Nâng cao trách nhiệm, đạo đức người làm báo

Thứ sáu, 03/04/2015 09:03 AM - 0 Trả lời

Nâng cao trách nhiệm, đạo đức người làm báo

(NB&CL) - Trong hai ngày 17, 18/4/2014, Hội nghị toàn quốc triển khai công tác Hội năm 2014 của Hội Nhà báo Việt Nam (HNBVN) với chủ đề “Nâng cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã diễn ra tại Quảng Ninh. Dự Hội nghị có đồng chí Phạm Minh Chính- Uỷ viên T.Ư Đảng, Bí thư tỉnh Quảng Ninh; đồng chí Thuận Hữu- Uỷ viên T.Ư Đảng, Chủ tịch HNBVN, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân; các đồng chí lãnh đạo HNBVN, đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương, cùng hơn 400 đại biểu đại diện 63 HNB tỉnh, thành phố, 19 Liên Chi hội và 206 Chi hội trực thuộc T.Ư Hội tham dự hội nghị.
  Báo Công luận
 
Đồng chí Thuận Hữu - Chủ tịch HNBVN trao Cờ Thi đua của HNBVN cho các Tập thể Hội xuất sắc 
 
Chỉ thị 37 - dấu ấn 10 năm
 
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Thuận Hữu – Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam- nhấn mạnh: Năm 2013, các cấp Hội từ Trung ương tới địa phương đã có rất nhiều cố gắng, nỗ lực, nâng cao một bước chất lượng, hiệu quả hoạt động Hội, nâng cao chất lượng báo chí, tăng cường các hoạt động xã hội, góp phần thiết thực vào thành tích chung trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước… Điều đó thể hiện rất rõ trong sự thành công của nhiều HNB địa phương, các LCH và chi hội trong thời gian qua. Tại Hội nghị, nhà báo Chu Nhạc- Chủ tịch LCH Nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam- chia sẻ: Để hoạt động hiệu quả, quan trọng nhất là sự ủng hộ của lãnh đạo Đài, sự sáng tạo của các cấp Hội trực thuộc, tổ chức nhiều sự kiện nhằm kêu gọi xã hội hóa. Ngoài ra, LCH Đài Tiếng nói Việt Nam cũng quan tâm nhiều đến các ấn phẩm báo chí, phối hợp giữa công tác Hội với chuyên môn nghiệp vụ. Từ đó vừa giúp nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí vừa tạo sự đoàn kết và gắn bó giữa các hội viên. Với kinh nghiệm hoạt động Hội những năm qua, nhà báo Vũ Anh Thao- Chủ tịch HNB tỉnh Thái Bình- cho rằng: HNB tỉnh Thái Bình thời gian qua quan tâm đặc biệt đến các tác phẩm tham dự Giải Báo chí Quốc gia, bám sát vào đặc thù của tỉnh để có những tác phẩm tốt, dự thi và đã đạt được nhiều giải thưởng cao. Từ đó giúp cho chất lượng hội viên nâng lên, vai trò của HNB vì thế cũng được khẳng định và phát huy. 
 
Một trong những điểm nhấn là hội nghị đã được nghe báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 37/CT/TW của Ban Bí thư T.Ư Đảng (khoá IX) “Về tiếp tục nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của HNBVN trong thời kỳ mới”. Trong 10 năm qua, các cấp Hội đã nghiêm túc triển khai thực hiện 6 nhiệm vụ cơ bản nêu trong Chỉ thị 37- chất lượng hoạt động của HNB đã được nâng lên đáng kể, có những bước chuyển rõ nét theo hướng đa dạng hoá, tập hợp, đoàn kết, hướng đội ngũ phóng viên nhà báo vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, làm tốt công tác thông tin, nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, tham gia phối hợp quản lý, chỉ đạo báo chí, xây dựng Giải Báo chí Quốc gia có uy tín… Đồng chí Hà Minh Ất- Phó Chủ tịch HNB tỉnh Yên Bái- cho rằng: Từ khi có Chỉ thị 37, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo có tăng lên. Chúng tôi bám vào các tiêu chí để hoạt động, đồng thời được lãnh đạo tỉnh quan tâm và ủng hộ. Thời gian qua, thực hiện tốt vai trò, chức năng chính là tập hợp, vận động hội viên tham gia các hoạt động của hội, bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên, quan tâm đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ cho hội viên, tạo ra một mối liên hệ chặt chẽ trong đội ngũ người làm báo... 
 
Tuy nhiên, Hội nghị cũng nghiêm túc nhìn nhận, chất lượng và hiệu quả hoạt động của Hội vẫn chưa cao, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Phương thức hoạt động Hội có đổi mới nhưng chưa theo kịp sự phát triển của báo chí. Nhiều HNB địa phương thì cho rằng, một trong những vướng mắc cơ bản dẫn đến những hạn chế đó là các vấn đề liên quan đến quy chế, quy định. Đồng chí Võ Xuân Phụng- Chủ tịch HNB tỉnh Bình Định- cho rằng: Sau 10 năm thực hiện chỉ thị 37 thì một số yêu cầu của Ban Bí thư về tổ chức thực hiện vẫn chưa được các ngành liên quan có những hướng dẫn đầy đủ. Trong đó có một số nội dung quan trọng mà các cấp Hội Nhà báo địa phương đang chờ đợi. Đó là các quy chế, quy định cụ thể để phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp HNB tham gia chỉ đạo và quản lý báo chí, hướng dẫn thực hiện các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động của HNB… Đồng chí cũng đề nghị Trung ương Hội cần quan tâm hơn nữa tới việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho hội viên HNB ở địa phương… 
 
Thực hiện tốt hơn nữa trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức nghề nghiệp 
 
Nhìn thẳng vào những hạn chế năm qua, đồng chí Thuận Hữu- Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam- khẳng định: Bên cạnh kết quả đạt được là cơ bản, đáng ghi nhận thì hoạt động của các cấp Hội còn một số tồn tại hạn chế, hoạt động báo chí còn mắc một số sai phạm, cần sớm được khắc phục. Đó là nội dung, phương thức, chất lượng hoạt động Hội chưa xứng tầm với vai trò, chức năng, nhiệm vụ của một tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp. Trong hoạt động báo chí còn tình trạng vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thậm chí vi phạm pháp luật…Năm 2014 và những năm tiếp theo mục tiêu lớn nhất của các cấp Hội là giáo dục hội viên thực hiện tốt hơn nữa trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam. Do vậy, nhiều tham luận đã đặt ra được những vấn đề cốt lõi trong việc nâng cao trách nhiệm của mỗi người làm báo trong thời đại mới. Đó là những ý kiến đóng góp thể hiện tâm huyết, trăn trở nhằm thúc đẩy sự phát triển của nền báo chí nước nhà. Đặc biệt, chất lượng hoạt động Hội và việc tăng cường các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi trong các hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam nói chung và các cấp Hội nói riêng không còn là câu chuyện “trong nhà” của giới báo chí mà là câu chuyện mang tầm vóc quốc gia, quốc tế trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay. 
 
Trong bối cảnh hiện nay, có thể thấy rằng, những vấn đề nổi cộm trên thế giới tác động không nhỏ tới tình hình chính trị, kinh tế xã hội mỗi quốc gia, Việt Nam không là ngoại lệ. Câu chuyện truyền thông như thế nào, công tác đối ngoại của Hội ra sao, chất lượng giao lưu quốc tế, nâng tầm vị thế của người làm báo đã được đặt ra tại hội nghị. Đồng chí Nguyễn Phương Nga - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao- đã có bài tham luận rất sâu sắc, trao đổi xung quanh vấn đề này. Đồng chí khẳng định: "Những năm qua giới báo chí đã làm được rất nhiều việc trong nhiệm vụ tuyên truyền về đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, về những vấn đề liên quan đến quốc gia, dân tộc, chủ quyền, nhân quyền… Trong tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ cố gắng tăng cường hơn nữa việc cung cấp thông tin định hướng cho báo chí thông qua cơ chế phối hợp giữa Bộ với Ban Tuyên giáo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam; tiếp tục phối hợp hơn nữa với Hội trong công tác đào tạo để giúp các nhà báo viết về lĩnh vực ngoại giao có sự hiểu biết, tránh những sự cố, những hiểu sai về đường lối ngoại giao của chúng ta. Tăng cường phối hợp với Hội trong các chương trình giao lưu quốc tế để nâng tầm vị thế và quảng bá đất nước". 
 
Tình trạng một bộ phận tờ báo chạy theo lối làm báo lá cải, thị trường chụp giật, phi nhân văn… đã khiến vấn đề nghĩa vụ công dân, đạo đức của người làm báo- trở thành vấn “nóng” được bàn luận nhiều nhất tại Hội nghị. Cổ nhân từng nói: Một người thầy thuốc mà sai lầm thì có thể giết chết một bệnh nhân, một nhà chính trị mà sai lầm thì có thể giết hại một dân tộc, một nhà làm văn hoá tư tưởng mà sai lầm thì có thể giết hại cả một thế hệ… Đi sâu vào vấn đề trách nhiệm của mỗi người làm báo trong truyền thông, đồng chí Hoàng Hữu Lượng- Cục trưởng Cục Báo chí- khẳng định: "Tình hình vi phạm báo chí tiếp tục diễn ra, dư luận kêu nhiều trước một số ấn phẩm đi vào khai thác quá nhiều mặt trái của xã hội. Có nhiều tờ báo nhìn trang nhất không khác gì một tờ cáo phó… Tình trạng giết người, cướp của là thông tin cần cảnh báo nhưng chúng ta đưa nhiều quá thì sẽ phản tác dụng. Thời gian gần đây, báo chí đưa thông tin sai sự thật giảm, đơn thư kiện cáo có giảm nhưng tính nghiêm trọng thì không giảm. Trong các nguyên nhân thì có thể là do nghiệp vụ yếu kém, nguồn tin chưa đầy đủ, quy trình làm báo chưa thực hiện đúng, tình trạng dựa vào thông tin trên mạng thiếu kiểm chứng vì phải chạy đua với thời gian… Nhưng nguyên nhân sai nguy hiểm nhất là xuất phát từ đạo đức của người làm báo, đó là cái sai có chủ đích, không thể tha thứ…Người làm báo đôi khi vì những mục đích tư lợi mà đưa thông tin không đúng, xuyên tạc sự thật, làm ảnh hưởng tới những người khác… Năm nay Hội Nhà báo Việt Nam lấy chủ đề hội nghị liên quan đến vấn đề đạo đức, tôi rất tán đồng. Chúng ta nâng cao đạo đức thì trách nhiệm không phải chỉ là của HNB Trung ương mà của cả HNB các cấp, không phải chỉ của cơ quan báo chí mà vai trò của Hội Nhà báo là rất lớn..."
 
Kết luận Hội nghị, đồng chí Thuận Hữu- Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam- ghi nhận và tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu trong việc nâng cao chất lượng hoạt động Hội trong thời gian tới. Đồng chí đã giải đáp những đề xuất, kiến nghị của Hội Nhà báo các cấp về các vấn đề như cơ chế, chính sách; vấn đề tổ chức nhân sự; công tác Hội; hoạt động nghiệp vụ.. Đồng chí đặc biệt nhấn mạnh đến 2 trong số các nhiệm vụ chính trong năm tới, đó là nỗ lực triển khai thực hiện đầy đủ Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc làm việc của Thủ tướng với lãnh đạo Hội ngày 23/7/2013… Và điều quan trọng thứ hai là tập trung thực hiện chủ đề năm 2014 là “Nâng cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đồng chí cho rằng, trách nhiệm- nghĩa vụ- đạo đức của người làm báo ở các nước đều quan trọng như nhau nhưng mỗi một quốc gia lại có những quy tắc riêng. Vì vậy, để thực hiện có hiệu quả những giải pháp này trong thời gian tới rất cần sự phối hợp và đồng lòng chung tay của tất cả các hội viên, nhà báo chúng ta…
 
Phát biểu chào mừng tại Hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đã cảm ơn và đánh giá cao sự nỗ lực cũng như những đóng góp quan trọng của báo chí và Hội Nhà báo Việt Nam đã cùng sát cánh với sự phát triển của Quảng Ninh trong những năm qua. Đồng chí khẳng định, tỉnh Quảng Ninh luôn dành tình cảm, sự quan tâm, chia sẻ đặc biệt và sẽ luôn tạo mọi điều kiện để phóng viên báo chí tác nghiệp một cách thuận lợi và hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng giới thiệu tới Hội nghị những tiềm năng, thế mạnh và định hướng phát triển của Quảng Ninh, trong đó nhấn mạnh đến việc thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, với 7 nhiệm vụ trọng tâm mà Quảng Ninh đang thực hiện.
 
Ngọc Lành - Hà Vân

Tin khác

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

(NB&CL) Ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ được khai mở, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Thực hiện chỉ thị của Người, ngay từ cuối năm 1953, công tác chuẩn bị cho chiến dịch được ráo riết tiến hành với quyết tâm cao độ và tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Góc nhìn
Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn