Ngành Tài chính chủ động tham gia cách mạng công nghiệp 4.0

Thứ năm, 27/09/2018 08:02 AM - 0 Trả lời

(CLO) Thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và nền kinh tế số, Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế tất yếu đó. Tiến hành tốt việc chuyển đổi số sẽ giúp Việt Nam chủ động và thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0 hướng tới một quốc gia số, quốc gia thông minh.

Nhận diện những cơ hội, thách thức

Phát biểu tại Hội thảo - Triển lãm Vietnam Finance 2018 diễn ra ngày 26/9 tại Hà Nội, ông Trương Bá Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cho biết, Bộ Tài chính hiện đang chủ động tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 ở cả hai cấp độ là phạm vi quốc gia và phạm vi ngành.

Với phạm vi quốc gia, Bộ Tài chính góp phần thu hút, phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính cho đầu tư phát triển các yếu tố của cách mạng công nghiệp 4.0. Đó là các chính sách tài chính khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động đổi mới công nghệ, đầu tư vào lĩnh vực CNTT và các công nghệ tiên tiến như chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, hỗ trợ đầu tư. Nguồn lực tài chính công được phân bổ hiệu quả cho các lĩnh vực ưu tiên gắn với các yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0, như cho khoa học - công nghệ, CNTT và giáo dục…

Trong phạm vi ngành, Bộ Tài chính đã áp dụng thành công các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 trong các lĩnh vực thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Tài chính nhằm tăng cường hiệu quả điều hành chính sách tài khóa, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính, giảm chi phí quản lý và chi phí tuân thủ...

Báo Công luận
 Các diễn giả tham gia thảo luận tại Vietnam Finance 2018. Ảnh: Bộ Tài chính

Bộ Tài chính đã bước đầu ứng dụng nhiều công nghệ mới là công nghệ “lõi” của cách mạng công nghiệp 4.0 gồm: công nghệ di động (Mobility), công nghệ phân tích dữ liệu lớn (Analytics), công nghệ điện toán đám mây (Cloud) và công nghệ bảo mật (Security) trong thực hiện cải cách thủ tục tục hành chính, nâng cao năng lực quản trị công, nhằm tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng, bình đẳng trong tiếp cận các cơ hội phát triển.

Công nghệ di động đã được ứng dụng trong cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trên hệ thống cổng thông tin điện tử toàn ngành nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp có thể truy cập, sử dụng dịch vụ công trực tuyến mọi lúc, mọi nơi thông qua mạng Internet.

Các cơ sở dữ liệu quốc gia về Tài chính và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành được xây dựng, phát triển. Toàn ngành Tài chính đã nghiên cứu, áp dụng công nghệ ảo hóa máy chủ trong hệ thống CNTT nhằm tối ưu hóa hiệu quả đầu tư phần cứng cũng như giải quyết nhanh các yêu cầu tăng trưởng hạ tầng phần cứng trong thời gian ngắn. Đặc biệt, từ năm 2017, Bộ Tài chính đã áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để triển khai cung cấp Hệ thống hỏi đáp chính sách tài chính tự động trên Cổng TTĐT Bộ Tài chính.

Nhờ những nỗ lực này, 6 năm liên tiếp kể từ năm 2013 đến nay, Bộ Tài chính luôn đứng đầu về Chỉ số ứng dụng CNTT (ICT Index) trong khối các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Việc chủ động áp dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ mang lại lợi ích hỗ trợ công tác quản lý tài chính của ngành mà còn mang lại hiệu quả rõ rệt cho toàn xã hội, giúp ngành Tài chính từng bước hình thành nền tảng của Chính phủ điện tử và hướng tới xây dựng Chính phủ số phù hợp với định hướng chuyển đổi số theo chỉ đạo của Chính phủ tại Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 28/4/2017.

Hiện thực hóa ngành tài chính điện tử vào năm 2020

Với sự chủ động của mình, hiện nay Bộ Tài chính đã đưa ra lộ trình và mục tiêu thực hiện chuyển đổi số, xây dựng nền tảng quản trị thông minh, cung cấp các dịch vụ tài chính thông minh, tham gia tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế số.

Theo ông Đặng Đức Mai - Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính, ngành Tài chính đưa ra lộ trình đến năm 2020 sẽ hiện thực hóa ngành tài chính điện tử hướng tới chính quyền phục vụ, lấy người dân làm trung tâm và nâng cao hiệu quả hoạt động toàn ngành thông qua chính quyền điện tử và các công cụ số hóa. Đến năm 2025, cơ bản thiết lập hệ sinh thái ngành tài chính số trong đó Chính phủ đóng vai trò kiến tạo và kết nối với các bên thông qua việc mở, chia sẻ dữ liệu và các nền tảng số hóa phép nhiều bên tạo ra các dịch vụ tài chính thông minh. Đến năm 2030, Chính phủ thông qua một ngành tài chính hiện đại và vững mạnh dẫn dắt sự phát triển của kinh tế số dựa trên đẩy nhanh các giá trị gia tăng của dịch vụ tài chính, chuyển đổi mô hình kinh tế bao hàm kinh tế số.

Ngành Tài chính nắm giữ ba lĩnh vực rất quan trọng gồm thuế, kho bạc và hải quan. Vì vậy, ông Đặng Đức Mai cho rằng điều này đặt ra thách thức với ngành là làm sao tạo được cơ sở dữ liệu tập trung, và hướng tới mở và chia sẻ dữ liệu, các nền tảng số hóa cho phép nhiều bên tạo ra các dịch vụ tài chính thông minh.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cũng nhấn mạnh vấn đề quan trọng nhất của chuyển đổi số quốc gia tại Việt Nam là “dữ liệu”. Đặc biệt, cần xem xét đến việc chia sẻ và bảo vệ được các dữ liệu để từ đó tạo động lực phát triển cho nhiều ngành nghề khác, cho toàn xã hội và người dân. Một trong những tiêu chí đo lường mức độ thành công của chuyển đổi số là việc theo dõi cách thức tạo ra và sử dụng, chia sẻ và bảo vệ dữ liệu thế nào. Tại Việt Nam, trong bối cảnh hiện nay, lĩnh vực tài chính và ICT được đánh giá là có mức sẵn sàng cao nhất cho Chuyển đổi số dựa trên khối lượng dữ liệu khổng lồ đang được tạo ra hàng ngày.

Các công nghệ “lõi” như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây (cloud computing), dữ liệu lớn (Big data), Internet Vạn vật (IoT) vẫn đang và sẽ là nhân tố quan trọng để có thể tạo đột phá trong phát triển, thúc đẩy tiến trình Chuyển đổi số. Tuy nhiên, con đường tiến hành chuyển đổi số sẽ diễn ra không hề êm ả như những gì vẫn được nói tới. Thách thức đối với Chuyển đổi số tại Việt Nam sẽ là: Nguồn lực và kỹ năng, văn hóa và nhận thức, an toàn, an ninh mạng. Cho dù Việt Nam có tiến hành chuyển đổi số hay không thì khi đoàn tàu cách mạng công nghiệp 4.0 đến, chúng ta cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, với sự chủ động và quyết tâm của ngành Tài chính, các chuyên gia cho rằng ngành Tài chính sẽ là một trong các ngành đi đầu trong triển khai chuyển đổi số tại Việt Nam, phù hợp với xu thế mới và thúc đẩy được vai trò của mình đối với xã hội.

PV

Tin khác

Chứng khoán 28/3: Nhà đầu tư tranh mua Techcombank

Chứng khoán 28/3: Nhà đầu tư tranh mua Techcombank

(CLO) Trong phiên chứng khoán 28/3, cổ phiếu TCB của Techcombank trở thành tâm điểm khi được nhà đầu tư tranh nhau mua vào.

Tài chính - Bảo hiểm
Funtap liên tục báo lỗ, lộ diện pháp nhân liên quan cũng chỉ phát hành game Trung Quốc

Funtap liên tục báo lỗ, lộ diện pháp nhân liên quan cũng chỉ phát hành game Trung Quốc

(CLO) Không chỉ Funtap mà một công ty game liên quan cũng liên tục đăng ký mới phát hành game Trung Quốc.

Tài chính - Bảo hiểm
Nhận chuyến đi Pháp 5 ngày 4 đêm xem Olympic 2024 cùng thẻ Vietcombank Visa

Nhận chuyến đi Pháp 5 ngày 4 đêm xem Olympic 2024 cùng thẻ Vietcombank Visa

(CLO) Khách hàng sử dụng thẻ Tín dụng và Ghi nợ quốc tế cá nhân mang thương hiệu Vietcombank Visa có cơ hội nhận được Chuyến du lịch 5 ngày 4 đêm đến Pháp và vé tham gia Thế vận hội Olympic 2024.

Tài chính - Bảo hiểm
Agribank: 36 năm: Kiên định, vững vàng cùng sứ mệnh “Tam nông”

Agribank: 36 năm: Kiên định, vững vàng cùng sứ mệnh “Tam nông”

(NB&CL) 36 năm hình thành và phát triển (26/3/1988 – 26/3/2024) là tròn 36 năm, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) kiên định và thực hiện xuất sắc sứ mệnh riêng vốn có của mình “vì Tam nông”.

Tài chính - Bảo hiểm
Hội thảo “Xu hướng tín dụng xanh và định hướng cho hoạt động kinh doanh của Vietcombank”

Hội thảo “Xu hướng tín dụng xanh và định hướng cho hoạt động kinh doanh của Vietcombank”

(CLO) Ngày 22/3/2024, Vietcombank đã tổ chức thành công Hội thảo “Xu hướng tín dụng xanh và định hướng cho hoạt động kinh doanh của Vietcombank” tại Trụ sở chính, 198 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Tài chính - Bảo hiểm