Nâng cao trách nhiệm của cơ quan chủ quản trong chỉ đạo, quản lý hoạt động báo chí

Thứ sáu, 03/04/2015 08:17 AM - 0 Trả lời

Nâng cao trách nhiệm của cơ quan chủ quản trong chỉ đạo, quản lý hoạt động báo chí

(NB&CL) - Trong những năm qua, nền báo chí nước ta đã có những bước phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ về nhiều mặt: số lượng và phạm vi phát hành các báo, tạp chí, trang thông tin điện tử, báo điện tử, đài truyền hình, ấn phẩm, chương trình ngày càng tăng; chất lượng nội dung, hình thức, công nghệ in ấn, truyền tải thông tin được cải thiện; đội ngũ nhà báo và những người làm việc trong các cơ quan báo chí phát triển cả về số lượng và trình độ chuyên môn nghề nghiệp…
 
Báo Công luận 
Hội thảo khoa học quốc tế "Kinh nghiệm Việt Nam và quốc tế về nghiệp vụ báo chí điều tra" 
 
Đến nay, có thể nói, hầu như tất cả các cơ quan bộ, ban, ngành Trung ương; các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp từ Trung ương đến địa phương, mỗi cơ quan đều có ít nhất một tờ báo, tạp chí hoặc trang thông tin, báo điện tử; có đơn vị ở Trung ương hoặc địa phương có đến hàng chục cơ quan báo chí với rất nhiều các loại ấn bản khác nhau. 
 
Báo chí đã tích cực thông tin, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân; tuyên truyền bảo vệ môi trường... thông tin cảnh báo, phòng chống lũ lụt thiên tai; phát hiện, cổ vũ những nhân tố mới, điển hình tiên tiến, những thành tựu phát triển đất nước và hội nhập quốc tế; tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các tệ nạn xã hội; đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực lý luận, tư tưởng, văn hóa; báo chí cũng góp phần quan trọng trong tuyên truyền đấu tranh bảo vệ chủ quyền biên giới, lãnh thổ, bảo vệ các vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc; góp phần quan trọng vào quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ, tạo sự đồng thuận trong xã hội.
 
Trong công tác thông tin đối ngoại, báo chí đã góp phần làm cho người nước ngoài và người Việt Nam đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài hiểu biết ngày càng rõ nét và đúng đắn hơn về đất nước, con người Việt Nam, về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta, trên cơ sở đó tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới, sự đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đa số các cơ quan báo chí đều hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ theo quy định trong giấy phép thành lập, bảo đảm thông tin trung thực, phù hợp với lợi ích đất nước và nhân dân, góp phần ổn định chính trị, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hoá lành mạnh của nhân dân. 
 
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, thành tựu, hoạt động báo chí thời gian qua còn bộc lộ không ít hạn chế, khuyết điểm. Một số cơ quan báo chí thiếu nhạy bén chính trị, chưa làm tốt chức năng tư tưởng, văn hóa, thậm chí có biểu hiện xa rời tôn chỉ, mục đích, xa rời đối tượng phục vụ, thiên về phản ánh các tiêu cực và tệ nạn xã hội, ít thông tin, tuyên truyền về các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước; khuynh hướng thương mại hóa báo chí theo kiểu giật gân câu khách, thiếu trách nhiệm với đạo đức xã hội ngày càng tăng. Một số cơ quan báo chí chưa chú ý xây dựng và tuân thủ đúng quy trình tác nghiệp, thiếu nhạy bén trong xử lý các tình huống; thông tin sai sự thật, thậm chí, có thông tin sai sót ở mức độ nghiêm trọng… 
 
Những ưu điểm, thành tựu cũng như những hạn chế, khuyết điểm của hoạt động báo chí thời gian qua bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân trước hết là do sự hạn chế, bất cập trong công tác chỉ đạo, quản lý của cơ quan chủ quản.
 
Thực tế thời gian qua cho thấy, có tình trạng buông lỏng quản lý, thiếu sâu sát, kiểm tra của cơ quan chủ quản và tự cho rằng “vô can” trước những sai phạm của cơ quan báo chí thuộc quyền. Không ít cơ quan chủ quản, nhất là một số tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp buông lỏng vai trò, trách nhiệm chỉ đạo, quản lý theo quy định đối với cơ quan báo chí thuộc quyền; có nơi, cơ quan chủ quản sau khi xin giấy phép thành lập cơ quan báo chí đã “khoán trắng” cho cơ quan báo chí toàn quyền quyết định mọi hoạt động; dẫn đến tình trạng có những cơ quan báo chí không chịu sự chỉ đạo, quản lý của cơ quan chủ quản. Một số cơ quan chủ quản thiếu quan tâm, hỗ trợ cơ quan báo chí tháo gỡ khó khăn, thậm chí còn yêu cầu cơ quan báo chí thuộc quyền đóng góp kinh phí hoạt động, lệ thuộc vào kinh phí của cơ quan báo chí; có trường hợp chưa tìm được cách tháo gỡ khó khăn, phải giải thể cơ quan báo chí thuộc quyền. Nhiều trường hợp xử lý sai phạm của cơ quan báo chí không nghiêm hoặc giải quyết không dứt điểm, kịp thời các vụ việc tiêu cực trong cơ quan báo chí, có biểu hiện bao che cho người đứng đầu cơ quan báo chí, dẫn đến khiếu nại, tố cáo vượt cấp, tác động tiêu cực tới tư tưởng cán bộ, phóng viên, biên tập viên.
 
Một số trường hợp cơ quan chủ quản bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí không đúng quy định, hoặc khi người đứng đầu cơ quan báo chí mất uy tín nhưng cơ quan chủ quản vẫn không có phương án thay thế, khiến nội bộ cơ quan báo chí mất đoàn kết kéo dài; chưa quan tâm đúng mức tới công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao trách nhiệm chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý và phóng viên, biên tập viên của cơ quan báo chí thuộc quyền. Có thể nói, vai trò, trách nhiệm chỉ đạo, quản lý của cơ quan chủ quản báo chí hiện nay chưa được thực hiện đầy đủ. Trong lúc đó, tại Khoản 6, Điều 12 của Luật Báo chí hiện hành nêu rõ nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chủ quản báo chí phải: “Chịu trách nhiệm trước pháp luật trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình đối với các sai phạm của cơ quan báo chí trực thuộc”. 
 
Tại Hội nghị báo chí toàn quốc triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2014, tổ chức ngày 14/01/2014 tại Hà Nội, đồng chí Đinh Thế Huynh- Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương- phát biểu kết luận, đã nhấn mạnh cần phải: “quyết liệt chấn chỉnh, khắc phục tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích, thông tin giật gân, câu khách. Các cơ quan chỉ đạo, nhất là cơ quan quản lý, cơ quan chủ quản cần thực sự vào cuộc, kiểm tra, xử lý nghiêm, kể cả việc có thể rút giấy phép hoạt động đối với những cơ quan báo chí, sản phẩm báo chí, nhất là các ấn phẩm phụ, số chuyên đề, chương trình giải trí, trang thông tin điện tử không thực hiện nghiêm túc tôn chỉ, mục đích, hạ thấp chất lượng văn hóa của báo chí, chạy theo lợi ích kinh tế một cách phi văn hóa, vô trách nhiệm với xã hội… Ở đây, vai trò cơ quan chủ quản là rất lớn, trực tiếp, có ý nghĩa quyết định”.
 
Để hoạt động của cơ quan báo chí đúng tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ, các cơ quan chủ quản báo chí cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, quản lý đối với các cơ quan báo chí thuộc quyền.
 
Trước hết, trên cơ sở những định hướng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác báo chí, các cơ quan chủ quản cần tiến hành rà soát chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan báo chí, sản phẩm báo chí, từ đó khẩn trương xây dựng đề án đổi mới, sắp xếp lại các cơ quan báo chí, sản phẩm báo chí của cơ quan, đơn vị, ngành mình theo hướng tinh gọn, thiết thực và hiệu quả, để báo chí thực sự là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, của các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp, là diễn đàn tin cậy của nhân dân. Kiên quyết xử lý, thu gọn các báo, tạp chí, ấn phẩm phụ, chương trình giải trí, trang thông tin điện tử xét thấy không cần thiết, hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ hoặc để sai phạm kéo dài.
 
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, thường xuyên của ban cán sự Đảng, Đảng đoàn và lãnh đạo cơ quan chủ quản đối với hoạt động của cơ quan báo chí thuộc quyền; coi trọng việc xây dựng tổ chức đảng trong cơ quan báo chí vững mạnh về mọi mặt, đề cao vai trò, trách nhiệm đảng viên của người làm báo, nhất là những người giữ cương vị lãnh đạo, quản lý trong cơ quan báo chí; đồng thời nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và định hướng hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, và chức năng, nhiệm vụ của người làm báo. Điều đó bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng và lãnh đạo cơ quan chủ quản thông qua các chủ trương, định hướng, nhưng không dùng mệnh lệnh áp đặt hoặc “cầm tay chỉ việc” đối với cơ quan báo chí thuộc quyền.
 
Chú trọng việc thực hiện đầy đủ và có hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chủ quản báo chí theo quy định tại Điều 12 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí và Nghị định số 51/2002/NĐ- CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí.
 
Để bảo đảm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chỉ đạo, theo dõi hoạt động của cơ quan báo chí, chịu trách nhiệm trước pháp luật trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình đối với các sai phạm của cơ quan báo chí trực thuộc, người đứng đầu cơ quan chủ quản cần phân công cán bộ lãnh đạo am hiểu Luật Báo chí và các quy định pháp lý về cơ quan báo chí và nghề làm báo trực tiếp phụ trách công tác báo chí để chỉ đạo, quản lý toàn diện mọi hoạt động và thông tin trên báo chí thuộc quyền. Đồng thời bổ nhiệm những người có phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và am hiểu báo chí để giữ các vị trí lãnh đạo, quản lý trong cơ quan báo chí thuộc quyền. Kiên quyết không bổ nhiệm, luân chuyển những người chưa được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ báo chí; chưa thực sự làm báo và qua công tác lãnh đạo, quản lý báo chí tham gia lãnh đạo cơ quan báo chí. Khi cơ quan báo chí thuộc quyền có sai phạm, lãnh đạo cơ quan chủ quản phải chủ động phát hiện và nhận trách nhiệm, đồng thời kịp thời và kiên quyết xử lý sai phạm theo đúng quy định của pháp luật.
 
Xây dựng quy chế chỉ đạo, quản lý cơ quan báo chí phù hợp với đặc điểm, tính chất của cơ quan, tổ chức; quy định chế độ kiểm tra hoạt động của cơ quan báo chí và thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát các hoạt động báo chí một cách chặt chẽ và linh hoạt; định kỳ báo cáo về hoạt động của cơ quan báo chí với Bộ Thông tin và Truyền thông. Công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên của cơ quan chủ quản góp phần giúp cơ quan báo chí phòng tránh tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ...
 
Cuối cùng, cần nhắc đến một yếu tố quan trọng là đạo đức báo chí. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc tu dưỡng đạo đức cách mạng cho người làm báo. Người chỉ rõ: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang viết là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2005 tập 10, tr. 616) và “Tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành...) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ, đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta phải có đường lối chính trị đúng”(Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2005, tập 9, tr.415). Để thực hiện tốt những lời chỉ huấn đó của Người, thiết nghĩ cơ quan chủ quản báo chí cần đóng vai trò quan trọng trong việc chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện cơ chế quản lý ở các cơ quan báo chí thuộc quyền, trong đó có việc xây dựng bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp báo chí của cơ quan báo chí. Cơ quan chủ quản phối hợp với Hội Nhà báo, quan tâm đến cơ chế quản lý, cổ vũ thúc đẩy đạo đức báo chí trong quá trình xây dựng cơ quan báo chí và tác nghiệp báo chí.
 
Cùng với cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, các cơ quan chủ quản báo chí cần thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo định hướng của Đảng và quy định của pháp luật nhằm góp phần quan trọng của mình vào việc phấn đấu xây dựng một nền báo chí Việt Nam chuyên nghiệp và hiện đại, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, đáp ứng nhu cầu thông tin của các tầng lớp nhân dân.
 
Ts. Trương Minh Tuấn 
(Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông)
 
Trong công tác chỉ đạo, định hướng báo chí, nhất là đối với các vụ việc, sự kiện lớn, quan trọng, phức tạp, nhạy cảm, cơ quan chủ quản cần chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí. Lãnh đạo cơ quan chủ quản trực tiếp phụ trách công tác báo chí có trách nhiệm phải tham gia đầy đủ các cuộc giao ban định kỳ giữa lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam để kịp thời chỉ đạo, định hướng thông tin trên báo chí; có biện pháp giải quyết những khó khăn, vướng mắc, chấn chỉnh kịp thời những hạn chế, khuyết điểm của cơ quan báo chí; đồng thời, biểu dương, khen thưởng những cơ quan báo chí thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền.

Tin khác

Công bố giải thưởng Báo chí Huỳnh Thúc Kháng lần thứ XVIII và 7 giải báo chí chuyên đề

Công bố giải thưởng Báo chí Huỳnh Thúc Kháng lần thứ XVIII và 7 giải báo chí chuyên đề

(CLO) Hội Nhà báo tỉnh Quảng Nam vừa ban hành thông báo thể lệ Giải thưởng Báo chí Huỳnh Thúc Kháng tỉnh Quảng Nam lần thứ XVIII (2023 - 2024) và các giải thưởng báo chí chuyên đề năm 2024.

Công tác hội
Hội Nhà báo TP Hà Nội bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp, dựng sản phẩm báo chí Longform

Hội Nhà báo TP Hà Nội bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp, dựng sản phẩm báo chí Longform

(CLO) Ngày 27/3, Hội Nhà báo thành phố Hà Nội đã tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ kỹ năng, phương pháp, tư duy dựng sản phẩm Longform bằng Canva và Sway cho các học viên là biên tập, phóng viên của các cơ quan báo chí trên địa bàn.

Công tác hội
Hơn 200 vận động viên tham gia Hội khoẻ Báo Đảng các tỉnh Tây Bắc mở rộng

Hơn 200 vận động viên tham gia Hội khoẻ Báo Đảng các tỉnh Tây Bắc mở rộng

(CLO) Chào mừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên phủ; 65 năm Ngày Bác Hồ về thăm, nói chuyện với đồng bào các dân tộc Tây Bắc tại tỉnh Sơn La, ngày 23/3, Báo Sơn La tổ chức giải thể thao Phan Xi Păng Báo Đảng các tỉnh khu vực Trung du - Miền núi phía Tây Bắc lần thứ XVI, năm 2024.

Công tác hội
Báo chí Cách mạng Việt Nam - thay đổi mạnh mẽ để giữ vững vị thế, hội nhập thế giới

Báo chí Cách mạng Việt Nam - thay đổi mạnh mẽ để giữ vững vị thế, hội nhập thế giới

(NB&CL) Lần đầu tiên, Diễn đàn Báo chí Toàn quốc được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh để thảo luận, mổ xẻ và đưa ra giải pháp về các vấn đề bức thiết nhất của báo chí Việt Nam.

Công tác hội
Hội Báo toàn quốc 2024: Quy mô, sôi động, giàu cảm xúc, nhiều ý nghĩa thiết thực

Hội Báo toàn quốc 2024: Quy mô, sôi động, giàu cảm xúc, nhiều ý nghĩa thiết thực

(NB&CL) Hội Báo Toàn quốc 2024 - một trong những sự kiện quy mô của giới báo chí trong năm 2024 - đã thực sự để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng những người làm báo và công chúng báo chí cả nước, là điểm nhấn về tính chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại của Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Công tác hội