung thư

(CLO) Ngày 25/4, Đoàn công tác Báo Nhà báo & Công luận do nhà báo Trần Lan Anh - Phó Tổng biên tập Báo Nhà báo & Công luận làm trưởng đoàn đã đến thăm và trao quà cho các bệnh nhi ung thư đang điều trị tại Bệnh viện K Tân Triều và Bệnh viện Nhi Trung ương, Hà Nội.

Nghề báo
Báo Đồng Nai, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương đoạt giải nhất giải báo chí miền Đông Nam Bộ

Báo Đồng Nai, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương đoạt giải nhất giải báo chí miền Đông Nam Bộ

(CLO) Các tác phẩm vào chung khảo mùa giải lần thứ II có chất lượng tốt, đề tài hay, gần gũi với đời sống dân sinh, với yêu cầu phát triển của vùng Đông Nam Bộ. Số lượng bài tham gia nhiều hơn mùa giải thứ nhất, nhiều bài có chất lượng cao vào chung khảo.

Nghề báo
Ra mắt Tự truyện 'Sống đến bình minh' của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh

Ra mắt Tự truyện "Sống đến bình minh" của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh

(CLO) Sáng 25/4, tại Hà Nội đã diễn ra lễ ra mắt Tự truyện "Sống đến bình minh" của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh. Sự kiện do Đài tiếng nói Việt Nam (VOV), NXB Chính trị Quốc gia Sự thật và gia đình phối hợp tổ chức.

Nghề báo
Tôn vinh các tác giả tâm huyết, bản lĩnh, sáng tạo với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Tôn vinh các tác giả tâm huyết, bản lĩnh, sáng tạo với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

(CLO) Tối 24/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam và Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội tổ chức Lễ Tổng kết và trao giải Cuộc thi viết “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới” lần thứ ba (2023-2024); phát động Cuộc thi viết lần thứ tư (2024-2025).

Nghề báo